Monday, 9 January 2017

TU CHÍNH ÁN VỀ HIẾN MÁU (Trịnh Hữu Long)




Trịnh Hữu Long 
Cập nhật lần cuối 09/01/2017

DỰ THẢO TU CHÍNH ÁN THỨ NHẤT -
HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

LTS. Theo các báo trong nước (như ở đây), "Sáng 9-1, Bộ Y tế công bố dự thảo Luật về máu và tế bào gốc cho báo chí. Trong đó, Bộ Y tế cho biết báo cáo đánh giá tác động đề nghị quy định bắt buộc hiến máu 1 năm/lần, ngoại trừ trường hợp không thể hiến máu."  Khi nghe tin này, nhà báo Trịnh Hữu Long, phụ trách biên tập Luật khoa tạp chí có mấy dòng phản ứng dưới đây trên FB của anh. Được phép tác giả, Diễn Đàn xin chia sẻ với bạn đọc.
Theo một tin mới hơn khi bài này sắp lên khuôn, quy định này đã được loại bỏ, tuy nhiên chúng tôi thiết nghĩ bài viết vẫn giữ nguyên giá trị của nó.



TU CHÍNH ÁN NÀY QUY ĐỊNH VỀ MÁU


1. Máu là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao máu, cho thuê máu, công nhận quyền sử dụng máu. Người sử dụng máu được chuyển quyền sử dụng máu, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng máu được pháp luật bảo hộ.

3. Nhà nước thu hồi máu do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; sức khoẻ cộng đồng; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi máu phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Nhà nước trưng dụng máu trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Trịnh Hữu Long


-----------------------------------

15:09 ngày 09/01/2017

Trong nội dung tờ trình mới nhất về dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế chủ trương việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Theo Bộ Y tế, máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người. Mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Do vậy, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn hiện nay.

Để khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ điều trị, Bộ Y tế đề xuất quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Cụ thể, tại Điều 3 dự thảo luật quy định một trong các nguyên tắc thực hiện các hoạt động liên quan đến máu và tế bào gốc là nguyên tắc vì mục đích nhân đạo và "bảo đảm tự nguyện đối với người hiến máu và tế bào gốc".

Tại Điều 4 dự thảo luật cũng khẳng định hiến máu và tế bào gốc vừa là một nghĩa cử nhân văn, từ thiện thể hiện sự đoàn kết xã hội con người vừa là trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Nhà nước khuyến khích mọi công dân đủ điều kiện tham gia hiến máu và tế bào gốc chủ động thực hiện hiến máu, tế bào gốc không lấy tiền và coi đó là những tấm gương tốt của xã hội.

Tại Điều 5, dự thảo luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nêu rõ: Nghiêm cấm "ép buộc hoặc cản trở người khác hiến máu hoặc tế bào gốc".

Như vậy, trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc đã không còn giải pháp "Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện mỗi năm một lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu" như Bộ Y tế đưa ra trước đó.

Theo Bộ Y tế, sở dĩ bộ này loại bỏ giải pháp quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc và thực hiện một lần/năm là bởi hiện nay dù máu cho điều trị thiếu nhưng việc sử dụng còn khá lãng phí, vì hầu hết các cơ sở y tế vẫn đang thực hiện việc truyền máu toàn phần (trên 80% ở hầu hết các tỉnh) do chưa đủ điều kiện để sản xuất các chế phẩm máu.

Tuy quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định nhưng nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỉ đồng, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỉ đồng/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỉ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 580 tỉ đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.

Bên cạnh đó, an toàn truyền máu cũng là vấn đề đáng quan ngại trong giai đoạn hiện nay vì ở nước ta vẫn đang sử dụng các kỹ thuật sàng lọc bằng huyết thanh chưa đảm bảo an toàn, đang ở mức độ thô sơ. Nhiều cơ sở truyền máu còn dùng kỹ thuật ngưng kết, kít nhanh để xét nghiệm sàng lọc máu (HIV) nên chưa sàng lọc được các bệnh lây truyền qua đường máu khi chúng còn đang ở trong giai đoạn cửa sổ.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong khu vực hiện nay, để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, chính phủ các nước đã đề xuất việc ban hành luật hiến máu hoặc các luật khác có liên quan đến vấn đề hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Sau khi luật hiến máu được ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị đã cơ bản được giải quyết.

Theo đại diện Bộ Y tế, việc bộ này quy định hiến máu là tự nguyện vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.

Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật là vào kỳ họp thứ 7 năm 2018 và thông qua dự án luật vào kỳ họp thứ 8 năm 2018 của Quốc hội.

HG / plo.vn





No comments:

Post a Comment

View My Stats