Cao Trần
Tháng 3 20, 2013
“Suốt
năm năm nay, người dân ở quanh Trường Tiểu học Ya Chim 1 (xã Ya Chim, thị xã
Kontum) rất cảm động trước tình bạn của hai cậu học sinh. Thấy bạn mình có đôi
chân què quặt, cậu bé A Byưh đã tình nguyện cõng bạn đến trường hằng ngày. Dù
mưa gió hay mùa khô nắng gắt, người ta vẫn thấy A Trâm tươi cười trên lưng A
Byưh đến trường.”
Đoạn văn trên được trích từ bài báo Lưu Bình Dương Lễ thời nay (kỳ 1), đăng trên tờ Tuổi trẻ điện tử ngày
29/9/2008. Tình bạn của hai đứa trẻ sắc tộc thiểu số ở vùng rừng núi Cao nguyên
Trung phần nói trên, giữa thời buổi man trá và vô cảm hiện nay, là một tình cảm
hết sức xúc động và hiếm có. Tuy nhiên, khi đọc hết bài báo, điều khiến tôi đặc
biệt lưu tâm không phải là tính xúc cảm của câu chuyện, mà lại là hai yếu tố
rất… vật lý học: thời gian và khoảng cách.
Đối với con người, dù già (khằn) hay trẻ (măng), năm năm chắc
chắn phải là một quãng thời gian đáng kể; và quãng thời gian năm năm đó sẽ càng
đáng kể hơn, nếu như ngày nào, ta cũng cõng bộ trên lưng một con người để đi
hết một quãng đường, cũng rất đáng kể, 6 (sáu) cây số. Hai đứa bé A Byưh và A
Trâm, mới mười một, mười hai tuổi, đã vun đắp tình bằng hữu bằng quãng thời
gian và khoảng cách đáng kể như vậy.
Tuy nhiên, hành động đáng kể của A Byưh và “đôi chân què quặt”
của A Trâm lại không phải là những thứ đáng để cái nhà nước “của dân và do dân”
này kể đến. Cái nhà nước ấy có thể đổ hàng tỷ đồng để gấp rút xây công viên Tòa
Khâm Sứ trong một quãng thời gian vỏn vẹn 6 ngày, nhưng nhất quyết không chịu
bỏ ra vài triệu bạc mua chiếc xe lăn cho đứa trẻ tật nguyền. Chỉ cần lấy 1 phút
của 6 ngày xây công viên là đủ để xóa đi 5 năm nhọc nhằn của hai đứa bé quê.
Hoặc chỉ cần vài mét công viên xây vội xây vàng là khoảng cách 6 cây số từ nhà
đến trường không còn là một trở ngại cho đôi chân hai đứa bé. Chỉ cần 1 phút
hoặc vài mét ấy là bé A Trâm sẽ không bao giờ “thút thít khóc”: “Trường xa quá,
chắc con phải nghỉ học thôi. Đi xa vậy mà bắt bạn cõng thì tội lắm!”
Bé A Trâm, sau năm năm, chẳng biết mắc chứng gì, lại nổi cơn tự
trọng ngang xương, không chịu để bạn cõng nữa. Vụ tự trọng (đột xuất) này của A
Trâm khiến tôi tự nhiên liên tưởng đến… điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam, theo đó dân Việt Nam, nói nôm na, phải cõng Đảng Cộng sản
Việt Nam cho tới hết đời. Tính đến nay, dân miền Bắc đã còng lưng cõng Đảng
được hơn nửa thế kỷ, còn dân miền Nam cũng đã quá một phần ba. Đó mới là yếu tố
thời gian. Còn về khoảng cách, quãng đường mà hàng ngày, trong suốt nửa thế kỷ
qua, hai miền Nam Bắc cõng Đảng đã dài lắm rồi: từ Hang Pác Pó đến Hà Nội, từ
Hà Nội đến Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn đến Washington, đến Bắc Kinh… Không biết
quãng thời gian dài đến mấy thế hệ và quãng đường hơn nửa vòng trái đất kia đã
đủ để gầy dựng một lòng tự trọng hay chưa, mà sao “Đảng ta” vẫn cứ im ru bà rù,
chưa chịu leo xuống tấm lưng còm cõi của dân tộc này?!
Bé A Trâm, mới 11 tuổi, thân xác tật nguyền, chỉ cần 5 năm và 6
cây số là đủ để vun đắp lòng tự trọng; trong khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, 83
tuổi, tứ chi khỏe mạnh, sau hơn nửa thế kỷ, thì sao?
Thời
gian và khoảng cách dễ dàng cho thấy bại liệt thể xác và bại hoại nhân cách
khác nhau rất xa.
Tháng 9-2008 và tháng 3-2013
Ảnh: A Byưh cõng A Trâm đi học. Ảnh: Thế Anh (Tuổi Trẻ)
© Cao Trần & pro&contra
No comments:
Post a Comment