Thứ
Bảy, 01/14/2017 - 05:40 — tuankhanh
Nếu
theo dõi các chuyển động thời sự gần đây, bất kỳ ai cũng có thể hiểu rằng chuyến
đi của ông John Kerry lần này, hoàn toàn mang ý nghĩa là giải thích với các
quan chức chóp bu VN về Tổng thống đắc cử và nội các mới, trấn an các quốc gia
như VN trước các xáo trộn về chính sách của Hoa Kỳ với các khu vực, đặc biệt là
cam kết về sự có mặt của người Mỹ ở biển Đông trong tương lai.
Vì
vậy, dù đại diện cho nước Mỹ và đứng trên chủ trương nhân quyền hay tự do ngôn
luận gì đó, ông John Kery vẫn đến, mang tư cách xã giao và gỡ rối cho hoàn cảnh
ngoại giao mới mẻ giữa hai nước. Đó mới là mục đích chủ yếu. Thậm chí trong các
phát biểu của ông Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tại VN, nếu có ngụ ý gì các vấn đề mà
Hà Nội không thích như nhân quyền, tự do... thì lúc này, ông John Kerry cũng chỉ
thể hiện tính nguyên tắc, hơn là thật sự hết lòng cỗ võ cho một mặt trận bất đồng
chính kiến tại VN trong bối cảnh hiện thời đang mệt mỏi và ô hợp.
Ông
John Kerry quay về Mỹ với kết quả lớn nhất cần có, là cầm theo một hồ sơ tái
cam kết về các mối quan hệ cấp quốc gia, và đặc biệt là sẽ không để những tiểu
tiết bất đồng như tù nhân lương tâm, các nhóm XHDS hay tự do tôn giáo làm cản
trở việc lớn của nước Mỹ.
Vì
vậy, việc ngành an ninh VN tung một lực lượng hùng hậu để chận, theo đuổi, cản
phá sinh hoạt bình thường của nhiều người trong đôi ngày vội vã của ông John
Kerry ở Hà Nội và Sài Gòn, có vẻ là không cần thiết.
Nếu
nhìn lướt qua các nhân vật bị chận, bị quấy rối vào những ngày này, người ta
nhìn thấy đủ các thành phần như giới blogger phản biện, giới XHDS, giới trí thức
nói chung, bao gồm cả văn nghệ sĩ. Số nhân viên an ninh đeo bám các nhân vật bị
coi là "nguy hiểm" cho đất nước, được huy động ít nhất từ 2 người,
cho đến cả 10 người, cho mỗi nhân vật. Quả là một sự chuyển động quy mô và đầy
tốn kém, nhưng đầy im lặng, suốt từ Hà Nội đến Sài Gòn.
Anh Hoàng Dũng, thành viên của nhóm
XHDS Con đường Việt Nam, có ghi lại hình ảnh anh bước ra cửa vào một đêm khi
ông John Kerry chưa có ở Sài Gòn. Khoảng 8 thanh niên mặc thường phục đứng chặn
ở cửa nhà của anh, không nói lý do ngăn cản, cũng như không giải thích được
tình trạng hành động bất hợp pháp của họ.
Chị Đỗ Thị Minh Hạnh, đại diện cho
Phong trào Lao Động Việt, cũng bị khoảng 10 thanh niên chận trước cửa nhà trong
nhiều ngày. Những người này cũng im lặng trước hành động của mình, và dù vậy,
ai cũng biết rằng việc giam lỏng công dân, cũng chỉ vì chuyến đi của ông Bộ trưởng
ngoại giao Mỹ.
Ông Nguyễn Viện, nhà văn, với vũ khí
duy nhất là những cuốn tiểu thuyết không thích xin phép kiểm duyệt của mình,
cũng bị nhân viên an ninh mời đi uống nước. "Mời" là một cách nói khá
phổ biến, mô tả cách làm việc của giới an ninh Việt Nam khi muốn quấy nhiễu hay
tiếp cận để "thẩm vấn mềm" một ai đó. Nhiều năm sau 1975, có khá nhiều
chữ nghĩa của người Việt biến dạng, sinh ra thêm các giá trị ẩn dụ. Chẳng hạn
"mời" có vỏ bọc rất lịch sự, nhưng ẩn trong đó đôi khi là sự trơ trẽn
hoặc thô bỉ.
Trên
thực tế, việc canh giữ, theo đuổi, sách nhiễu... nhiều người như trong trường hợp
ông John Kerry đến Việt nam là loại bài bản rất cũ. Thậm chí là phản tác dụng.
Vì loạt hành động như vậy, có thể giúp cho nhiều người nhanh chóng nhận ra những
nhà lãnh đạo Cộng sản đang nghĩ gì, cảm nhận được tình hình xã hội chính trị
phía sau bức màn nói chung , và hơn nữa, có thể hiểu việc lập nhóm canh gác,
theo dõi, giam lỏng... có khi chỉ là những bài tập thực hành cho các nhân viên
an ninh trẻ mới vào nghề, chứ không có ý nghĩa gì cao quý.
Tháng
11/2016, phóng viên John Sudworth của BBC làm cả thế giới sửng sốt khi phát đi
những hình ảnh của ông ở Trung Quốc, bị khoảng 20 người đàn ông che mặt, im lặng
chận không cho ông tiếp xúc với bà Liu Huizhen, 45 tuổi, chỉ vì bà này tự ứng cử
trong một chương trình bầu cử ở địa phương. Sự tương phản của lời kêu gọi tự do
ứng cử từ chính quyền và hình ảnh các nhân viên an ninh mặc thường phục che, cản
cuộc tiếp xúc bình thường ấy đều có thể khiến người xem vừa chán chường vừa
thương hại cho nhà cầm quyền. Bài viết trên BBC gọi những người ngăn cản này là
'thugs', tức bọn lưu manh đầu đường xó chợ. Tên gọi thật xứng đáng.
Trong
những hình ảnh mà anh Hoàng Dũng phát đi, về những kẻ lạ mặt ngăn cản anh,
không cho ra khỏi nhà, đó cũng là những kẻ cũng đeo khẩu trang, cũng im lặng
cúi mặt né đi khi ống kính video đi tới. Tôi chợt nhớ đến những bộ quân phục giống
nhau đến kỳ lạ của quân đội Việt Nam và Trung Quốc qua bức ảnh mà báo Lào Cai
giới thiệu trong buổi hai nước giao lưu với nhau cuối năm 2016, và tôi cũng nhớ
đến cách hành động của những kẻ bị BBC gọi là "du thủ du thực" cũng
giống nhau một cách kỳ lạ ngay ở nhà bà Liu Huizhen, và trước cửa nhà anh Hoàng
Dũng. Thật khó tả, khi những hình ảnh so sánh đó lướt qua, cũng dễ gây một cảm
giác vừa buồn chán vừa thương hại không kém .
Chắc
chắn những cuộc gặp của ông John Kerry hay của phái đoàn Liên Minh Châu Âu với
dăm ba người cũng sẽ không thể lật đổ được chế độ Hà Nội, hay làm thay đổi được
gì vĩ đại trên đất nước này. Một vài người Việt Nam được thăm hỏi hay tiếp cận
không thể vụt lên trở thành lãnh tụ của một cuộc cách mạng bí mật. Ngay cả việc
nhận định như vậy là một giả thuyết, thì đó cũng là một loại giả thuyết ngu ngốc
nhằm dựng nên một khung cảnh quốc gia đầy bất an, nhằm âm mưu để tạo thêm quyền
và lực cho cho riêng một bộ phận nào đó.
Nếu
như có đổi thay, thì đó là khát vọng đổi thay của cả dân tộc Việt Nam để đi tới
một ngày mai tốt đẹp hơn với một quốc gia vững vàng về công lý và pháp luật, để
tìm kiếm những người lãnh đạo tương xứng với giá trị lịch sử và tương lai mà tổ
tiên Lạc Hồng di huấn. Chính nội lực của người Việt Nam sẽ quyết định tất cả chứ
không thể là một âm mưu nào đó từ Hoa Thịnh Đốn hay Bắc Kinh. Giống như Đức Tăng thống Thích Quảng Độ từng
nói "đừng trông chờ vào ai, mà hãy là tự chính chúng ta".
No comments:
Post a Comment