23-3-2013
Hôm thứ Ba 5/3, Hugo Chavez, tổng thống đã nắm quyền ở Venezuela trong 14 năm qua, đã qua đời ở tuổi 58 sau thời gian dài cầm cự với bệnh ung thư. Với biệt tài hùng biện hệt như một nhà truyền giáo, ông Chavez đã lãnh đạo một phong trào dân tộc chủ nghĩa, điên cuồng bài Mỹ, dùng tiền bán dầu lấy lòng dân chúng và các nước lân bang, đánh bại mọi đối thủ chính trị và củng cố chế độ độc tài kiểu mới.
Trong vai trò chính khách, nhà độc tài mạnh mẽ Hugo Chavez có cả người mê lẫn kẻ ghét. Nhưng trong vai trò lãnh đạo kinh tế, hình ảnh của ông kém hào nhoáng hơn, và thậm chí bị chê là “nhà quản lý tồi”. Sau khi đắc cử tổng thống vào năm 1999, ông đã phung phí cơ hội đưa đất nước đi lên.
Công bằng mà nói, thời kỳ cầm quyền của Chavez không phải là thất bại về mọi mặt. Chính quyền của ông đã tiến những bước dài trong việc xóa đói nghèo và bất bình đẳng thông qua chương trình tái phân phối lợi tức. Nhưng chủ yếu thành tựu đó nhờ vào một thập niên tận hưởng lợi nhuận dễ dàng từ dầu hỏa, rồi mạnh tay chi tiền cho nhiều công cuộc vô bổ ở nội địa lẫn ngoại quốc, trong khi ngành dầu mỏ của đất nước mục rữa từ bên trong.
Như Daniel Yergin, nhà phân tích năng lượng và tác giả đoạt giải thưởng Pulitzer, nhận xét hôm 5/3, toàn bộ con đường sự nghiệp của Chavez được dọn sẵn bằng thị trường dầu hỏa. Venezuela có trữ lượng dầu đã khẳng định lớn nhất thế giới. Và cuối thập niên 1990, ảnh hưởng trầm trọng của giá dầu sụt giảm thê thảm đã giúp người từng là lính nhảy dù và từng đi tù vì cầm đầu đảo chính bất thành nhanh chóng trở thành lãnh tụ phản kháng nổi tiếng và lên làm tổng thống qua bầu cử dân chủ. Khi giá dầu tăng vọt trở lại trong những năm 2000, Venezuela giàu lên, và quyền lực của Chavez càng vững vàng.
Ngay từ lúc mới lên cầm quyền, ngẫu hứng và tùy tiện là đặc trưng phong cách lãnh đạo của Chavez. Rất nhiều lần, ông đưa ra những quyết định hệ trọng theo kiểu “ứng khẩu”, thường là khi đang huyên thuyên trong những chương trình truyền hình “Aló Presidente” (Xin chào Tổng thống) hàng tuần trên đài truyền hình quốc gia.
Về chính sách kinh tế, ông đặc biệt có xu hướng áp dụng những giải pháp ăn xổi như thường xuyên phá giá đồng tiền, tịch thu sung công những công ty tư nhân, và tăng lương cho công chức để đối phó với lạm phát, thay vì giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế. Phong cách “chữa lửa” này vẫn tiếp tục ngay cả khi ông đang nằm chữa bệnh ở Cuba: hồi tháng Hai, phó tổng thống Nicolas Maduro phá giá 32% đồng bolivar.
Vì vậy, Venezuela thừa hưởng từ Chavez một di sản đáng buồn với cơ sở hạ tầng rệu rã, chi tiêu chính phủ không bền vững và công nghiệp kém hiệu quả. Nhờ những chương trình xã hội của ông, người nghèo Venezuela chắc chắn đã được hưởng lợi từ nguồn thu do dầu mang lại cho đất nước, nhiều hơn so với dưới thời của chính phủ trước kia mà theo cách gọi của Chavez là giới chóp bu thối nát. Nhưng còn nhiều nghi ngờ về việc phần lớn nguồn lợi dầu hỏa đó đã bị phung phí – không chỉ do tham nhũng, mà còn vì bất tài.
Người dân có sung túc hơn năm 1998?
Trong thời gian Hugo Chavez cầm quyền, từ năm 1999 tới nay, mức độ bất bình đẳng lợi tức ở Venezuela đã dần dần giảm đi, cũng giống như ở phần lớn các nước trong khu vực. Hiện nay, Venezuela có mức độ phân phối lợi tức (đo bằng hệ số Gini) công bằng nhất ở Châu Mỹ La-tinh. Năm 2011, hệ số Gini của Venezuela đã giảm xuống còn 0,39, trong
khi của Brazil là 0,52 (bản thân con số này cũng là mức thấp nhất trong lịch sử).
Nhưng sẽ sai lầm nếu đánh giá thành tựu chống đói nghèo của Chavez mà không đối chiếu với các nước khác trong khu vực. Brazil, Peru, và Colombia cũng có những tiến bộ đáng kể về những chỉ số như mức nghèo đói và tỉ lệ tử vong của trẻ em ở những nền kinh tế tư bản truyền thống hơn. Tính chung, Châu Mỹ La tinh ngày càng đi lên. Mà không tiến bộ mới là khó: lục địa giàu tài nguyên này đã đạt tới mức độ ổn định chính trị tương đối vào thời điểm mà cả thế giới đang khao khát dầu, thực phẩm, gỗ, và khoáng sản. Chỉ có điều Chavez hành xử như một tay chơi bài nghiệp dư, trong tay có đủ các quân bài tốt nhưng vẫn không thắng được.
Như vậy mỗi người dân Venezuela được chia phần bánh đều hơn. Chỉ có điều là cái bánh cũng chẳng lớn hơn bao nhiêu. Arturo Franco ở Trung tâm Phát triển Quốc tế của Viện đại học Harvard, nói: “Venezuela là nền kinh tế lớn thứ năm ở Châu Mỹ La-tinh, nhưng trong thập niên vừa qua, nước này có tỉ lệ tăng trưởng GDP bình quân đầu người thấp nhất”.
Theo ông Franco, còn tùy ta đánh giá tiến bộ của Venezuela theo chuẩn mực nào. Nếu ta so sánh đời sống dưới thời Chavez với 20 năm trước, thời kỳ Chavez tốt đẹp hơn. Nhưng nếu ta so sánh với thành quả kinh tế vượt bậc của các nước láng giềng Brazil và Colombia trong cùng thời kỳ, bỗng nhiên tình hình không còn sáng sủa nữa. Và với giá một thùng dầu hiện nay cao gấp khoảng 10 lần so với giá vào thời điểm Chavez đắc cử lần đầu tiên, phe chống đối cho rằng lẽ ra ông đã có thể và đã nên làm nhiều hơn nữa cho quốc dân.
Kinh tế chỉ dựa vào dầu
Với Venezuela, dầu thô chính là nền kinh tế. Năm Chavez lên cầm quyền, dầu chiếm 81 phần trăm kim ngạch xuất cảng. Do Chavez không đa dạng hóa ngành nghề, nên dầu vẫn là trụ cột của nền kinh tế Venezuela, chiếm tới 95% nguồn thu ngoại tệ trong năm 2009. Có thời điểm, giá trị dầu thô khai thác từ các mỏ dầu của Venezuela bằng với 41% GDP của đất nước.
Năm 2001 Chavez thông qua luật yêu cầu các công ty dầu ngoại quốc trả tiền thuê mỏ để khai thác cao hơn, khiến họ rút bớt vốn đầu tư. Năm 2002, các đối thủ chính trị tiến hành một cuộc đảo chính bất thành hòng lật đổ Chavez. Cũng năm đó, 18 ngàn công nhân (chiếm 40%) ở công ty dầu quốc doanh Petróleos de Venezuela
(PDVSA) tham gia tổng đình công nhằm buộc ông từ bỏ quyền hành, khiến sản xuất đình trệ. Rốt cuộc họ bị sa thải và thay thế bằng những người ủng hộ Chavez, và chính quyền Chavez tiếp quản PDVSA vào năm 2003. Cuối cùng, vào năm 2006 và 2007, Chavez ra tay
quốc hữu hóa toàn bộ ngành dầu hỏa, khiến những công ty nước ngoài như Exxon Mobil rời bỏ nước này. Kết quả là cùng với sản lượng (và do vậy cả lượng xuất cảng) tụt dốc, giảm từ mức cao hơn 3 triệu thùng/ngày xuống còn khoảng 1,7 triệu thùng/ngày.
Khoảng 50% nguồn thu của chính phủ xuất phát từ ngành dầu hỏa, chủ yếu từ PDVSA. Nhưng giới chỉ trích đã cáo buộc công ty này lơ là việc bảo trì trong khi tuồn doanh thu từ dầu vào những chương trình xã hội của chính phủ, đặc biệt sau vụ nổ hồi tháng 8/2012 ở nhà máy lọc dầu Amuay (lớn nhất nước) khiến 42 người thiệt mạng.
Thay vì đầu tư vào PDVSA để tăng sản lượng, Chavez coi đó như một con bò sữa, ra sức vắt kiệt ngân quỹ của nó để tài trợ cho chi tiêu xã hội dành cho nhà ở, y tế và giao thông vận tải. Không dễ gì biết được số tiền đó đã được chi xài ra sao. Nhưng chính phủ đã ngày càng can dự vào mọi khu vực của nền kinh tế, gây thiệt hại cho khu vực tư nhân.
Hồi tháng 9/2012, hãng tin Reuters ấn hành một báo cáo đặc biệt về tập đoàn quốc doanh Fonden (hiện chiếm một phần ba trong tổng số vốn đầu tư ở Venezuela). Báo cáo đó phát hiện một loạt các cơ sở vật chất bị bỏ phế hoặc xây nửa chừng, bao gồm một nhà máy giấy, nhà máy nhôm và một đội xe buýt không sử dụng – tất cả dường như đều nhận tiền từ Fonden. Kể từ khi thành lập vào năm 2005, Fonden đã tiếp thu 100 tỉ Mỹ kim từ tiền bán dầu của Venezuela.
Vào cuối tháng Giêng, chính phủ giảm 19% tiền đóng góp của PDVSA cho Fonden, xem như báo trước một đợt cắt bớt chi tiêu công cộng. Nhưng chừng nào bối cảnh chính trị thời kỳ hậu Chavez chưa định hình rõ ràng, những người kế nhiệm ông chưa dám làm mất lòng dân bằng những chương trình thắt lưng buộc bụng.
Chi tiêu công cộng liệu có bền vững?
Trong thời gian dẫn tới thắng lợi tái đắc cử hồi tháng 10 năm ngoái, Chavez đã đặt ưu tiên cho chương trình nhà xã hội dành cho người có lợi tức thấp, triển khai kế hoạch xây ba triệu căn nhà trước năm 2018. Chương trình nhà ở này đã làm tăng đáng kể chi tiêu công cộng – và tạo nên hy vọng lớn lao trong những người chưa có nhà.
Theo ngân hàng Bank of America-Merrill Lynch, kết quả là chi tiêu chính phủ đã tăng 30% tính theo giá thực (sau khi khử lạm phát) trong giai đoạn 12 tháng trước bầu cử. Nhưng cử chỉ vung tay quá trán này đã đánh đòn nặng vào tài chính công. Hãng nghiên cứu Capital Economics ước tính rằng thâm thủng tài khóa của Venezuela tăng lên tới 9% GDP trong năm 2012, còn Morgan Stanley nhận định con số đó có thể tới nay đã là 12%.
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Venezuela ước tính đã tăng trưởng hơn 5% trong năm 2012, nhưng sẽ có suy giảm trong năm 2013, với tỉ lệ tăng trưởng chỉ có 1,8%, trong khi nhiều nhà phân tích tiên liệu nước này sẽ bị suy thoái trong năm nay.
Lần phá giá đồng tiền Venezuela gần đây sẽ giúp cải thiện tình hình tài chính của chính phủ. Vì giá dầu tính bằng Mỹ kim, đồng bolivar sụt giá sẽ làm tăng giá trị tính bằng nội tệ của doanh thu bán dầu, giúp nhà nước có thêm tiền mặt.
Trên lý thuyết, điều đó cũng sẽ giúp hàng hóa từ những ngành khác của nền kinh tế Venezuela xuất cảng được nhiều hơn. Nhưng giới quan sát cho rằng khu vực sản xuất công nghiệp của nước này quá nhỏ nên cũng chẳng hưởng lợi được bao nhiêu – đó là một hệ quả khác của việc Venezuela tập trung vào dầu hỏ và loại trừ tất cả những ngành còn lại.
Dùng dầu để đi vay
Vậy nhà nước lấy tiền đâu ra để mạnh tay chi tiêu trước kỳ bầu cử? Giới đầu tư tư nhân nước ngoài chắc chắn đã tránh xa kể từ khi chiến dịch quốc hữu hóa của Chavez bắt đầu. Lạm phát cao (vẫn ở mức 20% mỗi năm) cũng chẳng giúp gì hơn. Tổ chức khảo sát kinh tế Consensus Economics
nhận định: “Lạm phát và chi tiêu chính phủ tăng vọt – cộng với những biện pháp kiểm soát tiền tệ và vốn – đã tạo ra mức thâm thủng ngân sách ngày càng cao. Chính quyền đang ngày càng lệ thuộc vào nợ nước ngoài để tài trợ cho mức thâm thủng này”.
Nói “nợ nước ngoài” thì phải hiểu là vay tiền của Trung Quốc. Theo hãng tin Bloomberg, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (một tổ chức quốc doanh) đã cho Venezuela vay
42,5 tỉ Mỹ kim trong thời gian 5 năm. Hồi tháng 9/2012, Tổng trưởng Dầu hỏa Rafael Ramirez cho
biết trong số 640 ngàn thùng dầu mỗi ngày Venezuela xuất cảng sang Trung Quốc, có 200 ngàn thùng dành để trả nợ cho Bắc Kinh.
Trừ phi tình trạng kém hiệu quả của PDVSA được giải quyết, những khoản nợ này vẫn còn đó và có thể sẽ tăng lên khi khoảng cách giữa mức chi tiêu và nguồn thu của đất nước càng nới rộng ra.
Tác động đối với khu vực
Hẳn nhiên không khó phát hiện bằng chứng về sự phung phí trong chi tiêu chính phủ trong những năm Chavez tại vị. Nhưng việc chi xài quá mức không chỉ dừng lại ở nội địa. Nhằm để truyền bá ảnh hưởng của cuộc cách mạng Bolivarian, Chavez đã cho phép Cuba và những nước khác trong khu vực hưởng lợi từ những thương vụ rẻ như cho và những khoản cho vay lãi suất thấp theo những chương trình ALBA và Petrocaribe.
Chính quyền sắp tới sẽ phải quyết định liệu có tiếp tục bỏ tiền tài trợ cho mạng lưới ngoại giao dầu hỏa rộng khắp đó hay không. Trong khi đó, nhiều nước ở khu vực Caribbe, hiện đang lâm vào cảnh giảm sút du lịch do suy thoái kinh tế toàn cầu, sẽ hy vọng rằng chiếc phao cứu sinh kinh tế của Venezuela sẽ không biến mất.
Không phải Chavez ra đi và để lại con số không tròn trĩnh cho Venezuela. Nhưng thay vì giúp người nghèo bằng cách đưa đất nước đi trên con đường tiến tới thịnh vượng lâu dài, ông đã cố tái dựng mô hình kinh tế từ lâu đã bị mất tín nhiệm với quốc doanh là chủ đạo, khiến ngành công nghiệp quan trọng nhất của quốc gia bị rệu rã và gây tác hại tới thị trường tiêu dùng. Khó mà hình dung về lâu về dài sẽ có ai hưởng lợi từ di sản đó.
Tham khảo:
Robert Plummer, “Hugo Chavez leaves Venezuela in economic muddle”,
BBC News, 5/3/2013.
Jordan Weissmann, “Hugo Chavez’s Sad, Oil-Soaked Economic Legacy”,
The Atlantic, 5/3/2013.
Simon Romero, “Hugo Chavez, Venezuela’s Polarizing Leader, Dies at 58”,
The New York Times,
5/3/2013.
(Bài đã đăng trên Thời Mới Canada, 13/3/2013.)
No comments:
Post a Comment