Friday, 1 March 2013

XUNG QUANH VIỆC KỶ LUẬT & ĐUỔI VIỆC NHÀ BÁO NGUYỄN ĐẮC KIÊN (Việt Hoàng)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ sáu, 01 Tháng 3 2013 00:12

Dư luận Việt Nam lại được khuấy đảo bởi một sự kiện đặc biệt xảy ra ngay sau ngày rằm tháng Giêng năm Quí Tỵ, đó là chuyện nhà báo Nguyễn Đắc Kiên của báo Gia Đình và Xã Hội, chỉ vì một bài báo chỉ trích Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên trang Anh Ba Sàm. Chỉ sau chưa đầy 24 tiếng thì Ban lãnh đạo của báo Gia Đình và Xã Hội đã ra thông báo kỷ luật và buộc thôi việc đối với nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.

Đảng cộng sản Việt Nam mà cụ thể là ông Nguyễn Phú Trọng đã bị dư luận chỉ trích và phản đối kịch liệt. Liên quan đến việc lấy ý kiến đóng góp của người dân trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992, ban dự thảo sửa đổi Hiến Pháp của Quốc hội đã cho biết là không có vùng cấm cho việc góp ý của người dân, kể cả việc góp ý về điều 4 hiến pháp, trong đó qui định rằng Đảng cộng sản Việt Nam là độc quyền lãnh đạo đất nước. Thứ hai ban soạn thảo cho biết ngày cuối cùng để góp ý kiến là ngày 31/3/2013. Thế nhưng với việc kỷ luật và đuổi việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, đảng ta đã có câu trả lời sớm cho những người có ý định góp về việc sửa đổi hiến pháp.

Việc lấy ý kiến đóng góp của người dân cho việc sửa đổi hiến pháp lần này, bản thân nó đã là một sự tầm phào và vớ vẩn. Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng Hiến pháp là bản hợp đồng chung sống của một dân tộc. Nó xác định chúng ta muốn sống với nhau như thế nào và cùng xây dựng một tương lai chung ra sao thì một bản hợp đồng như vậy chỉ có giá trị khi nó được soạn thảo và đồng ý của cả hai bên, cả người dân lẫn chính quyền. Vì vậy nó không thể có sự xin cho ở đây. Và mỗi người dân đều có quyền lên tiếng phản đối hay đồng ý với bản hợp đồng đó vì nó liên quan đến cuộc sống của chính mỗi người. Một bản hiếp pháp chỉ có giá trị khi được trưng cầu dân ý và được người dân phúc quyết.

Ông Trọng có thể phát biểu ý kiến của riêng ông và nhân danh cho đảng cộng sản Việt Nam của ông nhưng ông quá hồ đồ khi chụp mũ tất cả những người dân Việt Nam không đồng ý với tư tưởng và ý chí của đảng cộng sản Việt Nam là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”. Bây giờ là thế kỷ 21, đảng cộng sản Việt Nam không thể xem mình là chủ nhân duy nhất của đất nước Việt Nam mà muốn áp đặt mọi suy nghĩ chính kiến của mình cho cả gần 87 triệu người VN không phải là đảng viên cộng sản. Việc đúng sai của ông Trọng đã được mọi người nói nhiều, người viết không muốn nói thêm vì đã quá đủ. Một câu hỏi muốn nêu ra: Ai là người đứng sau việc kỷ luật và đuổi việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên? Có lẽ khác với dư luận chung cho rằng ông Trọng đã ra lệnh cho báo Gia Đình và Xã Hội làm việc này, người viết đồng tình với nhà báo Đoan Trang khi nhận định rằng đây là quyết định của ban lãnh đạo tòa báo Gia Đình và Xã Hội. Nó phản ánh tư duy “bảo hoàng hơn vua” của ông tổng biên tập báo Gia Đình và Xã Hội. Nếu nhà báo Nguyễn Đắc Kiên vi phạm pháp luật thì các cơ quan điều tra cần có văn bản và lệnh khởi tố rõ ràng và dựa trên đó ban lãnh đạo của tòa soạn mới có thể ra quyết định đình chỉ công tác của một cán bộ tòa soạn.

Người viết đồng ý với nhà báo Nguyễn Đắc Kiên rằng không nên tẩy chay báo Gia Đình và Xã Hội vì nó còn liên quan đến nhiều người tử tế khác, tuy nhiên việc lên án và chỉ trích ông tổng biên tập và lãnh đạo của tờ báo Gia Đình và Xã Hội là phải có. Những kẻ này không xứng đáng là một nhà báo chân chính. Và đây cũng là hiện thực của xã hội Việt Nam thời đảo điên, những kẻ thiếu nhân cách, đạo đức và lương tâm lại làm lãnh đạo những người chân chính và tử tế.

Người viết rất đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thanh Giang và ông Nguyễn Quang A là chúng ta nên kêu gọi và phát động một cuộc hỗ trợ (cả trong nước, ngoài nước và cả dư luận quốc tế) dành cho nhà báo Nguyễn Đắc Kiên về tinh thần và cả vật chất. Hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên ghi một dấu ấn đặc biệt khi một công chức nhà nước đang còn trẻ và đang đương chức lên tiếng công khai phản đối người lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản. Chúng ta đều biết là từ trước đến nay chỉ những người về hưu mới dám mạnh mẽ lên tiếng cho dân chủ và tự do. Sự trả thù hèn hạ và tinh vi của chính quyền đã khiến bao nhiêu người cán bộ, đảng viên đương chức dù muốn cũng không dám lên tiếng. Chúng ta hiểu và thông cảm cho những người này bao nhiêu thì chúng ta càng thêm kính trọng và tôn vinh những người đã dám vượt qua chính mình như nhà báo Nguyễn Đức Kiên. Anh còn trẻ, con còn thơ nhưng anh đã sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều không hay sẽ đến với mình. Anh là một cánh én nhỏ nhưng sẽ mang lại mùa Xuân cho cả dân tộc. Anh sẽ mãi mãi là một người con, một nhà báo chân chính của nhân dân Việt Nam.

Việc lên tiếng của anh hay của những người như nữ nghệ sỹ Kim Chi là một lời cảnh báo rõ ràng và nghiêm khắc cho đảng cộng sản VN: Nếu họ không lắng nghe những suy tư và khát vọng của người dân thì người dân sẽ quay lưng lại với họ.

Việt Hoàng




No comments:

Post a Comment

View My Stats