Saturday, 7 March 2015

Tổng Thống Obama kỷ niệm phong trào vì dân quyền ở thành phố Selma (VOA | RFI)





VOA
08.03.2015

Ngày thứ Bảy Tổng thống Barack Obama kỷ niệm 50 năm hai cuộc tuần hành từ Selma-đến-Montgomery đòi quyền bầu cử với lời kêu gọi người Mỹ làm việc với nhau để làm cho nước Mỹ tốt hơn.

Trong khi công nhận là cuộc tranh đấu cho cơ hội bình đẳng chủng tộc “vẫn chưa đạt được thắng lợi”, Tổng thống Obama—tổng thống người Mỹ gốc châu Phi đầu tiên của Hoa Kỳ—nói với hàng người tụ tập tại thị trấn Selma, Alabama là ông bác bỏ ý niệm cho rằng không có gì thay đổi.

Lễ kỷ niệm diễn ra vào lúc nước Mỹ đang phải vất vả đối phó với những căng thẳng chủng tộc mới về việc cảnh sát đối xử với những người Mỹ gốc châu Phi. Hầu hết trọng tâm đều đặt vào thị trấn Ferguson, Missouri, nơi một cảnh sát da trắng bắn chết một thiếu niên da đen tay không Michael Brown vào năm ngoái trong một cuộc đối đầu trên đường phố.

Tuy nhiên Tổng thống Obama nói phúc trình của Bộ Tư pháp trong tuần này kết luận là cảnh sát tại Ferguson thường xuyên vi phạm quyền của công dân da đen không xoá bỏ những tiến bộ của nước Mỹ.
Ông nói: “Những gì xảy ra tại Ferguson có lẽ không duy nhất, nhưng cũng không còn là một căn bệnh, không còn được luật lệ hay tập quán cho phép, và trước Phong trào Dân quyền việc này chắc chắn được cho phép.”

Tổng thống Obama kêu gọi người Mỹ thuộc mọi chủng tộc nỗ lực đảm bảo là hệ thống hình sự nước Mỹ “phục vụ tất cả mọi người chứ không phải chỉ một thiểu số.”

Tổng thống Obama nói :“Cùng nhau chúng ta có thể nâng mức tin cậy lẫn nhau là cảnh sát được xây dựng trên—ý niệm các nhân viên cảnh sát là thành viên của cộng đồng họ liều mình để bảo vệ, và công dân tại Ferguson và New York và Cleveland chỉ muốn cùng những điều mà những người trẻ tại đây tuần hành 50 năm trước—đó là bảo vệ luật pháp.”

Vào ngày 7 tháng 3 năm 1965 cảnh sát tấn công những người biểu tình cố tuần hành từ Selma đến Montgomery để ủng hộ quyền bầu cử cho mọi chủng tộc. Hai tuần sau ngày này, được gọi là “Ngày Chủ Nhật Đẫm máu”, lãnh tụ dân quyền Martin Luther King Jr. đã thành công trong việc dẫn đạo cuộc tuần hành từ Selma đến Mongomery. Cuộc biểu tình giúp thông qua Luật về Quyền Bầu cử năm 1965, cấm kỳ thị căn cứ trên chủng tộc.

Trên chuyến bay từ Washington đến Selma, Tổng thống Obama trao tặng Huy chương Vàng của Quốc hội cho những người biểu tình, mà ông gọi là “những chiến binh dũng cảm” tham gia vào hai cuộc tuần hành.

Ngày thứ Bảy, hàng ngàn người tập trung tại Selma để dự lễ kỷ niệm và nghe tổng thống Obama nói chuyện. Đệ nhất phu nhân Michell Obama và hai cô con gái Malia và Sasha cũng có mặt cùng với người tiền nhiệm của tổng thống Obama là cựu tổng thống George W. Bush, và vợ là bà Laura.

Tham dự lễ kỷ niệm còn có Dân biểu John Lewis, một lãnh tụ trong cuộc tuần hành Ngày Chủ Nhật Đẫm máu. Dân biểu Lewis bị đánh đập tàn nhẫn trong biến cố này. Ông nói chuyện với đám đông trước tổng thống Obama, sau khi trước đó đã bày tỏ thất vọng là các nhà lãnh đạo Quốc hội Cộng hòa không có mặt tại lễ kỷ niệm.

Tháng 11 năm ngoái, các cuộc biểu tình sôi động bùng phát tại Ferguson, vùng ngoại ô St. Louis và trên toàn nước Mỹ sau khi một đại bồi thẩm đoàn không truy tố cảnh sát viên bắn chết Michael Brown. Thêm vào sự công phẫn trên toàn quốc là một vài sự kiện nổi bật khác, trong đó có việc cảnh sát xiết cổ chết một người da đen tại New York.

--------------------------------------

Mai Vân  -  RFI
Đăng ngày 07-03-2015 Sửa đổi ngày 07-03-2015 17:12

Hoa Kỳ vào hôm nay, 07/03, kỷ niệm ngày ‘Bloody Sunday’ của họ, tức ngày mùng 7/03/1965. Vào ngày này năm ấy, một hôm Chủ nhật, tại thành phố Selma, bang Alabama, người da đen đã xuống đường biểu tình ôn hòa đòi quyền được đi bầu. Cho dù đã có luật ban hành chấm dứt nạn phân biệt đối xử, chính quyền tại đây không cho ghi danh cử tri da đen. Cuộc biểu tình bị đàn áp dữ dội.

Tổng thống Obama cùng với phu nhân và hai cô con gái sẽ đến Selma hôm nay, cùng tuần hành với những người đã xuống đường năm xưa và tổng kết thành quả đấu tranh 50 năm qua. Hiện nay nếu người da đen có mọi quyền công dân, đi bỏ phiếu..., nhưng quan sát kỹ thì kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn chưa biến mất, đôi khi xuất hiện dưới những hình thức mới.

Thông tín viên RFI, Anne-Marie Capamaccio tường thuật từ Hoa Kỳ :

Selma, một thành phố nhỏ xinh xắn miền Nam nước Mỹ, với khoảng hơn 20.000 dân, đã sôi sục từ 2 ngày nay vì phải chuẩn bị đón Tổng thống Obama. 

Đối với cộng đồng người da đen ở Alabama, sự hiện diện của Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ trên chiếc cầu Edmond-Pertus, nơi mà cảnh sát đã tấn công vào người biểu tình, là một sự kiện lớn lao mà ai cũng muốn ghi lại. Đây cũng là dịp để tổng kết thành quả 50 năm sau cuộc đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử.

Della Bryant, 87 tuổi, đấu tranh cho quyền người da đen từ những năm 1940, sẽ ngồi ở khán đài danh dự. Bà cho biết bà không chỉ kỷ niệm cuộc biểu tình mà thôi, vì 50 năm qua tuy có tiến bộ « nhưng bây giờ cũng đang thụt lùi », và điều này bà sẽ nói với ông Obama.
Linda Lowery mới 15 tuổi vào năm 1965. Cô đã đi trên cầu Edmond-Pertus vào ngày ấy. Hôm nay điều làm cho Linda không mấy vui trong Selma của thế kỷ XXI này, là sự kỳ thị và phân biệt đối xử đang trở lại một cách nham hiểm Bà nói : « Chúng tôi đã đấu tranh cho một trường học hội nhập, không phân biệt mà da, thế mà ngày nay, trong các trường học, lại là kỳ thị, phân biệt. Người da trắng đã rời bỏ trường học, và như thế là sự phân biệt lan rộng trong toàn thể hệ thống giáo dục. Nhưng bây giờ là người da đen kỳ thị.
Đây là một sự kỳ thị đẳng cấp, xã hội. Nhà sử học Alton Fitts, một người da trắng, từng là một tác nhân trong việc xóa phân biệt ở trường học ở miền Nam Hoa Kỳ, cũng có cảm nhận chua xót như Linda : « Đây là thất bại đắng cay nhất của cuộc đời tôi : Không giữ được các trường hội nhập. Con cái tôi đã ở lại mấy năm trời trong các trường học này, trong lức bạn bè da trắng của chúng đă đi mất. Chúng tôi đã nghĩ là sẽ tạo được sự khác biệt, nhưng không. »

Người da đen tức giận, người da trắng chua chát. Selma chờ đợi Barack Obama với hy vọng Tổng thống Mỹ không đến đây để chụp ảnh biểu tượng mà thôi, 50 năm sau cuộc đấu tranh cho quyền được bỏ phiếu của người da đen.

Đối với những người từng đấu tranh vào năm 1965, sở dĩ ông Barack Obama vào được Nhà Trắng, đó là nhờ sự can đảm của những người đã biểu tình ở Selma ngày 07/03 50 năm trước đây.






No comments:

Post a Comment

View My Stats