Tạp
ghi Huy Phương
Sunday,
March 17, 2013 3:43:46 PM
Từ ngày vào trại tập trung cộng sản, tôi mới nghe nhiều đến hai
tiếng “chỉ tiêu,” và cũng khốn khổ vì hai tiếng này. Người tù ăn theo định mức
nhưng làm theo chỉ tiêu. Mỗi ngày theo lệnh trại, dưới sự quản chế của cai tù,
nhất là với sự đốc thúc của những tên đội trưởng chỉ huy, đội phó kế hoạch, mà
trước đây chính là “chiến hữu” của mình, theo dõi, kiểm soát. Một người tù phải
lao động vất vả để hoàn tất mỗi ngày việc vun 6 luống khoai, 15 hố sắn, chặt đủ
12 cây luồng, 2 bó củi hay cuốc nửa sào đất tùy theo “lệnh” mỗi ngày. Chỉ tiêu
chưa đủ, tranh thủ làm thêm. Nghĩ đến phải đào những cái hố sắn, mỗi bề chỉ có
8 tấc trên những ngọn đồi đất đá, mỗi lần nhát cuốc chạm vào những hòn đá, sức
mạnh bật ngược trở lại cái thân thể ốm đói của người tù, như những ngọn roi tra
tấn khó quên. Người lính thất trận hao gầy, ốm yếu theo năm tháng tù đày, và
không ít người đã nằm lại trên những vùng đồi núi, không bao giờ trở về.
Chế độ cộng sản dùng chỉ tiêu để cai
trị và dùng thành tích để khoa trương, lừa dối dân chúng. Chỉ tiêu này đã
nhiều lần vấy máu, mà dù lịch sử đã được những người cộng sản viết lại cũng
không bao giờ rửa hết mùi tanh. Cuộc “cải cách ruộng đất” tại vùng đất “độc
lập-tự do-hạnh phúc” Bắc Việt từ năm 53-56, theo sự “chỉ tiêu” thỏa thuận của
cố vấn Tàu và Trường Chinh, tổng bí thư đảng, trưởng ban chỉ đạo cuộc đấu tố
“cải cách ruộng đất” là phải có 5% địa chủ trên tổng số nông dân. Theo tài liệu
của Vũ Thư Hiên, con số địa chủ bị thảm sát rất khó thống kê, ước tính từ 4,000
đến 5,000 người.
Hai
tiếng “chỉ tiêu” đã giết và cầm tù bao nhiêu người dân. Chỉ tiêu “làm sạch tệ
nạn xã hội” không căn cứ vào thực trạng của mỗi địa phương, mà đảng ra lệnh mỗi
xã bao nhiêu dân thì phải có bao nhiêu thành phần cần tập trung vào trại “cải
tạo,” do đó đã xẩy ra không biết bao nhiêu số phận oan khuất.
Năm
1980, ở trại tù Phú Sơn, Bắc Việt, tôi đã được gặp một người tù trẻ tuổi, nhưng
khuôn mặt già cỗi và thân hình ốm yếu, nhỏ bé của em khó có thể đoán được tuổi
đời. Em cho biết tuổi của em là 13, nhưng đã có 5 tuổi tù, bị đày đọa qua nhiều
trại “cải tạo,” bây giờ chẳng còn biết cha mẹ là ai, nhà cửa ở đâu. Năm em lên
8 tuổi, tại trường học, chỉ vì đánh lộn với một thằng bé, con trưởng công an
xã, nhân lấy cho đủ chỉ tiêu, em được liệt vào thành phần băng đảng xã hội,
chúng giật em ra khỏi vòng tay của cha mẹ, cho em làm người tù không bản án. Từ
đó đến nay, mỗi lúc nhớ đến những trại tù cộng sản, tôi lại nhớ đến hình ảnh
của em. Thực tâm, tôi không mong là em còn sống trên đời này, khi cuộc sống còn
thua một con chó, khi tôi trông thấy em lần mò dưới những chiếc bàn để kiếm một
miếng xương vịt của những người “tù cải tạo” chúng tôi vừa nhả ra, trong một
bữa ăn “bồi dưỡng” trước khi phải lên đường chuyển đến một trại tù khác.
Chính
vì chỉ tiêu và chiến dịch thi đua, vượt chỉ tiêu trước ngày hạn định nên những
công trình xây dựng chỉ chuộng hình thức, ngay cả những phương tiện liên quan
đến sự chết sống của dân, như những cây cầu, những hầm xuyên núi, những con
đường, những đập chắn nước, chưa khánh thành đã phải tu sửa. Các công trình này
chỉ cố gắng làm cho nhanh để hoàn tất trước thời hạn và chỉ tiêu được cấp trên
giao phó, mà không chú trọng đến chất lượng...
Cần
đạt được chỉ tiêu để báo cáo thành tích, nên con người phải gian dối cho vừa
lòng cấp trên của chế độ. Thời chiến tranh, dân nghèo miền Bắc, mỗi năm ngày lễ
Tết, dân nghèo mới có được một bát cơm trắng, mà Nguyễn văn Tý cũng đẻ ra được
một “Bài Ca 5 Tấn” để ca tụng thành tích của nông dân.
Chỉ
một việc “hạn chế đà gia tăng dân số” tại Việt Nam đã là một chuyện buồn cười.
Ðược trung ương giao “chỉ tiêu,” suốt hai năm liền, huyện Châu Thành A, Hậu
Giang dẫn đầu tỉnh về phong trào triệt sản. Một người triệt sản được phát 2
triệu đồng, không có tiền thì quy ra gạo. Có người đàn ông độc thân cũng được
ghi danh triệt sản để lãnh tiền. Có người đã có con, vợ đã bị mổ tử cung, không
còn sinh nở được cũng có tên trong danh sách tình nguyện triệt sản. Nguyên tắc
triệt sản là tự nguyện và không ai đi vận động những người chưa có gia đình hay
chưa có con. Chính quyền địa phương, điển hình là huyện Châu Thành A, Hậu
Giang, vận động không đúng người hay gian dối để “vượt chỉ tiêu” bằng cách ghi
tên một phụ nữ không còn sinh nở được vào danh sách những người tình nguyện
triệt sản. Do đó địa phương này đã “vận động” được 329 trường hợp, có thị trấn
trong khi chỉ tiêu là 8, nhưng vượt chỉ tiêu đến 98. Vừa được bằng khen vì
thành tích, vừa có cơ hội kiếm tiền, đó là “ưu điểm” của những tên “đầy tớ của
nhân dân.”
Giáo
dục hẳn là quan trọng đối với một quốc gia. Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo Việt Nam vừa
công bố “chỉ tiêu” đào tạo tiến sĩ ở ngoại quốc theo đề án 911 năm 2013, là
1,100 người. Hèn chi Hà Nội ngày nay tiến sĩ chạy đầy đường như xe gắn máy!
Trong
các trường học, thầy, cô giáo chỉ chú trọng đến vấn đề làm sao tỉ lệ học sinh
tốt nghiệp cao vượt qua chỉ tiêu đã đặt ra, để vượt qua các trường bạn, kết quả
là học sinh nào cũng tốt nghiệp, dẫn đến hiện tượng một nhà giáo tốt nghiệp đại
học, với kiến thức “canh gà Thọ Xương” cũng đại loại như “bánh cuốn Thanh Trì”
hay “nem Thủ Ðức!” Ðạt chỉ tiêu để “lập công dâng đảng” là điều quan trọng, còn
chất lượng, kiến thức thì sao?
Không
nghe nói đến “chỉ tiêu” vơ vét của cấp lãnh đạo thì bao nhiêu cho đủ và các ông
đã vượt chỉ tiêu, nâng thành tích lên được bao nhiêu? 16 tấn vàng vu oan cho
ông Nguyễn Văn Thiệu đem ra nước ngoài, được chở về Bắc, các đồng chí trong Bộ
Chính Trị, mỗi người “cấu” một ít, hay 5 tấn vàng sau vụ đánh tư sản, mại bản
miền Nam, hơn 5 nghìn kg vàng trong vụ đuổi người Tàu ra khỏi nước, không tính
kim cương, hột xoàn, bất động sản, xe cộ, tàu bè đã chia chác với nhau ra sao,
để cho đảng giàu dân đói. Nhưng hiện nay đa số dân chúng nghèo, mà Bộ Chính Trị
và quan chức nhà nước thì giàu “nứt đố, đổ vách.”
Chỉ
tiêu của Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng đưa ra trong Ðại hội Ðảng lần thứ IV năm 1976,
rất khiêm nhường là mỗi gia đình có được một cái “phích” nước và bữa ăn có nước
chấm, nay đã vượt bực rồi. Nhưng làm sao hạn chế, đừng để gian dối, bất nhân,
vô đạo “vượt chỉ tiêu,” may ra mới cứu được đất nước này.
No comments:
Post a Comment