Saturday 16 March 2013

ĐẢNG CHỦ LẬP HIẾN & DÂN CHỦ LẬP HIẾN (Võ Thanh Liêm , Cần Thơ)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ bảy, 16 Tháng 3 2013 14:58

Phong trào góp ý sửa đổi hiến pháp 1992 do ĐCSVN khởi động đã thổi vào nhiều luồng gió mát mẻ, nhiều sinh khí cho khung cảnh chính trị xơ cứng. Đó là ý muốn thay đổi hiến pháp theo chiều hướng dân chủ.

Bao năm qua cơ cấu chính trị Việt Nam bị đè nặng bởi bóng ma Trung Quốc cả về hình thức cũng như nội dung. Hiến pháp của chế độ quân chủ lập hiến được dùng để giới hạn quyền của nhà vua. Hiến pháp của chế độ Đảng chủ lập hiến được dùng để tăng thêm và củng cố quyền của ĐCSVN. ĐCSVN hiện là chủ nhân ông của toàn thể đất nước và người Việt Nam. Một hiện trạng mang lại nhiều rủi ro, ách tắc không đáp ứng được với nhu cầu cấp bách của dân tộc. Những nhu cầu đó là chống giặc ngoại xâm đang đến từ Trung quốc và canh tân đất nước. Họ bị ràng buộc bởi ý thức hệ và nhiều quan hệ bất minh với kẻ thù dân tộc.

Thời gian từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 2013 đã có hàng vạn công dân Việt Nam góp ý sửa đổi hiến pháp. Hầu như tất cả những ai có địa vị, danh vọng, lương tri đều góp sức góp phần. Họ đến từ nội bộ đảng viên CS, từ bên ngoài đảng, từ Phật giáo như là đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, Phật giáo Hoà Hảo và Hội đồng Giám mục Công giáo. Họ kêu gọi những gì? Nếu chúng ta lắng nghe thì ngoài vài tiểu tiết khác biệt, điểm nhấn của tất cả những ước nguyện hàng đầu là xoá bỏ điều 4 hiến pháp, tam quyền phân lập, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tư hữu hóa đất đai, phi chánh trị hóa quân đội tức có nghĩa là dân chủ thật sự.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài có tựa là Hãy để nhân dân Việt Nam quyết định đăng trong website của chíng ông ngày 4/3/13 đã kể ra chính xác những thể chế chính trị của các nước tiền tiến bao gồm Quân chủ lập hiến, Đại Nghị lập hiến và Tổng thống chế. Ông kết luận là không nên sao chép ai hết, mỗi người mỗi khác, đừng ai xen vào, hãy để người dân Việt Nam quyết định. Nhưng ông quên không xét rằng những thể chế chính trị như Đại Nghị và quân chủ lập hiến kia đều là nền tảng của những nước hùng mạnh phát triển nhất địa cầu. Thể chế đảng chủ lập hiến của Việt Nam thì đang đưa đất nước lún ngày càng sâu vào quỹ đạo Trung Quốc. Mất nước, tuyệt chủng là đại họa trước mắt. Ông Bí Thơ Nguyễn Phú Trọng thì nói là ai nói trái với ý ông đều là vô đạo đức cả (Vĩnh Phúc 25/2/13).

Riêng tôi thì rất tâm đắc với hầu hết những đề nghị về hiến pháp của nhóm 72 nhân sỹ, của nhóm Công dân tự do, của các tôn giáo trong đó có tiếng nói của thầy Thích Quảng Độ kêu gọi thành lập ba đảng chính trị lớn bao gồm 1 tả, 1 hữu và 1 trung hòa trong thể chế dân chủ đa nguyên (RFA 11/3/2013). Có một sự đồng thuận bên ngoài ĐCSVN là vai trò lập pháp của quốc hội phải được nâng cao mà thể chế Đại Nghị và tam quyên phân lập là mục tiêu hướng tới của nhiều người. Riêng Tổng Thống chế có nhiều bất cập mà chúng ta nên thận trọng và né tránh. Có một đoạn phân tích về Tổng thống chế, ông Nguyễn Gia Kiểng đã viết: “Đối với nhiều người Việt Nam, kể cả người cộng sản, có lẽ tương lai của Việt Nam sau này đương nhiên là chế độ tổng thống. Tuy nhiên chế độ tổng thống là một chế độ rất dở. Cho đến nay trong lịch sử thế giới đã chỉ có một trường hợp chế độ tổng thống tương đối thành công là Hoa Kỳ. Tất cả các quốc gia theo chế độ tổng thống đã thất bại. Trong đại đa số, nó đưa đến độc tài, trong những trường hợp còn lại, nó đưa đến một xung đột bế tắc giữa tổng thống và quốc hội, đặt quốc gia trong tình trạng căng thẳng thường trực”.

Nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên, trong những điều anh mong muốn qua bài“Vài lời với TBT DCSVN Nguyễn Phú Trọng” có điều làm tôi chú ý đó là: “Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc”. Nói một cách khác, một nước lớn như Việt Nam cần có 6 hoặc 8 tiểu bang có chính phủ và ngân sách riêng. Những tiểu bang này góp phần đa dạng hóa kinh tế, phong phú hóa chủ trương, phát huy rèn luyện lãnh đạo và góp phần kềm chế khuynh hướng độc tài nguy hiểm.
Theo thiển nghĩ, chúng ta phải tìm cách dung hòa giữa nguy hiểm của nạn độc tài và tai họa của sự phân hóa. Hiện tại Việt Nam đang bị cả 2 đại nạn này ám hại. Độc tài bởi vì bản chất của đảng cộng sản và phân hóa dửng dưng của thường dân trước họa ngoại xâm. Tất cả là vì không ai có quyền gì hết và không ai làm chủ cái gì hết. Phải kết hợp mọi người bằng tư hữu hóa đất đai, dân chủ hóa chính trị. Tam quyền phân lập vẫn không thể là toàn hảo nhưng vẫn tốt hơn độc tài. Trong Tam quyền phân lập, nghị viên, dân biểu quốc hội dẫu nhiều nhưng thực tế chứng minh phẩm chất của họ không cao hoặc những người tốt và giỏi không chen chân vào được nghị trường. Luật lệ thường được ban hành cho đa số theo lệ dân chủ. Ai sẽ bảo vệ cho thiểu số sắc tộc, thiểu số trí thức và thiểu số doanh nhân? Độc lập của Tư pháp thì tốt rồi nhưng nếu Tư Pháp, đặt biệt là các thẩm phán ngu xuẩn, gian ác ai sẽ kiểm soát hạng người ấy?

Trên trang Facebook, bài “Sửa hiến pháp chứ không phải xây hầm trú ẩn”, tháng 2 năm 2013, tác giả Huy Đức đã viết: “Ủy ban sửa đổi hiếp pháp, vì thế, phải thay đổi quy trình làm việc của mình. Thay vì cắm đầu viết lách, bước một, chuẩn bị những vấn đề phải trình Quốc hội biểu quyết đưa ra trưng cầu dân ý. Điều phải trưng cầu dân ý đầu tiên là Việt Nam nên chọn mô hình cộng hòa đại nghị (nơi quốc hội bầu ra chính phủ và nguyên thủ quốc gia) hay cộng hòa tổng thống (nơi cử tri trực tiếp bầu ra nguyên thủ).
“Cộng hòa đại nghị thường thành công hơn ở các quốc gia đi từ nền quân chủ lập hiến. Nơi hoàng gia, tuy không trực tiếp cầm quyền, vẫn còn uy tín để trị vì như một biểu tượng quốc gia. Tuy các triều vua của Việt Nam đã bị "phế từ lâu", vẫn nên hỏi xem dân chúng muốn tìm một hoàng thân hay tự tay bầu ra tổng thống.”

Lời đề nghị của Huy Đức có phần hợp lý. Quanh khu vực gần Việt Nam có nhiều quốc gia phú cường theo chế độ quân chủ lập hiến như Nhật Bản, Thái Lan, Mã Lai, Úc, Tân Tây Lan, và những nước tân hưng như Campuchia cũng không ngừng phát triển vượt qua lịch sử nồi da xáo thịt.

ĐCSVN sẽ không bao giờ bỏ điều 4 hiến pháp, vì như thế sẽ là tự sát. Đó là lời tuyên bố của ông cựu chủ tị̣ch nước Nguyễn Minh Triết. Thế nhưng giữ điều 4 hiến pháp cũng sẽ dẫn đến kết quả tương tự. Cái chết sau lôi theo vận mạng quốc gia dân tộc còn tai hại hơn. Đó là thế tiến thoái lưỡng nan của đảng CSVN. Hai lựa chọn giữ và bỏ điều 4 đều sẽ dẫn đến cái chết của ĐCSVN. Khi đó là dịp hồi sinh của dân tộc Việt Nam.

Hiến Pháp 1992 không cần sửa mà phải viết mới. Giống như Đắc Kỷ ló đuôi chồn, nhiều điều trong hiến pháp 1992 và dự thảo sửa đổi bây giờ có kết thúc bằng câu “theo luật định”. Một hiến pháp như vậy có cũng như không vì nó tự đặt mình dưới tất cả những thứ luật vớ vẫn khác. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã ấn hành một văn kiện quan trọng mang tên là “Thành Công Thế kỷ 21”. Văn kiện này có thể thay vào chổ trống đó vì đặc điểm hữu ích cho dân tộc, dung hòa nhiều xu hướng chính trị mà cốt lõi vấn đề là cởi trói và dân chủ hóa cho Việt Nam.

Cái Răng, Cần Thơ, 15/3/13
Võ Thanh Liêm




No comments:

Post a Comment

View My Stats