Nguyễn Trung
Viet-Studies
11-3-13
Hiến pháp 1992 được sửa đổi năm
2001 (xin gọi tắt là HP cũ) có 147 điều.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (xin gọi tắt là Dự thảo) do Quốc hội đưa ra cho
cả nước thảo luận đã sửa đổi và bổ sung, viết lại thành 124 điều.
Có
tới khoảng 140/147 điều của HP cũ đã được Dự thảo sửa đổi. Tổng cộng Dự thảo đã
đưa ra khoảng 150 chỗ sửa đổi, bổ sung hay viết lại. Riêng việc phân loại để
đếm cho thật chính xác số lượng các chỗ sửa đổi, bổ sung hay viết lại này đã
rất khó khăn. Bởi vì có những điều của HP được sửa lại 2 hay 3 chỗ ngay trong
một điều; mặt khác có một số điều của HP được gộp lại làm một thì không biết
nên tính là một hay nhiều chỗ được sửa đổi? Vân vân...
Tuy nhiên, Dự thảo
vẫn là HP gần như cũ cả về tinh thần và nội dung. Bởi vì những sửa
đổi, bổ sung hay viết lại của Dự thảo về cơ bản vẫn giữ nguyên hệ thống chính
trị nói chung và hệ thống nhà nước nói riêng như hiện nay, với đặc điểm nổi bật là được “đảng hóa” toàn diện. Từ nội dung
đến cấu trúc các điều của Dự thảo đều toát lên tinh thần này, rõ nhất là:
-
trên thực tế vai trò Đảng vẫn được xác lập là đứng trên Hiến pháp;
-
nhân danh quyền lực là thống nhất bác bỏ việc phân quyền và kiểm soát lẫn nhau
giữa các quyền; đặc biệt là phân quyền giữa lập pháp và hành pháp còn nhiều chỗ
không rõ – trong đó có vấn đề coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội
(điều 99) là không hợp lý - , quyền tư pháp hoàn toàn mờ nhạt và hầu như không
có khả năng bảo vệ và kiểm soát việc thực thi Hiến pháp;
-
tiếp tục thâu tóm mọi quyền của dân và mọi hoạt động của đời sống đất nước vào
hệ thống chính trị và hệ thống nhà nước được “đảng hóa” trong một khụng khổ
chung “đảng + chính quyền + mặt trận”,
do Đảng chi phối toàn bộ về nhân sự và các quyết định quan trọng ở mọi cấp;
-
chủ quyền tối cao đối với toàn bộ đời sống đất nước thuộc về nhân dân chỉ được
xác nhận một cách hình thức ở câu văn, nhưng trên thực tế là vẫn tiếp tục bị
giới hạn hoặc loại bỏ do duy trì 3 đặc điểm nêu bên trên;
-
có một số bổ sung mới có ý nghĩa tích cực về quyền công dân và quyền con người,
nhưng lại được khóa bằng “nghĩa vụ” và bằng mệnh đề các quyền này phải “thực
hiện theo quy định của pháp luật”, thậm chí tính pháp quyền bị xóa bỏ bằng
việc đưa vào Dự thảo “nguyên tắc tập trung dân chủ” của riêng ĐCSVN;
-
điểm sửa đổi quan trọng nhất là điều 4 (về ĐCSVN) được viết lại và bổ sung thêm
khoản “2.” và “khoản 3”; nhưng cả 2 khoản này hoặc là không khả thi, hoặc là
không có nội dung nếu như giữ nguyên hệ thống chính trị (bao gồm cả hệ thống
nhà nước, mặt trận) được “đảng hóa” như đã phân tích trên;
-
Dự thảo vẫn giữ nguyên “đất đai thuộc sử hữu toàn dân”;
-
Lời nói đầu và nội dung một số điều trong Dự thảo – nhất là điểu 4 được viết
lại – trên thực tế vẫn là áp đặt ý thức hệ, quan điểm và sự lãnh đạo của Đảng
lên trên chủ quyền của nhân dân, không thích hợp với tinh thần nhà nước của dân, do dân, vì dân;
-
vân vân…
Riêng về mặt kỹ
thuật, HP cũ được sửa đổi, bổ sung hay viết lại khoảng 150 chỗ, dấn đến hệ quả:
-
Dự thảo là một văn kiện hiến pháp chắp vá, nhiều chỗ quá chi tiết, nhưng lại
sót nhiều vấn đề quan trọng (vì không xuất phát từ quan điểm chủ quyền của nhân
dân là tối thượng, vì nhân danh quyền lực nhà nước là thống nhất nên không chấp
nhận phân quyền và kiểm soát quyền, quyền tư pháp rất mơ hồ, vân vân…)
-
có nhiều chỗ là văn nghị quyết – ngay từ lời nói đầu; có nhiều điều mang cách
hành văn không thống nhất là dạng văn kiện hiến pháp;
-
có nhiều chỗ quá chi tiết nên không còn mang tính chất hiến pháp với tính cách
là đạo luật gốc - mà lấn sang lĩnh vực của các luật cụ thể dưới hiến pháp, hoặc
thuộc lĩnh vực các chủ trương chính sách;
-
ngay cả quy định chỉ được góp ý
kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992 đã được Quốc hội khóa 13 thông qua và do Ủy ban dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992 công bố rõ ràng là đã giới hạn phạm vi góp ý kiến của
nhân dân; cách làm như vậy trực tiếp vi phạm nguyên tắc chủ quyền của nhân dân
là tối thượng đối với mọi vấn đề của đất nước.
-
vân vân…
Thiết
nghĩ, với tính cách là đạo luật gốc, Hiến pháp cần thể hiện được: (a) ý chí của
nhân dân, của quốc gia (lời nói đầu); (b) hình thành một thể chế cho sự vận
hành đất nước; (c) dễ thực thi cho người dân với nghĩa là rõ ràng và dễ hiểu
trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; dễ thực thi đối với hệ thống nhà
nước với nghĩa là có sự ràng buộc trách nhiệm rành mạch và tạo được nền tảng
cho việc điều hành đất nước cũng như việc ban bố các luật và chính sách… Vì thế
Hiến pháp mới nên viết gọn lại và giảm bớt những điều thuộc phạm vi luật hay
chính sách.
II
Có
những vấn đề hệ trọng sẽ phải đưa vào Hiến pháp, lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên
trực tiếp tổ chức các diễn đàn thảo luận khoa
học và công khai trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, để nâng cao
hiểu biết và tạo được đồng thuận lớn nhất trong nhân dân. Mặt khác, nên lấy
danh nghĩa Quốc hội giao cho một nhóm trí thức có uy tín và được chọn lọc xây
dựng một dự thảo Hiến pháp tối ưu cho đất nước để trình nhân dân phúc quyết.
Việc làm này là cần thiết ngay cả đối với những người giữ trọng trách trong
toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước từ cấp cao nhất trở xuống. Hoạt động
của những diễn đàn này cũng là cách để nâng cao hiểu biết của toàn thể nhân
dân, nhất là ngay trong hàng ngũ gần 4 triệu đảng viên.
Đừng
xây dựng hiến pháp theo kiểu lấy ý kiến đại trà như một phong trào. Lừa mỵ, áp
đặt hay trấn áp… không phải là các biện pháp thích hợp. Lấy ý kiến xây dựng góp
vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như đang làm là khoét sâu thêm chia rẽ dân tộc,
phơi bẩy rõ hơn nữa bản chất của bộ máy chính trị, và hệ quả là đẩy nhân dân ra
xa nữa về phía đối nghịch đối với ĐCSVN.
Quyền
phúc quyết của nhân dân cần được thực hiện nghiêm túc trên cơ sở học hỏi, trao
đổi, thuyết phục, đồng thuận nhờ vào kết quả nâng cao dân trí của những diễn
đàn khoa học và công khai trong cả nước như kiến nghị bên trên. Xây dựng Hiến
pháp cần phải là một quá trình tăng cường đoàn kết dân tộc trên cơ sở mở rộng
dân chủ và nâng cao dân trí. Sau này bản thân Hiến pháp phải trở thành nền tảng
vững chắc cho đoàn kết dân tộc.
Trong
tình hình hiện tại của hệ thống chính trị nước ta, tối ưu nhất là nên lựa chọn
phương châm đầu xuôi đuôi lọt để tìm đường xây dựng Hiến pháp mới và
thay đổi đất nước. Cách tốt nhất là nhân dịp sửa đổi Hiến pháp lần này,
Bộ Chính trị chủ xướng và phát động tinh thần Diên Hồng. Bộ Chính trị nên mời
các trí thức có uy tín hình thành một số diễn đàn khoa học và công khai nêu
trên cho những vấn đề hệ trọng của đất nước để tạo sự đồng thuận tốt nhất có
thể trong Hiến pháp mới. Đồng thời phát huy dân chủ để nhân dân tự triển khai
những diễn đàn như thế ở mọi nơi. Tất
cả những diễn đàn này hoạt động với với tinh thần xây dựng và hiến kế:
Chắt lọc mọi điều tốt nhất cho sự lựa chọn tối ưu của nhân dân đối với những
vấn đề sinh tử của quốc gia và việc xây dựng Hiến pháp.
Những
diễn đàn này cần nhìn thẳng vào sự thật, dựa trên sự thật và những quan điểm
khoa học tiên tiến nhất, nhưng tuyệt
đối không được phép là chỗ chỉ trích, bới móc hay đả kích lẫn nhau.
Nếu
Bộ Chính trị vì nước và vì Đảng thì nhất thiết cần làm như vậy. Không làm như
vậy, đồng nghĩa là không vì nước và cũng không vì Đảng!
Về
vấn đề bô-xít Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã phải có một quyết định riêng trong
cuộc họp ngày 16-04-2009 và cuối cùng đã ra một thông báo công khai cho cả nước
mang số 245 – TB/TƯ ngày 24-04-2009 về chủ trương khai thác thí điểm bô-xít Tây
Nguyên. (Tiếc rằng quyết định này của Bộ Chính trị vẫn là cho khai thác thí
điểm, chứ không phải là đình chỉ hẳn để xem xét tiếp). Vấn đề khai thác bô-xít
Tây Nguyên dù hệ trọng đến sinh tồn của quốc gia như thế nào đi nữa, cũng không
thể so sánh với việc sửa đổi/xây dựng Hiến pháp mới. Chẳng lẽ không đáng để Bộ
Chính trị có một quyết định chính thức và công khai như thế cho toàn Đảng và cả
nước về việc hình thành cuộc thảo
luận xây dựng và hiến kế cho đất nước trong việc sửa đổi/xây dựng hiến
pháp mới?
Mọi
cách làm trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này nếu chỉ nhằm quy kết hoặc khép
tội những “ý kiến khác” như
đang diễn ra trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và qua mọi hoạt động
trong xã hội do bộ máy chính trị của đất nước đang tiến hành, cho thấy: Bộ
Chính trị trong thâm tâm vẫn kiên quyết giữ nguyên hệ thống chính trị và bộ máy
nhà nước như hiện tại. Làm như thế, hiển nhiên sẽ chỉ tiếp tục xô đẩy đất nước
đi sâu thêm vào con đường của thảm họa.
Nhưng
nếu Bộ Chính trị quyết tâm thay đổi đất nước, thì cơ hội và mọi điều kiện cho
mục đích thay đổi này đều trong tầm tay, bắt đầu từ xây dựng Hiến pháp mới.
Tình hình hoàn toàn cho phép Bộ Chính trị chủ động tiến hành cải cách chính trị
thành công, với sự hậu thuẫn không gì lay chuyển nổi của toàn dân tộc.
Thực
tế vừa trình bầy trên cho thấy: Hệ lụy hay kết quả đối với đất nước của việc
sửa đổi/xây dựng Hiến pháp mới lần này hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào cái tâm của
Bộ Chính trị. Vì vậy, Bộ Chính trị sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên và duy
nhất trước nhân dân và trước Đảng về những gì sẽ đến.
Những
thông tin được loan tải trên phương tiện thông tin đại chúng “lề phải” cho thấy
những vấn đề đang bị trấn áp bằng những lý lẽ đao to búa lớn[1] đúng là những vấn đề hệ trọng bậc nhất phải
tìm ra sự lựa chọn tối ưu cho đất nước. Thảo luận một cách chụp mũ trên những
diễn đàn “đơn phương” như đang diễn ra – nghĩa là không có người đối thoại với
đúng nghĩa – rõ ràng chỉ là sự đả kích theo kiểu cả vú lấp miệng em.
Đối
thoại theo kiều đơn phương và
quy chụp như thế làm sao có thể phát huy trí tuệ và tâm huyết cả nước cho việc
tạo ra đồng thuận lớn nhất của nhân dân về những vấn đề trọng đại của đất nước
cũng như về Hiến pháp?
Những
vấn đề về “điều 4”, về chế độ chính trị và về phân quyền trong hệ thống nhà
nước, về quân đội trung thành với ai, về các quyền tự do dân chủ của nhân dân,
về quyền con người, vấn đề đất đai… là những vấn đề nổi bật nhất trên các diễn
đàn đơn phương này. Xin dành việc thảo luận những vấn đề trọng đại này cho các diễn đàn thảo luận khoa học và công
khai, với tinh thần xây dựng
và hiến kế, mà tôi rất thiết tha mong Bộ Chính trị chủ xướng. Trong
phạm vi bài viết này chỉ xin nêu lên một nhận xét chung là: Các lập luận của
“lề phải” trên các diễn đàn đơn phương về những vấn đề trọng đại này ngoài sự
bám víu vào quá khứ lịch sử để biện hộ, có quá nhiều chỗ ngụy biện, không có lý
lẽ thuyết phục, lạc lõng với cuộc sống hiện tại, làm ngơ trước tình trạng tha
hóa trầm trọng hiện nay của Đảng và của toàn bộ hệ thống chính trị, không thấy
những thách thức mới nguy hiểm của đất nước, thiếu trí tuệ và kiến thức mới.
Hệ
thống chính trị đa đảng là một tất yếu trong hệ thống nhà nước pháp quyền dân
chủ. Dự thảo đã dứt khoát phủ nhận. Nhưng Kiến nghị 72 đã thẳng thắn đối mặt
với đòi hỏi khách quan này bằng đề nghị cụ thể. Thiết nghĩ, Việt Nam là nước đi
sau, có thể và cần vận dụng những kinh nghiệm của các nước đi trước. Cần đem
hết trí tuệ ra cân nhắc nên tiếp thu những kiến thức gì của văn minh nhân loại
để tránh được thứ hệ thống chính trị đa đảng theo kiểu “dân chủ bầy đàn” luôn
luôn chứa đựng những nguy cơ hỗn loạn. Cần xắp xếp tiến trình các bước đi
chuyển sang thể chế pháp quyền dân chủ như thế nào để có được một nền dân chủ
của học hỏi? Vân… vân... Những vấn đề này không dễ. Tìm ra những câu trả lời và
quyết định thích hợp cho nước ta phải là sản phẩm của trí tuệ và là một trong
những công việc hệ trọng của các diễn đàn khoa học và xây dựng như đã kiến nghị
bên trên.
III
Trước
sau tôi vẫn kiên định một suy nghĩ: Sửa đổi/xây dựng Hiến pháp mới lần này
không gắn với cải cách thể chế chính trị sẽ là một việc làm chẳng những vô
nghĩa mà còn nguy hại cho đất nước.
Về
phần mình, làm nghĩa vụ công dân của mình, tôi vẫn xin nhắc lại quan điểm đã
nêu trong thư ngỏ ngày 19-02-2013: Tối ưu đối với đất nước là nên coi việc sửa
đổi/xây dựng Hiến pháp mới lần này là một cơ
hội tự nhiên để thay đổi hệ thống chính trị và thay đồi việc xây dựng
Đảng cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Thật lòng tôi muốn
nói tới mức đây là một cơ hội gần như
là trời cho, vì thế trong thư này tôi đã mạnh dạn kiến nghị một số ý
tưởng phác thảo như một kế sách nắm lấy cơ hội này.
Thực
ra trong bức thư ngày 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Bộ Chính trị
đã nêu ra đòi hỏi bức thiết phải có sự thay đổi này[2].
Nhiều ý kiến quan trọng rất xây dựng của “lề trái” (tôi xin lỗi sử dụng khái
niệm này chỉ vì sự thuận tiện) đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hôm nay
đồng nhất một cách kỳ lạ với những ý kiến của giáo sư Phan Đình Diệu trước đây
đã nêu lên tại cuộc họp của UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 12-03-1992 bàn
về xây dựng Hiến pháp năm 1992!..
Tôi
cứ tự hỏi mình, nếu các ý kiến của giáo sư Phan Đình Diệu ngày 12-03-1992, và
nếu bức thư ngày 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được chấp nhận, hôm
nay, đất nước ta chắc sẽ không như thế này? Tôi lại nhớ đến hàng nghìn ý kiến
tâm huyết của nhân dân và đảng viên góp ý cho Đại hội X, Đại hội XI… Bây giờ
trong tôi cũng đang nóng rát câu hỏi: Nếu các ý kiến phản biện về bô-xít Tây
Nguyên được lắng nghe, kinh tế đất nước hôm nay sẽ bớt đi được gánh nặng gì?..
Tại sao lãnh đạo Đảng và Nhà nước để cho đất nước ta thập kỷ này qua thập kỷ
khác phải gian truân sống với biết bao nhiêu chữ “nếu” như vậy?
Trong
một cuộc hội thảo tuần trước của các tổ chức trong xã hội dân sự góp ý cho xây
dựng Hiến pháp, tôi được nghe một thanh niên phát biểu: “…Tôi ước gì nước ta
có một Hiến pháp đọc lên tôi thấy được chính mình! Đọc lên, tôi thấy được ước
mơ của nước mình! Dự thảo Hiến pháp sửa đổi không đem lại cho tôi mong muốn
này!...”
Ngồi
nghe thanh niên này nói, trong tôi rộn lên ký ức những tiếng hô vang khi Cách
mạng Tháng Tám: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”, “Việt Nam
muôn năm!”… Tôi lại nhớ đến Tuyên ngôn Độc lập. “…“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo
hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có
quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…” Trong tôi khát khao xây dựng một nước Việt Nam độc
lập, tự do, hạnh phúc…
Cải cách chính trị là trách nhiệm trực tiếp không thể thoái
thác của Bộ Chính trị, người nắm mọi quyền lực đối với đất nước. Nhân dân không
có trách nhiệm này, vì họ không có quyền lực trong tay; hơn nữa họ chỉ là nạn
nhân của mọi lạm dụng quyền lực. Nhưng nhân dân có quyền đòi hỏi. Tránh né cải
cách chính trị sẽ đẩy tiếp đất nước đến chỗ cùng cực, chắc chắn sẽ có ngày nhân
dân đứng dậy lật thuyền. Không khó hình dung kịch bản quyết liệt này và cái giá
đất nước sẽ phải trả. Chính vì thế, xin đừng bỏ lỡ cơ hội xây dựng Hiến pháp
mới để cải cách chính trị thay đổi đất nước, thay đổi ĐCSVN thành đảng của dân
tộc. Kiến nghị 72 thực sự là một kiến nghị khai phá lối ra./.
Hà Nội, ngày
09-03-2013
Nguyễn Trung
[1] Quy kết là: “âm mưu của đảo chính mềm”, “ý
đồ lật đổ chế độ”, “dã tâm loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng”, “suy thoái đạo
đức, chính trị, tư tưởng”, “lấy chữ ký cho kiến nghị chỉ là những việc ngụy
tạo”… v… v...
[2] Trong thư này cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt vấn đề (a)
phải nhìn nhận lại thế giới, (b) phải thay đổi đường lối xây dựng và bảo vệ đất
nước, (c) phải xây dựng nhà nước pháp quyền, (d) phải đôi mới xây dựng và tổ
chức Đảng.
Tác
giả gửi cho viet-studies ngày 11-3-13
No comments:
Post a Comment