Thụy My – RFI
Đăng
ngày 14-01-2017
.
Tư lệnh Hạm đội Thái
Bình Dương Scott Swift cảnh báo tình hình căng thẳng ở Biển Đông,
06/10/2015.REUTERS/David Gray/Files
.
Trong phần một mang tựa
đề« Vì sao phương Tây lại để Bắc Kinh làm mưa làm gió trên Biển
Đông ?», chuyên gia Ross Babbage (*) đã phân tích những lý do vì
sao Bắc Kinh có thể tự tung tự tác trên Biển Đông cho đến nay. Ở phần hai, tác
giả đề nghị những biện pháp cụ thể cho chính quyền Donald Trump sắp tới.
Theo
ông, một trong những vấn đề cốt lõi trong cách xử sự của chính phủ Mỹ, Nhật và
Úc là trần thuật sai hẳn những lợi ích từ liên minh. Các liên minh này chắc chắn
là mang lại lợi ích lớn lao, qua tự do hàng hải và hàng không, giải quyết một
cách hòa bình những tranh chấp chủ quyền trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc
tế. Tuy nhiên, lợi ích to lớn nhất của đồng minh thực sự vượt xa khỏi những mục
tiêu giới hạn, chủ yếu mang tính chiến thuật này.
Trên
thực tế, lợi ích chủ chốt trước tiên của đồng minh là đảm
bảo rằng Trung Quốc sẽ không thống trị Biển Đông đến mức có thể đơn phương quyết
định trật tự khu vực, và hạn định mức độ chủ quyền cho từng quốc gia ven biển.
Lợi
ích cốt lõi thứ hai là hạn chế khả năng lấn chiếm của Trung Quốc trên
Biển Đông, tạo tiền lệ cho những hành vi bất hợp pháp, hung hăng hơn của Bắc Kinh,
trước mắt và về lâu về dài.
Điều
cốt yếu thứ ba :
giám sát chặt để Trung Quốc không lặp lại các vi phạm trầm trọng Công ước Liên
Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), làm ngơ trước phán quyết của Tòa án Trọng tài
Thường trực La Haye, trực tiếp thách thức luật pháp quốc tế.
Khi
theo đuổi các lợi ích thực tiễn này, các lãnh đạo đồng minh cần có chiến lược
rõ ràng để chỉ đạo một chiến dịch đối phó. Các khả năng hiển nhiên nhất là chọn
lựa một chiến lược cự tuyệt, chiến lược buộc phải trả giá. Một chiến lược tấn
công vào chiến lược của Trung Quốc, làm cho Bắc Kinh không thể tiếp tục làm bá
chủ Biển Đông. Dù chọn chiến lược nào đi nữa, cái nền chủ yếu phải là một liên
minh quân sự mạnh mẽ hơn, thuyết phục hơn tại Tây Thái Bình Dương.
Chuyên
gia Ross Babbage cho rằng trước các hành động của Bắc Kinh trong năm năm qua, cần
phải tiến xa hơn chủ trương được gọi là « xoay trục », « tái cân bằng
», để chuyển sang một cam kết toàn diện với các nước trong vùng, có thể
được mệnh danh là Chương trình Đối tác An ninh Khu vực. Các mục đích chính của
chương trình là chứng tỏ ưu thế vượt trội về quân sự, răn đe các hành động
phiêu lưu của Trung Quốc, củng cố lòng tin nơi các đồng minh và đối tác châu Á
về sự khả tín của phương Tây, để họ cảm thấy có thể chống chọi lại bất kỳ ý đồ
áp đặt nào từ Trung Quốc.
Chiến
lược đồng minh hiệu quả nhất cần mang tính sáng tạo và bất đối xứng. Trong những
năm gần đây Bắc Kinh tập trung các hành động hiếu chiến nhất tại Biển Đông và
Biển Hoa Đông, sử dụng các loại hình đa dạng từ quân đội, tuần duyên, dân quân
biển, chiến tranh chính trị ; nhưng không có nghĩa là đồng minh cũng phải tập
trung mọi nỗ lực bằng cách thức tương tự. Ngược lại, để chống lại Bắc Kinh,
phương thức hiệu quả nhất là tập trung áp lực đủ loại vào những điểm yếu kém nhất
của Trung Quốc trên mọi lãnh vực.
Những
chiến dịch như thế đòi hỏi phải thận trọng phối hợp nhiều biện pháp, để có thể
duy trì được dài lâu. Các biện pháp này vượt xa khỏi các lãnh vực ngoại giao và
quân sự khuôn mẫu, bao gồm cả địa chính trị, thông tin, kinh tế, tài chính, nhập
cư, luật pháp, chống bá quyền, và những sáng kiến khác. Có thể gồm cả việc ra
tuyên bố để răn đe các hành vi của Trung Quốc, gây lòng tin nơi đồng minh và
thân hữu, tạo môi trường hoạt động rộng rãi hơn. Các biện pháp khác cần được
phân loại và thiết kế để làm chao đảo Trung Quốc, đồng thời khuyến khích nên thận
trọng hơn với Bắc Kinh.
Tác
giả nhận định, chắc chắn sẽ có những người tại các nước đồng minh muốn chính phủ
mình nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, những thách thức từ Trung Quốc mang tính chất
và tầm cỡ quan trọng đến nỗi nếu chiến lược đối phó của Hoa Kỳ và đồng minh khu
vực thất bại, sẽ gây hậu quả nặng nề cho an ninh toàn cầu.
Trước
tiên là
chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông bị nhường lại cho Trung Quốc. Nếu trao
cho Bắc Kinh quyền kiểm soát thực tế một tuyến đường hàng hải chính yếu như thế
và mở rộng thông tin, sẽ gây những hệ quả địa chính trị nghiêm trọng và lâu
dài. Bối cảnh an ninh tại Tây Thái Bình Dương sẽ bị đảo lộn, gây phức tạp cho
nhiều dạng thức hoạt động của đồng minh.
Hậu
quả nghiêm trọng thứ hai là việc Bắc Kinh vi phạm nặng nề luật pháp quốc
tế coi như được chấp nhận ; gây thiệt hại lớn cho nỗ lực trong nhiều thập niên
qua, nhằm xây dựng khuôn khổ luật pháp cho quan hệ ngoại giao, thương mại,
tranh chấp quốc tế. Sẽ là dấu hiệu cho cộng đồng thế giới thấy rằng đống minh
phương Tây không chuẩn bị cho việc bảo vệ luật quốc tế.
Hậu
quả quan trọng thứ ba là nguy cơ Trung Quốc thêm mạnh dạn tung ra những
hoạt động xâm lăng nghiêm trọng hơn trong những năm tới. Bắc Kinh có thể coi sự
dè dặt, e ngại, thiếu tổ chức của các nước khác như là lời mời xâm lăng các
lãnh thổ chiến lược, tiếp tục các hành động hiếu chiến hơn. Vì thế, khi duy trì
thái độ dè dặt và cách hành xử vụng về, các lãnh đạo đồng minh sẽ vấp phải rủi
ro nghiêm trọng hơn là vô hình trung khuyến khích xung đột nặng nề hơn với
Trung Quốc trong những năm tới. Theo tác giả, xung đột này sẽ dữ dội hơn và khó
tránh khỏi.
Hậu
quả lớn thứ tư :
khi đồng minh không có được sự đáp trả mạnh mẽ, sẽ thiệt hại cho hoạt động răn
đe. Một phương Tây yếu kém trong lúc này sẽ là tín hiệu xấu gởi đến không chỉ
cho Bắc Kinh, mà còn cả cho Matxcơva và Bình Nhưỡng.
Hậu
quả thứ năm của
việc Hoa Kỳ bình chân như vại, sẽ khiến hầu như mọi nước đồng minh và thân hữu
Tây Thái Bình Dương và nhiều nước khác xa hơn buộc lòng phải tái cấu trúc về quốc
phòng và an ninh quốc gia.
Một
khi các lãnh đạo đồng minh không đáp trả hiệu quả trước tình trạng vi phạm hiển
nhiên luật pháp quốc tế và chuẩn mực an ninh toàn cầu, thì họ cần phải có những
thay đổi nào để giữ an ninh cho chính mình ? Một số nước đã bắt đầu tìm kiếm những
đối tác an ninh mới đáng tin cậy hơn. Số khác có thể đưa ra những chương trình
phòng vệ mới, hay đành từ bỏ những yếu tố then chốt về chủ quyền, để được yên
thân trước Bắc Kinh hay các chế độ độc tài khác.
Chuyên
gia Ross Babbage kết luận, vấn đề an ninh ở Tây Thái Bình Dương vẫn là lợi ích
cốt lõi của Hoa Kỳ và các đồng minh thân thiết. Chính quyền ông Trump sắp tới nhất
thiết phải dành ưu tiên hàng đầu cho một chiến lược đối phó hiệu quả với Bắc
Kinh.
(*)Tiến
sĩ Ross Babbage là Giám đốc điều hành của Strategic Forum Pty Ltd, nhà nghiên cứu
của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Ngân sách (CSBA) ở Washington DC. Tiến sĩ Babbage
từng giữ vị trí trưởng văn phòng Phân tích chiến lược của ONA, cơ quan tình báo
trực thuộc văn phòng thủ tướng Úc.
*
*
Thụy My – RFI
Đăng
ngày 14-01-2017
Nhà
nghiên cứu Ross Babbage trong một bài phân tích trên trang War On The
Rocks (trang mạng chuyên phân tích vấn đề an ninh, trụ sở tại Washington)
nhận định, bây giờ là thời điểm để nhanh chóng hành động một cách khôn ngoan
trước những cuồng vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông. Bài viết này là một phần
trong báo cáo của tác giả cho Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Ngân sách, mang
tựa đề « Đối phó với những hành động phiêu lưu của Bắc Kinh trên Biển
Đông : Các chọn lựa chiến lược cho chính quyền Trump ».
(Xem
tiếp phần 2) Biển Đông : Đã đến lúc phải dằn mặt Bắc Kinh
Theo
tác giả, chính sách của Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận đã thất bại. Những
tuyên bố lặp đi lặp lại về lợi ích giới hạn đi kèm với những đợt cho phi cơ và
chiến hạm tuần tra không ngăn được chương trình xây lên các đảo nhân tạo của Bắc
Kinh, cũng như ý đồ thống trị khu vực về mặt quân sự.
Khi
tìm cách làm giảm nhẹ nguy cơ đối đầu ở từng giai đoạn, Hoa Kỳ và các đồng minh
trên thực tế đã nhường lại việc kiểm soát khu vực mang tính chiến lược cao độ
này cho Trung Quốc, mà tác giả coi như một tiến trình đầu hàng tiệm tiến. Tiền
lệ xấu đã được đặt ra, và các thông điệp nghèo nàn đã được chuyển đến cộng đồng
quốc tế. Tại một phần của Thái Bình Dương, phe đồng minh đang có nguy cơ bị mất
đi vị trí lâu nay, là đối tác an ninh khả tín.
Tại
sao Washington và các đồng minh chủ chốt lại vụng về như thế ? Tại sao lại mất
nhiều thời gian đến thế để phát triển một chiến lược đối phó hiệu quả với việc
Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông ?
Một
phần nguyên nhân là cung cách mà Trung Quốc áp đặt chủ quyền lên 80% vùng biển
chiến lược này. Biển Đông là nơi mà hơn phân nửa trọng tải hàng hóa thế giới
luân chuyển qua đây, là con đường quá cảnh quan trọng cho quân đội Mỹ và nhiều
nước đồng minh, thân hữu.
Trong
năm năm qua, Bắc Kinh đã đặt dấu chân cùng khắp Biển Đông, với việc đào đắp những
đảo nhân tạo mới, xây dựng các cơ sở giám sát, phòng không, chống hạm, chống
các lực lượng tấn công. Chiến dịch của Trung Quốc được tiến hành một cách khôn
khéo, qua một loạt các động thái từ thấp đến cao, mỗi bước đều dưới cái ngưỡng
có thể kích hoạt phản ứng đáp trả mạnh mẽ của phương Tây. Kết quả là nay Bắc
Kinh đã có những thiết trí quan trọng trên 12 đảo ở Biển Đông, và có sự hiện diện
quân đội, tuần duyên, dân quân biển quy mô nhất trong khu vực.
Trong
số các khả năng quân sự của Trung Quốc, có việc bố trí trên các đảo nhân tạo
các thiết bị giám sát, thu thập thông tin tình báo, các hỏa tiễn tầm xa diệt
phi cơ và diệt hạm, cũng như vô số hệ thống phòng không. Ba trong số các đảo của
Hoàng Sa nằm ở giữa Biển Đông, nay sở hữu các phi đạo dài đến trên 3.000 mét,
quá tiện lợi cho các hoạt động của Boeing 747. Các nhà vòm kiên cố sắp hoàn
thành trên ba đảo này, có thể chứa được 24 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ ; năng lực
bảo trì, các kho chứa nhiên liệu và các thiết bị hậu cần khác được mở rộng. Các
máy bay cất cánh từ đây có thể bay đến tận Biển Andaman, Bắc Úc và căn cứ Guam
của Mỹ.
Các
đảo mới được đào đắp cũng có thể dùng để bố trí nhiều hỏa tiễn hành trình, hỏa
tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, có khả năng bắn vào các mục tiêu trên mặt đất
lẫn các chiến hạm ngoài biển, đến tận Biển Sulu của Philippines, hay Singapore,
Nam Malaysia.
Các
hải cảng xây dựng tại các đảo này có thể tiếp nhiên liệu đầy đủ cho nhiều chiến
hạm, tàu của lực lượng tuần duyên và dân quân biển. Thêm vào đó, các đảo nhân tạo
cũng có thể hỗ trợ cho mạng lưới do thám tàu ngầm trên khắp Biển Đông, có nghĩa
là nâng cao năng lực của Trung Quốc chống lại các tàu ngầm của phe đồng minh.
Vì
ba đảo mới này không quá nhỏ, đây sẽ là nơi phân tán hầu hết tài sản của quân đội
Trung Quốc trong trường hợp xung đột, bị các lực lượng đồng minh tấn công. Đá
Chữ Thập (Fiery Cross Reef) nay có kích thước như một căn cứ quân sự trên đất
liền. Đá Xu Bi (Subi Reef) đã lớn hơn đến 50%, có thể so sánh với khu vực căn cứ
hải quân Trân Châu Cảng. Đá Vành Khăn (Mischief Reef) cũng rộng hơn và có thể
tương đương với quận Columbia. Hậu quả là Trung Quốc có vẻ đang thênh thang
trên con đường biến Biển Đông thành con đường hàng hải nội bộ được vũ trang tận
răng.
Hiện
nay việc đi qua vô hại, đặc biệt đối với các tàu buôn, vẫn được tôn trọng. Tuy
nhiên Bắc Kinh nói rõ là các điều kiện dành cho hoạt động của các tàu nước
ngoài, ngay cả các quốc gia duyên hải, sẽ do Bắc Kinh quyết định. Giới chức
liên quan của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang cân nhắc việc tuyên bố vùng nhận
dạng phòng không trên Biển Đông. Các thiết trí quân sự nay gần như hoàn tất cho
phép lực lượng Trung Quốc thực hiện tuyên bố trên, với việc cho máy bay chiến đấu
lên ngăn chặn những phi cơ không khai báo.
Mặc
dù hầu hết các nhà quan sát quốc tế tin rằng nhiều hành động của Trung Quốc ở
Biển Đông vi phạm nghiêm trọng luật lệ quốc tế, phán quyết của Tòa án Trọng tài
Thường trực La Haye tháng 7/2016 đã làm rõ mức độ vi phạm này. Tòa nhất trí rằng
yêu sách « quyền lịch sử » mà Bắc Kinh đòi hỏi đối với Biển
Đông và các đảo nhân tạo trong phạm vi « đường 9 đoạn »là vô căn cứ.
Khi
đối mặt với yêu sách lãnh thổ và bành trướng quân sự của Trung Quốc trên Biển
Đông, các lãnh đạo đồng minh hầu như luôn đáp trả bằng cách lặp lại câu thần
chú : Chúng tôi có lợi ích quan trọng trong tự do hàng hải và hàng không, chúng
tôi không yêu sách lãnh thổ trong khu vực ; chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kềm
chế, giải quyết tranh chấp theo luật lệ quốc tế. Tàu bè và phi cơ của đồng minh
thỉnh thoảng đi qua khu vực, hiếm khi trực tiếp thách thức yêu sách lãnh thổ của
Bắc Kinh. Cách đáp trả này rõ ràng đã thất bại, không ngăn cản được sự bành trướng
lãnh thổ của Trung Quốc.
Tại
sao phương cách của Hoa Kỳ và các đồng minh thân thiết lại dè dặt và vô hiệu quả
như thế ? Theo tác giả, có nhiều nhân tố tác động đến.
Trước
tiên,
nhiều người ở Washington và các thủ đô phương Tây khác nhìn vấn đề Biển Đông
như một vấn đề phức tạp, với những hậu quả nho nhỏ, và tốt nhất không nên để ý
đến. Một số nhà hoạch định chính sách và nhà bình luận cho rằng không nên gánh
lấy nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc chỉ vì « một ít đảo đá nằm rải
rác » ở một vùng đất xa xôi.
Thứ
hai,
tầm quan trọng của chiến lược Biển Đông tương lai đối với các nước đồng minh và
nước đối tác có những khác biệt đáng kể. Quan điểm chung ở Washington là Biển
Đông quan trọng, nhưng không phải sống còn ; chỉ đơn giản là một trong nhiều
khu vực bất ổn mà Hoa Kỳ phải giải quyết. Tokyo, Seoul và Canberra coi trọng Biển
Đông hơn, do giá trị chiến lược nội tại và tầm quan trọng của nó đối với các đối
tác thân thiết, là thành viên ASEAN nằm cạnh vùng biển này. Đối với các quốc
gia ven Biển Đông, sự cân bằng chiến lược và chủ quyền thực sự của khu vực hết
sức quan trọng cho an ninh của họ trong tương lai, và sức khỏe của nền kinh tế.
Những khác biệt về ưu tiên giữa các đồng minh Tây Thái Bình Dương và những nước
thân hữu gây căng thẳng cho quan hệ đồng minh dài lâu.
Một
hạn chế quan trọng thứ ba là từ mô hình đồng minh theo
kiểu « trục bánh xe và nan hoa »tại Tây Thái Bình Dương từ thập
niên 50. Các đồng minh trong khu vực không hợp tác tốt ở vòng ngoài cũng như
trong việc phối hợp kế hoạch an ninh. Những năm gần đây đã có một số tiến bộ
trong việc tăng cường phối trí giữa Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và vài nước đối tác
khác ở Đông Nam Á, nhưng vẫn còn hạn chế và không thường xuyên. Washington hẳn
là có khuyến khích hợp tác chặt chẽ hơn, nhưng con đường còn rất dài nếu muốn đạt
đến sự phối hợp an ninh thường lệ như ở châu Âu. Một sự hợp tác kịp thời, hiệu
quả để đáp trả các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông, không phải là điều đơn
giản.
Thứ
tư,
nhiều công dân, hầu như tất cả các nhà báo và nhiều dân biểu, nghị sĩ có rất ít
thông tin về các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, trong khi Bắc Kinh mở rộng
các hoạt động chiến lược trong thập niên vừa qua. Các cơ quan truyền thông lớn
và hãng thông tấn phương Tây cũng chẳng cố gắng nói lên sự thật về những gì
đang xảy ra, hay giải thích về tham vọng của Bắc Kinh.
Thứ
năm,
đáp trả một cách hiệu quả các hoạt động lấn chiếm từng chút một như tằm ăn rỗi
của Trung Quốc trên Biển Đông, về bản chất là rất khó. Bắc Kinh sử dụng một chiến
lược rất tinh tế, có thể hành động mà không thách thức các cam kết của Hoa Kỳ với
đồng minh, hay trực tiếp đối đầu với Mỹ hoặc các lực lượng đồng minh. Hơn nữa,
các lãnh đạo phương Tây có rất nhiều vấn đề chính trị và hành chính phải giải
quyết, khó thể duy trì liên tục sự quan tâm đến khu vực.
Thứ
sáu,
nhiều doanh nhân phương Tây và chính trị gia muốn tránh né các biện pháp có thể
gây trở ngại cho công việc của mình và quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Các quan
ngại này có thể thấy rõ nơi các đồng minh Tây Thái Bình Dương, cũng như các
công ty của Mỹ và các nước khác đã đầu tư nhiều vào việc siết chặt quan hệ với
các công ty Trung Quốc. Các hãng tin Trung Quốc rất tích cực khuếch đại các
quan ngại này, tuyên truyền sai lạc về tình trạng khó xử, thổi phồng hậu quả đối
với các nền kinh tế khu vực trước bất kỳ hành động nào đối phó với sự hung hăng
của Bắc Kinh.
Thành
công từ các chiến dịch thông tin của Bắc Kinh tại các nước phương Tây là nhân tố thứ
bảy khiến các nước này dè dặt trước các hành động của Trung Quốc tại
Biển Đông. Các hoạt động này được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc mua lại các cơ
quan truyền thông phương Tây, đồng thời khuyến dụ các nhân vật lãnh đạo, nhà
báo, trí thức bằng việc mời sang tham quan Trung Quốc, bao trọn mọi chi phí.
Bên cạnh đó còn đóng góp vào các quỹ quan trọng của các đảng chính trị, các tổ
chức thân Bắc Kinh đủ loại, trong đó có các Viện Khổng tử tại các trường đại học
; thường xuyên chi tiền để kèm các phụ trang tuyên truyền trong các nhật báo
phát hành tại thủ đô các nước. Đại sứ quán, lãnh sự quán và các định chế thân Bắc
Kinh thường tổ chức các cuộc biểu tình « ái quốc », chương trình văn nghệ
và các sự kiện khác. Hoạt động tình báo và tin tặc được sử dụng để tăng sức nặng
cho các thông điệp chính thức. Bắc Kinh còn tuyển mộ điệp viên và chuyên gia vận
động hành lang ; hăm dọa, cưỡng bức, ngăn trở những hành động phản kháng.
Nhân
tố thứ tám là văn hóa. Cử tri phương Tây có vẻ lo sợ
hơn về khả năng kích hoạt xung đột, so với người Trung Quốc. Huge White, một
nhà quan sát nổi tiếng về tình hình khu vực thậm chí còn biện luận rằng Hoa Kỳ
không nên đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc, trừ phi các nhà lãnh đạo
muốn « thuyết phục đa số người Mỹ rằng nước Mỹ cần phải đối phó với một
cuộc chiến tranh nguyên tử để duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á ».
Theo
tác giả Ross Babbage, các tuyên bố như thế phản ánh những đánh giá sai lầm về
quyền lực của Bắc Kinh vốn chỉ tương đối, những giả định không đáng tin cậy về
việc Bắc Kinh đã sẵn sàng chuẩn bị cho việc sử dụng vũ khí nguyên tử chống lại
Hoa Kỳ. Đồng thời cũng không nhận định đúng mức tầm vóc của việc hình thành
liên minh chiến lược, và rất nhiều khả năng ngăn chận cuồng vọng của Trung Quốc
mà không cần dùng đến biện pháp quân sự. Trong phần hai « Biển Đông : Đã đến lúc phải dằn mặt Bắc Kinh »,
ông đưa ra những đề nghị cho chính quyền Donald Trump nhằm chặn đứng việc Bắc
Kinh làm mưa làm gió trên Biển Đông.
------------------------------
Thanh Phương – RFI
Đăng
ngày 13-01-2017
Những tuyên bố của
Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định Rex Tillerson về hồ sơ Biển Đông có thể gây ra khủng
hoảng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, nếu những tuyên bố này trở thành
chính sách ngoại giao của chính quyền Donald Trump. Đó là nhận định của tờ New
York Times hôm qua, 12/01/2017.
Trong
buổi điều trần ngày 11/01 vừa qua trước Uỷ ban Ngoại giao của Thượng Viện Mỹ,
ông Rex Tillerson đã tuyên bố rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông
là “phi pháp”, chẳng khác gì việc Nga chiếm vùng Crimée. Cho nên,
Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định đã đề nghị Washington phải gửi đến Bắc Kinh một
tín hiệu rõ ràng : Một là phải ngưng ngay việc xây đảo nhân tạo, hai là Trung
Quốc không được tiếp cận các đảo đó.
Theo
New York Times, nếu những tuyên bố đó thực sự trở thành hành động sau khi ông
Donald Trump chính thức nắm quyền tổng thống, thì đây sẽ là một thay đổi đáng kể
trong chính sách của Hoa Kỳ về việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi
mà theo một cơ quan tư vấn của Mỹ, có thể sẽ trở thành “sân sau” của
Trung Quốc vào năm 2030.
Trung
Quốc hiện vẫn khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp
phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra tháng 7 năm ngoái, bác bỏ những
yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, cụ thể là “không có cơ sở pháp lý để
Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên
trong “đường 9 đoạn”.”
Chính
quyền Obama cũng đã gián tiếp bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền “quá đáng” của
Trung Quốc ở Biển Đông khi đưa các chiến hạm đến tuần tra sát đảo nhân tạo của
Trung Quốc. Nhưng hành động này đã không ngăn được Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp và
quân sự hóa các đảo đó.
Những
tuyên bố nói trên của ông Tillerson hàm ý là Hoa Kỳ có thể sẽ dùng đến sức mạnh
quân sự để ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo. Cho nên, theo New
York Times, các nhà phân tích ở Trung Quốc đã có phản ứng khác nhau.
Một
đại tá về hưu và nay là chuyên gia quân sự cho rằng đó là một tín hiệu báo trước
rằng tổng thống Trump sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Vị chuyên gia
này khẳng định rằng khả năng chiến đấu của Trung Quốc nay “cao hơn của
Mỹ” nếu xảy ra chiến tranh giữa hai nước.
Nhưng
các chuyên gia về Biển Đông của Trung Quốc được New York Times trích dẫn thì đặt
vấn đề về tính hợp pháp của việc ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo.
Êkíp
chuyển tiếp của tổng thống tân cử Donald Trump đã không trả lời các yêu cầu của
báo chí đòi giải thích thêm về các tuyên bố của ông Tillerson và cũng không nói
rõ là những tuyên bố đó có thể hiện chính sách của chính quyền Trump hay không.
Hiện
cũng không rõ là thái độ cứng rắn của ông Tillerson trên vấn đề Biển Đông có
liên quan gì đến kinh nghiệm của ông ở vùng này vào thời ông là lãnh đạo tập
đoàn dầu khí Exxon Mobil hay không. Vào năm 2009, Exxon Mobil đã ký một hiệp định
khai thác dầu khí ở Biển Đông với tập đoàn PetroVietnam. Sau này, người ta được
biết là hiệp định đó đã được ký kết một cách lặng lẽ, vì nơi khai thác dầu khí
nằm ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Như
vậy, sau cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, sau những lời đe dọa
đánh thuế nặng hàng nhập khẩu Trung Quốc, những tuyên bố của ông Tillerson về
Biển Đông phải chăng báo hiệu những thay đổi căn bản trong chính sách của Mỹ đối
với Trung Quốc, chính sách mà từ thời Nixon cho đến nay vẫn được duy trì tương
đối ổn định, dù đó là chính quyền Dân Chủ hay Cộng hòa?
-----------------------
Trọng Nghĩa – RFI
Đăng
ngày 12-01-2017
Quả là không sai khi
cho rằng trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ ngày hôm qua, 11/01/2017,
người được đề cử làm ngoại trưởng tới đây của nước Mỹ, Rex Tillerson, đã « khai
chiến với Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông ». Khi được hỏi về đối sách của
ông trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển mà Bắc Kinh đòi hầu
như toàn bộ chủ quyền, ông Tillerson đã không ngần ngại cho rằng cần phải cấm
không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp tại Biển
Đông.
Phát
biểu trước một ủy ban của Thượng Viện Mỹ, người có rất nhiều khả năng làm ngoại
trưởng tới đây của Hoa Kỳ nói rõ như sau : « Chúng ta sẽ phải gửi đến
Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết phải đình chỉ việc xây dựng các
đảo, và thứ hai là không được phép tiếp cận những hòn đảo này ».
Trong
thời gian qua, Bắc Kinh đã khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hẳn lên khi cho
bồi đắp 7 thực thể mà họ chiếm giữ trong vùng quần đảo Trường Sa thành đảo nhân
tạo, bên trên có xây các cơ sở quân sự.
Đối
với ông Tillerson, việc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông, cũng như việc tuyên
bố vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Senkaku, dưới quyền kiểm soát của
Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, là những hành vi phi pháp vì đó là « xâm chiếm
lãnh thổ hoặc giành quyền kiểm soát hoặc tuyên bố kiểm soát những vùng lãnh thổ
không thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp ».
Nhận
xét của chuẩn ngoại trưởng Mỹ rất chính xác trong bối cảnh một tòa án quốc tế
(Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye) – mà Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền – ngày
12/07/2016 đã phán quyết rằng yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên
Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Ông
Tillerson không ngần ngại so sánh việc xây dựng các hòn đảo, rồi cho triển khai
thiết bị quân sự trên đó, với hành vi của Nga xâm chiếm bán đảo Crimée của
Ukraina.
Phải
nói rằng đây là lần đầu tiên mà người được đề cử làm nhân vật lãnh đạo ngành
ngoại giao Mỹ lại bộc lộ một cách rõ ràng, công khai những suy nghĩ của ông về
Biển Đông như vậy, một quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc.
Ông
Tillerson tuy nhiên không nói là Hoa Kỳ có thể có những biện pháp cụ thể nào nhằm
buộc Trung Quốc đình chỉ việc xây dựng đảo hay cấm không cho tiếp cận các đảo
này, nhưng trong hơn một năm gần đây, Hải Quân Mỹ đã nhiều lần cho chiến hạm tiến
hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực Biển
Đông.
Trả
lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao tại
Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ở Canberra (Úc) nhận xét : « Đây là một
kiểu phát ngôn ngẫu hứng, giống như một tin ngắn tweeter, có nguy cơ đổ dầu vào
lửa và có thể làm cho mọi sự xấu hẳn đi ».
Theo
chuyên gia này, « trừ phi là động binh chống lại Trung Quốc, thì người
Mỹ không có cách nào khác để ngăn cản Trung Quốc » xây dựng và tiếp cận
các đảo họ nắm giữ trên Biển Đông.
Dẫu
sao thì ý kiến người được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ cũng không khác với quan điểm
hiếm hoi về Biển Đông từng được tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhắc lại gần
đây, khi ông đả kích « các pháo đài » to lớn mà Trung Quốc cho
xây dựng giữa Biển Đông.
Trước
đó, vào tháng Ba 2016 khi còn vận động tranh cử, ông Trump từng chê trách chính
quyền Obama mềm yếu trước các hành động xây pháo đài quân sự trên Biển Đông của
Trung Quốc. Theo ông Trump, Bắc Kinh đã ngang nhiên làm như vậy, vì họ « không
có sự tôn trọng đối với tổng thống Mỹ và không có sự tôn trọng đối với nước Mỹ ».
Điểm
đáng ghi nhận là vào chiều nay, 24 tiếng đồng hồ sau phát biểu kiên quyết của
ông Tillerson, Trung Quốc vẫn giữ im lặng, trái với lệ thường là ăn miếng trả
miếng ngay lập tức mỗi khi bị công kích.
No comments:
Post a Comment