Saturday, 2 February 2013

TỪ NHẬT BẢN HẬU CHIẾN ĐẾN VIỆT NAM HẬU CHIẾN [4] (Việt Dương - Nam Dao)




12:01:am 02/02/13

3. Về văn hóa
Văn hóa Việt Nam về căn bản là văn hóa xã thôn với con người hiền hòa, giàu đạo nghĩa được khuôn đúc từ tôn giáo: Thờ kính tổ tiên, theo đạo từ bi của Phật, theo tín nghĩa của đạo Nho, từ nhiều thứ lễ hội biểu hiện tín ngưỡng phong tục và nếp sống văn hóa dân gian. Nhưng với chủ nghĩa Marx-Lenin thì tất cả nền văn hóa này đều là tàn tích phong kiến phản động, và đảng Cộng Sản đã sử dụng thành phần cán bộ nông dân cuồng tín theo đảng tàn phá hết từ đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ họ tới tất cả lễ hội. Chuyện phá nhanh, phá hết những cơ sở văn hóa tinh thần đã trở thành một chính sách thi đua lập thành tích, đến như học giả Nguyễn Huệ Chi, một nhà nghiên cứu hàng đầu về văn hóa dân tộc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã phải nói:
“Từ hơn 50 năm trở lại đây, văn hóa truyền thống đã trải qua một “đại nạn”. Vì nghĩ đây là những tàn tích phong kiến, chúng ta đã công nhiên lên án chúng, thẳng tay “đàn áp”, “xử tội” chúng, đã để cho bao nhiêu đình, chùa, bia mộ, sách vở quý giá ở khắp mọi vùng bị đốt phá, hoặc mất mát hư hỏng mà không một chút động tâm, như nhiều thế hệ đã tận mắt nhìn thấy”.
(Talawas, 21/9/2005 – Để làm được chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại)

Như thế là đảng Cộng Sản Việt Nam trên đường thực hiện cách mạng vô sản Mác xit-Leninit đã phá hủy văn hóa truyền thống. Sự tàn phá này đã kéo dài trên 40 năm, ở miền Bắc 20 năm (1954-1975) và trên cả nước cho tới những năm đầu thập niên 1990, khi tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Sô sụp đổ thì đảng Cộng Sản Việt Nam đành phải quay lại với văn hóa dân tộc. Vì thế, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Khóa VIII đã họp hội nghị lần thứ 5 để bàn chuyện văn hóa và đã đi tới nghị quyết: “Về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nói như thế, nhưng thực sự văn hóa bạo lực Mac-xít với con người mới xã hội chủ nghĩa của đảng đã phá hủy bản sắc dân tộc và đưa dân Việt vào sự khủng hoảng mất niềm tin ở tương lai với lối sống chụp giựt hoang tàng để thích ứng với chủ nghĩa bạo lợi của đảng. Tính chất này đang ngự trị xã hội Việt Nam mà học giả Nguyễn Huệ Chi đã nói rất rõ:
“Những nét đẹp văn hóa ngàn đời thì hao mòn, thay vào đó là lối sống thực dụng ăn tục nói phét, kích động bạo hành, hãm hiếp, giết người cướp của, lừa đảo bán trẻ con, phụ nữ và đưa thiếu nữ đi “làm vợ” người già, người tàng tật ở nước ngoài, những tiếng chửi thề như hát hay lúc nào cũng inh ỏi từ đầu phố đến cuối thôn. (Xin cứ bình tâm nhớ lại xã hội Việt mấy chục năm về trước có thế hay không).
(Talawas/11/6/2007, Mấy chữ “Cư trần lạc đạo” và vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc hiện nay)

Trong tình trạng xã hội nghèo tinh thần và văn hóa như thế thì đảng Cộng Sản Việt Nam bước vào thời kỳ lệ thuộc Trung Quốc, tự nguyện làm chư hầu và đã đem văn hóa Trung Quốc lấp vào khoảng trống văn hóa mà đảng Cộng Sản đã phá để làm đẹp lòng Thiên Triều.

Từ đó, văn hóa Trung Quốc đã hiện diện khắp mặt trong xã hội Việt Nam mà chúng ta đã nhìn thấy:

a. Sự nhập cư ồ ạt của người Hoa:

- Năm 2008, chính quyền Việt Nam đã quyết định miễn chiếu khán nhập cảnh cho người Hoa vào Việt Nam. Quyết định này là một biện pháp giúp người Hoa ở lại dễ dàng, vì họ có thể nhập vào những cộng đồng người Hoa trên khắp Việt Nam (từ trước kia và nay là những làng người Hoa mới xuất hiện theo những dự án xây dựng…).

- Còn ở thành phố thì nhiều khu Chinatown đã xuất hiện như khu đô thị Nam Hoàng I, xây dựng từ năm 2008 và hoàn thành năm 2013 ở Lạng Sơn.

- Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) gần như là thành phố của Trung Quốc. Vì tất cả cửa hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, khu vui chơi giải trí đều do các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc đầu tư xây dựng. Quảng Trường Hòa Bình sang trọng, to lớn do người Hoa làm chủ. Ngày nay ở Móng Cái, Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê, và người Hoa chỉ thuê những người biết tiếng Hoa.
(Thiên Thư: Từ mũi Sa Vĩ nhìn về Móng Cái: Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê/nguoi-viet.com/7/30/2009)

- Khu Chinatown Đông Đô Đại Phố ở trung tâm thành phố mới Bình Dương do công ty Becamex IJC (của người Việt) xây dựng. Trong tài liệu giới thiệu ở Website của Đông Đô Đại Phố đã viết: “Điểm gắn kết và hình thành cộng đồng người Hoa: Đông Đô Đại Phố kết hợp việc phát triển kinh tế cho cộng đồng người Hoa, với khu trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất, một thiên đường mua sắm, giải trí và ẩm thực đặc sắc, góp phần tạo dựng và gìn giữ vẻ đẹp văn hóa đa sắc màu của dân tộc Việt Nam cho thế hệ mai sau”.
Và còn ở đâu nữa, khi các thành phố đua nhau xây dựng Chinatown cho người Hoa. Họ kết với người Hoa thì sẽ giàu có, nhưng dân Việt sẽ bị đuổi đi đâu?

b. Xây dựng chùa mới theo kiểu Trung Quốc

Ông Mặc Lâm, trong bài “Trung Quốc khống chế Việt Nam trên lãnh vực văn hóa”, đã viết: “Văn hóa thuần Việt xuất hiện rõ nét nhất trên những hoa văn, phù điêu của các ngôi chùa cổ. Những nét thủ công nghệ thuật ấy phát xuất từ ý thức sâu sắc muốn thoát ra làn sóng đô hộ văn hóa của phương Bắc, làm nên nét đặc thù văn hóa phương Nam. Tổ tiên ta càng ý thức điều này bao nhiêu thì các thế hệ sau lại thờ ơ với nó bấy nhiêu. Nhiều ngôi chùa gần đây không thể gọi là chùa của người Việt được nữa mà phải thành thật nhận rằng nó được mang nguyên mẫu từ Trung Quốc hay Đài Loan sang. Từ kiến trúc tới tượng thờ, nhất nhất đều mang họa tiết Trung Quốc và người ta không dấu tự hào khi cho rằng đã bắt chước giống với bản sao từ nguyên mẫu.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện chia sẻ các quan sát của ông:
“Các công trình đền chùa, đình miếu bây giờ có cái đang xây dựng mới, cũng có cái tu sửa thì vẫn đậm chất Trung Quốc. Chúng tôi lấy thí dụ như công trình chùa Bái Đính ở Ninh Bình hay là công trình Đại Nam Lạc Cảnh ở Bình Dương không có yếu tố Việt Nam ở trong đó.
Đây là những ngôi chùa rất đồ sộ mang dấu ấn của Trung Quốc rất rõ. Một đài tưởng niệm liệt sĩ là 10 cô gái ở Đồng Lộc, cái tháp chuông ở Đồng Lộc lại là phiên bản của Hoàng Hạc Lâu bên Trung Quốc. Ngay cả Bảo Tàng Hà Nội là một bảo tàng vừa mới xây dựng xong cũng là một mô hình copy từ một công trình kiến trúc ở Thượng Hải”.

c. Sự tàn phá tiếp tục:

Do thiếu ý thức hay do lợi, người ta tiếp tục phá hủy những ngôi chùa cổ. Chẳng hạn mới đây, chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã bị phá hủy để trùng tu, xây chùa mới mà cái mới có thể lại là sự mô phỏng chùa Trung Quốc, và bên trong chùa lại là những sản phẩm của Trung Quốc. Nếu không phá mà chỉ sửa chữa trang trí thêm thì có những ông sư cũng đã không tránh được điều này, như chùa Một Cột mới đây đã được treo đèn chùm kiểu Tây ở giữa sảnh, và ở trước chùa đã được trang trí bằng hai sư tử đá lớn theo mẫu Trung Quốc. Sự việc này đã được một tác giả (không đề tên) đề cập đến trong bài “Nô lệ văn hóa” (baomoi.com/11/30/2012). Chúng tôi xin ghi lại mấy đoạn:
“Thật ngạc nhiên, sự ngộ nhận văn hóa vẫn còn tiếp diễn, khi mới đây người viết đọc được bài phỏng vấn của một tờ báo mạng về chùa Một Cột hiện nay. Bài phỏng vấn cho thấy kiến thức về văn hóa của vị trụ trì là rất đáng báo động, do không ý thức được vị trí văn hóa lịch sử, tâm linh của di sản này trong lòng thủ đô Hà Nội, nên phát ngôn tùy tiện. Nhất là đây lại là ngôi chùa có vị trí đặc biệt đối với tâm hồn, tình cảm của người Việt…
Bởi một ngôi chùa có giá trị văn hóa lịch sử như chùa Một Cột, hàng năm thu hút rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan, thì những giá trị gốc, tiêu biểu, độc đáo mang phong cách của người Việt phải được phát huy tối đa. Không thể tùy tiện đặt bất cứ sản phẩm công nghiệp Tây Phương nào vào, cho dù chúng có giá trị bạc tỷ… Ngôi chùa đó là ngôi chùa quốc gia. Thế nên, không thể chấp nhận một di sản văn hóa quan trọng, độc đáo vào bậc nhất cả nước lại được thêm thắt những sản phẩm văn hóa chắp vá, lai căng…
Còn nữa, khi phóng viên hỏi về đôi sư tử đá Trung quốc, thì nhận được một câu trả lời hết sức sai lệch và ngụy biện: “Ở Việt Nam bình thường dùng hai con chó đá giữ nhà, nếu cho rằng dùng sư tử mang văn hóa Trung Hoa thì phải hiểu là Phật Giáo của Việt Nam là Phật Giáo Đại Thừa du nhập từ Trung Quốc”. Những ai từng được học lịch sử Phật Giáo Việt Nam đều biết Phật Giáo (cả Nam lẫn Bắc truyền) được du nhập vào Việt Nam theo ngả nào. Và Phật Giáo thời Lý-Trần dù có sự ảnh hưởng nhất định bởi Thiền Tông Trung Hoa, nhưng những phong cách kiến trúc, thẩm mỹ, điêu khắc chưa từng “là một” với Trung Hoa bao giờ. Chính sự hiện diện của chùa Một Cột cho đến hôm nay và vô số những di chỉ khảo cổ trên khắp mọi miền đất nước đã chứng minh điều đó.
- Chùa Một Cột khá nhỏ, nhưng gần đây nhìn vào mặt tiền bỗng thấy ngay đôi sư tử màu trắng to vật vã án ngữ, gây choán không gian và làm cho lệch tông trong kiến trúc. Hơn nữa lại là mẫu sư tử Trung Quốc được sản xuất hàng loạt, có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong các nhà dân hay công sở… Chính cái lối bắt chước vô ý thức của nhiều người Việt sẽ khiến cho người đời sau ngộ nhận về điêu khắc Việt Nam.
- Do đó, chỉ cần có một chút ít hiểu biết văn hóa tối thiểu thì sẽ thấy cần đưa ngay những thứ rác văn hóa ấy ra khỏi ngôi chùa Một Cột. Tổ tiên người Việt trong khi tiếp nhận tinh hoa văn hóa bên ngoài, nhưng đều ý thức giữ lại hồn cốt của người Việt. Vì thế, trong điêu khắc, kiến trúc, thẩm mỹ đều có bàn tay sáng tạo với nhận thức rất rõ về văn hóa, dân tộc mình. Có thể nói những yếu tố văn hóa lạ xuất hiện ồ ạt trong các ngôi chùa Việt trong những năm gần đây một lần nữa là cảnh báo đối với chúng ta. Đặc biệt các loại đồ thờ cúng, tượng Phật Đài Loan, Trung Quốc sản xuất công nghiệp xuất hiện tràn lan trong các chùa và tư gia Phật tử”.

d. Phim ảnh truyền bá lịch sử, văn hóa Trung Quốc:

Blog nguoibuongio, trong bài “Hợp Tác Toàn Diện và Thâm Hụt Toàn Diện” cho biết:
“Hầu như bất kỳ ngày nào, giờ nào, tìm tên các kênh truyền hình của Việt Nam đều có phim của Trung Quốc. Nhiều đến nỗi thậm chí trẻ em Việt Nam còn rành lịch sử Trung Quốc hơn là lịch sử Việt Nam. Các ca sĩ Việt Nam còn mở phong trào lấy nghệ danh theo tên Trung Quốc, coi như là mode thịnh hành, và ngay cả những đứa trẻ mới sinh ở Việt Nam không còn đơn thuần là Thị, Văn nữa. Thay thế vào đó là những cái tên đệm như Châu, Tố, Gia… Đến phong cách cúng bái, nghi lễ dường như cũng đem về từ Trung Quốc”.
(doithoai.net/2/8/2012)

Từ tính chất lệ thuộc văn hóa Trung Quốc về mọi mặt trên đây, TS. Nguyễn Xuân Diện đã lên tiếng báo động:
“Trong tình hình hiện nay cái chữ “xâm lăng”, phải nói như thế, về mặt văn hóa của Trung Quốc và một sự chống chỏi yếu ớt, nhu nhược của những người làm công tác văn hóa ở Việt Nam rất đáng báo động”.

Còn Kỹ Sư Vi Toàn Nghĩa đã xác định thêm là chính sách văn hóa của chính quyền Việt Nam đã chuyên chở chính sách bành trướng văn hóa của Trung Quốc:
“Bây giờ xu hướng của họ là tư tưởng Đại Hán bành trướng. Tôi cảm thấy bây giờ nó bắt đầu như thời gian 1000 năm Bắc Thuộc, nhưng bây giờ thì kiểu khác. Nó bắt đầu rồi chứ không phải là manh nha nữa. Bắt đầu bằng những chính sách của họ và ngay bản thân những chính sách của mình đã thể hiện rằng thời kỳ Bắc Thuộc đã bắt đầu, nhưng dưới hình thức khác”.
(Mặc Lâm, đd)

III. Thắng mà bán nước

Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Quốc đã kết với nhau bằng một mối duyên nợ. Duyên là chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa quốc tế vô sản, còn nợ là qua cái duyên chủ nghĩa, Trung Quốc viện trợ Cộng Sản Việt Nam để thôn tính Việt Nam mà ông Ngô Đình Nhu trong “Chính Đề Việt Nam” đã nhận định:
“Sự lệ thuộc (chủ nghĩa) và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan tính thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh sau gần một thế kỷ vắng mặt.
Các nhà lãnh đạo miền Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.
Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây Phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian”.
(Tùng Phong: Chính Đề Việt Nam, Đồng Nai xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr.301)

Như vậy là ông Nhu đã thấy trước sự toan tính của Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam cũng đã thấy như thế, bằng chứng là Cộng Sản Việt Nam đã tố cáo tham vọng của Trung Cộng trong 2 tập sách mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên. Nhưng lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã không nghĩ đến lối thoát cho dân tộc mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng hay của chính họ nên đã để lỡ mất cơ hội ngàn năm, và đã tự nguyện rước voi giày mồ một cách nhục nhã (Ở hội nghị Thành Đô, Khi Giang Trạch Dân xuất hiện, Đỗ Mười đã nhào tới ôm chầm lấy Giang trước sự ngỡ ngàng của họ Giang và theo ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) thì trong hội nghị, những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã không dám đòi hỏi bất cứ một điều gì, dù Cộng Sản Trung Quốc đã xâm lăng Việt Nam năm 1979. Như thế là mấy ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã tới phòng hội để được chỉ đạo và nghe lệnh. Vì thế từ Hội Nghị Thành Đô (9/1990), Trung Quốc đã dùng phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt để áp đặt và bắt đầu đòi nợ và Cộng Sản Việt Nam cũng dối dân bằng mấy chữ đó để bắt đầu trả nợ: Đó là cái nợ mà Trung Cộng đã viện trợ trên 24 năm cho sự chiến thắng của đảng Cộng Sản và cái nợ mà Trung Quốc giữ cho Cộng Sản Việt Nam ở ngôi vị: Với dân Việt là kẻ thống trị, còn với Trung Quốc là kẻ bị trị.

Sự thỏa thuận ở Hội Nghị Thành Đô là những gì? Tất nhiên chỉ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản biết. Nhưng từ đó đến nay, những sự kiện chúng ta thấy được thì Việt Nam đã mất quá nhiều:

Với hiệp ước biên giới Việt- Trung (30/12/1999), Trung Quốc lấy thác Bản Giốc, Ải Nam Quan và trên 1000km2 cùng những cao điểm ở biên giới. Với hiệp ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ (25/12/2000) Trung Quốc lấy trên 10.000km2 biển. Với chương trình khai mỏ, Trung Quốc chiếm Cao Nguyên. Với chương trình cho thuê rừng (hay cho không rừng như ông Trần Văn Tri, Giám Đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Quảng Nam cho biết thì công ty TNHH, một thành viên InnovGreen được miễn 100% tiền thuê đất trong 50 năm, vì đó là quy định của chính phủ về ưu đãi đầu tư, được áp dụng trên cả nước) ở 10 tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương, đã cho doanh nghiệp nước ngoài thuê rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) với tổng diện tích hơn 300 ngàn Hectare. Trong đó doanh nghiệp Đài Loan, Hong Kong và Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn hectare (87%) ở các tỉnh xung yếu biên giới. Theo tướng Đồng Sỹ Nguyên thì việc Trung Quốc chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên là có chủ đích, vì đó là những tỉnh xung yếu biên giới, có những vị trí chiến lược mang tính cốt tử.

Cần nói thêm là tỉnh Hà Tĩnh đã cấp cho Tập Đoàn Formosa Đài Loan – Trung Quốc 33 km2 đất cảng Vũng Áng từ năm 2008, theo dự án đầu tư của Tập Đoàn này và chủ đầu tư đã đem vào hàng ngàn công nhân Trung Quốc. Họ định cư lập làng quanh Vũng Áng, kết hôn với con gái, phụ nữ địa phương. Vũng Áng thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh, là khu vực nước sâu nằm ở cửa phía nam vịnh Bắc Bộ. Từ đây có thể khống chế tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng, cũng như giao thông đường biển với toàn miền Bắc, tiếp cận thuận lợi các mục tiêu phòng thủ chiến lược trên Biển Đông như đảo Cồn Cỏ, Hòn Mê, Hòn Khói… Vị trí này nằm ở chân núi Hoành Sơn dọc Quốc lộ 1, vị trí yết hầu của cả nước, có thể chia cắt giao thông Bắc Nam.
(caunhattan.wordpress.com/2012/12/13 – Hoàng Trung Hải giúp Trung Quốc chiếm vị trí yết hầu của Việt Nam).

Rồi bằng con đường kinh tế, trong 10 năm nay, chính quyền Việt Nam đã để cho nhà thầu Trung Quốc chiếm tới 90% những gói thầu quan trọng thuộc các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như điện, xi măng, hóa chất, luyện kim, cầu đường, khai khoáng… Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì rất ít doanh nghiệp Việt Nam lọt qua vòng sơ tuyển dự thầu. Có lẽ ông Thành không dám nói thẳng ra, nhưng ta có thể hiểu là đã có một lực hậu thuẫn từ Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam yểm trợ để các dự án thầu quan trọng rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Cần biết thêm một vấn đề nữa mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra là phần lớn dự án quan trọng ở lĩnh vực điện, giao thông mà phía Trung Quốc đang làm nhà thầu, là đang sử dụng vốn vay ODA. “Như vậy, vốn giá rẻ mà Việt Nam đi vay, các nước khác giúp đỡ, lại được sử dụng để mua máy móc Trung Quốc, làm lợi cho họ. Điều này sẽ khiến các nhà tài trợ không thực sự hài lòng”. (vnexpress.net/11/28/2012).

Trên đây là những cái mất hiện hình của đất nước vào tay Trung Quốc. Còn một cái mất vô hình mà chúng ta có thể cảm được qua Bản Tuyên Bố Chung giữa Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh ngày 17/11/2006 tại Hà Nội, nhân dịp ông Hồ qua thăm Việt Nam. Bản Tuyên Bố bao gồm nhiều vấn đề, nhưng có một số điểm đặc biệt sau đây:
- Tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
- Phát huy đầy đủ vai trò cơ chế hợp tác giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh, mở rộng hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục…
- Hai nước đã chính thức thành lập và tiến hành phiên họp đầu tiên của Uỷ Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt – Trung. Hai bên nhất trí cho rằng sự kiện này có lợi cho việc tăng cường chỉ đạo vĩ mô, quy hoạch hợp tác và thúc đẩy toàn diện sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Trung Quốc…
- Tích cực ủng hộ và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô-xit Đắc Nông.
Qua những điểm hợp tác toàn diện các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh… với Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương và tăng cường chỉ đạo vĩ mô, chúng ta có thể cảm được là đảng Cộng Sản Việt Nam đã bị Trung Quốc nuốt và trở thành một thứ đảng ủy của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vì vai trò chủ động trong các lãnh vực này là Trung Quốc chứ không thể là Việt Nam và ai có thể chỉ đạo? Chẳng lẽ Cộng Sản Trung Quốc để Cộng Sản Việt Nam chỉ đạo.

Như thế trên tiến trình thôn tính Việt Nam, Trung Quốc phải thâu tóm đảng Cộng Sản Việt Nam và sự việc đó đã hiện ra rất rõ ở bản tuyên bố này. Và thảm kịch của đất nước chúng ta là khi Trung Quốc đã biến được đảng Cộng Sản Việt Nam thành đảng ủy của Cộng Sản Trung Quốc thì Việt Nam trở thành một Quận hay một Tỉnh của Trung Quốc. Xin nhớ lại là lần thăm Việt Nam này, Hồ Cẩm Đào đã tới Hội An, tỉnh Quảng Nam, tắm biển, rồi mới ra Hà Nội. Đó là hành động của Chủ Tịch Trung Quốc đi thăm một tỉnh thuộc Trung Quốc.

Trước nguy cơ mất nước này, mấy năm nay, từ quốc nội đến hải ngoại, hồn nước đã bật dậy:

Ở hải ngoại, các tổ chức chính trị và những hội đoàn có nhiều hoạt động lên tiếng tố cáo đảng Cộng Sản Việt Nam bán nước và lên án sự xâm lược của Trung Quốc.
- Phản ảnh sự việc trên báo chí, trên website.
- Biểu tình chống những phái đoàn của chính quyền Việt Nam với biểu ngữ nêu đích danh Cộng Sản bán nước.
- Biểu tình lên án Trung Quốc trước tòa Đại sứ và Lãnh sự Trung Quốc ỡ Mỹ và trên thế giới.
- Tổ chức hội thảo về Hoàng Sa và Trường Sa để nói lên tham vọng ngông cuồng của Trung Quốc.

Còn ở trong nước, tuy hoàn cảnh nguy hiểm, nhưng ý thức về nguy cơ mất nước, ý thức chống Trung Quốc, ý thức đối nghịch với đảng, nhà nước Cộng Sản trước nguy cơ này đã được nói lên từ nhiều tầng lớp: Tôn giáo, trí thức, sinh viên, thường dân và cả đảng viên và tiếng nói này đã trở thành một chủ lưu được truyền bá rộng rãi trên báo mạng mà chính quyền không cách nào ngăn cấm và hủy diệt.

Xin tóm tắt mấy điểm cụ thể:

- Thứ nhất, gọi là chủ lưu vì đó là tiếng nói của nhiều giới quy về một hướng bao gồm Tôn giáo, giới trẻ, trí thức, các ông tướng và đảng viên Cộng Sản.

- Thứ nhì, chủ lưu xác định rõ kẻ xâm lược Việt Nam là Trung Quốc.
Xin dẫn một số thí dụ:

- Biểu ngữ của sinh viên trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa:
Thanh niên, sinh viên Việt Nam thế kỷ 21 tặng Trung Quốc:
Mười sáu chữ vàng
Láng giềng khốn nạn
Cướp đất toàn diện
Lấn biển lâu dài
Thôn tính tương lai.

- Nhà thơ sinh viên Thái Hữu Tình viết:
Sinh viên biểu tình phải đâu chuyện lạ
Nhưng nước mình khác nước người ta
Nếu quả thật đã hồi sinh được hồn dân tộc
Thì tôi thực tình cám ơn kẻ cướp Trường Sa.
Kẻ quen lấy thịt đè người
Vẫn còn đó thịt xương thối rữa
Máu đổ Bạch Đằng, xương trắng Đống Đa.
Nó cậy tài chuyên làm đồ giả
Mười sáu chữ vàng cũng đồ vàng mã
Môi răng gì một giọng lái buôn.

- Hòa Thượng Quảng Độ, trong lời kêu gọi không dùng hàng Trung Quốc ngày 3/10/2009, đã viết:
“Nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc là nguy cơ cụ thể và hiện tiền. Ngày 29/3 đầu năm nay, nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi đã cất “Lời kêu gọi Tháng 5 Bất Tuân Dân Sự – Biểu Tình Tại Gia” mở đầu cuộc đấu tranh bất bạo động để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải mà hai nghìn năm tiền nhân ta không ngừng đem ý chí bất khuất và xương máu gìn giữ non sông.
Hôm nay nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi xin cất lời kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước hãy có thái độ trước hai hiện tượng Trung Quốc xâm lấn và nhà cầm quyền Cộng Sản bó tay đầu hàng…
Chúng ta cần biểu tỏ qua thái độ để chống hai quốc nạn nội xâm và ngoại xâm.
Thái độ biểu tỏ hôm nay để nhà cầm quyền Bắc Kinh thấy rõ ý chí kiên cường của người dân Việt là phát động phong trào không dùng hàng Trung Quốc… Tẩy chay hàng Trung Quốc là tẩy chay chủ nghĩa bá quyền xâm lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ngoài lý do chính trị mà tẩy chay, còn lý do hàng xấu và hàng độc. Trung Quốc đang gây nguy hại cho cơ thể và môi sinh người tiêu dùng Việt Nam”.

- Các ông tướng Cộng Sản:
Từ vụ bauxite, chúng ta được đọc những lời can ngăn chính quyền ngưng dự án của các ông tướng Võ Nguyên Giáp, Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh và Lê Văn Cương. Trong đó, các vị ấy đều nói về tham vọng xâm chiếm Việt Nam của Trung Quốc. Mới đây trong bài “16 chữ vàng là thật hay giả” tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã xác định rõ là “16 chữ vàng” mà nhà cầm quyền Trung Quốc vẽ ra chỉ là trò giả hiệu. Nó chỉ là lá bùa dán vào miệng để bịt miệng Việt Nam, để ăn cướp mà Việt Nam không được la làng, xẻo thịt, cắt da Việt Nam cũng không kêu được. Đáng tiếc là những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn “hữu nghị một chiều”.

- Ông Lê Hồng Hà, một cấp lãnh đạo ngành công an (đã về hưu), trong cuộc phỏng vấn của Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã nói là Trung Quốc đã và đang ráo tiết thực hiện những kế hoạch dữ dội, xâm nhập, ảnh hưởng, chèn ép, bao vây trên mọi lĩnh vực, kinh tế, an ninh, quốc phòng, lãnh thổ, nhằm thực hiện ý đồ cuối cùng là thôn tính Việt Nam. Còn về phía Việt Nam thì nhiều cán bộ lãnh đạo của Việt Nam lại đã và đang bị Trung Quốc mua chuộc và khống chế. Tất cả những điều đó đều là một quá trình liên tục từ Đại Hội VI của đảng Cộng Sản Việt Nam đến nay. Thái độ nói chung của lãnh đạo Việt Nam hiện nay về Trung Quốc lại lờ phờ, không rõ ràng. Đó là một vấn đề hết sức nguy hiểm.
(danluan.org/3/6/2012, Phỏng vấn Lê Hồng Hà – Đảng chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội)

- Các vị trí thức:
Sau cuộc Hội Thảo Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam (24,25/7/2009) nhà báo Hoàng Phố, nhật báo Người Việt, đã phỏng vấn hai nhà trí thức đọc tham luận trong buổi hội thảo là nhà văn Nguyên Ngọc và Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã.

Trong cuộc phỏng vấn, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết:
“Quan hệ với Trung Quốc bây giờ đang là vấn đề gay go. Họ là một nước quá to mà cũng quá nhiều tham vọng phát triển để biến thành siêu cường. Từ tham vọng này họ lấn áp Việt Nam quá sức chịu đựng và chúng tôi thấy cần tiếng nói của xã hội dân sự”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Nhã, khi được hỏi: Theo Tiến sĩ, trước tình hình bức thiết hiện nay, ta phải có đối sách nào với Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa? Thì ông đã trả lời: “Vấn đề đối phó với Hoàng Sa, Trường Sa là thử thách trong thiên niên kỷ này. Bất cứ một hành động nào làm cho thế nước của chúng ta suy vong là có tội. Chúng ta phải đồng thuận, nối kết trong cũng như ngoài, nhà nước cũng như nhân dân. Nếu không thì hình ảnh của Tân Cương, Tây Tạng không phải là hình ảnh quá xa vời đối với Việt Nam”.

- Bác sĩ Phạm Hồng Sơn:
Sau khi bị lực lượng “Cựu chiến binh” đến nhà hành hung khủng bố tinh thần (23/3/2010), Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã nhận được sự động viên, chia xẻ của nhiều người từ khắp ba miền Bắc Trung Nam và từ hoàn cầu. Trong đó có cả những cựu chiến binh và thương binh ông chưa quen biết. Vì thế ông đã viết bài “Niềm Tin Lại Lớn Thêm Lên”, trong bài có câu: “Tôi xúc động vì nhiều người đã băng qua được những nỗi sợ mà tôi đã phải gắng vượt qua. Tôi xúc động vì chúng ta lo lắng cho nhau thật sự, chúng ta đang nghe được nỗi lòng của nhau. Chúng ta đang giúp nhau cảm được đúng và sâu hơn nghĩa của hai chữ “đồng bào”. Chúng ta đang rợn được nỗi nhục của thân nô lệ và sự đắng cay của người dân lại “sắp” mất nước”.

- Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã lên tiếng trước khi vào tù:
Tổ quốc tôi như miếng da lừa
Một lần ước, mất đi một góc
Ước phồn vinh: Rừng mất cây, biển mất cá
Ước vẹn toàn: Mất hải đảo, mất cao nguyên.
Tôi đứng ôn hòa, biểu ngữ chống Bắc Kinh
Người đến đầu tiên là cảnh sát
Họ nhìn tôi như nhìn loài chó ghẻ
Tôi ngã rồi họ dựng chúng tôi lên
Những nắm đấm thôi miên vào mặt.
Họ là người Việt Nam như tôi
Ở chung với tôi trên mảnh đất cỗi cằn sỏi đá
Ở chung với tôi mảnh đất ngàn năm vật vã
Lo sinh nhai, lo giữ chốn sinh tồn.
Tôi nằm lăn ra đất
Nước mắt nuốt vào lòng
Lịch sử 4 ngàn năm triều đại nào như thế?
(Hải Phòng, 29/4/2008)
(Người Buôn Gió – Đến thăm Phạm Thanh Nghiên, đd)

- Nhạc sĩ Việt Khang sống giữa lòng đất nước mà phải lên tiếng hỏi:
Giờ đây… Việt Nam còn hay đã mất?
Mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta.
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu.
……….
Việt Nam tôi đâu? Việt Nam tôi đâu? Việt Nam tôi đâu?

Bây giờ xin giới thiệu ý nghĩ của giới bình dân trước nạn xâm lấn của Trung Quốc. Giới này không thể viết lên tâm sự của mình, nhưng chúng ta có nhiều nhà văn, nhà báo ghi lại tâm sự của họ qua những bài phóng sự. Ở đây xin giới thiệu một bài của Thiên Thư. Với nhan đề “Từ mũi Sa Vĩ nhìn về Móng Cái: Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê” nhà báo Thiên Thư đã ghi lại những cái thấy, điều nghe về chuyện người Trung Quốc đã chiếm Móng Cái và Trà Cổ bằng kinh tế với thân phận người dân Việt ở đây:

“Sau chiến tranh biên giới tháng Hai năm 1979, thị trấn Móng Cái bị tàn phá nặng nề, mãi đến năm 1991, khi quan hệ Việt Trung trở lại bình thường thì sự trao đổi buôn bán qua cửa khẩu Bắc Luân ngày càng tăng lên.

Móng Cái cũng như nhiều thành phố vùng giáp biên khác, nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, khu vui chơi giải trí được đầu tư bởi các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc. Một trong hai khu giải trí, kinh doanh lớn nhất thành phố Móng Cái là của công ty Hồng Vận và công ty liên doanh Hải Ninh – Lợi Lai. Như nhiều nhà đầu tư Trung Quốc khác, hai công ty này được thuê đất 50 năm với nhiều loại hình kinh doanh như sòng bạc, khách sạn, sàn nhảy, dịch vụ, mua sắm hàng hiệu (nhái), cửa hàng ăn Trung Quốc.

Cuối tuần, khách du lịch từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đến Móng Cái nghỉ rất đông. Các cửa hàng, khách sạn, cho đến sân golf dường như hoạt động hết công suất. Tất cả tiền đều chẩy vào túi chủ Trung Quốc, chẳng có thứ gì của Việt Nam được tiêu dùng, trừ những người phục vụ luôn là người Việt Nam biết hai thứ tiếng. Vì thế dân ba miền Bắc Trung Nam rủ nhau về Móng Cái như trẩy hội, kẻ không ruộng nương lên đây làm cửu vạn, người có vốn lên đây đánh hàng”.

Móng Cái thì như vậy, còn Trà Cổ ông Thiên Thư viết:
“Tôi về thăm Trà Cổ vào những ngày cuối tháng Bảy dương lịch, khi cả nước tổ chức “về nguồn”, đại giỗ cho những người con đất Việt đã chiến đấu và hy sinh trong các cuộc chiến tranh. Duy chỉ có vành đai biên giới phía Bắc này khói hương không được tỏa. Ba mươi năm qua những con người nằm xuống trong cuộc chiến đấu với bọn xâm lược Trung Quốc không được ghi nhận, ở nghĩa trang, trên bia mộ, trong sách sử và truyền thông cả nước không được nhắc đến…
Có những quá khứ bị buộc phải bịt kín và lờ đi để phục vụ cho lợi ích hiện tại, nhưng tương lai sẽ như thế nào sau những gì đang diễn ra. Có thể lâu lâu tôi về đây mà ngây ngấy đâm lo, rồi nỗi lo của tôi cũng vơi đi theo nhịp sống hối hả của thị thành, nhưng những người dân miền biên ải thì đêm chẳng yên giấc, mối lo mất nước luôn thường trực như những gì buộc họ phải khắc cốt ghi tâm.
Đứng từ mũi cực đông Sa Vĩ, phóng tầm mắt về phía đông bắc có thể trông thấy cột mốc biên giới trên biển Việt – Trung, cứ vài phút lại thấy ca nô của lực lượng biên phòng phóng vút trên mặt sóng. Bên kia vùng biển của Trung Quốc, những cảng biển, cầu tầu hiện đại và những công trình kiên cố trải dài trắng rực cả vành đai biên giới…

Một ông lão làng chài nhìn thời vận mà thốt lên “Danh nghĩa là đất của mình, nhưng Trung Quốc đã thuê 50 năm tới, không chỉ Trà Cổ, Móng Cái mà cả cái tỉnh Quảng Ninh này, từ sân golf, khách sạn, các khu trung tâm mua sắm, quảng trường cho đến cái quán ăn vỉa hè đều có chủ là người Trung Quốc. Sống trên đất Việt, nhưng người Việt chỉ là kẻ làm thuê, lại phải tiêu dùng mọi thứ hàng hóa của Trung Quốc thì có đau không, có lo không?”.

Ngày trước, đứng từ mũi Sa Vĩ địa đầu phía đông của tổ quốc có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của bờ biền Trà Cổ cong và dài 17 cây số, được mệnh danh là thơ mộng nhất Việt Nam. Nhưng bây giờ nhìn từ bức phù điêu này, Trà Cổ chỉ là một bãi lầy xộc xệch, bờ biển bị băm nát rào kín bởi các dự án của Trung Quốc, có chăng chỉ là hai cây đa do ông Trần Đức Lương (cựu Chủ Tịch nước) và Nguyễn Tấn Dũng (đương kim Thủ Tướng) trồng, nó ốm yếu trước gió biển Đông Thổi vào.

Bạc nhược thay! Án ngữ mũi Sa Vĩ ngày nay là sân golf 18 lỗ của Trung Quốc. Để lấy đất làm sân golf này, người ta đã cho di dời cả ngôi miếu thờ thần hoàng làng, rồi bứng cả đồn biên phòng nằm sát mép biển vào sâu trong bờ. Bao quanh sân golf là rừng phi lao kín, lớp ngoài là dây kẽm gai che chắn mọi sự tò mò từ bên ngoài.

Từ mũi Sa Vĩ theo con đường nhựa đến mái đình Trà Cổ, hai bên đường đã thay đổi nhiều, nhà cao tầng, khách sạn, nhà trọ mọc lên rất nhiều, nhưng vẫn thấp thoáng những cụ già ngồi vá lưới trong những căn nhà ọp ẹp buồn đến cay mắt. Trà Cổ đã thay đổi rất nhiều, nhưng ngôi đình Trà Cổ là vẫn thế gần 600 năm qua. Nếu đình Trà Cổ là báu vật, là cột mốc khẳng định chủ quyền văn hóa của Việt Nam tại vùng biên ải này thì người dân Trà Cổ sống làm người nước Nam, có chết vẫn là “thằng người” làm ma nước Nam như một bô lão trong làng đã khẳng định”.
(Thiên Thư: Từ mũi Sa Vĩ nhìn về Móng Cái: Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê/nguoi-viet.com/7/29/2009)

Sợ mất nước đã thành chủ lưu thì thì sự phê phán chính quyền Cộng Sản đã đưa đất nước đến nguy vong đó cũng đã thành chủ lưu. Nói thẳng, không còn sợ, kiêng nể gì nữa đã trở thành hiện tượng đặc biệt dưới chế độ độc tài toàn trị. Hàng ngày cứ lướt qua những trang mạng trong nước như: Tự Do Ngôn Luận, Bauxitvietnam, Dân Luận, X-café… chúng ta sẽ thấy những bài phê phán đảng và chính quyền Việt Nam về thái độ khiếp nhược và tiếp tay cho sự xâm lấn của Trung Quốc.

Ở đây xin chép lại ít điều:

1. Trước hết là tiếng thơ của người trẻ:

Trong bài Đất của Thái Hữu Tình có đoạn:
Nghìn năm văn vật
Không bằng lô đất mặt tiền
Cướp đất của dân, rồi Tàu cũng cướp.
Tổ quốc đang thành xơ mướp
Nhanh tay nào, mau cướp chúng bay ơi.
Trong bài “Một ngày phải khác mọi ngày” Bùi Chí Vinh đã viết:
Chào một ngày đất nước tự lưu vong
Cội rễ văn hiến 4000 năm trốc gốc
Tuổi teen gối đầu giường Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca lạ hoắc.
Pano giăng khắp nơi hình ảnh Củng Lợi, Chương Tử Di, Thành Long phơi phới toét miệng cười.
Chào một ngày phát triển giống đười ươi.
Đi trên xã tắc thấy người thua xa khỉ
Thấy lô cốt ngáng đường, thấy nước ngập tận mông, thấy thánh hiền sợ quỷ.
Thấy truyền thống chống ngoại xâm co rúm lại vì tiền.
Chào một ngày vong bản vì hèn.
Sống chết mặc bay, túi thầy vô cảm.
Ải Nam Quan nằm ngoài ranh giới Việt Nam, xưa rồi Diễm
Nước mắt Nguyễn Trãi khóc Phi Khanh rơi tận nước Tàu
Chào một ngày giống hệt cõi âm
Những xác chết anh hùng bật dậy
Máu trả máu, đầu trả đầu. Nhớ đấy
Mãi quốc cầu vinh, tất quả báo nhãn tiền.
Chào một ngày soi rõ mặt anh em.

2. Thư của một phụ nữ tên N.H gửi các bác Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh và Nguyễn Hữu Anh trên mạng Bauxit Việt Nam có đoạn:
“Thưa các bác, việc 10 tỉnh cho nước ngoài thuê đất rừng 50 năm đã là con số cuối cùng chưa ạ? Việc cho nước ngoài thuê đất ven biển 50 năm liệu có gây hậu họa như việc cho thuê đất rừng 50 năm không? Cảng Đà Nẵng là vị trí chiến lược quân sự cực kỳ quan trọng, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chọn để đổ bộ vào xâm lược Việt Nam. Vậy mà hiện nay, đất ven biển Đà Nẵng cũng đã cho nước ngoài (có cả Trung Quốc, Đài Loan) thuê 50 năm…
Việc cho nước ngoài thuê đất rừng, ven biển hình như mang lại siêu lợi nhuận về kinh tế, cho nên các tỉnh, thành phố đã coi nhẹ vấn đề an ninh quốc gia hay còn một lý do nào khác nữa mà sao cháu thấy họ đua nhau cho thuê nhiều đến thế?

Một vị lãnh đạo cao nhất của thành phố trực thuộc trung ương đã trả lời và phân tích cho cử tri khi họ thắc mắc về việc thành phố cho nước ngoài thuê 50 năm quá nhiều đất ven biển: “Chúng ta chẳng phải làm gì cả mà lại có tiền thu được từ việc cho thuê đất và từ các dịch vụ kinh doanh của họ thì sướng quá chứ còn kêu ca, thắc mắc cái gì. Thành phố chỉ cho thuê 50 năm chứ có bán đâu mà sợ mất nước”.
Cháu thấy câu trả lời phân tích của vị lãnh đạo sao mà đơn giản quá và hình như là còn chưa xứng tầm nữa, phải không bác?

3. Tiếng nói của trí thức

Trong bài “Tổ Quốc bao giờ nhục thế này chăng?”, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết:
Hỡi sông Hồng tiếng thét bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ nhục thế này chăng?
Hãy trông kìa
Bọn thẻ đỏ tim đen tiếm quyền hóa giặc
Bịt miệng người kêu nỗi đau Ải Bắc
Bóp cổ người thét nỗi nhục Hoàng Sa
Sông có nghe nỗi nhục chuyển sơn hà?

Giáo sư Hà Văn Thịnh, Đại Học Khoa Học Huế, trong bài “Đất nước đang bất ổn thật rồi” có đoạn:
“Dân tộc Việt Nam đang sống trong nền văn minh nào đây? Nếu nói là nền văn minh “của dân”, sao người dân khổ thế? Nếu nói rằng đây là nền văn minh của chịu đựng và nhẫn nhục thì xin hỏi, chờ đến bao giờ? Nếu nói rằng nền văn minh “hữu nghị” của “thỏa đáng thật thà”, sao dối trá và lường gạt cứ như chuyện chợ trời?

27 tháng 5, thả ngư dân bị bắt, sau khi đã trấn lột hơn nửa tỷ đồng tài sản của ngư dân ta, ông Hồ Cẩm Đào nói rằng đã tìm được giải pháp “thỏa đáng” cho Biển Đông. Lời ông nói gió chưa kịp thổi bay thì 29/5, ông ta xấc xược và côn đồ khi ngang nhiên ban hành “Lệnh” cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, phần lớn thuộc chủ quyền của Việt Nam, từ ngày 16/5 đến 1/8/2010! Năm ngày sau, ngày 4/5, lính Trung Quốc lại bắt giữ tàu QNG-0281 với 12 ngư dân và đòi tiền chuộc 70 vạn nhân dân tệ.

Đến như vậy mà còn nhắm mắt đưa chân tin vào “Năm Hữu Nghị”, thì tôi không hiểu những người lãnh đạo có trách nhiệm với dân tộc, đất nước hiện nay đang muốn làm gì khi cứ cúi đầu thấp hơn nữa? Điện Biên Phủ đâu? Hào khí Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử ở đâu, hay đang rủ nhau cùng trốn chạy trong cái góc khuất hay tăm tối đớn hèn nào đó?”.

Ông Hà Sĩ Phu, trong bài “Từ Vụ Bauxite nghĩ Về Vận Nước”, đã viết:
“Trong lịch sử 4000 năm đã có bao giờ bị thất thủ mất đất, mất biển đơn giản như thế, đã có bao giờ ngoại bang cưỡi lên lưng, tóm lấy yết hầu, chi phối nhân sự dễ dàng như thế? Đã có bao giờ người cầm đầu xã hội bạc nhược đến mức không dám gọi đến tên kẻ đã đánh giết dân mình, chứ chưa nói đến có gan chống lại”.
(doi-thoai.com/7/27/2009)

Và trong bài “Giải “Cộng” Nhi Thoát”, ông lại viết:
“Phơi hết sự tàn bạo bất cận nhân tình không cần che đậy, tự “khỏa thân chính trị” của chế độ chuyên chính trong nước. Đồng thời, sự chuyên chính trong thế giới Cộng Sản với nhau cũng “khỏa thân” luôn không che đậy: Việc chính thức thành lập thành phố biển Tam Sa với đầy đủ quy chế hành chính và quân sự, việc kêu gọi đầu tư ngay trong thềm lục địa đương nhiên của Việt Nam, đưa 23.000 tàu đánh cá tràn vào vùng biển Việt Nam… đã tự lột trần cái bản mặt giả dối của chủ nghĩa quốc tế Cộng Sản đến mức không còn một chút lá nho, cả những 16 chữ vàng, quan hệ 4 tốt, và cuộc thi ca khúc Việt-Trung và lời kêu gọi tri ân kẻ đã xâm lược cũng trở nên trơ trẽn, hèn hạ không thể chấp nhận”…
Đến giai đoạn này thì các Blogger trong nước cũng không giữ lễ nữa: Không cần ám chỉ mà kể thẳng tên dù là thủ tướng hay tổng bí thư, hay Bộ Chính Trị. Mác- Lê không còn là điểm nhạy cảm phải kiêng, lại còn nghi ngờ rằng Đảng và nhà nước có định chống xâm lược thật không (hay đã đồng tình với giặc xâm lược?), coi chính quyền chỉ là một đám cướp lớn phản động đã rõ ràng”.
(danchimviet.info/8/10/2012)

III. Nghĩ gì

Qua những phần trình bày về Nhật Bản hậu chiến và Việt Nam hậu chiến, chúng tôi có mấy nhận định sau đây:

1. Sau cuộc chiến tranh vì tham vọng mở rộng đế quốc, Nhật bại trận và trở thành một nước bị Hoa Kỳ cai trị. Nhưng Yoshida và đảng Dân Chủ Cấp Tiến đã nương theo Chế Độ Chiếm Đóng để tìm sinh lộ cho nước Nhật mà sinh lộ này đã bị chế độ quân phiệt Nhật hủy diệt. Cái may của Nhật là Hoa Kỳ tới cai trị, nhưng không coi Nhật là kẻ thù mà đến để giúp Nhật hủy diệt chế độ quân phiệt và thực hiện những cải cách dân chủ cho Nhật. Từ đó, Yoshida đã có cơ hội để thực hiện chủ trương ông đã ôm ấp từ thập niên 1930 là Nhật phải trở thành cường quốc đại dương và phải liên kết với thế giới Tây Phương trên hướng đó mà sau đệ nhị thế chiến thì Mỹ đã thay Anh đứng đầu thế giới này.

Nhưng thời gian Yoshida làm thủ tướng (7 năm từ 1946 tới 1954) lại rơi vào thời gian khởi đầu chiến tranh lạnh (1947) với sự hình thành khối Cộng Sản do Liên Sô lãnh đạo. Vì thế ông phải đối phó với phong trào do Tả Phái, đảng Cộng Sản và trí thức Nhật đòi Mỹ rút quân, đòi trung lập như chủ trương của Mac Arthur trong giai đoạn đầu việc chiếm đóng. Ông biết tinh thần và ước nguyện của dân Nhật. Nhưng ông cũng biết Mỹ sợ Nhật ngả về phía Cộng Sản và sẽ kéo dài việc chiếm đóng, nên ông đã thỏa thuận với Mỹ để quân Mỹ ở lại đất Nhật với điều kiện là Mỹ trả lại nền độc lập cho Nhật.

Mặc dù Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật đã đem tới cho ông nhiều cay đắng khi báo chí gọi ông là “bù nhìn của Mỹ”, nhưng ông đã giữ chính quyền tới năm 1954, khi Nhật đã lấy lại chủ quyền, kinh tế đã phục hồi và chạy đều với con đường sống ông đã mở cho Nhật. Con đường đó là Nhật phải liên kết với Mỹ và Tây Phương và vận dụng cái dù an ninh của Mỹ và viện trợ Mỹ để phát triển kinh tế với kỹ thuật mới. Từ đó, Nhật đã có thể mở rộng thị trường vào Mỹ Châu, Âu Châu và Á Châu. Mục tiêu này chiến tranh của chế độ quân phiệt đã thất bại. Nhưng trong hòa bình, Yoshida đã thực hiện giấc mộng này cho nước Nhật. Và từ sự thành tựu kinh tế của Nhật, nhiều sử gia viết về Nhật Bản đều có một nhận định là Nhật đã thua trong chiến tranh nhưng thắng trong hòa bình.

2. Còn Việt Nam, việc tìm đường cho nước của đảng Cộng Sản đã đưa đất nước vào vòng phân tranh Quốc Cộng, với một thảm kịch máu xương, tàn phá và thù hận đến nay chưa dứt. Sự chiến thắng của đảng Cộng Sản Trung Quốc cuối năm 1949 là cơ may cho đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng lại là vận đen cho dân tộc Việt Nam. Vì đảng Cộng Sản Trung Quốc đã dùng chủ nghĩa Cộng Sản và dùng viện trợ để cột chặt Cộng Sản Việt Nam vào đảng Cộng Sản Trung Quốc. Với cái nợ chủ nghĩa, cái nợ viện trợ và cái nợ dựa lưng Trung Quốc để tồn tại, Cộng Sản Việt Nam đã đưa đất nước vào vòng lệ thuộc Trung Quốc.

3. Hầu hết những cuốn sử Nhật Bản đều có phần viết về chính sách của Yoshida đã buộc Nhật phải lệ thuộc Mỹ về đường lối ngoại giao trong một thời gian dài. Nhưng sự lệ thuộc về ngoại giao này Yoshida đã chọn để tìm sinh lộ cho nước. Vì ông biết Mỹ cần Nhật trong chiến lược chận Cộng Sản, còn Nhật cần Mỹ để phát triển. Vì thế ông đã nói với những ngưòi cộng sự thân tín: “Chẳng được gì khi từ bỏ Tây Phương để ủng hộ những nước Á Châu” (ám chỉ mấy quốc gia Trung Lập như Ấn Độ, Thái Lan).
Yêu nước và thực dụng, Yoshida đã mở đường cho Nhật, nhưng ông phải trả giá, vì đụng phải tinh thần dân tộc của dân Nhật. Ông biết như thế, nên ông sợ và Yoshida đã để lộ cái sợ này khi từ Hội Nghị San Francisco năm 1951 trở về nước, được dân chào đón nồng nhiệt từ phi trường và dọc hai bên đường vào thành phố Tokyo, nhưng trong khi vẫy tay chào những người dân và học sinh phất cờ, ông đã khóc. Theo Akira Matsui, viên bí thư đi với ông thì Yoshida khóc không phải vì cảm động mà khóc vì sợ sẽ phải chịu một số phận như ngoại trưởng Jutaro Komara, trở về sau cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh với Nga năm 1905. Những người dân tộc cực đoan nghĩ rằng Jutaro đã không khai thác đủ những nhượng bộ của Nga từ sự chiến thắng của Nhật. Vì thế Jutaro Komara đã bị nhạo báng và nhà ông bị ném đá.
(William Chapman, đd, tr. 88)

Theo chúng tôi nghĩ thì sự giải thích đó có thể chỉ đúng một phần, vì Yoshida là một chính khách có bản lãnh và cứng cỏi, nên khó có thể khóc vì sợ bị nhạo báng và ném đá mà có thể ông đã khóc vì biết rằng ông chỉ mới thực hiện được một nửa nguyện vọng của dân Nhật là thu hồi nền độc lập, nhưng vẫn phải để quân Mỹ trên đất Nhật. Hoa Kỳ đã giúp Nhật tái thiết thời hậu chiến, tan nát và đói, nhưng dân Nhật đòi Mỹ phải ra khỏi nước Nhật, mà Yoshida chưa thể hoàn thành được điều này.
Yêu nước và tận lực tìm đường sống tự do và phát triển cho nước, nhưng Yoshida sợ tinh thần dân tộc Nhật. Và đúng như thế, vì sau khi bản Hiệp Ước An Ninh Mỹ- Nhật được công bố, dân Nhật gồm những đảng đối lập, công đoàn, sinh viên, trí thức đã biểu tình dữ dội khắp nơi chống Mỹ và đòi Yoshida từ chức. Mặc dù Yoshida đã lãnh đạo Nhật qua những năm Mỹ chiếm đóng, đã giữ được danh dự cho Nhật trước ông tướng Toàn Quyền Mac Arthur, đã đưa Nhật tới phát triển tự túc và độc lập, nhưng ông phải từ chức năm 1954. Nhưng sau đó và đến nay thì dân Nhật đã tôn ông là một chính khách yêu nước lớn của Nhật.

4. Chuyện người lãnh đạo Nhật và dân Nhật như thế, còn trở lại Việt Nam, chúng tôi nhớ là sau khi hai Hiệp Định Biên Giới và Vịnh Bắc Bộ được ký ở Hà Nội cuối năm 1999 và 2000, thì đảng Cộng Sản và Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã mở tiệc ăn mừng. Trong đó Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương và Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầm, mặt người nào cũng hớn hở (ảnh trên Net) nâng ly chúc tụng Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Đường Gia Triền. Đó là hai hiệp định bán nước, nhưng báo nhà nước không đăng, dân không hề biết đến một điều. Nước Việt đã tồn tại 4000 năm, nhưng bây giờ là của ai mà dân Việt phải cúi đầu để Đảng Cộng Sản ăn mừng trên hiệp định bán nước với kẻ cướp nước?

Như thế cho đến nay nhìn vào sự nguy vong của Việt Nam trước thủ đoạn thôn tính mềm của Trung Quốc, chúng ta có thể nói rằng đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắc một cây cầu từ nô lệ Tây qua nô lệ Tàu mà cây cầu đó đảng Cộng Sản đã xây bằng xương máu của dân Việt.

Tiếng kêu thảng thốt: Việt Nam tôi đâu? Việt Nam tôi đâu? Giờ đây Việt Nam Còn hay đã mất mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta… của nhạc sĩ Việt Khang là tiếng kêu chung của dân Việt trước đêm đen của dân tộc.

Nhưng chúng ta vẫn có niềm tin vì trong đêm đen ấy luôn luôn có những tia lửa bùng lên. Tia lửa đó là những phiên tòa của những kẻ bán nước xử những người yêu nước. Tia lửa đó là sự kiên định bất khuất của những người phải ở trong nhà tù vì chống Tàu. Tia lửa đó là là sự dũng cảm thách đố bạo lực của những nhà sư như Hòa Thượng Quảng Độ, Hòa Thượng Viên Định, những vị trí thức như các ông Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A, Phạm Toàn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Đan Quế, Huỳnh Ngọc Tuấn, Phạm Hồng Sơn… cùng những người trẻ như Huỳnh Thúc Vy, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Trịnh Kim Tiến, Bùi Hằng…

Những tia lửa đó là hồn nước. Trước nguy cơ mất nước, và trở thành dân nô lệ của Tàu, sẽ có một ngày những tia lửa ấy kết lại thành biển lửa để đem lại độc lập cho nước và quyền sống tự do của con dân Việt.
- Việt Nam tôi đâu? Việt Nam tôi đâu?
- Việt Nam ở trong lòng chúng ta.
- Việt Nam ở trong hồn dân Việt.


Sách tham khảo:
1. William Chapman: Inventing Japan. The Making of a Postwar Civilization, Prentice Hall Press, New York, 1991.
2. James L. Mcclain: Japan: A Modern History. W. W. Norton & Company, New York, 2002.
3. Mikiso Hane: Modern Japan: A Historical Survey. Westview Press. Boulder, 1986.
4. Edwin O. Reichauer. Japan: The Story of a Nation. Alfred A. Knopf. New York, 1970.
5. Kenneth Henshall: A History of Japan: From Stone Age to Superpower. Palgrave Macmillan. London, 2004.
© Đàn Chim Việt



-----------------------------------------------


1-2-2013

1-2-2013

1-2-2013








No comments:

Post a Comment

View My Stats