Monday, 18 March 2013

FUKUSHIMA & BỔN PHẬN PHẪN NỘ (Báo TỔ QUỐC, số 154, ngày 15-4-2013)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ sáu, 15 Tháng 3 2013 01:23

Nước Nhật vừa long trọng kỷ niệm hai năm tai họa Fukushima ngày 11/03/2011. Tổng kết đã rất kinh khủng: 19.000 người chết, thiệt hại vật chất trên 250 tỷ USD, nghĩa là hai lần tổng sản lượng của Việt Nam, 300.000 người vẫn chưa có nhà ở. Tuy vậy thiệt hại thực sự, nhân mạng cũng như vật chất, do sự phát nổ của nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi vẫn còn chưa lượng định được .

Nhà máy này đã phát nổ vì ngọn sóng thần đã cao 15m chứ không phải chỉ 7m tối đa như dự trù vào lúc xây dựng, dù Nhật là nước tiên tiến, nhiều kinh nghiệm nhất về động đất và sóng thần, đồng thời cũng là nước đứng hàng đầu thế giới về sự chính xác. Fukushima nhắc lại cho thế giới thêm một lần nữa bài học khiêm tốn : chúng ta không bao giờ có thể tiên liệu được hết những tai nạn. Đối với năng lượng nguyên tử thận trọng và dè dặt, thậm chí lo sợ, phải là thái độ chủ đạo.

Càng phải thận trọng hơn nữa vì Nhật đang khám phá ra một sự thực khác: sự phá hủy và tháo gỡ một nhà máy điện nguyên tử khó hơn và tốn kém hơn rất nhiều so với dự tính. Vào giờ này các chuyên gia Nhật cho rằng phải ít nhất bốn mươi năm nữa việc tháo gỡ mới hoàn tất. Dĩ nhiên số nạn nhân thiệt mạng vì nhiễm phóng xạ sẽ chỉ biết được dần dần với thời gian.

Nhật đang khám phá lần đầu những vấn đề từng đặt ra cho Pháp, nước có tỷ lệ điện nguyên tử cao nhất trên thế giới. Pháp vừa lấy quyết định ngừng hoạt động và tháo gỡ nhà máy điện Fessenheim đã khá cũ. Đây là một đề tài đã từng gây tranh luận sôi nổi trong cuộc bầu cử tổng thống năm trước nên đã được dư luận đặc biệt theo dõi. Và quần chúng Pháp ngỡ ngàng khi được biết rằng có những nhà máy điện nguyên tử đã ngưng hoạt động từ gần ba mươi năm qua nhưng việc tháo gỡ vẫn chưa thực sự bắt đầu được vì người ta liên tục phát hiện những khó khăn to lớn mới, ngoài những vấn đề khổng lồ đã được dự trù trong việc xử lý hàng trăm nghìn tấn vật liệu, kim loại cũng như bê tông và chất lỏng, nhiễm phóng xạ ở những mức độ khác nhau. Người ta vẫn biết vấn đề an ninh là rất nghiêm trọng đối với các nhà máy điện nguyên tử nhưng đã không thể dự trù được hết mọi vấn đề, mặc dù Công Ty Điện Lực Pháp EDF là công ty lớn nhất và cũng có kỹ thuật cao nhất thế giới về điện nguyên tử. Cuối cùng thì trái với những lượng định trước đây, điện nguyên tử không những đã không rẻ mà còn để lại cho các thế hệ mai sau những chi phí bảo trì lớn, đồng thời với những mối nguy lớn.

Người ta càng không hiểu nổi quyết định của chính quyền CSVN dự trù xây dựng 14 lò điện nguyên tử từ nay đến năm 2030, bắt đầu bằng bốn lò tại Ninh Thuận. Nhất là Việt Nam hoàn toàn không phù hợp với điện nguyên tử. Với trình độ kỹ thuật của chúng ta xác xuất tại nạn rất lớn và nếu phải di tản dân chúng trong vòng 30 km chung quanh lò điện như tại Fukushima và Tchernobyl thì không phải 300.000 người mà hơn hai triệu người. Nhưng di tản đi đâu và với phương tiện nào? Kinh khủng. Trước những cảnh giác và phản kháng của các chuyên gia chính quyền CSVN đã chỉ có một giải thích xấc xược: đó là một quyết định lớn của Đảng và vì thế không thể thay đổi. Một quyết định lớn của những cái đầu nhỏ và những trái tim nhỏ. Vinashin, Vinaline, Bô-xít Tây Nguyên cũng đã là những quyết định lớn của Đảng. Quyết định lớn bao nhiêu thiệt hại lớn bấy nhiêu, nhưng lần này mối nguy có thể là sự hủy diệt của chính đất nước.

Phải phẫn nộ!

Ban biên tập Tổ Quốc






No comments:

Post a Comment

View My Stats