Posted by basamvietnam
on 06/03/2013
Khi tôi gửi những bài viết đầu tiên cho Ban
biên tập Cùng Viết Hiến Pháp, tôi có nhắn gửi rằng, tôi hiểu việc ký tên vào
bản Dự thảo Hiến pháp của nhóm 72 trí thức, cũng như việc tham gia trang Cùng
Viết Hiến pháp, không đơn thuần chỉ là để có một bản Hiến pháp tốt, mà cái quan
trọng hơn là để thức tỉnh người dân về quyền và trách nhiệm công dân của mình.
Khi bài viết “Vài lời…” của tôi được lan
truyền, nhiều người đã nhắn gửi tôi rằng, họ khâm phục, họ kính trọng việc làm
của tôi, rằng họ hèn…
Chuyện người dân không ý thức hết về quyền
công dân của mình, hay chuyện những người bạn tôi nhận họ hèn mới nhìn qua thì
không có gì nghiêm trọng. Nếu có ai đó coi là chuyện thường tình, nhỏ nhặt thì
cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Nhưng ít người biết rằng, những sự tệ hại xấu xa
nhất mà xã hội con người có thể tạo nên lại có thể xuất phát từ những “thường
tình, nhỏ nhặt” đó.
Gần đây, người ta quay lại tranh luận về chuyện độc đảng
hay đa đảng. Có những lý lẽ xem chừng rất thuyết phục
được đưa ra, như lý lẽ của Thiếu tướng Lê Văn Cương. Tại sao Trung Quốc độc
đảng vẫn phát triển vượt xa một Ấn Độ đa đảng? Hay tham nhũng, suy thoái kinh
tế nước nào chẳng có, đâu cứ nước độc đảng… quan trọng là cách thiết kế bộ máy,
cách kiểm soát để hạn chế tham nhũng, lũng đoạn(*).
Nếu chỉ nhìn ở góc độ một nhà nước để cai
trị, rất khó để phủ nhận lập luận của Thiếu tướng Cương. Emmanuel Poisson còn
chỉ ra rằng, bộ máy quan lại trong chế độ quân chủ phương Đông là một thiết kế
đáng ngạc nhiên về độ hiệu quả và ổn định khi nó đã tồn tại hàng nghìn năm, các
triều đại thay nhau, nhưng thiết kế bộ máy thì không mấy thay đổi(**).
Hay là chúng ta quay trở lại chế độ vua quan?
Có lẽ chẳng ai thèm đếm xỉa đến câu hỏi ngớ
ngẩn này. Nếu chỉ đặt mục tiêu cai trị thì thiết kế của nhà nước quân chủ
phương Đông thật đáng tham khảo, nhưng
nếu đặt mục tiêu phát huy phẩm giá, nhân cách con người, quyền làm chủ của nhân
dân thì chúng ta sẽ phải suy nghĩ khác.
Độc đảng hay đa đảng khác nhau căn bản không phải hình
thức tồn tại của nó mà ở
phương thức để nó duy trì sự tồn tại của mình. Nhà nước độc đảng, cũng giống như nhà nước quân chủ
chuyên chế và thực dân, muốn tồn tại và hợp thức hoá sự lãnh đạo của mình,
không thể không viện đến một hệ thống áp chế về tư tưởng, nô dịch về văn hóa và
trói buộc về tư duy. Một cách tự nhiên, trong hệ thống đó, mọi sự khác biệt đều
không được khuyến khích, thậm chí bóp nghẹt. Nếu nhà nước có thể biến tất cả
những thần dân thành những chú cừu ngoan ngoãn thì càng tốt. Những chú cừu
ngoan ngoãn đó vẫn có thể sản xuất ra thật nhiều của cải, để làm đẹp các con số
thống kê, nâng cao bảng thành tích. Cuối cùng, chính những bảng thành tích đó
lại có thể dùng làm bằng cớ cho sự ngụy biện của giới cai trị. Nhưng có một
điều bất biến, những chú cừu đó chẳng bao giờ được khuyến khích để có thể tự ý
thức như những con người.
Vì thế có những người thừa nhận với tôi là
họ hèn như một sự hiển nhiên không cần phải giấu giếm. Sự đó có thể vô hại
trong trường hợp này, nhưng hãy tưởng tượng, một xã hội toàn những con người mà
những phẩm giá bị giũ bỏ, coi khinh như một lẽ thường tình thì xã hội đó sẽ như
thế nào?
Người ta dễ dàng tránh xa và lên án những
tội ác hiển nhiên như giết người, cướp của, nhưng không mấy ai biết xã hội ngày
càng tồi tệ đi, không thể cứu chữa nổi là từ những cái tội khó quy thành tội,
từ những cái ác khó quy thành ác được dễ dàng thoả hiệp và diễn ra hàng ngày.
Tôi tin rằng, nếu ĐCS VN có được đội ngũ lãnh đạo tốt,
một cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh, họ có thể dẫn dắt đất nước đạt nhiều
thành tích đáng kể về kinh tế, nhưng để phát huy quyền làm chủ và phẩm giá con người Việt Nam, họ sẽ
không thể nào làm được nếu không tự rút súng bắn vào chân mình.
N.Đ.K
(**) Xem thêm: Emmanuel Poisson, Quan và lại ở miền Bắc
Việt Nam – một bộ máy hành chính trước thử thách (1820 – 1918), NXB Đà Nẵng,
năm 2006
–
Bài liên quan:
No comments:
Post a Comment