Monday 9 January 2017

KHI NIỀM KIÊU HÃNH TRỞ THÀNH NỖI XẤU HỖ (Công Minh / TBKTSG)




Công Minh / TBKTSG 
Chủ Nhật,  8/1/2017, 14:03 (GMT+7)

(TBKTSG) - 1. Tin tức về việc chính quyền tỉnh Sóc Trăng sang Campuchia học tập kinh nghiệm kinh doanh lúa gạo khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Tôi sinh ra sau đổi mới, chỉ được biết về nó qua các bài học lịch sử. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác tự hào dân tộc khi nghe cô giáo lịch sử cấp 2 của mình nói: “Công cuộc đổi mới đã biến Việt Nam từ một nước thiếu đói nhanh chóng vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu gạo”. Gần 30 năm qua, chúng ta vẫn coi lúa gạo là niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.

Nhưng vài năm trở lại đây, báo đài dần xuất hiện nhiều hơn các bài viết nói về sự tụt hậu của ngành lúa gạo Việt Nam, rằng chất lượng gạo của chúng ta thấp, rằng gần 30 năm rồi mà chúng ta chưa có thương hiệu gạo quốc gia. Rồi một vài lần mẹ tôi đi siêu thị mua về gạo Nhật, gạo Thái, cũng thấy khác so với gạo nội mình thường ăn. Hạt gạo của họ trắng hơn, to đều, không có hạt vỡ, không lẫn trấu sạn, lại thơm hơn và dẻo hơn. Lúc đó tôi chỉ nghĩ: “Thái với Nhật phát triển hơn Việt Nam nên mới thế”.

Một cú sốc nữa đối với ngành lúa gạo Việt Nam khi chỉ mới tháng trước, chính quyền Trung Quốc, một thị trường vốn được coi là rất dễ tính, sang Việt Nam để kiểm tra việc kiểm dịch gạo. Theo một chuyên gia trong ngành, nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đấu trộn quá nhiều. Từ năm 2017 trở đi, chỉ còn 22 doanh nghiệp được quyền bán gạo vào thị trường này.

2. Cách đây không lâu, tôi có dịp ngồi nói chuyện với một doanh nhân người Campuchia kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo. Ông ta say sưa kể về công việc kinh doanh của mình, rằng mỗi năm ông ta xuất được bao nhiêu gạo, rằng giá rất tốt do gạo của ông ta là gạo hữu cơ, không dùng hóa chất... Nhưng điều người đàn ông này tự hào nhất là ông đã giúp được rất nhiều nông dân Campuchia thoát nghèo dựa trên công nghệ trồng lúa gạo hữu cơ mà ông dạy họ.

Tôi hỏi ông ta có kho chứa gạo không, dung tích bao nhiêu, có máy xát không, công suất thế nào... Ông nói lúc đầu khởi nghiệp thì chỉ đi thuê kho và máy rất nhỏ, sau có thương hiệu rồi, có nhà đầu tư khác cùng hùn vốn rồi thì mới mua sắm.

Tôi kể cho ông ấy nghe Nghị định 109 của Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho 5.000 tấn và máy xát 10 tấn/giờ. Ông ấy trợn tròn mắt và nói: Thế thì tôi cũng không thể khởi sự kinh doanh.

Tôi cũng kể cho ông ấy chuyện Công ty Cỏ May của Việt Nam làm gạo hữu cơ nhưng không thể tự mình xuất khẩu đành phải lách. Cỏ May đã phải thành lập một công ty tại Singapore. Cỏ May trong nước sản xuất ra gạo, đưa gạo của mình cho người có giấy phép xuất khẩu để bán cho công ty của chính Cỏ May ở Singapore, công ty này sau đó mới bán cho khách hàng (xem thêm bài Hạt gạo vướng nút thắt Nghị định 109/2010 trên kinhtesaigon.vn).

Người đàn ông nghĩ một lúc rồi nói nửa thật nửa đùa: “Vậy tôi mong Chính phủ Việt Nam duy trì quy định này, để gạo của tôi bớt đối thủ cạnh tranh”.

Xây dựng thương hiệu tức là khiến người tiêu dùng ghi nhớ trong đầu rằng gạo có tên A, B, C... này có chất lượng tốt. Muốn vậy, thì đầu tiên doanh nghiệp phải cung một lượng nhỏ gạo có chất lượng tốt ra thị trường. Nếu thấy thị trường đón nhận, người tiêu dùng bắt đầu ghi nhớ rằng gạo A, B, C... đó tốt rồi thì mới tìm kiếm thêm nhà đầu tư, ngân hàng để mở rộng quy mô và cố gắng duy trì chất lượng. Không ai mới bắt đầu xây dựng thương hiệu mà đã đi vay hàng chục tỉ đồng để đầu tư, cung một lượng gạo khổng lồ ra thị trường khi chưa biết thành, bại ra sao.

Đó là cách mà Nghị định 109 đã góp phần giết chết những nhà khởi nghiệp và giết chết thương hiệu gạo của Việt Nam.

3. Làm việc sâu trong lĩnh vực pháp luật kinh tế, tôi ngày càng thấm thía một điều rằng, để phát triển một ngành sản xuất nào đó, không cần Nhà nước phải ưu đãi, hỗ trợ, hay quy hoạch, cấp phép gì hết, chỉ cần Nhà nước bảo hộ quyền tài sản và quyền hợp đồng của nhà đầu tư trong lĩnh vực đó một cách toàn vẹn và lâu dài, chắc chắn ngành đó sẽ phát triển.

Đất canh tác là cơ sở đầu tiên để đầu tư vào lúa gạo. Nhưng quyền tài sản của nhà đầu tư đối với đất trồng lúa bị giới hạn bởi hai chính sách: (1) hạn điền và (2) thu hồi đất.

Hạn điền làm tăng chi phí canh tác, bởi chẳng ai có thể ứng dụng máy móc vào một mảnh ruộng bé tí hon. Nhưng tai hại hơn, hạn điền còn khiến chất lượng gạo không ổn định. Doanh nghiệp mua gạo của hàng trăm ngàn hộ nông dân khác nhau thì không có cách nào để bảo đảm chất lượng gạo đồng đều.

Doanh nghiệp tập huấn cho bà con, cung cấp giống, phân, thuốc rồi giám sát để bảo đảm chất lượng gạo đồng đều ư? Chỉ cần khi đến vụ, giá gạo bên ngoài cao hơn 100 đồng/ki lô gam là nông dân lật kèo, doanh nghiệp có đủ chứng cứ cũng không thể đi kiện bởi vì hệ thống tư pháp quá mất thời gian và không hiệu quả. Quyền hợp đồng không được Nhà nước bảo hộ thì không thể bảo đảm cho những mô hình hợp tác như vậy.

Chính sách thu hồi đất cũng tác hại không kém. Giả sử bạn là người có tiền, bạn có thể mua cổ phiếu của một doanh nghiệp trồng lúa hoặc một doanh nghiệp sân golf. Bạn biết rằng Nhà nước chỉ thu hồi đất trồng lúa để làm sân golf chứ chẳng bao giờ thu hồi đất làm sân golf để trồng lúa. Vậy bạn sẽ có xu hướng mua cổ phiếu của ai?

Thu hồi đất còn khiến không ai dám đầu tư lâu dài. Muốn trồng gạo hữu cơ đòi hỏi đất không được sử dụng bất kỳ hóa chất nào trong ít nhất ba năm. Sẽ không ai dám làm điều này nếu họ không thể chắc chắn rằng họ có quyền sử dụng mảnh đất đó trên 10 năm. Trên 10 năm tức là phải trải qua ba nhiệm kỳ chủ tịch tỉnh, người có quyền ký quyết định thu hồi đất, không ai dám chắc ông chủ tịch tiếp theo không làm điều này.

 ---------------------

VietBF
Nov 30, 2016

VBF - Đến trồng lúa người Việt cũng phải đi học ở Campuchia. Thật không thể tin được, kinh nghiệm này cứ tưởng người Việt phải rành nhất rồi. Mới đây liên qua đến gạo Việt Nam, vì sợ bị cấm nên VN đã thu hồi gạo xuất khẩu sang Mỹ.
Sóc Trăng đã cử các cán bộ cùng một số nhà khoa học sang Campuchia học tập kinh nghiệm trồng lúa nhằm tìm lối thoát cho hạt gạo Việt Nam.

Chiến lược bài bản
Những thành công trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo thời gian qua của Campuchia nhận được nhiều đánh giá cao từ các chuyên gia cũng như báo chí.

Để tìm ra lối thoát cho lúa gạo Việt Nam, mới đây tỉnh Sóc Trăng đã cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm. Đi cùng đoàn còn có GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí, ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, “cha đẻ” giống lúa thơm đặc sản mang thương hiệu “ST” đánh giá cao sự đầu tư và chiến lược bài bản của Campuchia trong thời gian qua.

Theo ông Cua, đóng góp quan trọng vào thành công của Campuchia phải kể đến Viện Nghiên cứu nông nghiệp Campuchia. Cơ quan này tổ chức bình tuyển và chọn ra giống lúa Phka Roumdoul vào năm 2009. Họ đưa sản phẩm đi dự thi đấu xảo quốc tế 3 năm liền (2012 - 2014) và đều đoạt giải gạo ngon nhất thế giới.

Sau khi bình tuyển xong, Campuchia tiếp tục thanh lọc và mở rộng diện tích gieo trồng giống này. Hiện nay quốc gia này gieo trồng các giống lúa thơm lên đến 40% diện tích.

Cùng với đó, họ còn tổ chức xây dựng mô hình sản xuất gạo hữu cơ với sự tham gia của khoảng 100.000 hộ nông dân sản xuất lúa hữu cơ với quy mô lên đến 50.000 ha. Đặc biệt, những sản phẩm này được Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức BCS Oko - Garantie của Đức chứng nhận hữu cơ.

Bên cạnh đó, một điểm khác biệt nữa được ông Cua chỉ ra, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Campuchia rất biết cách khai thác các thị trường cao cấp khi họ in logo gạo ngon nhất thế giới lên thương hiệu của mình.

Theo đánh giá của ông Cua, hiện nay, gạo thơm của Campuchia được rất nhiều nước phát triển trên thế giới đặt mua, đặc biệt là châu Âu. Thậm chí, các doanh nghiệp của Malaysia trước giờ mua nhiều gạo thơm của Việt Nam cũng chuyển dần sang mua gạo của Campuchia.

“Gạo của Campuchia đã xuất khẩu tới những thị trường khó tính nhất thế giới, có giá trị vượt 65% giá bình quân của thị trường: 1.475 USD/tấn so với khoảng 890 USD tấn. Campuchia đã thành công với thương hiệu gạo của mình; trong khi đó việc xây dựng thương hiệu gạo ở Việt Nam vẫn còn trầy trật”, ông Cua khẳng định.

Kim ngạch xuất khẩu gạo Campuchia tăng mạnh
Trong khi giá gạo trong khu vực đang sụt giảm, thì kim ngạch xuất khẩu gạo của Campuchia vẫn trên đà tăng mạnh thời gian qua.

Theo tờ Khmer Times, tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này trong 10 tháng đầu năm 2016, đạt 421.000 tấn so với 408.000 tấn cùng kỳ năm trước.

Gạo Campuchia được xuất khẩu sang 59 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Campuchia, theo sau là Pháp và Ba Lan, theo báo cáo thống kê xuất khẩu gạo chính thức của Campuchia cho thấy.

Trong 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo của Campuchia sang Trung Quốc đạt 89.946 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong cùng kỳ, Pháp đã nhập khẩu khoảng 61.000 tấn và Ba Lan nhập khẩu 56.000 tấn từ Campuchia.

Cùng với đó, trong tháng 10/2016, Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ mua 200.000 tấn gạo hàng năm nhằm giúp nông dân và các nhà xay xát gạo Campuchia đối phó với tình trạng giá giảm và cạnh tranh với nguồn gạo giá rẻ hơn từ các nước láng giềng.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 25/10, Bộ Thương mại Campuchia cho biết nước này sắp ký thỏa thuận xuất 1 triệu tấn gạo sang Indonesia.

Theo phát ngôn viên Soeng Sophary, thỏa thuận này được kỳ vọng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu gạo sau khi Campuchia chỉ hoàn thành 50% mục tiêu xuất 1 triệu tấn trong năm 2015.

----------------------

16/12/2016 07:18 GMT+7

Việt Nam và Campuchia điều kiện hoàn toàn khác nhau, vì vậy nếu có đi học tập kinh nghiệm trồng lúa cũng khó áp dụng vào thực tế trong nước.

Không cần đi học trồng lúa ở Campuchia
Mới đây tỉnh Sóc Trăng đã cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm trồng lúa để tìm ra lối thoát cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đi cùng đoàn còn có GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, “cha đẻ” giống lúa thơm đặc sản mang thương hiệu “ST” đánh giá cao sự đầu tư và chiến lược bài bản của Campuchia trong thời gian qua.
Là một người có nhiều năm gắn bó với nông nghiệp và cây lúa, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Dương Văn Chín, GĐ Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) khẳng định, bản thân ông cảm thấy vô cùng lạ lùng trước quyết định trên.
“Tôi rất bực bội vì chuyến đi đó. Ai đời một đất nước như Việt Nam mà các nhà khoa học lại đi qua Campuchia để học tập kinh nghiệm trồng lúa. Không có chuyện gì phải học tập cả”, ông Chín khẳng định.
Lý giải điều này, vị chuyên gia cho rằng, điều kiện của Campuchia và Việt Nam hoàn toàn khác nhau, vì vậy dù có sang học tập thì khi về nước, việc các nhà khoa học và nông dân áp dụng vào thực tế cũng rất khó khăn.
Ông Chín phân tích: “Campuchia hiện chỉ làm một vụ lúa trong năm. Khi nước lũ tràn đồng thì họ gieo mạ, và cấy lúa mùa. Họ chờ tới tháng 10, tháng 11 dương lịch khi ngày ngắn lúa trổ hoa và chín trong mùa nắng. Lúa mùa chín trong mùa nắng thì chất lượng gạo tốt, không bị ẩm mốc, mưa.
Mà hơn hết, người Campuchia chưa biết sử dụng phân bón, chưa biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Không có chuyện dư thừa thuốc BVTV, họ trồng năng suất được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Hơn nữa dân số Campuchia ít, họ ăn không hết nên các doanh nghiệp thu mua lượng gạo còn thừa để xuất khẩu. Như vậy thành công thôi chứ có gì đâu.
Đó là lúa trời cho, từ hàng ngàn đời nay có sẵn rồi. Chứ không phải nhà khoa học nào lai tạo ra cả. Chúng ta đất ít, người đông nên phải có cách làm khác.
Campuchia phải sang Việt Nam học chứ chúng ta không có gì phải sang đó học cả. Nếu có đi học Campuchia thì cũng không thể áp dụng được thì mỗi người một điều kiện khác nhau”.

Giảm lượng gạo xuất khẩu xuống 2-3 triệu tấn/năm: VFA vì ai?
Lai tạo giống lúa cao sản ngắn ngày
Từ thành công của Campuchia, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng Việt Nam cần phải tự thay đổi để phù hợp với điều kiện trong nước hiện nay.
Theo ông Chín, Việt Nam bây giờ không thể quay ngược lại nói không trồng lúa cao sản để chuyển sang trồng lúa mùa một năm một vụ như Campuchia, Thái với năng suất 2-3 tấn/ha.
“Nếu làm như thế thì Việt Nam sẽ đói vì dân của chúng ta rất đông. Không phải như Thái Lan hay Campuchia, dân họ ít, đất rộng, các điều kiện đều hết sức thuận lợi.
Người Việt Nam phải đi theo hướng lai tạo chọn lọc ra giống lúa cao sản ngắn ngày, thời gian sinh trưởng khoảng 3 tháng nhưng năng suất cao, chất lượng cao. Hiện nay tập đoàn Lộc Trời đã có 1 số giống lúa tốt như: Lộc Trời số 1 đạt giải 3 ngon nhất thế giới hay như giống Lộc Trời số 18 sắp được công nhận. Giống này ngang với lúa cao sản, trồng được 3 vụ/năm nhưng độ trắng hơn, amylose khoảng 16%, ăn ngon, không thua kém gì lúa mùa địa phương của Thái Lan và Campuchia”, ông Chín khẳng định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, các nhà khoa học phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất chọn ra khoảng 2-3 giống gạo ngon nhất rồi sau đó trồng đại trà trên diện tích lớn, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để nâng cao chất lượng gạo cũng như năng suất.

Phải thay đổi chính sách
Để làm được điều này, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần phải có sự thay đổi. Đặc biệt, Hội cần nghĩ đến quyền lợi của người dân nhiều hơn cũng như tìm cách nâng cao thu nhập cho nông dân khi trồng lúa và giá trị xuất khẩu gạo.
“Hội phải động viên những doanh nghiệp trong hiệp hội của mình đi xuống ký kết với nông dân lập thành những vùng nguyên liệu rộng lớn. Với những doanh nghiệp có năng lực vừa phải thì xuống ký chừng 2000-3000 ha. Những doanh nghiệp có điều kiện hơn thì ký từ 10.000 – 15.000 ha vùng nguyên liệu. Những doanh nghiệp thật sự mạnh thì ký 50.000 – 70.000 ha. Như vậy mỗi một doanh nghiệp có một vùng nguyên liệu.
Cần phải để người nông dân cùng đồng hành với doanh nghiệp, sản xuất ra lúa gạo mới. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay không thay đổi tôi cho rằng người nông dân sẽ bỏ ruộng đi, không trồng nữa. Khi đó đương nhiên lương thực sẽ sụt giảm và giảm đến một mức nào đó chúng ta không có lúa gạo để đảm bảo cho 90 triệu dân của Việt Nam đủ ăn”, ông Chín nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Chín còn đề nghị, Bộ NN-PTNT có những định hướng rõ ràng, cụ thể hơn đối với ngành nông nghiệp nói chung và việc phát triển lúa gạo nói riêng.
“Bộ cần đề nghị với Nhà nước thay đổi Luật đất đai. Tức là sửa đổi Luật đất đai, cho phép buôn bán đất một cách tự do chứ không hạn điền 3 ha như hiện nay. Khi đó người nông dân có tiền sẽ mua đất, tích tụ lại thành 50-70 ha, hàng trăm ha.
Trong điều kiện sở hữu diện tích rộng lớn thì người nông dân mới đầu tư, cơ giới hóa, sản xuất với quy trình hiện đại, giảm giá thành, bán ra mới cạnh tranh được với quá trình mà hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa.
Nếu chúng ta cho phép mua bán đất tự do thì Nhà nước có thể thu được số tiền rất lớn để tăng ngân sách nhà nước”, ông Chín nêu quan điểm.
Hoàng Hà

TIN LIÊN QUAN









No comments:

Post a Comment

View My Stats