Saturday 14 January 2017

BIỂN ĐÔNG : CHÍNH QUYỀN OBAMA KÊU GỌI MỘT GIẢI PHÁP HÒA BÌNH (RFI)




Đăng ngày 14-01-2017

Chính quyền của tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama kêu gọi một giải pháp ngoại giao và hòa bình cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, sau khi ngoại trưởng được chỉ định Rex Tillerson yêu cầu cấm Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo ở vùng này. 

Trong cuộc họp báo hôm qua, 13/01/2017, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố rằng : « Chính sách mà chính quyền Obama đã thi hành cho tới nay là không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Điều mà chúng tôi vẫn đề nghị đó là các bên nên giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và ngoại giao hơn là bằng vũ lực, hù dọa hoặc ép buộc ». 

Phát ngôn viên Nhà Trắng đã tuyên bố như trên khi trả lời một câu hỏi về việc báo chí chính thức của Trung Quốc hôm qua cảnh cáo là sẽ nổ ra chiến tranh với Hoa Kỳ, nếu Trung Quốc bị ngăn cản tiếp cận các đảo nhân tạo do nước này xây dựng ở Biển Đông, như tuyên bố của ngoại trưởng được chỉ định Rex Tillerson trong buổi điều trần trước Thượng Viện ngày 11/01 vừa qua.

Trong buổi điều trần đó, ông Tillerson, nguyên là lãnh đạo tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, đã tuyên bố rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là “phi pháp”, chẳng khác gì việc Nga sát nhập vùng Crimée của Ukraina.

Trong một cuộc họp báo khác hôm qua, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cũng đã kêu gọi tìm một giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông. Ông Peter Cook nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông, đưa ra vào đầu tháng 7 năm ngoái và đề nghị các bên tranh chấp nên tuân thủ phán quyết đó.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc kêu gọi các bên tranh chấp, kể cả Trung Quốc, phải cố hết sức làm giảm căng thẳng, đặc biệt là ngưng việc quân sự hóa các đảo tranh chấp.

----------------------------------

Tú AnhThanh Hà – RFI
Đăng ngày 13-01-2017

« Nếu Rex Tillerson thực hiện lời tuyên bố thì sẽ dẫn đến chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ». Trên đây là phản ứng giận dữ của truyền thông nhà nước Trung Quốc, một ngày sau khi ngoại trưởng tương lai của Mỹ, trong cuộc điều trần tại Thượng Viện, tuyên bố « phải chặn không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp » ở Biển Đông.

Hoàn Cầu Thời Báo, ngày 13/01/2017, phản ứng mạnh sau khi ông Rex Tillerson công khai tuyên bố Biển Đông không thuộc chủ quyền của Trung Quốc và phải chặn Trung Quốc đến các đảo nhân tạo. Tờ báo của phe chủ chiến tại Trung Quốc đe dọa : Nếu Washington thực hiện lời tuyên bố này thì hai bên không tránh khỏi một « trận chiến hủy diệt ».

Khác với chính quyền Obama, tuy lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đe dọa an ninh và tự do hàng hải, nhưng không xác quyết chủ quyền khu vực tranh chấp thuộc về ai, ngoại trưởng tương lai của Mỹ tuyên bố thẳng thừng : « Trung Quốc không có chủ quyền ở vùng tranh chấp này ». Ông Rex Tillerson còn so sánh hành động lấn chiếm Biển Đông với vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina.

Cùng ngày, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tỏ vẻ kiên nhẫn, muốn chờ xem quan điểm của Rex Tillerson sẽ được thể hiện ra sao trong chính sách ngoại giao.

Ngược lại, trong một đoạn khác của bài bình luận, Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng nếu ban cố vấn của tổng thống tân cử Donald Trump hoạch định chính sách quan hệ với Trung Quốc như những tuyên bố gần đây về Đài Loan hay Biển Đông, thì « hai nước nên chuẩn bị chiến tranh ».

Trong khi đó, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tìm cách hạ nhiệt : Hoa Kỳ hãy lo chuyện của mình, tình hình biển Nam Hải đã lắng dịu.

Phản ứng Việt Nam ra sao về lập trường của ngoại trưởng tương lai Mỹ về Biển Đông ? Sau đây là lời tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Hải Bình trong cuộc họp báo ngày 12/01/2017 : "Duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu chung, cũng như là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Chúng tôi cho rằng các bên liên quan, các bên trong và ngoài khu vực đều phải có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu và bảo đảm lợi ích chung này".

Còn tại Úc, cựu thủ tướng Paul J. Keating lo ngại về nguy cơ Washington lôi kéo Canberra vào chiến tranh. Trong thông cáo đề ngày 13/01/2017 gửi tới thủ tướng Turnbull, cựu thủ tướng Paul J. Keating lo ngại Úc bị Hoa Kỳ lôi kéo vào xung đột ở Biển Đông, đối đầu với Trung Quốc, gây thiệt hại cho kinh tế, giao thương và cả an ninh của nước Úc. Theo ông Paul Keating, Canberra không nên ủng hộ Mỹ trên hồ sơ Biển Đông. Paul J. Keating, thuộc đảng Lao Động, từng giữ chức vụ thủ tướng Úc trong thời gian từ 1991 đến 1996.

-------------------------------

Đăng ngày 13-01-2017 

Biển Đông tiếp tục là một điểm nóng của thời sự quốc tế, đặc biệt sau phát biểu của ngoại trưởng Mỹ tương lai hôm 11/01/2017. Về vấn đề này báo Le Figaro có bài bình luận mang tựa đề : « Bắc Kinh nổi giận với ê kíp Trump », với nhận xét : « Chính quyền Trung Quốc căng thẳng sau các tuyên bố quyết liệt của tổng thống tân cử Mỹ và ngoại trưởng tương lai ».

Le Figaro cho biết, kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống đến nay, ở bên trong cơ quan đầu não Trung Nam Hải, các lãnh đạo Trung Quốc đã rất tức giận. Lần này, chỉ cách một tuần trước khi ông Trump chính thức nhậm chức, ê kíp lãnh đạo tương lai của nước Mỹ tiếp tục có thêm một động thái « nguy hiểm » mới nhắm vào Bắc Kinh.

Động thái quyết liệt mới của ngoại trưởng Mỹ, bác bỏ quyền của Trung Quốc kiểm soát nhiều đảo tại Trường Sa, xảy ra trong lúc căng thẳng vốn đã dâng cao trong quan hệ song phương, với việc ông Trump để ngỏ khả năng xem xét lại chính sách « một nước Trung Hoa », được coi là nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung kể từ năm 1979.

Ngay trong buổi ra mắt đầu tiên, ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson đã tỏ ra « quyết liệt » với Trung Quốc còn hơn cả ông Trump, khi trực tiếp khẳng định các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp là phi pháp, cũng như toàn bộ các cơ sở hạ tầng và các phương tiện quân sự mà Trung Quốc bố trí tại đây nhằm khống chế vùng Biển Đông, mà Bắc Kinh nghiễm nhiên khẳng định chủ quyền, ngay cả sau khi bị Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ hồi năm 2016.

Ông Rex Tillerson cũng phê phán chiến lược Biển Đông của tổng thống mãn nhiệm Barack Obama, bị đánh giá là quá mềm yếu, và « tạo cớ để Trung Quốc gia tăng hiện diện tại vùng biển tranh chấp này ». Không dừng ở chỗ tiến hành các cuộc tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ tương lai còn đe dọa « trục xuất Trung Quốc » khỏi khu vực mà Bắc Kinh vẫn coi là « sân sau » này.

Ngoại trưởng tương lai Mỹ khiến Bắc Kinh thêm căng thẳng, vì Trung Quốc hiện không biết phía Mỹ sẽ hành động như thế nào, một khi ông Trump lên cầm quyền. Trong khi chờ đợi chính sách Biển Đông của tổng thống Mỹ tương lai, có thể « ôn hòa hơn », Bắc Kinh không dám lớn tiếng, mà « buộc phải phản ứng chừng mực ».

Còn theo Libération, ông Rex Tillerson cho biết tin tưởng Donald Trump sẽ ủng hộ các chính sách vừa được trình bày, trong đó có chính sách về Biển Đông nói trên, nhưng cũng khẳng định « đã không hề thảo luận với tổng thống tân cử Mỹ về chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong thời gian tới ».

Đế chế Trump và mối quan hệ mờ ám với Trung Quốc
Tổng thống tân cử Mỹ vừa có cuộc họp báo đầu tiên, hôm 11/01, để minh bạch với công chúng quyết định chia tay với các cơ sở kinh doanh trên toàn thế giới, nhằm bảo đảm không có « các xung đột lợi ích », một khi nhậm chức. Tờ báo nhận xét, bất chấp cuộc họp báo vừa qua, Donald Trump vẫn không thể trấn an được các nhà quan sát là sẽ không có các xung đột lợi ích tương lai, đe dọa việc thực thi trách nhiệm của tổng thống. Nhân dịp này, Le Monde dành một hồ sơ riêng, để giới thiệu với độc giả về các lợi ích chính của đế chế Trump Organization tại 12 quốc gia trên khắp thế giới, mà một phần tài sản chính nằm trong lĩnh vực bất động sản.
Quan hệ giữa nhà tài phiệt Donald Trump và Trung Quốc mang tính hai mặt. Trong một trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi năm 2015, ông Trump tuyên bố : Về mặt kinh tế, Trung Quốc là « kẻ thù » của nước Mỹ. Nhưng chỉ hai ngày sau đó, một chủ tịch của nhóm Trump Hotel Collection đã bày tỏ ý định thiết lập một văn phòng đại diện tại Trung Quốc, để khuyếch trương ảnh hưởng của công ty. Giữa giới tài chính Trung Quốc và Trump có nhiều ràng buộc lợi ích, thậm chí những ràng buộc lợi ích mờ ám.
Đơn cử một vài ví dụ nhỏ như : Ngân Hàng Công nghiệp Thương Mại Trung Quốc là chủ thuê lớn nhất của Trump Tower, với tổng diện tích 11%. Gần một phần tư đầu tư cho tháp chung cư Trump Bay Street, ở New Jersay, là do nhiều người Trung Quốc giàu có đầu tư, theo chương trình EB-5. Đây là chương trình cho phép những người đầu tư hơn 500.000 đô la có quyền định cư lâu dài tại Mỹ.
Vẫn theo hồ sơ của Le Monde, Jared Kushner, người con rể của ông Trump sẽ được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt của Nhà Trắng, có những quan hệ làm ăn với công ty bảo hiểm Trung Quốc Anbang Insurence, một tổ chức bị ngân hàng Morgan Stanley từ chối cho vay tiền, có thể với lý do đây là một tổ chức « mờ ám ». Chủ tịch của công ty bảo hiểm nói trên, có vợ là cháu gái của Đặng Tiểu Bình, có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Trump thích công ty bình phong 
Le Monde cho biết, trong bài « Donald Trump và sở thích công ty bình phong », theo các nhà quan sát, một không khí mờ ám bao trùm đế chế Trump, tuy nhiên, Donald Trump cũng là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên, kể từ Gerald Ford (năm 1976), từ chối không công khai bảng nộp thuế.
Ông Trump thường xuyên bác bỏ việc sử dụng « các thiên đường thuế » để kinh doanh, nhưng theo Le Monde, riêng tại Delaware, tiểu bang bờ đông Hoa Kỳ, được coi là một thiên đường thuế, chính Donald Trump đã đặt tới 378 công ty trong tổng số 515 công ty của đại tập đoàn Trump.

Mạng BuzzFeed « vô tình » giúp Trump ?
Bản báo cáo mật dài 35 trang của tình báo Mỹ về những bê bối của ông Trump tại Nga, có thể được chính quyền Nga sử dụng để khống chế tổng thống tương lai Mỹ là nội dung mà trang mạng BuzzFeed đăng tải, gây sóng gió ngay trước cuộc họp báo hôm 11/01. « BuzzFeed : Truyền thông bị chất vấn về đạo lý » là tựa bài bình luận trên Libération về sự việc này.
BuzzFeed là một trang mạng được thành lập năm 2006, được đánh giá là đã nhanh chóng nổi lên như một một trang thông tin « nghiêm túc », đăng tải nhiều tin nóng, điều tra, và có phóng viên hoạt động tại nhiều điểm nóng trên thế giới.
Theo Libération, việc công bố một tài liệu chưa được kiểm chứng, không được phân tích nói trên đã gây ra một cuộc tranh luận dữ dội trong ngành truyền thông, vấn đề « tính minh bạch » thông tin lại được nêu bật trở lại. Nếu như nhiều người cho rằng việc công bố trên là cần thiết, bởi tài liệu này đã được một bộ phận công chúng biết đến, và đây là lúc cần phải được công khai, thì nhiều nhà quan sát khác lại cho rằng, việc BuzzFeed công bố bản tài liệu được coi là mật nói trên đã bất ngờ mang lại cho ông Trump « một vũ khí rất hiệu quả », giúp ông ta dễ dàng tấn công vào uy tín của báo giới.
Libération kết luận với nhận xét của chủ tịch BuzzFeed, việc ông Trump coi mạng này là « một đống rác rưởi trên đà phân hủy » là « một lời khen », bởi cùng với mạng này, các báo nổi tiếng của nước Mỹ như New York Times, CNN hay Washington, tất cả đều bị tổng thống tân cử Mỹ mạt sát.
Chuyên gia về truyền thông của đại học Syracus (New York) nêu ra một điều trớ trêu, chính ông Trump là « người đầu tiên » « xây dựng sự nghiệp chính trị của mình » bằng cách tung ra các thông tin bịa đặt.





No comments:

Post a Comment

View My Stats