Friday 15 March 2013

VỀ NGUYỄN ĐẮC KIÊN (Trần Phong Vũ)




Về Nguyễn Đắc Kiên
Trần Phong Vũ
14-3-2013

Hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên

Giới trí thức ở trong nước mệnh danh Nguyễn Đắc Kiên là một hiện tượng, một mẫu người trẻ hiếm có trong xã hội Việt Nam thời cộng sản. Người ta coi bài phản biện của ông hôm 26-2-2013 nhắm vào những lời tuyên bố ở Vĩnh Phúc một ngày trước đó của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng CSVN như một trái bom vạn tấn đánh thẳng vào trung tâm cơ chế quyền lực Hà Nội.

Khác với tất cả những tiếng nói phản biện trước đây, lần này, nhà báo 29 tuổi Nguyễn Đắc Kiên đã lột truồng “Ông Vua Đỏ”, buộc ông ta phải đứng “tô hô” trước bàn dân thiên hạ, trong đó có mấy triệu đảng viên dưới quyền ông. Vượt trên sự can đảm bình thường, chỉ với tư cách người công dân Việt Nam Tự Do, anh đã đóng vào trán Nguyễn Phú Trọng, và cả cái đảng do ông ta cầm quyền sinh sát, dấu ấn của thái độ trâng tráo, xấc xược, tiếm danh, kiêu ngạo cộng sản.

Nguyễn Đắc Kiên đã thay mặt hơn 90 triệu đồng bào cả nước lột bỏ mọi thứ uy quyền ảo, uy quyền tự phong của Nguyễn Phú Trọng. Nhân danh công lý, tự do và lẽ phải, anh đã trả con người thật ông ta về với gian đảng của ông, nơi mà ngay trong bài phản biện, tác giả khẳng định là không thiếu những mẫu ngưởi gọi là đảng viên nhưng không ngồi chung xuồng với Tổng Bí Thư họ Nguyễn.

Bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên là cái mốc ghi dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, cho quyền làm người Việt Nam. Và anh đã mở ra một sinh lộ mới, một hy vọng mới cho thế hệ trẻ Việt hôm nay.

Ngay sau khi bài phản biện của anh được tung lên các hệ thống truyền thông đại chúng, một loạt những phản ứng giây chuyền đã bùng lên khắp nước. Âm vang của nó tràn lan qua các vòm trời hải ngoại. Tất cả dậy lên ý nghĩa một cuộc trưng cầu dân ý, hơn thế -một “hội nghị Diên Hồng” thời đại-, để cho mọi con dân Việt Nam một lòng, một ý nói “KHÔNG” với chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít.

Ngoài nghề báo, Nguyễn Đắc Kiên còn làm thơ. Thơ anh mang trọn nỗi đau của cả một thế hệ trẻ ra đời và lớn lên dưới chế độ độc tài cộng sản. Giống như những nét nhạc êm đềm nhưng chất đầy chua xót của Việt Khang, giòng thơ của Nguyễn Đắc Kiên tuy trầm mặc, dịu hiền như tiếng hát Quan Họ quê anh, nhưng có sức lay động lòng người mãnh liệt.

Ra đời tại Bắc Ninh, lớn lên ở Hà Nội, ngẫu nhiên Nguyễn Đắc Kiên trở thành nạn nhân và cũng là người chứng bất đắc dĩ của những trò nghịch lý diễn ra từng phút từng giây nơi một thời từng được mệnh danh là thủ đô ngàn năm văn vật. Ở đấy có đám dân oan rách nát từ các miền cao, miền xa ngày ngày lũ lượt kéo về vườn hoa Mai Xuân Thưởng kêu gào khiếu kiện. Ở đấy có ngàn, vạn giáo dân đêm đêm tụ tập ở nhà thờ Thái Hà cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình. Và vây quanh họ là hàng trăm cảnh sát trang bị vũ khí cùng mình, lăm le chờ cơ hội thanh toán mục tiêu. Và ở đấy cũng phơi bày cảnh tượng những sinh viên nam nữ bị an ninh nhà nước đánh đâp, đàn áp, ném lên xe cây chỉ vì họ dám biểu tình bày tỏ tinh thần yêu quê hương, phản kháng những hành vi xâm lăng biển đảo của Bắc Kinh. Tất cả đã trở thành những vết đen hằn sâu trong ký ức Nguyễn Đắc Kiên, cấu thành những vần thơ đau đớn.

“Hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh
Hỏi hắn xem hắn sẽ nói gì
Nếu mai ngày con cháu hắn hỏi: hắn… hắn làm gì khi đất Mẹ bị dọa đe?
Hắn làm gì khi Tổ quốc lâm nguy
Khi người ta xuống đường biểu dương tình yêu Tổ quốc?”

Nỗi đớn đau quặn thắt trái tim người thơ khi nhận ra kẻ bạo hành, bắt bớ những sinh viên biểu tình vì yêu nước, những người dân khốn khó mong được minh oan, những tín hữu cầu nguyện để có được sống an bình, no ấm, không ai khác hơn chính là những kẻ cùng chung một giòng máu với anh đang tác oai tác quái trên đất nước này.

Ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ, của người cầm bùt không cho phép anh im tiếng. Và như thế, nhà báo, nhà thơ trẻ tuổi Nguyễn Đắc Kiên cầm bằng một ngày nào đó chính anh sẽ trở thành nạn nhân của cường quyền bạo lực. Anh sẽ bị bắt, bị tống vào ngục tối. Nhưng từ lâu rồi, anh đã vượt qua được nỗi sợ hãi thường tình để thản nhiên nghĩ tới ngày khăn gói vào tù.

“Nếu một ngày tôi phải vào tù
Tôi muốn được vào nhà tù cộng sản
Ở nơi đó giam giữ Tự do
Giam giữ những trái tim khao khát Sống
(…)
Nếu một ngày tôi phải vào tù
Thì chắc chắn là nhà tù cộng sản
Bởi vì tôi khao khát Tự do”

Tiên cảm có ngày sẽ mắc vòng lao lý, anh nảy ra ước muốn được ở trong nhà tù cộng sản. Bởi vì ở đó, anh biết chắc sẽ gặp được những người đồng tâm, đồng chí, đồng cảm với anh. Những con người có trái tim, biết yêu sự Sống và luôn khao khát Tự do.

29 tuổi đời, dù còn rất trẻ, nhưng Nguyễn Đắc Kiên đã chứng kiến quá nhiều những cảnh ngộ tang thương, cay nghiệt xảy ra chung quanh đời sống: những cái chết oan uổng, những mảnh đời bất hạnh, những cuộc chia ly buồn bã. Tất cả tượng hình bằng những con số không, những vòng tang đen, trắng, trên vầng trán nhăn nheo của mẹ già, trên làn da rám nắng, khổ hạnh của những người trai một thời dấn thân giữ nước. Trên khuôn mặt già trước tuổi của những cô gái vì hoàn cảnh gia đình phải bán thân, làm đĩ.

Và anh đã viết bài Những Số Không Vòng Trắng. Điều nghịch lý dưới mắt người thơ là những hình ảnh gợi buồn ấy đã diễn ra giữa khung cảnh được gọi là thanh bình, an lạc, vì thực tế chiến chinh, bom đạn đã lùi xa!
“Bom đạn qua lâu rồi
Vòng đen vẫn còn đó
(…)
Đất không chiến tranh
Đất vẫn nhòa vòng trắng
Vòng trắng trên khuôn mặt
Trên vai áo sờn
Người giữ đất quê hương”

Và:
“Đau lòng lắm
Con biết không?
Chiến trận
Không giết nổi đồng đội ta
Họ chết giữa thời bình!”

Và như thế, quê hương, dân tộc vẫn tiếp tục chìm ngập trong đêm dài tăm tối. Nếu đầu thế kỷ trước, kẻ sĩ Trần Tế Xương vì ngán ngẫm cảnh đất nước bị thực dân thống trị quá lâu khiến ông làm thơ ký thác tâm sự nôn nóng, bồn chồn của một kẻ nằm đêm chờ đợi sáng… thì vào những năm đầu thập thiên thứ hai của đệ tam thiên niên có chàng thiếu niên thi sĩ họ Nguyễn cũng đối cảnh sinh tình, bật ra những vần thơ cảm thán.

“Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế
Bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm.
Hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân
Hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa!

Bao thế hệ xiết rên trong gọng kìm nô lệ
Chuyên chế dã man đục ruỗng chí con người
Cha tôi, ông tôi, bao thế hệ ngủ vùi
Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế!

Không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn
Lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị
Khủng bố dã man, gieo rắc những kinh hoàng
Biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”.”

Trong một chiều đông, trở lại Bắc Ninh, nơi chôn nhau cắt rốn, ngó về Ba Đình, Nguyễn Đắc Kiên xót xa tự hỏi.

“Ai đem bán –Tự do?
Cho anh hỏi
‘Em ơi – còn không vườn vương hương –bhoa khế
Mà tím – mà thương – mà nhớ quá – quê mình?’
Em cười lúng líếng – hoa soan
‘Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng
Đồng quê chúng chiếm hết rồi
Thân em cũng bán chợ trời! – tiếc không anh?!’”

Đồng quê chúng chiếm hết rồi, mà thân em cũng bán chợ trời!

Thật không còn gì đau xòt hơn! Nhưng đấy không phải là chuyện bên Tàu, bên Nhật. Cũng không phải là chuyện năm ngoái, năm xưa. Mà là chuyện hôm nay. Bây giờ. Ngày trên đất nước ta.

Trong hoàn cảnh éo le ngang trái ấy, còn đâu tiếng hát đong đưa và hình ảnh trữ tình của người con gái Bắc Ninh:

“Tay cầm bán nguyệt xênh xang,
Một trăm thứ cỏ lai hàng tay ta”
[*]

Nép đẹp nhất trong thơ Nguyễn Đắc Kiên là tinh thần báo dung, tôn trọng sự sống và niềm tin yêu nơi thiện chí con người. Tác giả ra đời ngày 28/8/1983. Khi tôi viết những giòng này, chẵn 172 ngày nữa Nguyễn Đắc Kiên mới thực sự bước vào tuổi 30. Tính ra hơn 8 năm sau ngày cơn hồng thủy tràn vào miền nam, anh mới có mặt trên đời. Anh không là nạn nhân trực tiếp của bom đạn trong cuộc chiến tương tàn. Nhưng anh lại phải hứng chịu những day dứt, dằn vặt trong lương tâm của một người chứng khi từng phút giây thấy tận mắt, nghe tận tai những hành vi bạo ngược, bán nước hại dân của một tập đoàn thống trị không óc, không tim. Và trong cương vị một người cầm bút, anh đã dùng thơ văn chống lại. Bài viết trực diện đánh vào luận cừ hàm hồ, xấc xược của TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng ngày 26-2 vừa qua là một biểu hiện quá độ về ý lực đối kháng chế độ đương quyền của Nguyễn Đức Kiên.

Xót xa lắm khi người thơ phải chứng kiến những cái chết lãng nhách của những cựu chiến binh, không phải trong giây phút đối mặt trên chiến trường mà ngay trên mảnh đất quê nhà, bởi chính “đồng chí” của mình! Đau đớn không ít khi anh thấy những bà mẹ “liệt sĩ” một thời, ngày nay đã trở thành nạn nhân của những mưu toan cướp đất phá nhà của những kẻ từng được bà bao che, nuôi dưỡng trong bưng!

Theo luật “răng đền răng – mắt đền mắt” trong thời trung cổ[**], theo quan niệm sắt máu của các chế độ độc tài, kẻ thắng luôn tự ban cho mình cái quyền sinh sát! Nhưng với Nguyễn Đức Kiên và những con dân Việt còn có chút lương tri và lòng nhân ái thì những hành vi trả thù, giết choc không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm đau thêm lòng Mẹ Việt Nam. Tiền nhân có câu “dĩ oán báo oán, oán ấy chất chồng – dĩ ân báo oán, oán ấy tiêu tan”. Vả chăng cứu cánh của mọi cuộc cách mạng chẳng là phục vụ, là đem lại phúc lợi cho con người đó sao?

Là một nhà báo có trình độ lại có cái tâm tốt, trong những cuộc hành trình đây đó, anh đã nhìn thấy biết bao dấu tích tang thương do chiến chinh để lại. Qua mộ phần của các nạn nhân, anh hình dung ra biết bao giòng máu oan khiên đã đổ ra. Không phải chỉ trong chiến trận, mà ngay trong thời bnổi được gọi là hòa bình!

“Tôi đã đi qua, qua những nấm mồ
Những mồ đất loe hoe bên khung cửa
Đất se se, đỏ quạnh máu cha ông
Dựng thịt da chôn côn trùng cây cỏ
Máu hôm qua chảy ngược lại hôm nay”

Tự hỏi: không lẽ oán thù cứ thắt chặt mãi thêm sao? Tử câu hỏi của lương tâm ấy, ngưởi thơ Nguyễn Đức Kiên dứt khoát.

Ta hôm nay cởi ra những vòng trắng[2]
Bỏ khăn tang
Ghì riết trong tay
Những đứa con ta
Những đứa cướp ngày
Dạy chúng lẽ yêu thương
Bài học vỡ lòng nhân tính,
Dạy chúng biết lẽ nào là Sống
Lẽ nào là Tự do, thương xót Đồng bào…”

Nghĩ tới thảm cảnh nước mất nhà tan, người thơ hình dung tới cơn đau banh da xẻ thịt của người mẹ trong giây phút lâm bồn. Để cứu đất nước ra khỏi cơn nguy khó, người người không phân biệt trẻ già, trai gái, sẽ phải chấp nhận trái đắng, chấp nhận hy sinh. Người từ mẫu khi sinh con cũng phải cắn răng nhận chịu đau đớn, kể cả sự chết. Giữa phút giây kinh hoàng, sợ hãi, cận kề nỗi chết, bà thảng thốt kêu lên:

“Đau quá!
Chết mất thôi!”
Và bà âm thầm cầu nguyện.
“Lạy Chúa
Nếu cần
Xin hãy cho con chết,
Chỉ cầu mong đứa bé bình an”

Lời cầu của người mẹ trong cơn đau đẻ cũng là lời cầu của người thơ – của thế hệ trẻ Việt Nam –thế hệ Nguyễn Đắc Kiên, trước khúc quanh quyết định của lịch sử đất nước ta hôm nay.

Nam California, 10-3- 2013


© DCVOnline



[1] Đây cũng là tiêu đề một thi phẩm của Nguyễn Đức Kiên được chuyền tay giữa bạn bè cùng chung chí hướng.

[2] Lời và ý thơ Nguyễn Đắc Kiên trong bài này gợi nhớ tới bài Sẽ Có Một Ngày của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Sẽ có một ngày / Con người hôm nay / Vất súng / Vất cùm / Vất cờ / Vất đảng / Đội lại khăn tang / Quay ngang vòng nạng oan khiên / Về với miếu đường, mồ mả gia tiên / Mấy chục năm trời bức bách lãng quên / Bao hận thù độc địa giấy lên / Theo hương khói êm lan, tan vào cao rộng… Kẻ bùi ngùi hối hận / Kẻ bồi hồi kính cẩn / Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông / Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng…

DCVOnline:
[*] Một câu đố mẹo Việt Nam. Có bản khác ghi “Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Làm tôi cho chủ sửa sang cõi bờ”
giả đáp là cái liềm.
[**] “An eye for an eye, a tooth for a tooth” theo Luật Hammurabi. Hammurabi là Vua của Babylon, 1792-1750BC. Bộ Luật hiện còn, viết bằng ngôn ngữ Akkadian. Được dùng trong Kinh Thánh, Matthew 5:38 (“You have heard that it was said, ‘Eye for eye, and tooth for tooth.’”)
Tựa trang nhất của DCVOnline.

-----------------------------------------

Re: Về Nguyễn Đắc Kiên
2013-03-15 19:32:59
mythanh


Xin post lại bài thơ gửi anh Nguyễn Đắc Kiên từ QTNLT:

Tôi biết Việt Nam vốn một nhà tù lớn
Nên anh sẵn sàng vào tù nhỏ cứu tự do
Chí chim bằng sao yên trong phận ngựa thồ
Phải bức phá, bay cao dù trả giá
Trong công việc, anh chứng kiến bao nghiệt ngã
Những bất công vây bủa đất nước ta
"Lề phải" ngậm câm, tròn trách vụ ngựa già
Ngày ngày kéo loan xa cho Phủ Chúa

Phải lên tiếng, anh không im được nữa
Từng chữ, từng câu rực lửa hùng tâm
Khẳng định quyền mình,
Quyền của nhân dân
Vạch mặt bầy lãnh đạo tiếm danh, trâng tráo

Anh đã tròn trách nhiệm người làm báo
Viết những lời công đạo, lương tâm
Trang Gia Đình Xã Hội ghi lịch sử một lần
Ngựa già chứng, lồng cương, thành Thiên Lý Mã (*)
Không sợ nữa hỡi bóng đêm nhục nhã
Đã cầm tù bao thế hệ cha anh
Ngày hôm nay đánh dấu một khúc quanh
Anh cùng các công dân tự do tuyên bố:

1. Hiến pháp của dân
2. Đa đảng, đa nguyên,
3. Tam quyền phân lập, thăng tiến cấp địa phương tự trị
4. Quân đội bảo vệ dân, không vì đảng phái
5. Ngôn luận là quyền, không phải xin cho

Nguyễn Đắc Kiên,
người công dân Việt Nam
Không muốn làm anh hùng,
không ham danh thần tượng
Chỉ trái tim khao khát sống
Mơ ước rất bình thường
Tự do nói, tự do tư tưởng
Quê hương thoát đêm dài ám chướng
Người bên người, không còn sợ hãi
Tay trong tay, nối lại yêu thương
Và nơi đây cách một đại dương
Nhìn hình anh bên cạnh bản tuyên ngôn
Tôi đã thấy vầng đông
Ửng ráng góc chân trời hy vọng






No comments:

Post a Comment

View My Stats