Saturday 16 March 2013

CỨU BẤT ĐÔNG SẢN - MỘT VIỆC LÀM KHÔNG TƯỞNG (Việt Hoàng - Thông Luận)




Được đăng ngày Thứ bảy, 16 Tháng 3 2013 15:56

Báo chí Việt Nam vừa cho hay, một dự thảo chính sách vừa được chính quyền đưa ra là Ngân hàng nhà nước sẽ bơm 30.000 tỉ đồng (1,4 tỉ đôla) vào hệ thống ngân hàng để cứu khu vực bất động sản và giải quyết vấn đề nợ xấu với tên gọi “Thông tư về qui định cho vay hỗ trợ mua nhà”.

Kế hoạch này sẽ được đưa vào áp dụng sau khi công bố một tháng, bắt đầu từ ngày 15/4/2013. Số tiền này sẽ được giải ngân trong 3 năm, từ 15/4/2013 đến 15/4/2016. Theo dự thảo, khoản hỗ trợ nhằm mục đích giúp các ngân hàng cho người thu nhập thấp, công nhân viên chức và người trong quân ngũ vay vốn ưu đãi ở lãi suất 6% một năm trong vòng 10 năm để thuê, mua nhà ở xã hội và để mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. 5 ngân hàng tham gia vào kế hoạch này là: Ngân hàng nông nghiệp, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Ngân hàng TMCP phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long.

Với lãi xuất 6%/năm để mua nhà trả góp, mới nghe qua tưởng chừng rất hấp dẫn và khả thi vì hiện tại lãi xuất vay ngân hàng đang ở mức 12-18%. Trong khi đó các ngân hàng thì đang ngập đầu trong đống nợ xấu mà chủ yếu là do liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Theo số liệu chính thức từ Bộ Xây dựng thì số nợ từ khu vực bất động sản đã lên tới con số khổng lồ: 1 triệu tỉ đồng, tương đương với 48 tỉ đôla.

Bất động sản tại Việt Nam xì hơi bắt đầu từ giữa năm 2011 đến nay, nhất là ở phân khúc các căn hộ chung cư và các dự án dang dở, giá bất động sản đã mất giá từ 30 đến 50% so với giá lúc đỉnh điểm. Tuy nhiên đáy của giá bất động sản vẫn chưa được thiết lập và đang còn nhiều ẩn số. Theo nhà báo, blogger Đào Tuấn thì “Sau 3 lần sốt giá, giá nhà-đất ở Việt Nam đã tăng hơn 100 lần trong vòng hai thập kỷ, kể từ những năm 90. Giáo sư Đặng Hùng Võ có lần đưa ra so sánh giá nhà đất cao hơn gấp 25 lần so với thu nhập bình quân của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển, và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. Đó là một thứ giá nhà “đang vi vu trên đỉnh của thế giới”, trong khi thu nhập của người Việt ở nhóm thấp nhất thế giới. Phải cày như trâu, phải bóp mồm bóp miệng bao nhiêu năm thì một người Việt chân chính mới có thể mua được một căn nhà? Nếu là bộ trưởng, phải cỡ 40 năm mới có thể mua được nhà thu nhập thấp- như lời đương kim thứ trưởng Bộ Xây dựng. Nếu là người lao động, thì phải 75 năm, tức là phải ở độ tuổi “cổ lai hy” hoặc thậm chí vào lúc “nhắm mắt xuôi tay”- như lời nguyên thứ trưởng Đặng Hùng Võ”.

Mặc dù giá bất động sản tại Việt Nam vẫn đang “ở trên trời” nhưng chính quyền Việt Nam thay vì làm cho nó hạ nhiệt bằng cách để thị trường tự điều tiết thì chính quyền lại ra tay giúp đỡ nhóm lợi ích bất động sản. Vấn đề này đã được bàn tán nhiều trong dư luận và mọi người đều khẳng định rằng không thể cứu được thị trường bất động sản bằng các mệnh lệnh hành chính hoặc bằng sự can thiệp của chính quyền. Giá bất động sản và thu nhập của người Việt Nam đang có khoảng cách rất lớn. Khi cung không gặp cầu thì thị trường phải đóng băng. Giá bất động sản phụ thuộc vào ba yếu tố chính là: Nhu cầu, thu nhập và tâm lý. Nhu cầu của người Việt Nam về nhà ở là có thật và rất lớn nhưng thu nhập của họ không đủ để thực hiện ước mơ của mình và tâm lý chờ đợi của người dân vẫn đang còn mạnh mẽ. Tâm lý bầy đàn của người dân là đổ xô đi mua bất động sản khi nó tăng giá hàng ngày và sẽ chờ đợi khi nó đang hạ giá với hy vọng là giá sẽ còn xuống nữa, kể cả khi giá bất động sản đã trở về giá gốc.

Muốn có được một nền kinh tế thị trường phát triển thì phải gia tăng được khả năng tiêu thụ và mua sắm của dân chúng. Và để có được sức mua của người dân thì cần có hai yếu tố quan trọng, đó là: thu nhập và niềm tin vào tương lai. Thị trường Việt Nam thiếu cả hai yếu tố trên. Vì vậy thay vì tung tiền cứu trợ các nhóm lợi ích bất động sản, chính quyền nên dành tiền đầu tư phát triển cho các ngành công nghiệp và sản xuất để tạo ra thu nhập cho người dân. Thật là vô lý khi chính quyền tìm mọi cách tận thu tiền bạc của người dân như thu phí bảo trì giao thông đường bộ đối với xe gắn máy, phạt xe không chính chủ, phạt người dân dùng mũ bảo hiểm dỏm… trong khi lại dùng tiền thuế của người dân để hỗ trợ các nhóm lợi ích như trong lĩnh vực bất động sản. Việc cứu trợ các nhóm lợi ích này cũng tạo ra một tiền lệ rất xấu đó là khuyến khích các công ty tập đoàn cứ việc kinh doanh bừa bãi và khi gặp khó khăn thì kêu gọi nhà nước giúp đỡ còn nếu thuận lợi thì tiền đút túi.

Tiềm lực kinh tế của người dân vẫn còn rất lớn, theo nhiều dự đoán thì số vàng đang được người dân cất giữ lên đến 800 tấn và số tiền vào khoảng 5 tỉ đôla. Tuy nhiên để khơi thông được dòng chảy của nguồn tiền khổng lồ này thì vấn đề niềm tin cần phải đặt ra một cách minh bạch và nghiêm túc. Cách điều hành và xử lý của chính quyền là yếu tố chính để tạo ra niềm tin nơi dân chúng. Tiếc thay chính quyền Việt Nam đã không làm được được điều đó vì sự thao túng và giật dây của các nhóm lợi ích khác nhau.

Chúng ta đều biết là nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Nếu chính quyền không có những quyết định dứt khoát và can đảm thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng và ngày càng nghiêm trọng thêm. Các nhóm lợi ích, với tiềm lực và quan hệ của mình ngày càng chủ động áp đặt các luật chơi lên trên lợi ích của người dân và đất nước. Trong khi chính quyền thì ngày càng phụ thuộc vào các nhóm lợi ích này. Việc tung 30.000 tỉ đồng để cứu các nhóm lợi ích bất động sản vừa là một dấu hiệu xấu cho nền kinh tế Việt Nam vừa minh chứng cho sự bất lực trong việc lấy các quyết định quan trọng trong những tình huống khẩn cấp của chính quyền Việt Nam.

Cùng với việc chính quyền Việt Nam quyết định vay 10 tỉ đôla của Nga để xây nhà máy điện nguyên tử tại tỉnh Ninh Thuận bất chấp sự phản đối của giới khoa học và dư luận, thì rất đúng với nhận định của xã luận báo Tổ Quốc, số 154: “Người ta càng không hiểu nổi quyết định của chính quyền CSVN dự trù xây dựng 14 lò điện nguyên tử từ nay đến năm 2030, bắt đầu bằng bốn lò tại Ninh Thuận. Nhất là Việt Nam hoàn toàn không phù hợp với điện nguyên tử. Với trình độ kỹ thuật của chúng ta xác xuất tại nạn rất lớn và nếu phải di tản dân chúng trong vòng 30 km chung quanh lò điện như tại Fukushima và Tchernobyl thì không phải 300.000 người mà hơn hai triệu người. Nhưng di tản đi đâu và với phương tiện nào? Kinh khủng. Trước những cảnh giác và phản kháng của các chuyên gia chính quyền CSVN đã chỉ có một giải thích xấc xược: đó là một quyết định lớn của Đảng và vì thế không thể thay đổi. Một quyết định lớn của những cái đầu nhỏ và những trái tim nhỏ. Vinashin, Vinaline, Bô-xít Tây Nguyên cũng đã là những quyết định lớn của Đảng. Quyết định lớn bao nhiêu thiệt hại lớn bấy nhiêu, nhưng lần này mối nguy có thể là sự hủy diệt của chính đất nước”.

Làm gì để thị trường bất động sản Việt Nam trở nên lành mạnh và hồi phục? Người viết đồng ý với ý kiến của tiến sĩ Alan Phan:
Giải pháp thật đơn giản: các bác cứ ngồi yên (hay đi chữa bệnh ở nước ngoài) và để giá BĐS rớt 30 đến 50% nữa. Khi các doanh nghiệp BĐS thấy các bác nói KHÔNG với mọi gói, mọi cách… để cứu họ, qua tiền in hay tiền thuế của dân, qua các biện pháp hành chánh áp đặt… họ sẽ tỉnh ngộ và bỏ chạy. Dĩ nhiên khi bong bóng BĐS nổ, hơn phân nửa ngân hàng thương mại sẽ lăn ra chết vì nợ xấu, chỉ số chứng khoán sẽ rơi tự do và các nhà giàu sẽ thấm thía bài học của thị trường. Tuy nhiên, phần lớn người dân sẽ vỗ tay reo mừng, vì cơ hội làm chủ một căn nhà đã thành hiện thực. Và những ảnh hưởng tích cực sau đây sẽ quay về giúp nền kinh tế tiến về một định hướng bền vững hơn.
1. Khi đa số người dân sở hữu một căn nhà, tầm nhìn và niềm tin của họ vào tương lai vững vàng hơn. Bây giờ họ có một tài sản gì để mất; do đó, sự đóng góp của họ vào nền kinh tế sẽ năng động và tích cực.
2. Niềm tin này mới là “gói kích cầu” quan trọng hơn cả cho thị trường tiêu dùng và nó sẽ kích hoạt các cơ sở công nghiệp cũng như nông nghiệp gia tăng sản xuất, giảm lượng tồn kho và cải thiện năng suất lao động để cạnh tranh. Nên nhớ là tiền dự trữ trong dân nhiều gấp 3 lần tiền dự trữ của chánh phủ;
3. Khi các zombies (xác chết biết đi) bị loại bỏ khỏi hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán, những định chế sống sót sẽ mạnh hơn nhờ thị phần gia tăng; sẽ chăm chú hơn vào ngành nghề cốt lõi (sau bài học đầu tư đa ngành) và lo trau luyện những kỹ năng cần cho sự cạnh tranh dài hạn;
4. Lạm phát hay tỷ giá sẽ không tăng tốc lâu dài, vì chánh phủ không cần in tiền thêm để cứu ai (một thông điệp rất rõ cho các DNNN) và ngân sách sẽ bội thu nhờ thuế phí tăng thu từ sự tăng trưởng GDP; cũng như nguồn ngoại tệ sẽ dồi dào hơn với sinh lực mới của khu vực xuất khẩu;
5. Khi kinh tế vĩ mô ổn định và khi luật thị trường thay thế luật “hành dân”, niềm tin quay lại với các nhà đầu tư quốc tế và kiều hối. Kênh ngoại tệ này sẽ thâu ngắn sự hồi phục và giúp chúng ta một lợi thế cạnh tranh mới”.

Câu hỏi đặt ra sau cùng là nếu chính quyền vẫn không chịu lắng nghe ý kiến của người dân mà chỉ làm theo đề nghị của các nhóm lợi ích thì sao? Câu trả lời chỉ có một: Tất cả mọi người dân phải chung tay, góp phần vào công cuộc dân chủ hóa đất nước, để bầu ra một chính quyền đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đa số người dân thay vì một chính quyền chỉ biết phục vụ cho các nhóm lợi ích.

Việt Hoàng

--------------------------------


BS Hồ Hải    13-3-2013




No comments:

Post a Comment

View My Stats