Được đăng ngày Thứ tư, 06 Tháng 2 2013
14:58
Sau hơn một tuần xét xử, ngày 04/02/2013
phiên tòa sơ thẩm hình sự tỉnh Phú Yên tuyên án tù chung thân đối với ông Phan
Văn Thu (tức Trần Công), 65 tuổi, người bị coi là cầm đầu tổ chức "Hội
đồng công luật công án Bia Sơn" về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính
quyền nhân dân". Hai mươi mốt (21) người còn lại bị tuyên những án tù nặng
nề, theo đó:
- 2 người bị kết án 17 năm tù: các ông Lê Duy Lộc (57 tuổi) và Vương Tấn Sơn (57 tuổi);
- 2 người bị kết án 17 năm tù: các ông Lê Duy Lộc (57 tuổi) và Vương Tấn Sơn (57 tuổi);
- 6 người bị kết án 16 năm tù: các ông Võ
Thành Lê (58 tuổi), Nguyễn Kỳ Lạc (62 tuổi), Võ Ngọc Cư (62 tuổi), Tạ Khu (67
tuổi), Đoàn Đình Nam (62 tuổi), Từ Thiện Lương (63 tuổi) và Võ Tiết (61 tuổi);
- 1 người bị kết án 15 năm tù: ông Lê Phúc
(62 tuổi);
- 3 người bị kết án 14 năm tù: các ông
Nguyễn Dinh (45 tuổi), Đoàn Văn Cư (51 tuổi), Phan Thành Ý (65 tuổi);
- 2 người bị kết án 13 năm tù: bà Đỗ Thị
Hồng (56 tuổi) và ông Trần Phi Dũng (47 tuổi);
- 5 người bị kết án 12 năm tù: các ông Lê
Trọng Cư (47 tuổi), Trần Quân (29 tuổi), Lương Nhật Quang (26 tuổi), Lê Đức
Động (30 tuổi), Nguyễn Thái Bình (27 tuổi);
- 1 người bị kết án 10 năm tù: ông Phan
Thành Tường (26 tuổi).
Tổng cộng 295 năm và tất cả phải chịu quản thúc tại địa
phương 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Dư luận đã rất kinh ngạc trước những án tù
quá nặng nề này. Từ vài năm trở lại đây, chính quyền cộng sản Việt Nam gia tăng
đàn áp, bắt bớ và xét xử một cách tùy tiện những người bất đồng chính kiến về
những tội danh mơ hồ như "âm mưu lật đổ chính quyền" và "tuyên
truyền chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam", nhưng chưa ai bị án
tù chung thân như ông Trần Văn Thu. Nhìn chung, nếu không được giảm án, hơn
phân nửa số người vừa bị kết án sẽ bị chết già hoặc chết vì bệnh tật trong tù
trước khi mãn hạn.
Có cái gì mờ ám trong vụ án này.
Một vụ án dàn dựng
Không hiểu vì lý do gì, báo chí trong nước
không cung cấp nhiều thông tin về một vụ án chính trị lớn với 22 người mà chính
quyền cộng sản gọi là phản động. Trong phiên tòa kéo dài hơn một tuần lễ, từ
28/01 đến 04/02/2013, không một tường thuật nào đã được đưa ra. Theo một người
tham dự vụ án kể lại, các luật sư đã không những không tích cực bào chữa mà còn
chấp nhận tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền" theo điều 79 Bộ Luật
Hình sự.
Qua những hình ảnh do báo công an mạng tỉnh
Phú Yên phổ biến, số công an mặc đồng phục xanh lá cây hiện diện trong phòng xử
đông hơn thân nhân những người bị xét xử đến tham dự. Riêng ông Phan Văn Thu,
tức Trần Công, người được coi là đứng đầu Hội đồng công luật công án Bia Sơn,
bị hai công an kẹp chặt hay cánh tay trước vành móng ngựa, chắc chắn là ông không
thể tự biện hộ một cách tự nhiên được. Trong lời phát biểu cuối cùng, ông Phan
Văn Thu nói nếu tòa thương phần nào thì thương, chứ ông không có làm việc chính
trị nào hết.
Số công an đông hơn thân nhân
Ông Phan Van Thu bị hai công an kẹp chặt
Về phía những bị cáo, họ rất hiền lành và
không có kháng cự gì hết, tòa nói sao họ cúi đầu nghe vậy. Một số người khẳng
định trước tòa rằng họ không có làm điều gì đụng đến chính trị cả, động cơ ban
đầu là vào làm thuê làm mướn, sau đó nghe ông Phan Văn Thu thuyết giảng rất hay
về đạo lý làm người nên họ nghe theo vậy thôi. Tất cả đều nói họ là những người
đi tu từ nhỏ, xuất gia vào chùa, sống vì Phật pháp. Tội danh duy nhất của những
người tham gia Hội đồng công luật công án Bia Sơn là sử dụng số từ ngữ đụng đến
chính trị mà họ luận từ Bộ Sấm Nguyễn Bỉnh Khiêm như Đại Nam Kinh Châu, Cửu
Quốc Trùng Chính… Nói chung, đây là một phiên tòa
xử những người mê tín dị đoan chứ không có gì là chính trị cả, những lời kinh
sấm đã có từ thế kỷ 16 và không hề có ý tuyên truyền chống nhà nước hay âm mưu
lật đổ chính quyền. Vì là những người tu hành, ngay sau khi bị kết tội không
một người nào tuyên bố sẽ kháng án.
Nhắc lại, ngày 5/2/2012, một lực lượng công
an đông đảo hơn 200 người cùng với chó nghiệp vụ đột nhập vào Khu du lịch sinh
thái Hoàng Long khám xét và bắt giữ ông Phan Văn Thu cùng 9 người khác và thu
giữ "hàng trăm tập tài liệu thể hiện nội dung cương lĩnh hoạt động của
tổ chức phản động này cùng 19 kíp nổ, 10 bộ đàm, 1 ống nhòm, 2 máy tính xách
tay, 1 máy ảnh, 1 máy quay phim, trên 12.000 USD, gần 190 triệu đồng tiền mặt
và một số phương tiện hoạt động khác".
Liên quan đến vụ án này còn có một số người
khác như Dương Phú Dũng, Lê Ngọc Huy, Lê Ngọc Phước Phùng, Nguyễn Việt Giáo,
Nguyễn Đốc Huấn, Huỳnh Hùng, Lê Thiên Sách, Lê Hàng, Phạm Văn Cai, Huỳnh Đường,
Trần Văn A, Trần Văn Bi, Võ Bụi, Nguyễn Thanh Quân, Lê Phụng Trung, Lê Thị
Phượng có hành vi tham gia tổ chức nhưng đã tự thú và khai rõ sự việc nên được
miễn truy tố nhưng sẽ bị xử lý bằng những biện pháp khác (bị quản lý tại địa
phương).
Trong ngày xét xử, về phần tài sản, tòa án
Phú Yên tuyên bố đã "tịch thu hơn 220 triệu đồng, 80.443 đô la Mỹ, 500
đô la Úc, 300 đô la Canada, 26 thẻ, nhẫn kim loại màu vàng, 2 ô tô, 19 xe máy,
33 điện thoại di động, 2 điện thoại bàn, 5 máy tính xách tay, 1 máy tính để
bàn, 10 bộ đàm, 1 ống nhòm, 3 camera, 2 máy chụp ảnh, máy ghi âm, cùng nhiều
phương tiện ; cơ sở vật chất của tổ chức phản động, tức Khu du lịch sinh thái
Bia Sơn bị niêm phong thu giữ".
Theo bản cáo trạng ký ngày 28/09/2012 và tống đạt đến gia
đình các bị cáo cho biết: "Từ
năm 2003 đến tháng 2-2012, ông Phan Văn Thu cùng với 21 bị can vừa nêu đã thành
lập tổ chức chính trị có tên gọi Hội đồng công luật công án Bia Sơn tại Khu du
lịch sinh thái Đá Bia làm trung tâm chỉ huy hoạt động của tổ chức. Với chiến
lược "tiền sinh thái, hậu tổ đình" và "bất bạo động", tổ
chức lập thành 12 ban, 26 pháp hội và 4 nhóm chưa đặt tên ở các địa phương. Tổ
chức đã sáng tác, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương,
đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vu khống, nói xấu chế độ hiện tại,
ca ngợi chủ thuyết công bản để tuyên truyền mê hoặc một bộ phận quần chúng nhân
dân, dần dần loại bỏ tư tưởng cách mạng, ý thức hệ XHCN ra khỏi đời sống xã
hội, làm phai nhạt niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và
Nhà nước, gây hoang mang, lo lắng, hoài nghi đối với chế độ hiện nay. Xây dựng
nội quy, quy chế hoạt động, Cương lĩnh hành động để định hướng cho hoạt động
của tổ chức, các pháp hội địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức này tuyên truyền,
lôi kéo quần chúng nhân dân vào tổ chức để đóng góp của cải vật chất, công sức
đồng thời là lực lượng chính trị của tổ chức ở các địa phương. Dự kiến tên
nước, Quốc kỳ, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh, bộ máy chính quyền trung ương,
địa phương, sắc phong 72 tướng lĩnh. Thời gian hành động bắt đầu từ năm 2013,
Phan Văn Thu lãnh đạo cùng các đồng phạm trong Hội đồng công luật công án Bia
Sơn và các đệ tử, bào tộc thực hiện việc đấu tranh lật đổ chính quyền Nhà nước
Việt Nam thành lập Nhà nước Đại Nam Kinh Châu".
Theo báo cáo của công an, những hành vi
phạm pháp của ông Phan Văn Thu, tức Trần Công, hoàn toàn mang tính dị đoan và
mê tín chứ không có gì là chính trị cả. Không biết ông Phan Văn Thu có hiểu hết
ý nghĩa những lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không, nhưng với trình
độ của một người có kiến thức trung bình thì những câu sấm trong Cửu Kinh Minh
Triết, viết bằng chữ Hán, rất là khó hiểu. Theo nhận xét riêng, câu sấm càng
khó hiểu thì càng lôi cuốn người muốn được nghe lời giải thích. Sau đây là một vài trích dẫn:
"Tổ chức phản động “Hội đồng công luật
công án Bia Sơn” do đối tượng Phan Văn Thu, tức Trần Công (SN 1948, quê ở xã An
Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tổ 10, Liêm
Trực, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cầm đầu. Đây là đối tượng đã lập nên tổ
chức “Ân đàn đại đạo” năm 1969, núp dưới danh nghĩa tu hành để hoạt động tình
báo, gián điệp.
Trần Công cùng các cộng sự của mình đã thêu
dệt truyền thuyết về Cao Biền của Trung Quốc khi xưa đã từng đặt chân tới khu
vực núi Đá Bia thấy đây là vùng đất địa linh, có Thánh địa mạch Rồng sẽ sinh ra
nhân tài, hào kiệt nên đã yểm huyệt Mạch Kim Ngưu nhưng chưa yểm xong thì bị
giết chết, chôn ở Long Thủy. Theo bộ sấm Thái Ất Thiên Cơ của Trạng trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm thì sẽ có nhân kiệt là Kim Ngưu phá điền giáng trần có tên
Trần Công với sự nghiệp phá điền, xuất bất chiến tự nhiên thành, sau cùng sẽ
lập một quốc gia mới.
Trần Công cho rằng, mình là nhân vật chính
trong sấm truyền vì là người ăn nhai lại, có bao tử hai ngăn tức Âm dương bào
tạng tướng, là Kim Ngưu, trong tay có chữ Hán Vương, có chân mạng Thiên tử làm
vua, hiện đang thuyết (sáng tạo) được Cửu kinh Minh triết (xưa nay chỉ có Phật
Di Lặc mới thuyết được Cửu kinh), sáng tạo ra chủ thuyết Công bản, Cương lĩnh
Công luật Đại hóa toàn cầu. Đây là chủ thuyết mới, tiên tiến nhất. Ai theo Trần
Công sẽ được giải thoát, có công đức lớn và sẽ có sự nghiệp lớn sau này.
Công án (nhiệm vụ) của Trần Công được gọi
là Công án Bia Sơn chính là Công án xuất bất chiến tự nhiên thành. Chủ thuyết
Công bản được hiểu Công là chung, Bản là gốc, gốc của cái chung tức là sự công
bằng cho cái chung. Ai đi theo y, nghe được lời, học được kinh triết cũng đều
được giải thoát. Ai cùng làm sự nghiệp và đi theo Trần Công thì sẽ được chia
ban bằng sự nghiệp. Ai cúng dường cho Trần Công là có được công đức rất lớn, sẽ
được trả gấp trăm lần. Ai chối bỏ Trần Công là vì nghiệp quá nặng, phải rơi vào
địa ngục. Ai phản thì người đó phải chết, ai cản trở việc làm thì người đó phải
bị điên. Ai phụ tá đến ngày Trần Công ra công chức sẽ được rất nhiều ân sướng.
Một hình thức khác để lôi kéo, ru ngủ mọi
người tham gia vào Hội đồng công luật công án Bia Sơn, Trần Công đã tổ chức
thuyết giảng, tuyên truyền Cửu kinh Minh triết với nhiều nội dung mơ hồ như:
Thống thức chân quang kinh, Hệ thống kinh quỹ bát đoạn, Chân tính ánh sáng bất
đoạn sát na trong hệ thống Tam thiên Đại thiên thế giới, Nguyên lý pháp tính
bất diệt… Hàng ngày, buổi sáng từ 4 đến 5 giờ 30, buổi chiều từ 18 đến 21giờ,
Trần Công trực tiếp thuyết giảng tại Khu nhà hàng Kim Việt để lôi kéo mọi người
tham gia.
Trần Công cũng tự đặt cho mình các pháp
danh như: Tôn Luân, Kim Ngưu phá điền, Ngọc đảnh, Ngọc Phật, Chơn đảnh quang
minh, Chơn đảnh Minh sỹ, Tâm Linh, Thành Tâm, Đức Quang Minh, Ngọc đảnh Đại hóa
Ứng thân Phật… Tuy nhiên, ông Phật này có đến 5 bà vợ và rất nhiều con cháu.
Trần Công và các cộng sự đã vận động được
trên 300 đối tượng tham gia. Bọn chúng chủ trương áp dụng phương thức bất chiến
tự nhiên thành, cốt sao lôi kéo ngày càng đông số người tham gia vào tổ
chức".
Với những dẫn chứng trên, tội danh ban đầu
của những người tham gia tổ chức Hội đồng công luật công án Bia Sơn bia mang ra
kiểm điểm trước tổ dân phố tháng 2/2012 là "để người nhà đi tu mà không
báo cho chính quyền biết" và "tu hành không rõ nguồn gốc".
Nhưng sau 8 tháng điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên đã quyết định
đổi tội danh những người bị bắt thành "âm mưu lật đổ chính quyền"
và "tuyên truyền chống nhà nước".Với những tội danh mới này,
công an Phú Yên có thêm thời gian điều tra và lấy lời khai theo đúng
những gì mà chính quyền muốn cáo buộc họ.
Đối
với chính quyền tỉnh Phú Yên, quyết định thay đổi tội danh trùng hợp với chính
quyền trung ương Hà Nội để một mặt tăng cường quyền lực của đảng cộng sản
và mặt khác nhằm trưng thu một tài sản có trị giá kinh tế cao để cùng nhau chia
chác.
Một vụ án để chiếm đoạt tài sản công dân
Khu du lịch sinh thái Hoàng Long, còn gọi
là Khu du lịch núi Đá Bia (đặt tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông
Hòa, cạnh Quốc lộ 1A cách thị xã Tuy Hòa 23 km về phía Nam), là một chi nhánh
của công ty Quỳnh Long (trước kia là công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Long).
Đây là một quần thể (resort) khá lớn, rộng 48 ha, nằm trong khu danh thắng cấp
quốc gia núi Đá Bia. Được hình thành từ năm 2004, công ty Quỳnh Long đã xây
dựng 65 hạng mục công trình phục vụ kinh doanh du lịch hang động (troglodite
caves) trên một diện tích đất rộng gần 18.000m2, thuộc khu vực rừng đặc dụng
Đèo Cả. Bên trong khuôn viên là quần thể với hơn 60 công trình kiến trúc được
xây dựng rải rác trên các triền núi với những tên mang tính tôn giáo như Động
Bích Lạp, Động Tam Thanh, Động Đại Bi, Ngọc Động, Thạch Linh Cung, nhà nghỉ
Hương Hoàng Trang… Chi phí xây dựng do
sự đóng góp của các tín đồ trong đạo đóng góp. Tuy nhiên, theo những gì
được quảng cáo trên mạng, hình thức tổ chức và quản trị khu du lịch này không
thua gì những khu du lịch sinh thái khác, nghĩa là có nhiều nhà nghỉ (Binh
Minh, Hương Hoàng Trang), quán nghỉ chân (Thạch Ngọc, Thạch Kim), nơi tham quan
(Đền Hùng Vương, các quần thể Bích Lạp, Tam Thanh, Cá Voi), leo núi trekking
(Núi Đá Bia 700m), hồ nước (Dãi Lụa, Mạch Rồng, Long Vân), nơi cắm trại (Thạch
Lâm Viên Hưng Đạo), phòng hội nghị, nhà hàng tiệc cưới và karaoke (Kim Việt,
Hoa Thủy Tuên), bida, quay phim, chụp ảnh (Thung Lũng Tịnh Hồng)… Trị giá các công trình chắc chắn không dưới một vài triệu USD.
Cho đến đầu năm 2012, Khu du lịch Đá Bia là
một trong những địa chỉ thu hút rất lớn lượng khách du lịch tại Phú Yên. Như để
thử khả năng tài chánh của công ty Quỳnh Long, ngày 3/12/2011, chính quyền tỉnh
Phú Yên đã xử phạt công ty Quỳnh Long 300 triệu đồng vì diện tích đất chưa được
cấp phép và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau ba năm xây dựng,
đầu năm 2011 Khu du lịch sinh thái núi Đá Bia đi vào hoạt động và bắt đầu thju
hoạch. Sự thành công này đã khiến các cấp chính quyền địa
phương chú ý, chính các ông Đào Tấn Lộc (bí thư tỉnh ủy) và Phạm Văn Hóa (giám
đốc công an tỉnh) sau khi đến tham quan cũng đã hết lời khen ngợi. Sau khi biết
rõ tiềm năng thu hoạch tài chánh của khu du lịch, ngày 5/2/2012 chính quyền
tỉnh Phú Yên quyết định tấn công, bộ chỉ huy tỉnh đã huy động hơn 200 công an
đến bố ráp và niêm phong.
Vì thiếu thông tin từ các báo chí trong
nước, người ta không khỏi nghi ngờ về động cơ bắt giữ người và niêm phong tài
sản công ty Quỳnh Long của chính quyền tỉnh Phú Yên. Quyết định trưng thu Khu
du lịch sinh thái núi Đá Bia có lẽ xuất phát từ tiềm năng thu hút vốn đầu tư
lớn từ nước ngoài để phát triển thành phố Tuy Hòa bị giảm sút nặng. Theo tổng
kết sau 15 năm (1998-2013) thực hiện Nghị quyết trung ương 5 (khóa 8) "Về
xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc", thành ủy tỉnh Tuy Hòa đã không gặt hái được thành quả nào đáng kể
trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Cũng nên biết, trong suốt 15 năm qua Phú
Yên là tỉnh khá nổi tiếng với những siêu dự án trị giá hàng tỉ USD, nhưng cho
đến nay chưa một dự án nào được thành hình, tất cả những siêu dự án vẫn chỉ là
những… siêu sản phẩm trên giấy. Một thí dụ, ngày 12/3/2011, chính quyền tỉnh
Phú Yên lấy quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Thành phố sáng tạo
Nam Tuy Hòa do Tập đoàn Galileo Investment Group, Inc (Mỹ) đăng ký đầu tư với
tổng số vốn 11,4 tỉ USD. Lý do được đưa ra là tập đoàn này không đủ năng lực
tài chính để đầu tư dự án. Ngoài ra còn có những siêu dự án chưa thành hình
khác như Khu lọc - hóa dầu Vũng Rô (trị giá trên 11 tỉ USD) mà chính quyền Phú
Yên bị một doanh nhân Singapore bịp bằng cách mượn tiền của tỉnh để đền bù
tượng trưng cho vài hộ dân rồi sau đó mang hết số tiền còn lại bỏ chạy ; Đặc
khu kinh tế Phú Yên do tập đoàn Sama Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống
nhất - UAE) đăng ký đầu tư hàng trăm tỉ đô la ( ?) với diện tích đầu tư dự án
chiếm… 1/3 tỉnh Phú Yên rồi cũng biến mất.
Đối với những cấp lãnh đạo địa phương,
không có đầu tư là không có bỏ tiền vào túi riêng, do đó phải bằng mọi giá tìm
cho ra một nguồn tiền nào đó để bù đắp, bất kể từ đâu. Trước tiềm năng phát
triển du lịch Miền Trung, Khu du lịch sinh thái núi Đá Bia là một cơ hội phải
nắm bắt thật nhanh, nếu không thì những cấp cao hơn đến từ trung ương sẽ đến
chiếm mất. Cái không may của Khu du lịch
sinh thái núi Đá Bia là ở chỗ đó, nó nằm trong ống nhắm quyền lợi của các viên
chức lãnh đạo cao cấp địa phương. Ai cũng biết tổ chức Hội đồng công luật
công án tại Bia Sơn là một tổ chức tào lao, mê tín dị đoan nhưng muốn chiếm
đoạt tài sản của tổ chức này thì phải tạo ra những chứng cớ pháp lý để buộc
tội, nghĩa là phải có tổ chức, có đảng viên và có tang chứng.
Sau 8 tháng điều tra, bộ phận chấp pháp
tỉnh Phú Yên đã phịa ra những chứng cớ mà chính những người bị kết tội cũng
không hiểu là gì như tổ chức phản động (công ty trách nhiệm hữu hạn Quỳnh Long),
căn cứ địa (khu du lịch sinh thái Bia Sơn), tài liệu phản động và cương lĩnh
(Cửu kinh Minh triết), vũ khí (19 kíp nổ để khai thác đá), dụng cụ truyền tin
(10 bộ điện đàm talkie-walkie trong một khu vực rộng 481.000 m2), hai máy vi
tính để liên lạc với nước ngoài (thực ra là để quản trị một công ty rộng lớn
với hơn một trăm nhân viên), v.v. Tổng số tiền tịch thu hơn 84.000 USD cũng chỉ
bằng giá của một đám cưới hạng trung bình tại các thành phố lớn trong nước
(khoảng 100.000 USD).
Thêm vào đó, những nhân viên quản trị công
ty và những chức sắc của đạo công án công luật bị đặt cho những chức danh chính
trị mà chính họ không hề nghĩ tới như trưởng ban đối nội, trong ban giám tra,
trưởng ban nghi lễ, trưởng ban hoằng pháp, trưởng ban giáo khoa, trưởng ban tài
chính, trưởng ban hồng vệ pháp, v.v. Những người đến nghe giảng kinh là bị kết
tội là đồng lõa, gia nhập tổ chức phản động, trong đó có cả Việt kiều (dưới
nhãn quan của chính quyền cộng sản Việt Nam, Việt kiều miền Nam là những con bò
sữa và là những người phản động chưa bị truy tố).
Về những tội danh khác, chính những người
bị kết án cũng không biết quốc ca, quốc kỳ quốc hiệu, thủ đô của quốc gia Đại
Nam Kinh Châu này là gì và 72 tướng lĩnh của họ là ai, cơ quan điều tra của
công an không đưa ra bằng cớ.
Càng không hiểu hơn, tại sao bản cáo trạng
ngày 28/9/2012 tố cáo Hội đồng công luật công án Bia Sơn là một tổ chức phản
động hoạt động theo phương pháp bất bạo động (bất chiến tự nhiên thành) lại có
tới 72 tướng lĩnh (có trình độ nào, cấp bậc nào và mỗi người chỉ huy bao nhiêu
lính).
Rõ ràng những chứng cớ để buộc tội những
người dân hiền lành và chất phác làm việc trong Khu du lịch sinh thái nuí Bia
Sơn tại Phú Yên là giả tạo, không thuyết phục. Ác độc hơn, mục đích của những bản án
nặng nề vừa qua là để những người lãnh đạo chết trong tù và các cấp lãnh đạo
địa phương có thể chiếm đoạt tài sản một cách miễn phí. Đây là một tội ác. Tên tuổi những người tham gia vào việc bắt bớ, giam cầm
và kết tội những thường dân mộc mạc này được ghi rõ trên các văn bản luật pháp
và báo chí, đó là những chứng cớ mà sau này nếu bị truy tố, tác giả hay đồng
lõa những cuộc bắt bớ thường dân vô tội này rất khó chối cãi.
Qua vụ án này, còn ai dám bỏ tiền vào Việt
Nam đầu tư để phát triển đất nước? Khi muốn chiếm đoạt, tất cả những công ty tư
nhân đều có thể bị chính quyền cộng sản Việt Nam tố cáo là những tổ chức phản
động. Nói tóm lại, một công ty tư nhân tại Việt Nam hiện nay là một tổ chức
phản động chưa bị truy tố.
Nguyễn Văn Huy
----------------------------------------------
VỤ ÁN
“CÔNG ÁN BIA SƠN”
‘‘Công án Bia Sơn’’
là một vụ án ‘‘tạo dựng’’
- TS Nguyễn Văn Huy / Trọng Thành
– RFI 29-1-2013
No comments:
Post a Comment