Friday 4 December 2020

ĐÃ ĐẾN LÚC HÀN GẮN LẠI NƯỚC MỸ (Robert Reich)

 


Đến lúc hàn gắn lại nước Mỹ  

Robert Reich

Thụy Mân dịch thuật
Ngày 04-12-2020 (GMT +7)

https://thenewviet.com/den-luc-han-gan-lai-nuoc-my.html

 

Lời người dịch: Cho đến giờ, sau hơn một tháng kể từ ngày bầu cử, ông Donald Trump vẫn không ngừng ồn ào và vẫn khẳng định cuộc bầu cử có gian trá mà không hề có chứng cứ gì. Nước Mỹ đã rạn vỡ cực kỳ nghiêm trọng dưới bốn năm của Trump và đến giờ đáng lý phải dành thời gian để hàn gắn lại sự chia rẽ và phân cực nhằm có thể đưa nước Mỹ hồi phục.

 

Xin giới thiệu các bạn bài viết của ông Robert Reich, giáo sư ngành Chính sách công Đại học Berkeley California. Trước đây ông Robert Reich là Bộ trưởng Lao động dưới thời Tổng thống Clinton.

 

                                                               ***

 

Đã kết thúc. Donald Trump đã trở thành quá khứ.

 

Với hàng triệu người Mỹ, lúc này là thời gian để ăn mừng, để thở phào nhẹ nhõm. Sự tàn nhẫn, thù hận, dối trá triền miên, tham nhũng, bác bỏ khoa học, thiếu năng lực và tính cách tự tôn gớm ghiếc của Trump đã gây nên những điều tồi tệ nhất cho nước Mỹ. Ông ta đã thách thức các giới hạn của nền dân chủ và các giá trị tinh thần của người Mỹ. Trump là hiện thân gần gũi nhất cho một nhà độc tài mà chúng ta có thể thấy được. Nền dân chủ Mỹ đã có một bước thối lui, một thời gian gần như dân chủ không có mặt trên đất nước này. Và giờ đây chúng ta đang có một cơ hội để duy trì và khôi phục những điều tốt đẹp của nước Mỹ.

 

Điều này thật không dễ dàng. Các mối liên lạc trong xã hội đã bị xé nát. Nếu Trump đã không coi nhẹ nạn dịch và chối bỏ trách nhiệm trong việc ngăn chặn thì Joe Biden đã không phải thừa kế một đại dịch quá tồi tệ, và một cuộc khủng hoảng kinh tế lẽ ra có thể tránh được. Di sản tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ Trump là một nước Mỹ bị chia cắt. Đánh giá theo số phiếu bầu trong cuộc bầu cử, số người ủng hộ Trump có chừng 70 triệu (*). Họ đã tức giận ngay cả trước khi có cuộc bầu cử (những người ủng hộ Biden cũng tức giận không thua gì). Bây giờ, những người này có lẽ còn đang giận dữ hơn. Đất nước chúng ta đã có mầm mống chia rẽ ngay cả trước khi Trump trở thành tổng thống – chia rẽ giữa các chủng tộc và dân tộc, giữa các tiểu bang ủng hộ các đảng phái khác nhau, chia rẽ giữa khác biệt về học vấn, nguồn gốc quốc gia, tôn giáo và giai cấp. Nhưng Trump đã khai thác những chia rẽ này để lợi dụng cho mục đích riêng. Không chỉ đổ muối vào vết thương, ông ta còn cài vô đó những trái lựu đạn!

 

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/12/heal-the-nation-1.jpg

Joe Biden & Kamala Harris trên bìa tạp chí Time

 

Di sản ông ta để lại là một thứ di sản thấp hèn. Dù người Mỹ chúng ta thường xuyên có những bất đồng với chính phủ về công việc họ làm, nhưng ít nhất chúng ta cũng chấp nhận sự ràng buộc trong xã hội với các quyết định của chính phủ. Thỏa thuận căn bản này đòi hỏi sự tin tưởng giữa mọi người trong xã hội để chúng ta có thể thành tâm xem xét đến quan điểm và lợi ích của những người không cùng chính kiến, và cũng coi trọng điều đó như quan điểm của chính chúng ta. Nhưng Trump liên tục ném bỏ niềm tin đó để nuôi cái tôi quái dị của ông ấy.

 

Các cuộc bầu cử trước đây thường kết thúc với việc ứng cử viên thua cuộc chúc mừng người chiến thắng và vui vẻ chấp nhận thất bại, từ đó thể hiện thiện chí của họ với hệ thống dân chủ, qua kết quả cụ thể mà họ đã đấu tranh để có được. Nhưng không có cả sự ân cần lẫn nhượng bộ ở Trump. Ông ta không có các phẩm chất đó. Trump vẫn sẽ còn là tổng thống trong hai tháng rưỡi (*) nữa. Ông ta vẫn cáo buộc rằng cuộc bầu cử đã bị cướp đoạt, vẫn đưa ra những thách thức về pháp lý và yêu cầu kiểm phiếu lại, thực hiện các cuộc vận động để có thể ngăn trở các bang chọn đại cử tri với hạn chót là ngày 8 tháng 12.

 

Nếu ông tiếp tục như vậy, nước Mỹ có thể rơi vào tình cảnh tương tự như lúc đất nước đã phải đối đầu vào năm 1876, khi các tuyên bố về gian lận bầu cử buộc một ủy ban bầu cử đặc biệt phải quyết định ai là người thắng cử, chỉ hai hôm trước ngày lễ nhậm chức. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trump từ chối tham dự lễ nhậm chức của Biden và thay vào đó tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ. Trump sẽ gửi loạt tin nhắn đầy thịnh nộ đến những người ủng hộ, gây nghi ngờ về sự hợp pháp của Biden, thúc giục những người này chối bỏ nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy. Kế tiếp đó sẽ là nhiều tháng biểu tình và các dòng tweet với nhiều cáo buộc kỳ quái hơn: âm mưu chống lại Trump và nước Mỹ của Biden, Nancy Pelosi, các quan chức cấp tiểu bang, "người ủng hộ chủ nghĩa xã hội", người nhập cư, người Hồi giáo hoặc bất kỳ ai mà ông ta cho là kẻ thù.

 

Sẽ còn có thể kéo dài trong nhiều năm, Trump vẫn gây sự chú ý của dân chúng, vẫn là trung tâm của tranh cãi và chia rẽ, duy trì những cơn giận dữ triền miên cho những người ủng hộ ông ta, làm cho họ tin vào khả năng ông ta có thể tái tranh cử vào năm 2024. Tất cả điều đó sẽ gây khó khăn cho Biden trong việc thực hiện bất kỳ công việc gì để làm lành đất nước mà ông đã hứa hẹn và đất nước thì đang rất cần. Làm thế nào Biden có thể hàn gắn quốc gia khi Trump muốn điều ngược lại?

 

Các phương tiện truyền thông (bao gồm Twitter, Facebook và thậm chí cả Fox News) có thể giúp một tay. Họ đã bắt đầu chỉ ra những lời nói dối của Trump, cắt các cuộc họp báo của ông, những điều lẽ ra họ nên làm từ nhiều năm trước. Hãy hy vọng họ tiếp tục cho thấy rằng ông ta dối trá bằng cách gắn các tin tức chính xác đi kèm, bằng không thì chỉ đơn giản lờ đi những dối trá đó, đây là một kết thúc phù hợp cho một tổng thống luôn dùng truyền thông để biến nước Mỹ thành một bãi chiến trường đúng nghĩa. Nhưng trách nhiệm hàn gắn nước Mỹ thuộc về tất cả chúng ta.

 

Trước hết chúng ta rất muốn ghi nhận và tôn vinh lòng vị tha mà chúng ta đã nhận thấy được trong suốt thời gian cần nhiều nỗ lực này - bắt đầu với hàng chục ngàn nhân viên bầu cử đã làm việc nhiều giờ trong những hoàn cảnh khó khăn và đôi khi nguy hiểm. Thêm vào đó là các nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc đã cứu sống người bệnh khỏi thảm họa COVID-19; hàng ngàn lính cứu hỏa ở phía Tây và những người ứng cứu khẩn cấp khu vực ven vùng vịnh San Francisco đang chống chọi với hậu quả của biến đổi khí hậu; các nhân viên chính phủ đang cố gắng đưa các chi phiếu trợ cấp thất nghiệp đến hàng triệu người dân không có công ăn việc làm; nhân viên xã hội phải giải quyết tình trạng khủng hoảng xảy ra cho các gia đình bị mất nơi trú ngụ do không có tiền để trả tiền thuê nhà cùng với những khó khăn khác; đội ngũ tình nguyện viên phục vụ, nấu ăn cho những nơi cung cấp thực phẩm miễn phí.

 

Họ mới chính là những người anh hùng thực sự của nước Mỹ. Họ là hiện thân của sự tử tế trên đất nước này. Họ đang nỗ lực làm lành lặn, tái tạo niềm tin, nhắc cho chúng ta nhớ đến các giá trị thật sự của chúng ta, đồng thời nhắc chúng ta rằng chia rẽ hận thù không nằm trong các giá trị đó. Donald Trump không phải là giá trị của nước Mỹ.

 

(*) Các con số và thời gian đề cập trong bài là ở thời điểm ngày 10-11-2020

 

Thụy Mân dịch, Napa, California, 3-12-2020 – một tháng sau ngày bầu cử

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats