Wednesday, 4 March 2015

TQ xây đảo để kiểm soát Biển Đông (Nguyễn Xuân Vĩnh - BBC)





Nguyễn Xuân Vĩnh
Gửi tới BBC từ Frankfurt, Đức
04/03/2015

Trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn miệng hùa theo Tàu Cộng tuyên bố không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông, thì Tàu Cộng ra sức sử dụng biện pháp “hòa bình” thực thi “chủ quyền” theo Đường lưỡi bò 9 đoạn của chúng và mở rộng khu vực nhận diện phòng không.

Gần đây nhất là chúng xây đảo nhân tạo chềnh ềnh trong khu vực quần đảo Gạc Ma chiếm của Việt Nam năm 1988, khi lãnh đạo Việt Nam hạ lệnh cho các chiến sỹ trên đảo “không dùng vũ lực”, không nổ súng để chống lại kẻ thù xâm lược (?!!!) – và chính vì cái lệnh quái gở đó mà cùng với việc Gạc Ma thân yêu tuột khỏi vòng tay Tổ quốc Việt Nam, 64 con em chúng ta đã ngã xuống trước hỏa pháo dày đặc của bọn cướp biển Bắc Kinh, máu đỏ ngầu vùng biển Trường Sa, hài cốt hiện còn chưa tìm thấy.

Bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Vĩnh TQ xây đảo để kiểm soát Biển Đông, vừa đăng trên trang mạng BBC không đầy mười giờ đồng hồ trước đây buộc chúng ta phải suy nghĩ. Tác giả so sánh hành động này của Tàu Cộng với chiến thuật “nhảy đảo” của Mỹ hồi Thế Chiến 2. Tác giả cảnh báo, hành động nguy hiểm này đã tạo cho Tàu Cộng rút ngắn khoảng cách cho các máy bay tấn công Việt nam và cắt đường tiếp tế của Việt Nam cho những vị trí mà Việt Nam còn kiểm soát trên quần đảo Trường Sa.

Hành động này đã cho thấy rất rõ, việc hạ đặt giàn khoan HD 981 chẳng qua chỉ là một phép thử. Còn cái “giàn cố định” này mới là một trò nguy hiểm thực tế thực hiện tham vọng ngang ngược lấn chiếm Biển Đông.

Bài báo đặt câu hỏi “... trong hậu trường chính trị Việt Nam, không ai biết được có những động lực gì thúc đẩy giới cầm quyền trong các chính sách với Trung Quốc?”. Tác giả đặt câu hỏi tiếp “Liệu người dân Việt Nam lại phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận hy sinh quân sĩ và lãnh thổ một lần nữa sau năm 1975 và 1988?”, đồng thời đưa ra một đòi hỏi bức xúc “Việt Nam bây giờ phải có một thay đổi cấp bách trong chính sách ngoại giao và quốc phòng”.

Dân không thể biết, các nhà lãnh đạo đang nghĩ gì trước tình thế giặc Tàu ngày càng lấn lướt.

Vì sao đến giờ phút nguy nan này mà các nhà lãnh đạo vẫn bình chân như vại?

Bài báo của Nguyễn Xuân Vĩnh rung một hồi chuông báo động để thức tỉnh tinh thần cảnh giác của mỗi chúng ta.

Vì ý nghĩa quan trọng của bài báo, BVN xin đăng lại để làm tài liệu tham khảo cho tất cả những ai quan tâm.

Bauxite Việt Nam

--------------------

TQ đã tiến hành xây đảo nhân tạo tại nhiều điểm thuộc Quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp

Từ vài năm nay giới quan sát về chính trị và quân sự ghi nhận là Trung Quốc tăng cường những nỗ lực để củng cố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa.

Việc Trung Quốc xây dựng đồn quan sát cùng với bãi đáp trực thăng trên đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) đã được chú ý và theo dõi từ năm 2012. Ngoài đảo Gạc Ma, hoạt động xây dựng còn có trên những đảo Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Lạc (Gaven Reefs) và Đá Tư Nghiã (Hughes Reef).

Nhưng đầu năm 2015, hình chụp từ vệ tinh đã phát hiện ra một sự phát triển vô cùng nhanh chóng trong việc kiến thiết đảo nhân tạo trên những vùng này.

Ráo riết xây dựng

Những hình ảnh vệ tinh được công ty thông tin quân sự IHS Jane’s phân tích cho thấy là trên Đá Tư Nghiã, cái cấu trúc được xây trên mõm đá lú ra khỏi mặt nước đã tăng từ 380 mét vuông trong năm 2004 lên thành một đảo nhân tạo với diện tích là 75.000 mét vuông, một diện tích bằng khoảng 14 sân đá banh.

Sự phát triển còn rõ rệt hơn nữa trên Đá Lạc. Ở đây hình vệ tinh chụp vào cuối tháng Ba 2014 cho thấy một cái nền nhỏ trên bãi san hô, nhưng đến tháng Tám một đảo nhân tạo lớn đã thành hình kế bên đó, và cuối tháng Giêng 2015 một bãi đáp trực thăng đã được xây kế bên đảo nhân tạo đó cũng như những cái cầu nối cả ba cấu trúc với nhau.

Theo IHS Jane’s thì đảo nhân tạo lớn nhanh nhất là Đá Chữ Thập. Từ tháng Tám đến tháng Mười Một 2014, đảo này đã được bồi đắp thành một mảnh đất dài khoảng 3.000 mét và rộng khoảng 200 mét, đủ để xây một sân bay.

Các nước trong vùng, đặc biệt là Phi Luật Tân đã lên tiếng phản đối. Chính phủ Phi Luật Tân đã đệ đơn kiện đến Tòa án Quốc tế về luật biển của Liên Hiệp Quốc (International Tribunal for the Law of the See, ITLOS).

Việc xây đảo được Trung Quốc bắt đầu từ cuối thập niên 1990. Trong hình là cảnh chụp hôm 20/3/1999 cho thấy Trung Quốc đang xây cất trên Đá Vành Khăn (Rặng Mischief)

Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc dừng những hành động gây sự bất ổn này trong vùng, nhưng đến nay Trung Quốc không phản ứng.

Còn chính phủ Việt Nam thì vẫn im lặng.

Các quốc gia khác có sở hữu đảo trong vùng tuy cũng có những hoạt động kiến thiết, nhưng theo Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Daniel Russel thì việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc vượt xa tất cả những gì các nước này đã thực hiện từ xưa đến nay.

Sự phản đối có lẽ cũng vô ích vì kiến thiết ở bốn đảo nhân tạo tại vùng Trường Sa dường như thuộc vào một chương trình quy mô được bắt đầu sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc năm 2012.

Theo báo Wall Street Journal thì việc xây dựng trên hai đảo Đá Chữ Thập và Đá Lạc đã được bắt đầu trong năm 2014, bất chấp những phản đối của các nước láng giềng, và song song với những lời tuyên bố có tính cách ôn hòa của chính phủ Trung Quốc.

Mục tiêu quân sự ?

Theo các nhà phân tích quân sự thì cấu trúc của đảo nhân tạo trên Đá Lạc rất giống cấu trúc trên Đá Tư Nghiã, cho nên có thể cấu trúc trên Đá Tư Nghiã là mẫu cho những đảo nhân tạo khác sẽ được xây dựng hàng loạt.

Mục tiêu của Trung Quốc có thể là xây dựng một chuỗi những căn cứ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để bắt buộc các quốc gia khác từ bỏ những đòi hỏi chủ quyền trong vùng này.

Việc Trung Quốc kéo Giàn khoan 981 vào biển Đông hồi tháng 5/2014 khiến người dân VN ở trong và ngoài nước tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối

Việc Trung Quốc kéo Giàn khoan 981 vào biển Đông hồi tháng 5/2014 khiến người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối

Các đảo nhân tạo đều có đặc tính quân sự rõ rệt vì có trang bị radar và ổ súng phòng không. Các đảo này có thể được dùng để kiểm soát mặt biển và không phận của toàn vùng cũng như làm căn cứ hậu cần cho tàu hải quân để đi tuần sâu hơn về miền nam biển Đông.
Đặc biệt là Đá Chữ Thập cũng sẽ có một hải cảng vừa cho thuyền vận tải và chiến hạm lớn sử dụng.

Sân bay trên Đá Chữ Thập có thể được dùng để yểm trợ cho hoạt động của chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trên biển Đông.

Quần đảo Trường Sa cách đảo Hải Nam hơn 1.100 km, quá xa để các khu trục cơ từ đất liền có thể yểm trợ hữu hiệu vì không quân Trung Quốc chưa có kỹ thuật tiếp xăng trong lúc bay như không quân của Hoa Kỳ hoặc các nước Âu Châu. Sân bay này có thể giúp Trung Quốc khắc phục nhược điểm đó.

Máy bay trinh sát hoặc chiến đấu đóng tại đây có thể tiến xa xuống miền nam. Và tất nhiên là các đồn này đều có thể được dùng để chứa quân và làm bàn đạp để tiến chiếm các đảo khác.

Với những đảo này, Trung Quốc nhấn mạnh những đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Một số nhà phân tích Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc có thể dùng những đảo này để thiết lập một Vùng Nhận diện Phòng không (Air Defense Identification Zone) trên biển Đông.

Mối đe dọa cho Việt Nam

Nhìn từ khía cạnh của Việt Nam, những hoạt động lập đảo của Trung Quốc là một điều đáng lo ngại.

Cái đồn trên Đá Gạc Ma nằm ở phía nam của Đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island), cách đảo này khoảng 30 km. Đồn Đá Lạc nằm cách Đảo Sinh Tồn khoảng 41 km về hướng tây bắc. Căn cứ và sân bay trên Đá Chữ Thập nằm khoảng 150 km về hướng tây nam đảo Sinh Tồn.

Đảo Sinh Tồn là một trong ba đảo lớn nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa và như thế lại nằm ở giữa ba căn cứ quân sự của Trung Quốc. Đá Chữ Thập cũng nằm cách Đảo Trường Sa, đảo lớn nhất của Việt Nam tại đây, khoảng 160 km về hướng đông bắc.

Với sân bay trên Đá Chữ Thập và các đồn trên các đảo khác, Trung Quốc trong trường hợp xung đột có thể cắt đứt đường tiếp tế cho đảo Sinh Tồn một cách dễ dàng và có thể uy hiếp đảo Trường Sa.

Và có thể nói là tất cả các đảo của Việt Nam phía bắc của đảo Sinh Tồn, trong đó có đảo Song Tử Tây (Southwest Cay), đảo lớn thứ nhì của Việt Nam, và đảo Nam Yết (Namyit Island), đảo lớn thứ năm, đều bị đe dọa qua những đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Trong Thế chiến thứ hai, quân đội Hoa Kỳ đã áp dụng một chiến lược được gọi là "island hopping", chiến lược nhảy từ đảo này sang đảo kia, để chiến thắng quân đội Nhật.

Hiện Trung Quốc đã có hàng không mẫu hạm Liêu Ninh hoạt động trên biển Đông

Các cánh quân Mỹ đã đánh chiếm những vùng đất liền và đảo của Nhật có vị trí chiến lược quan trọng, nằm gần những tuyến đường tiếp tế, nhưng chỉ có lực lượng phòng thủ nhỏ, thay vì đánh vào những căn cứ có lực lượng phòng thủ mạnh.

Quân đội Mỹ đã tránh thiệt hại lớn nhưng đã đưa Nhật vào thế bị động và khó khăn vì những đường dây tiếp tế bị cắt đứt. Những căn cứ phải thất thủ vì thiếu đạn dược và thực phẩm.

Những hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc chung quanh các đảo của Việt Nam hiện hơi giống chiến lược nhẩy đảo đó.

Với một cái nhìn khách quan và theo logic thì Việt Nam bây giờ phải có một thay đổi cấp bách trong chính sách ngoại giao và quốc phòng.

Nhưng trong hậu trường chính trị Việt Nam, không ai biết được có những động lực gì thúc đẩy giới cầm quyền trong các chính sách với Trung Quốc.

Liệu người dân Việt Nam lại phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận hy sinh quân sĩ và lãnh thổ một lần nữa sau năm 1975 và 1988 ?

Nguyễn Xuân Vĩnh
Gửi tới BBC từ Frankfurt, Đức

*Tác giả là một kỹ sư hàng không hiện đang sống tại Cộng hòa Liên bang Đức.








No comments:

Post a Comment

View My Stats