Saturday, 28 March 2015

Vụ 90.000 công nhân đình công : Phát biểu của bác Được có vài chỗ chưa “được” (Đồng Phụng Việt)





Vụ 90.000 công nhân đình công :

Khoảng 90.000 công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam đã và đang đình công phản đối Luật Bảo hiểm xã hội mới.

Trước, những công nhân đã làm việc được một năm, nếu mất việc hoặc nghỉ việc, không thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

Nay, Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội thông qua năm ngoái, những công nhân chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm mà mất việc hoặc nghỉ việc sẽ không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào. Trợ cấp bảo hiểm xã hội chỉ được phát khi họ đến tuổi nghỉ hưu.
Công nhân không đồng tình nên đình công.

VTC News dẫn lời một công nhân tên là N.T.L cho biết tại sao cô đình công: Tôi làm việc được 9 năm, năm nay tôi được 35 tuổi, tôi muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần sau khi thôi việc, chứ tôi không thể chờ đợi đến khi già 55 tuổi, khi đó có biết tôi còn sống nữa hay không.

Theo qui định của Luật Bảo hiểm xã hội mới, nếu năm nay cô N.T.L thất nghiệp hoặc nghỉ việc, cô sẽ phải chờ 20 năm nữa (năm 2035) mới được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội, thay vì được nhận một lần ngay vào lúc này.

***
Sau khi đình công xảy ra, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nói với tờ Pháp Luật TP.HCM, rằng cơ quan của ông đã gửi “báo cáo nhanh” về cuộc đình công cho các “cơ quan chức năng”. Đó là chuyện duy nhất mà cơ quan đại diện quyền lợi, nguyện vọng cho giai cấp công nhân ở TP.HCM đã làm.

Còn ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Chính sách của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giải thích, việc hưởng trợ cấp một lần khi mất việc hoặc nghỉ việc chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, trong khi quy định mới nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động khi về già!
Ông Được nói nghe cũng… “được”. Lấy trường hợp của cô N.T.L, thay vì nhận một “cục” nếu năm nay hoặc năm nào đó trước khi tròn 55 tuổi mà cô thất nghiệp hoặc nghỉ việc thì chịu khó chờ đến lúc tròn 55 tuổi, khi “sức đã tàn, lực đã kiệt”, cô có thể nhận lương hưu mỗi tháng cho tới chết.

Dường như lợi ích từ lương hưu có vẻ “lâu dài” hơn chuyện ôm một “cục”.

***
Tuy nhiên tương lai của lợi ích có vẻ “lâu dài” đó liệu có có hay không? Hình như là không.

Theo tính toán do chính Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố hồi tháng 9 năm ngoái và báo chí Việt Nam đăng rần rần vài lần, Quỹ Bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ thâm thủng vào năm 2020 và cạn láng vào năm 2034.

Nói cách khác, nếu không được nhận trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần khi thất nghiệp hoặc nghỉ việc theo Luật Bảo hiểm xã hội cũ mà chờ đến lúc đủ 55 tuổi vào năm 2035, cô N.T.L sẽ… chẳng có đồng nào hết!

Tại sao Quỹ Bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ thâm thủng vào năm 2020 và cạn láng vào năm 2034 thì các bạn cứ vào google, search những phân tích và khuyến cáo của ILO (Tổ chức Lao động Thế giới), về các sai lầm trong đặt định chính sách lao động của chính quyền xứ mình.

Chỉ nhắc lại một vài thông tin trong chuỗi lý do góp phần làm Quỹ Bảo hiểm xã hội của Việt Nam cạn láng. Đó là hồi tháng 8 năm 2013, trong một báo cáo về nợ nần của chính quyền xứ mình, Bộ Tài chính cho biết, nếu tính nợ công theo chủ nợ, chính phủ xứ mình nợ Quỹ Bảo hiểm xã hội 5% trên tổng nợ vào lúc đó.

Đến tháng 9 năm ngoái, theo thống kê do Bảo hiểm xã hội Việt Nam loan báo thì chính phủ xứ mình nợ Qũy Bảo hiểm xã hội của Việt Nam 303 tỷ đồng.

Tại sao lại nợ?

Nợ là do thay vì phải đóng tiền bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công chức, chính phủ xứ mình không đóng. Dẫu chính phủ xứ mình không đóng nhưng khi cán bộ, công chức nghỉ hưu, họ vẫn nhận lương hưu vừa đều đều, vừa cao hơn những người làm mửa mật như cô N.T.L.

***

Tới đây thì có lẽ các bạn đã mường tượng tại sao mình thấy phát biểu của bác Được có vài chỗ chưa… “được”. Vài chỗ chưa… “được” đó lại là cốt tủy. Vậy mới… ngặt!

Mình có thêm một thắc mắc khác: Tại sao là tổ chức duy nhất đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng của giai cấp công nhân nói riêng và người lao động nói chung mà Liên đoàn Lao động TP.HCM nhìn gần và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn xa, không nói gì, làm gì khi Quốc hội bàn bạc và thông qua Luật Bảo hiểm xã hội mới, với những điểm bất ổn, thậm chí gọi là “cướp cơm chim” cũng chẳng ngoa như vậy?

Không những không nói gì, làm gì để bảo vệ quyền lợi, nguyện vọng của giai cấp công nhân nói riêng và người lao động nói chung, Liên đoàn Lao động TP.HCM nhìn gần và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn xa, còn tổ chức “tuyên truyền”, cổ xúy cho Luật Bảo hiểm xã hội mới. Đình công tại Công ty Pouyuen Việt Nam đã bùng lên ngay sau khi công nhân nghe “tuyên truyền” về Luật Bảo hiểm xã hội mới.

***
Việt Nam chỉ có 90.000 công nhân làm việc tại Công ty Pouyuen Việt Nam nên chỉ có chừng đó công nhân đình công?

Chắc là không! Hàng triệu người khác chưa đình công vì họ chưa nghe “tuyên truyền”. Nghe xong chắc con số công nhân đình công không chỉ có 90.000.

Dẫu bạn không là công nhân, cha mẹ, anh chị em bạn không thuộc giới thợ thuyền thì ảnh hưởng của Luật Bảo hiểm xã hội mới vẫn tác động đến bạn. Luật Bảo hiểm xã hội mới ảnh hưởng đến tất cả mọi người đã, đang và sẽ bị trích lương để đóng bảo hiểm xã hội.

Vậy đó!…








1 comment:

View My Stats