Friday, 1 February 2013

TỪ NHẬT BẢN HẬU CHIẾN ĐẾN VIỆT NAM HẬU CHIẾN [1] (Việt Dương - Nam Dao)




01:26:am 30/01/13

Nhật bại trong chiến tranh nhưng thắng trong hòa bình.
Sử Nhật Bản

Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng.
Lê Duẩn

Có đảng Cộng Sản mới có đổi mới.
Đỗ Mười

Trung Quốc thành công thì chúng ta cũng thành công.
Lê Khả Phiêu


Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, lật đổ chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam. Ba ngày sau (11/3), Đại Sứ Nhật Yokohama đại diện Thiên Hoàng trao trả nền độc lập của Việt Nam cho Hoàng Đế Bảo Đại. Ngày 11/3/1945, Nam triều công bố tuyên cáo nền độc lập và thành lập chính phủ Trần Trọng Kim dưới sự yểm trợ của Nhật. Nhưng chỉ 5 tháng sau (8/1945), Nhật đầu hàng Đồng Minh và đã tạo ra một khoảng trống chính trị khi quân Nhật buông súng, còn chính phủ Trần Trọng Kim chưa kịp làm gì phải buông tay. Nhân thời cơ đó, đảng Cộng Sản Việt Nam có tổ chức và sách lược đã nhanh tay chiếm chính quyền, thành lập Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (2/9/1945). Từ đó, nhân danh chính quyền cách mạng, đảng Cộng Sản đã tiến hành 2 cuộc chiến tranh. Thứ nhất là kháng chiến chống Pháp, khi quân Pháp trở lại chiếm Việt Nam năm 1946. Cuộc chiến này đã kéo dài 9 năm từ 19/12/1946 đến tháng 7/1954 giữa chính quyền Cộng Sản (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) với Pháp và chính phủ Bảo Đại. Và thứ nhì là kháng chiến chống Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ kéo dài 15 năm giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc với Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ ở miền Nam. Như thế năm 1945, Nhật đi vào thời kỳ tái thiết hậu chiến thì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lại đi vào chiến tranh và mãi đến 30/4/1975, khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thắng Việt Nam Cộng Hòa thì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mới đi vào thời kỳ hậu chiến. Nhật Bản bại trận nên việc tái thiết phải đi theo chính sách của nước chiếm đóng là Hoa Kỳ. Còn Việt Nam Cộng Sản thắng trận nên đã tiến hành tái thiết và xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước.

Lấy mốc thời gian là 30 năm cho thời hậu chiến, chúng tôi xin ghi lại những thành quả mà Nhật Bản và Việt Nam Cộng Sản đã đạt được trong khoảng thời gian hậu chiến ấy.

A. Nhật Bản hậu chiến

Trước khi đi vào thời kỳ hậu chiến của Nhật, chúng tôi xin tóm tắt ít điều về trận chiến của Nhật ở Á Châu Thái Bình Dương:

Từ giữa thế kỷ 19 (1868), dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng, do thức thời biết học Tây Phương canh tân, nên Nhật đã thoát khỏi sự thôn tính, chiếm làm thuộc địa của những cường quốc Âu Mỹ. Nhưng khi trở thành cường quốc vào cuối thập niên 1920, Nhật cũng lại đi vào con đường bành trướng thực dân, xâm chiếm các nước Á Châu:

- Năm 1910, chiếm Cao Ly (Hàn Quốc).

- Năm 1932, chiếm Mãn Châu.

- Tháng 7/1937, xâm lăng Trung Quốc.

- Tháng 9/1940, Nhật gia nhập liên minh với Đức Quốc Xã của Hiler và Phát Xít Ý của Mussolini thành khối Trục Rome – Berlin – Tokyo.

- Tháng 7-1941, không quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) của Hoa Kỳ.

- Năm 1941, chiếm Manila, Philippines, Walk Island, Guam và Diến Điện.

Từ đầu thế chiến II (1939), Hoa Kỳ đứng ngoài chiến tranh do đạo luật trung lập (1935-1937). Nhưng từ khi Đức tấn công Anh quốc và Nhật Bản xâm chiếm mấy nước Á Châu thì chính quyền Roosevelt đã thuyết phục Quốc Hội bỏ chính sách trung lập. Khởi đầu viện trợ quân dụng cho Anh, rồi sau khi bị Nhật tấn công Trân Châu Cảng thì Hoa Kỳ tuyên chiến với cả khối Trục.

Tháng giêng năm 1942, ở Washington, 26 quốc gia, đứng đầu là Hoa Kỳ, Anh Quốc và Liên Bang Sô Viết, kết thành Đồng Minh để đối phó với khối Trục.

Năm 1942, ở mặt trận Thái Bình Dương, Nhật thảm bại ở trận Coral Sea, và trận Midway. Sau hai trận này hải quân Hoa Kỳ lấy lại ưu thế.

Cũng năm 1942, Hoa Kỳ chiếm lại Guadal Carnal ở tây nam Thái Bình Dương, một đảo có vị trí chiến lược, không những ngăn Nhật tiến đánh Úc Châu mà còn là một bàn đạp để tấn công Nhật ở nam Thái Bình Dương. Vì thế chỉ sau một năm trận Trân Châu Cảng, chiến tranh ở Thái Bình Dương đã nghiêng về phía Hoa Kỳ.

Từ đây Nhật chuyển về thế thủ, quyết tâm giữ những đảo đã chiếm được với ý định kéo dài chiến tranh để đánh bại tinh thần Hoa Kỳ. Nhưng tướng Mac Arthur đả sử dụng chiến lược gọi là “Island hopping”, theo đó lực lượng Mỹ trập trung chiếm những đảo có vị trí chiến lược, còn để lại cho quân Nhật những đảo khác. Kết quả của chiến lược này là những đảo quân Nhật giữ đã bị cô lập, bị cắt nguồn tiếp tế, nên đã tự bị hủy.

Sau khi chiếm lại Phi Luật Tân (5-1945), quân Mỹ chiếm Okinawa, cắt Nhật làm đôi và xiết chặt chu vi phong tỏa. Trên biển, thương thuyền và tàu tiếp tế của Nhật bị tàu ngầm Mỹ tấn công, còn trên lãnh thổ Nhật thì bị B-29 thả bom tàn phá những thành phố lớn và hủy diệt những trung tâm kỹ nghệ và quân sự.

Mặc dù ở trong tình thế tuyệt vọng, với tổn thất quá lớn và bị phong tỏa, nhưng Nhật vẫn tiếp tục chiến đấu theo chủ trương của phe tướng lãnh chủ chiến là cứ để cho quân Mỹ vào Nhật và quân dân Nhật sẽ chiến đấu đến người cuối cùng. Vì thế Hoa Kỳ đã đề ra hai giải pháp để kết thúc chiến tranh: Thứ nhất, thực hiện một cuộc xâm lăng và thứ nhì, xử dụng một loại vũ khí mới. Theo Tổng Thống Harry Truman (Tổng Thống Roosevelt bị bệnh chết ngày 12/4/1945), thì trận chiến trên lãnh thổ Nhật cần 1 triệu quân và sẽ kéo dài tới 1946 với sự tổn thất ghê gớm cho cả hai bên, còn xử dụng vũ khí mới thì kết thúc chiến tranh nhanh chóng. Cuối cùng giải pháp thứ nhì đã được chọn.

Ngày 6/8/1945, trái bom nguyên tử với sức tàn phá 20 ngàn tấn TNT được thả xuống Hiroshima, phá hủy 3 square miles thành phố, giết và làm bị thương trên 160.000 người. Vì không nhận được sự đáp ứng tích cực của Nhật, nên ngày 9/8 Mỹ thả trái bom thứ nhì xuống thành phố cảng Nagasaki, giết và làm bị thương khoảng 130.000.
Ngày 15/8, Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và ngày 2/9 văn kiện đầu hàng được ký trên chiến hạm Missouri đậu trong vịnh Tokyo giữa tướng Umeza đại diện Nhật và tướng Mac Arthur đại diện Đồng Minh. Sau đó hàng chục ngàn binh sĩ Đồng Minh đổ bộ vào Nhật, ghi dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật bị quân đội ngoại quốc chiếm đóng.

***

Sau khi đầu hàng, Nhật được Hoa Kỳ tiếp thu và Hoa Kỳ đã thực hiện một chế độ chiếm đóng theo những điều khoản của Tuyên Ngôn Posdam giữa Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch) ngày 26/7/1945 và chính sách của Hoa Kỳ đối với Nhật do Bộ Ngoại Giao, Chiến Tranh và Hải Quân soạn thảo ngày 6/9/45. Trong đó có hai điểm căn bản:
Thứ nhất, thay đổi Nhật thành một quốc gia hòa bình.
Thứ nhì, xây dựng một nước Nhật dân chủ.

Trên danh nghĩa thì đây là sự chiếm đóng của những cường quốc Đồng Minh. Nhưng thực chất thì Hoa Kỳ chịu trách nhiệm và tướng Mac Arthur, tư lệnh lực lượng Đồng Minh ở mặt trận Thái Bình Dương đã được trao cho nhiệm vụ thay đổi nước Nhật. Với chức vụ Tư Lệnh Tối Cao của Cường Quốc Đồng Minh (Supreme Commander of the Allied Powers – SCAP), Mac Arthur thiết lập Đại Bản Doanh ở Tokyo với 5000 nhân viên và khoảng 500.000 quân để cai trị 70 triệu dân Nhật. Nhưng đó không phải là một chính quyền quân sự mà Mac Arthur đã cai trị Nhật theo đường lối gián tiếp thông qua chính quyền Nhật, vẫn để người Nhật cai trị người Nhật với sự chỉ đạo và chính sách của SCAP. Trong 7 năm cai trị Nhật theo chính sách này, Mac Arthur đã hoàn thành được nhiệm vụ thay đổi nước Nhật.

Về cá nhân, ông được dân Nhật kính trọng gọi là “Blue- eyed Shogun”.
Về chính sách, ông đã đạt được điều mà sử gia Mikiso Hane đã tổng kết là “Trong lịch sử không có dân tộc nào khác đã được đối xử nhân đạo hơn và nhận được nhiều phúc lợi hơn trong tay của những người chinh phục… Những mục tiêu mà người chiếm đóng theo đuổi không phải là trả thù hay khai thác bóc lột mà là những cải cách giúp Nhật đạt được một xã hội tự do và dân chủ”.
(Mikiso Hane, Modern Japan: A historical Survey, Westview Press, Colorado, 1986. tr. 344)

Đó là Mac Arthur của Hoa kỳ, còn Nhật Bản trong thời kỳ bị chiếm đóng cũng xuất hiện một nhân vật đối tác tương xứng với Mac Arthur là Yoshida Shigeru. Ông xuất thân từ Tokyo Imperial University và đi vào ngành ngoại giao từ 1906. Trước chiến tranh, Yoshida đã giữ nhiều chức vụ ở Trung Hoa, làm Đại sứ ở Ý và ở Anh Quốc năm 1936. Vì lập trường chống chế độ quân phiệt, ông bị triệu hồi từ nhiệm sở ở London và buộc phải rời khỏi ngành ngoại giao tháng 3/1939.

Không cộng tác với nhóm quân phiệt và thêm phần bị bắt vì những hoạt động cầu hòa trong chiến tranh, nên Yoshida đã là một trong một số ít chính khách có tiếng trước chiến tranh không bị chế độ chiếm đóng thanh trừng. Vì thế ngay sau khi Mac Arthur thiết lập Tổng Hành Dinh ở tòa nhà Dai Ichi ở Tokyo, Yoshida đã được triệu lên thủ đô để nhận chức Bộ Trưởng Ngoại Giao. Rồi sau đó được thỉnh cầu làm Thủ Tướng đầu năm 1946 và đã giữ chức vụ này gần 7 năm, suốt giai đoạn Hoa Kỳ chiếm đóng.

Yoshida là một chính khách bảo thủ. Vào thời kỳ đầu chế độ chiếm đóng, ông đã xếp đặt cuộc hội kiến lịch sử đầu tiên của Nhật Hoàng Hirohito với Mac Arthur và đã hết lòng bảo vệ ngôi vua. Với lập trường chống Cộng và thực dụng, Yoshida đã biết cách làm việc với Mac Arthur để đưa Nhật vượt qua giai đoạn hậu chiến quá khó khăn, đồng thời đã biết vận dụng những chính sách của SCAP để chủ động thay đổi nước Nhật và mở đường cho Nhật đi vào thế giới dân chủ.

Sau đây là mấy thành tựu lớn của Nhật sau chiến tranh:

I. Bại mà thành dân chủ

Sau khi Nhật đầu hàng, Tổng thống Harry Truman đã tuyên bố là việc chiếm đóng Nhật có hai mục đích: Thứ nhất, chuyển Nhật thành một quốc gia hòa bình bằng cách tận diệt những nhân tố đưa đến chủ nghĩa quân phiệt và chiến tranh. Thứ nhì, xây dựng trên nước Nhật một nền dân chủ mạnh.
Còn tướng Mac Arthur khi nhận trách nhiệm lãnh đạo nước Nhật đã có một chủ kiến là đến Nhật để “tạo dựng một quốc gia mới” và ông đã ghi một danh sách những việc phải làm như sau:
“Hủy bỏ hiến pháp Minh Trị thay vào bằng hiến pháp Mac Arthur. Nhật phải từ bỏ chiến tranh vĩnh viễn. Giáng Hoàng Đế Nhật từ thần linh xuống làm người. Tách Thần Đạo ra khỏi nhà nước. Giải phóng nông dân ra khỏi chế độ nông nô và được cấp đất. Công nhân được phép tổ chức công đoàn và đình công chống lại chủ. Giải tán Zaibatsu, hệ thống đại công ty kỹ nghệ thương mại và thay bằng một hệ thống kinh tế với những xí nghiệp nhỏ. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới. Xóa bỏ chế độ gia trưởng, trong đó người cha, người chồng là những ông vua nhỏ. Thanh trừng những người đã tạo ra chiến tranh. Hủy bỏ phương pháp học thuộc lòng và tôn thờ Hoàng Đế ở trường học. Mở cửa chính trị cho mọi người…”.
Qua lời của Tổng Thống Truman và qua danh sách ghi việc của tướng Mac Arthur, chúng ta hiểu một điều là nửa thế kỷ học Tây phương để canh tân từ thời Phục Hưng Minh Trị (1860), Nhật Bản đã trở thành cường quốc tính tranh bá cùng những cường quốc Tây phương, nhưng đã bỏ quên nâng cao giá trị dân chủ và vị thế con người trong xã hội Nhật Bản. Vì thế trong chương trình dựng lại nước Nhật, tướng Mac Arthur khởi đầu đã tiến hành việc phi quân sự hóa và xây dựng chế độ dân chủ:

1. Phi quân sự hóa:
Vấn đề này gồm mấy việc:
a. Giải ngũ quân đội Nhật và hồi hương binh sĩ cùng thường dân Nhật ở ngoài nước Nhật. Việc hồi hương 3.300.000 binh sĩ và khoảng 3.200.000 thường dân đã kết thúc vào đầu năm 1948.
b. Những cơ sở quân sự Nhật ở Nhật, ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương được dỡ bỏ, còn quân dụng, vũ khí bị phá hủy.
c. Thiết lập tòa án quân sự quốc tế để xử những người tạo ra chiến tranh. Việc xử án đã kéo dài từ 1946 tới 1948. Kết quả xử tử (treo cổ) 7 người trong số 25 bị cáo, trong đó có tướng Tojo, thủ tướng chiến tranh từ 1941 đến 1944. 18 người còn lại đã nhận những án tù dài hạn, nhưng đến năm 1957, những người này đã được giảm án.
d. Thanh trừng những phần tử quan trọng liên hệ đến những nỗ lực chiến tranh. Việc điều tra này đã kéo dài từ 1946 đến 1948. Kết quả là 220.000 người gồm doanh nhân, kỹ nghệ gia và cựu sĩ quan đã bị loại ra khỏi guồng máy chính quyền, hay bị cấm hoạt động trong khoảng 5 năm hay hơn.

Trên tiến trình xử tội phạm chiến tranh, số phận của Hoàng Đế Hirohito và số phận của chế độ quân chủ cũng được bàn cãi ở Nhật cũng như ở Mỹ. Nhưng tướng Mac Arthur đã nhận chân vị thế của Hoàng Đế trong lòng người dân Nhật, trong truyền thống Nhật và giá trị của ông trong việc ổn định xã hội để thực hiện những mục tiêu của việc chiếm đóng. Vì thế khi chính quyền Mỹ hỏi ông về vấn đề này, Mac Arthur đã trả lời: “Tôi tin rằng nếu Hoàng Đế bị kết tội và có thể bị treo cổ như là một tội phạm chiến tranh thì chính quyền quân sự Mỹ sẽ phải được thiết lập trên khắp nước Nhật, và chiến tranh du kích có thể sẽ bùng nổ”.
(Mikiso Hane: đd, tr. 346)

Nhiều sử gia viết về nước Nhật đã có một nhận định chung là sự sáng suốt của Mac Arthur đã cứu Hoàng Đế Hirohito và giữ yên chế độ quân chủ. Nhưng vị trí của ông và bản chất của chế độ quân chủ sẽ được thay đổi trong bản hiến pháp mới do SCAP soạn thảo để làm nền cho việc dân chủ hóa chế độ.

2. Xây dựng chế độ dân chủ
a. Thay đổi hiến pháp
Đầu năm 1946, theo chương trình dân chủ hóa, nội các Shidehara Kijuro chịu trách nhiệm soạn thảo bản hiến pháp mới, nhưng tướng Mac Arthur đã bác bỏ bản hiến pháp này vì đã giữ nguyên cơ cấu chính trị Nhật như hiến pháp Minh Trị (1889). Sau đó ông đã chỉ thị tướng Coutney Whitney, người đứng đầu Bộ Phận Chính Quyền trong Tổng Hành Dinh Đồng Minh (Allied Powers General Headquarters – GHQ) thành lập một ban đặc nhiệm soạn thảo hiến pháp, căn cứ theo tài liệu chỉ dẫn của Bộ Ngoại Giao, Chiến Tranh và Hải Quân Mỹ. Đó là bản hiến pháp Mac Arthur. Sau khi được chính phủ Nhật sửa chữa chút ít, bản hiến pháp mới được chuyển lên Quốc Hội dưới hình thức là một tu chính án của hiến pháp Minh Trị (1889), và được thông qua ngày 3/11/46.
Hiến pháp mới đã thay đổi nước Nhật từ một nước quân chủ lập hiến hình thức, còn bản chất là quân chủ chuyên chế thành một nước dân chủ đại nghị với những điểm chính như sau:
- Hoàng Đế là biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất của nhân dân.
- Quyền tối thượng thuộc về nhân dân.
- Quốc Hội gồm hai viện: Hạ Viện (House of Representatives) và Thượng Viện (House of Councillors) đều do dân bầu và Hạ Viện có quyền cao hơn Thượng Viện.
- Đảng chiếm đa số ghế Hạ Viện sẽ thành lập nội các. Thủ tướng và các bộ trưởng trong nội các đều là đại biểu Hạ Viện và chịu trách nhiệm trước quốc hội.
- Tư pháp độc lập với quốc hội và hành pháp.
- Thực hiện quyền tự trị địa phương: Quận trưởng, thị trưởng và hội đồng thành phố đều do dân bầu.
- Từ bỏ chiến tranh và không duy trì quân lực.
- Nam nữ bình quyền, vợ chồng bình đẳng.
- Nhân quyền được bảo đảm, đặc biệt là quyền sống tự do và theo đuổi hạnh phúc.
- Quyền phổ thông đầu phiếu cho công dân từ 20 tuổi.
- Tôn giáo được tách khỏi nhà nước.
- Công nhân có quyền tổ chức công đoàn, đình công và thương lượng tập thể với chủ.
- Thiết lập nền giáo dục tự do và bình đẳng.
- Hủy bỏ giai cấp quý tộc (peerage).
Vào Tết năm 1946, trước khi hiến pháp mới có hiệu lực, Hoàng Đế Hirohito, theo sự khuyến khích của SCAP, đã tuyên bố ông không phải là thần thánh (divine). Từ đó ông thường ra khỏi cung điện để thăm hỏi dân tình.

3. Cải cách kinh tế
Để thực hiện mục tiêu dân chủ hóa kinh tế, SCAP tiến hành thay đổi hệ thống kỹ nghệ và ruộng đất ở nông thôn.

a. Về kỹ nghệ:
Những nhà làm chính sách ở Washington căn cứ trên những chứng cớ, thống kê và điều tra đã kết luận rằng:
- Hệ thống Zaibatsu đã kiểm soát 3/4 những hoạt động kỹ nghệ và thương mại và những người đứng đầu hệ thống Zaibatsu đã thông đồng với giới quân phiệt để mở rộng đế quốc Nhật.
- Sự tập trung tài sản quá lớn đã ngăn cản việc phát triển dân chủ ở nhật.
Vì thế việc đầu tiên đối với kỹ nghệ là phải phá bỏ hệ thống Zaibatsu. Theo đó những thành viên trong gia đình của Zaibatsu và những người điều hành hàng đầu phải bị thanh trừng. Những công ty chủ quản Zaibatsu (holding company) phải bán chứng khoán cho công chúng.
Việc thứ nhì là ban hành luật chống độc quyền, cấm cartels, trusts cùng những thỏa hiệp hạn chế mậu dịch.
Thứ ba là ban hành luật hủy bỏ sự tập trung quá mức của quyền lực kinh tế. Luật này cho phép hủy bỏ bất cứ công ty nào chế ngự một thị trường đặc biệt mà những công ty mới vào khó tồn tại.
Theo luật này thì trên 1000 công ty sẽ bị giải tán, nên giới doanh nghiệp và chính trị ở Nhật và Mỹ đã phản đối với lý lẽ là chương trình khó thực hiện và sẽ làm chậm sự hồi phục kinh tế Nhật. Vì thế chương trình đã được xét lại và kết quả là số công ty trong danh sách giải tán đã giảm từ số ngàn xuống còn 11 công ty. Tuy thế 83 công ty chủ quản Zaibatsu bị giải tán và khoảng 5000 công ty khác phải tổ chức lại theo luật chống độc quyền. Chẳng hạn 2 đại công ty Mitsui và Mitsubishi đã bị phân thành 240 công ty riêng biệt.
Theo dõi kết quả của chương trình cải cách hệ thống Zaibatsu, sử gia Mikiso Hane đã tổng kết: “Nỗ lực hủy bỏ hệ thống doanh nghiệp lớn đã không kéo dài được lâu, vì sau khi SCAP ra đi, hầu hết những công ty Zaibatsu cũ đã kết hợp lại, mặc dù dưới một hình thức lỏng lẻo hơn. Và sự kết hợp đã gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế nhanh trong những năm cuối thập niên 1950-60”
(Mikiso, anedđd. tr. 347)
Cùng với chương trình thay đổi hệ thống kỹ nghệ, SCAP cũng thúc đẩy chính quyền Nhật ban hành một số đạo luật lao động để xây dựng và phát triển phong trào nghiệp đoàn độc lập. Trong đó có thể kể:
- Luật nghiệp đoàn (Trade Union Law): Bảo đảm cho công nhân ở cả 2 khu vực công và tư, quyền tổ chức, tham dự vào việc thương lượng tập thể và đình công.
- Luật tiêu chuẩn lao động (Labor Standard Law): Qui định lương tối thiểu, giờ làm việc tối đa (8 giờ/ngày – 48 giờ/tuần. Ngày nghỉ được trả lương, an toàn lao động, học nghề, nghỉ bệnh, bồi thường tai nạn. Việc làm của phụ nữ và trẻ em (hai nhóm đã bị những nhà kỹ nghệ khai thác quá mức trước chiến tranh).
Từ sự khuyến khích của SCAP và những bộ luật lao động, số công đoàn và đoàn viên đã phát triển nhanh chóng. Tháng 8 năm 1945 không có công nhân mang thẻ nghiệp đoàn, nhưng tới tháng giêng năm 1946, 120 công đoàn đã được thành lập với số đoàn viên gần 900.000. Tới năm 1949, 6.5 triệu trong tổng số 15 triệu công nhân kỹ nghệ đã được kết nạp vào hơn 35.000 công đoàn.

b. Về cải cách ruộng đất:
Khi chiến tranh kết thúc, 70% nông dân là tá điền hay phải thuê thêm đất, và số đất được thuê mướn chiếm khoảng 46%. Nhưng Nhật không có điền chủ lớn, chỉ vào khoảng 2000 điền chủ có 100 acres. Hầu hết những cá nhân làm chủ chỉ khoảng 10 acres.
Dưới sự chỉ đạo của SCAP, Quốc Hội đã thông qua luật cải cách ruộng đất tháng 10 năm 1946. Đạo luật này đã giải quyết việc phân chia ruộng đất cho nông dân như sau:
- Chính quyền mua tất cả ruộng đất của địa chủ vắng mặt (không sống thường trực trên đất của mình), rồi bán lại cho nông dân theo giá mua. Mỗi gia đình được mua 2.5 acres và phải trả trong 30 năm với lãi xuất 3.2%.
- Việc mua bán đất được 13.000 Ủy Ban Ruộng Đất điều hành do địa phương bầu ra.
- Địa chủ sống trên đất của mình được giữ lại 2.5 acres để canh tác và thêm 7.5 acres có thể cho thuê.
- Một sự kiện đặc biệt là nông dân đã mua được đất ruộng với giá rất thấp, vì sự lạm phát phi mã sau chiến tranh, với hậu quả là tiền mất giá giữa thời gian khi giá bồi thường được quyết định và thời gian khi mua bán kết thúc, đưa đến một tình trạng là địa chủ thực tế đã không được bồi thường. Trong nhiều trường hợp giá mỗi acre trả cho địa chủ chỉ bằng một cây thuốc lá ngoài chợ đen. Tình trạng này đã giúp cho nông dân có thể trả hết số nợ mua đất trong thời gian ngắn.
Chương trình cải cách điền địa kết thúc vào tháng 8/1950. Với kết quả khoảng 2.8 triệu acres đất ruộng và 1.95 triệu acres đất vùng cao đã được mua từ 2.34 triệu địa chủ và bán lại cho 4.75 triệu tá điền và những nông dân có ít đất hơn mức tối đa theo luật. Sự thành tựu của chương trình cải cách ruộng đất đã nhanh chóng đưa nông dân Nhật lên vị thế độc lập và biến Nhật thành một xứ sở của tiểu nông.

4. Cải cách giáo dục
Trên hướng dân chủ hóa và mở rộng giáo dục, SCAP đã tiến hành thay đổi nền giáo dục của Nhật như sau:
- Thứ nhất, về cấu trúc đã mô phỏng hệ thống giáo dục của Mỹ, bao gồm tiểu học 6 năm, trung học đệ nhất cấp 3 năm, trung học đệ nhị cấp 3 năm và cao đẳng 4 năm.
- Thứ nhì, về triết lý giáo dục, bỏ sắc lệnh giáo dục của Hoàng Đế và thay bằng bộ luật căn bản giáo dục với nội dung: “Đề cao giá trị cá nhân và nỗ lực đào tạo những công dân yêu chân lý và hòa bình”. Vì thế, học đường đã bỏ những giáo trình về đạo đức, luân lý và những nhà giáo dục đã viết lại sách giáo khoa với nội dung đề cao những giá trị dân chủ và hòa bình, đặc biệt về các ngành khoa học xã hội.
- Thứ ba, về mở rộng giáo dục, SCAP mở rộng cửa giáo dục cho học sinh tiếp tục học sau 9 năm giáo dục cưỡng bách. Vì thế trường đại học đã được thiết lập ở mỗi quận (Prefecture) và đại học tư cũng được thiết lập theo sự khuyến khích của SCAP. Nói chung, đến cuối thập niên 1960, Nhật đã có khoảng 600 trường đại học và cao đẳng.

5. Phát triển chính trị dân chủ
Trên tiến trình dân chủ hóa chính trị Nhật Bản, SCAP đã tiến hành những bước như sau:

a. Mở đường cho tự do lập hội:
Ngay sau khi nắm quyền cai trị Nhật Bản, SCAP ban hành “Civil Liberties Directive”, tháng 10/1945 và ra lệnh phóng thích tất cả chính trị phạm, khoảng 3000 người, trong đó có nhiều đảng viên Cộng Sản, đáng kể là 2 thủ lãnh Cộng Sản Tokuda Kyuichi và Shiga Yoshio. Với quyền tự do lập hội, chính đảng đủ các khuynh hướng: Bảo thủ, cấp tiến, xã hội và cộng sản đã thi nhau xuất hiện, khoảng trên 300 đảng. Chính việc mở đường tự do này mà những người Cộng Sản đã gọi lực lượng chiếm đóng là quân giải phóng.

b. Thực hiện bầu cử:
Sau khi chấp nhận đầu hàng, Nhật Hoàng đã chỉ định hoàng thân Higashikuni lập nội các thay Đô Đốc Kantaro Suzuki ngày 16/8/45. Nội các Higashikuni đã từ chức sau 45 ngày, nên Shidehara, người chủ trương chính sách hòa bình trước và sau thế chiến II, đã được SCAP chỉ định lập nội các mới (9/10/45). Nhưng nội các Shidehara chỉ tồn tại được 6 tháng, vì đảng Cấp Tiến của Shidehara đã về nhì trong cuộc bầu cử đầu tiên sau chiến tranh. Đảng Tự Do đã về nhất, đáng lẽ lãnh tụ đảng, Hatoyama Ichiro, thành thủ tướng, nhưng ông đã bị SCAP thanh trừng vì những hoạt động trước và trong chiến tranh của ông. Vì thế Yoshida Shigeru, Bộ Trưởng Ngoại Giao trong nội các Shidehara, đã thay Hatoyama lập nội các.
Hiến pháp mới có hiệu lực từ tháng 5/47, nên SCAP ra lệnh tổ chức bầu cử vào tháng 4/47. Kết quả bầu cử: Đảng Xã Hội (Socialist party) về nhất, lãnh tụ đảng là Katayama liên minh với đảng Dân Chủ của Ashida, lập nội các. Nhưng chính quyền Xã Hội đã hoàn toàn bất lực do sự phân tranh nội bộ và đổ tháng 3/ 1948. Ashida thay Katayama lập nội các, nhưng nội các Ashida cũng đổ sau mấy tháng (10/48) do bất lực, tham nhũng và hối lộ.
Yoshida trở lại chính quyền trong tháng 10/48, và ông đã tổ chức một đảng mới, đảng Dân Chủ Tự Do (Democratic Liberal Party) bằng sự kết hợp đảng Tự Do với thành phần chống đối trong đảng Dân Chủ. Trong cuộc bầu cử tháng 1/1949, đảng Dân Chủ Tự Do thắng lớn, từ 152 lên 264 ghế, trở thành đảng đầu tiên sau chiến tranh nắm đa số tuyệt đối trong Hạ Viện gồm 466 ghế. Đảng Dân Chủ về nhì, nhưng bị tụt từ 90 xuống 68 ghế, đảng Xã Hội từ 111 xuống 49 ghế. Còn đảng Cộng Sản lấy lại được một phần thanh thế, từ 4 lên 35 ghế. Từ đây, Yoshida đã giữ chính quyền trong 7 năm (46-47 và 48-54). Với chính sách củng cố cơ chế dân chủ, khuyến khích chủ nghĩa tư bản, liên kết với thế giới tự do, chống lại chủ nghĩa cộng sản, ông đã vạch được con đường sống phát triển của Nhật.
Còn những người theo xã hội chủ nghĩa, bị đàn áp trước chiến tranh, đã chấp nhận hiến pháp dân chủ và ủng hộ những cải cách của SCAP, nhưng họ chống lại chủ nghĩa tư bản và đòi hỏi:
- Không được thả lỏng xí nghiệp tư.
- Quốc hữu hóa những ngành kỹ nghệ lớn.
- Gia tăng những chương trình phúc lợi xã hội.
Những người xã hội chủ nghĩa cũng chống lại chính sách của chính quyền bảo thủ liên kết với Hoa Kỳ và thế giới tư bản trong chiến tranh lạnh. Từ đó, những người theo xã hội chủ nghĩa đã trở thành một đối lực của những lực lượng dân chủ bảo thủ.

II. Bại mà khôi phục nền độc lập trong 7 năm

Trong mấy năm hậu chiến, Nhật đang nỗ lực thực hiện cải cách dân chủ và khôi phục kinh tế thì tình hình thế giới biến đổi nhanh. Trên bình diện quốc tế, sự phân tranh ý thức hệ tư bản – cộng sản giữa thế giới tư bản và khối cộng sản do Liên Sô lãnh đạo đã chuyển thế giới sang chiến tranh lạnh. Còn ở Á Châu thì cuối năm 1949 đảng Cộng Sản Trung Hoa của Mao Trạch Đông đã thắng chính quyền Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và tiếp đó mùa hè năm 1950, chiến tranh Hàn quốc (Cao Ly) bùng nổ do Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn.

Trước tình thế ấy, Hoa Kỳ chuyển sang chính sách ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản trên thế giới, và muốn kết Nhật thành đồng minh của Mỹ trên tuyến ngăn chặn Cộng Sản ở Châu Á Thái Bình Dương. Từ đó chính sách của Mỹ đối với Nhật cũng thay đổi, từ một nước bị Mỹ cai trị thành một nước độc lập, đồng minh của Mỹ. Thật ra vấn đề trả độc lập cho Nhật đã được tướng Mac Arthur đề cập đến trong một cuộc họp báo từ tháng 3/1947, với lý do là ông đã thấy sự tiến triển của chương trình cải cách cùng khả năng điều hành cải cách của chính phủ Nhật, hơn thế việc kéo dài chiếm đóng sẽ có những phản tác dụng. Nhưng có lẽ Mac Arthur đã nói ra vấn đề quá sớm, khi Mỹ đang chuyển thế trước trận chiến mới của Liên Sô. Vì thế đến năm 1950, chính quyền Mỹ mới tính đến việc trao trả độc lập cho Nhật, và Foster Dulles, cố vấn Bộ Ngoại Giao, sau đó là ngoại trưởng, đã được Tổng Thống Truman trao nhiệm vụ giải quyết vấn đề.

Trước hết, F. Dulles tham khảo những cường quốc Đồng Minh để tìm một sự đồng thuận về một hiệp ước hoà bình cho Nhật. Còn đối với Hoa Kỳ, ông đưa ra 5 điều kiện để Nhật có thể thu hồi nền độc lập:
- Thứ nhất, Nhật phải quên bản hiến pháp Mac Arthur, để tái vũ trang với số quân 350.000 người.
- Thứ nhì, hiệp ước hòa bình chỉ được ký với các nước Âu Mỹ, những đồng minh chống Cộng Tây phương.
- Thứ ba, Nhật không được chọn chính sách trung lập. Hoa Kỳ cần một đồng minh ở Đông Bắc Á.
- Thứ tư, Mỹ cần duy trì những căn cứ hải, lục, không quân ở Nhật trong chiến lược đối phó với Liên Sô và Trung Cộng.
- Thứ năm, Nhật chỉ công nhận chính quyền Quốc Dân Đảng ở Đài Loan.
Với 5 điều kiện trên, Hoa Kỳ muốn biến Nhật thành một đồng minh mạnh trong chiến lược ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản ở Á Châu. Đổi lại, Nhật sẽ được thu hồi chủ quyền, được trợ giúp thêm về kinh tế, và đi vào khối mậu dịch Tây phương, và được trợ giúp tái vũ trang để Nhật góp phần vào sự tự vệ khu vực.

Đối lại với lập trường của Mỹ, đa số dân Nhật đã bày tỏ một lập trường khác hẳn:
- Chống lại việc tái vũ trang để liên kết với Tây phương và sự hiện diện của lực lượng Mỹ trên đất Nhật.
- Muốn Nhật trung lập, đứng ngoài sự phân tranh mới của thế giới Tư Bản và khối Cộng Sản.
- Muốn hiệp ước hòa bình phải bao gồm cả Trung Cộng và Liên Sô. Vì như thế chứng tỏ đó là một chính sách trung lập đúng nghĩa của trung lập.

Còn đối với thủ tướng Yoshida, người có trách nhiệm thương thuyết với Foster Dulles về vấn đề độc lập của Nhật thì trong 5 điều kiện của Mỹ, ông đã bác bỏ việc tái vũ trang với đội quân gồm 350.000 người. Vấn đề này ông đã nói với F. Dulles là Nhật không thể thực hiện vì kinh tế Nhật không đương nổi, dân Nhật không chấp nhận, hiến pháp cấm và các nước lân bang sẽ hoảng sợ.

Còn bốn điều kiện sau thì điều kiện duy trì quân đội Mỹ trên đất Nhật là khó khăn nhất, vì đa số dân Nhật và những đảng đối lập không chấp nhận. Nhưng đây lại là trọng điểm trong chiến lược mới của Mỹ, nên cuối cùng ông đã chấp nhận để đổi lấy nền độc lập bị một phần lệ thuộc, đổi lấy việc phát triển kinh tế, đổi lấy việc liên kết với Mỹ để mở đường cho Nhật đi vào thế giới Âu Mỹ cả về chính trị lẫn kinh tế.

Tháng 9/1951, việc thương thuyết kết thúc. Nhật và 47 nước cựu thù ký vào Hiệp Ước Hòa Bình ở San Francisco. Ngoại trưởng Liên Sô không ký, còn Trung Cộng và Trung Hoa Đài Loan không được mời, vì sự bất đồng giữa Mỹ và Anh về chính quyền nào, Taiwan hay Bắc Kinh, là chính quyền hợp pháp. Cùng ngày đó, Hoa Kỳ và Nhật ký Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật. Với hiệp ước này:
- Quân đội Mỹ được tiếp tục ở lại trên đất Nhật.
- Nhật được bảo vệ trước những cuộc xâm lăng từ bên ngoài và những cuộc nổi loạn ở trong nước do những cường quốc bên ngoài yểm trợ.

Đảng Xã Hội và Cộng Sản chống lại việc phê chuẩn hiệp ước Hoà Bình và hiệp ước An Ninh. Nhưng đảng Dân Chủ Tự Do của Yoshida chiếm đa số trong Quốc Hội, vì thế cả hai Hiệp Ước đã được phê chuẩn và có hiệu lực ngày 28/4/1952.

Hai Hiệp Ước Hòa Bình và An Ninh đã trả lại chủ quyền cho Nhật và mở cửa cho Nhật trở lại với cộng đồng thế giới, nhưng Yoshida đã bị phê phán gay gắt ở Hiệp Ước An Ninh, vì đã nhượng bộ quá nhiều khi để cho Mỹ tiếp tục duy trì số quân quá lớn với nhiều căn cứ, cùng những hoạt động tự do của quân Mỹ trên đất Nhật. Tuy vậy theo sử gia James McClain thì “Yoshida đã coi việc thi hành hệ thống San Francisco là sự chiến thắng lớn nhất trong sự nghiệp của ông. Nhật đã khôi phục chủ quyền, việc chiếm đóng lâu dài của nước ngoài đã kết thúc, quốc gia đã kết với khối Anh Mỹ hùng mạnh và đất nước đã được bảo đảm sự trợ giúp kinh tế của những cường quốc kỹ nghệ của thế giới”.
(James McClain: Japan: a Modern History, w.w. Norton &Company, New York, 2002, tr. 558)

© Đàn Chim Việt





No comments:

Post a Comment

View My Stats