Lê Vĩnh
February 28, 2013
February 28, 2013
“Lào
Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc
phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện.
Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một
cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn
Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút
lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7
phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị
ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ
suối.”
Phần
trên là một trích đoạn trong bài viết tựa đề “Biên Giới Tháng Hai” (1979-2009)
của nhà báo Huy Đức đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 9/2/2009. Chỉ nội buổi
sáng hôm đó bài báo này của Huy Đức đã bị rút xuống. Bài “Biên giới tháng hai”
tuy không dài, nhưng đã ghi lại nhiều chi tiết sống động về cường độ của cuộc
chiến tranh biên giới phiá bắc năm 1979 và tinh thần chiến đấu dũng mãnh của
quân đội Việt Nam. Trích đoạn ngắn nêu trên tuy cô đọng nhưng nêu bật lên sự
tàn bạo của quân đội Trung Quốc trên đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện
bài báo của Huy Đức bị rút xuống chỉ sau vài tiếng đồng hồ xuất hiện cũng cho
thấy thái độ của nhà cầm quyền CSVN đối với xương máu của hàng chục nghìn chiến
sĩ và đồng bào Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc này, một thái độ mà sau
này càng được tô đậm thêm bằng tính chất “hèn với giặc, ác với dân” của nhà cầm
quyền Hà Nội.
Trong
những năm vừa qua, ngày càng có nhiều bài viết về cuộc chiến tranh biên giới
phía bắc 34 năm trước của những nhà nghiên cứu cũng như của các nhân chứng trực
tiếp hoặc đã từng tham dự cuộc chiến đó. Vì vậy, bài viết này chỉ ghi lại một
số những điểm nổi bật đáng chú ý liên quan đến trận chiến nhưng ít thấy được
trình bày trong các bài viết liên quan.
1. Bối cảnh và nguyên nhân
Sau
khi chiếm trọn miền nam năm 1975, có thể nói là CSVN đã bước lên “đỉnh cao” của
chiến thắng. Từ đó tư thế của Hà Nội cũng được nâng cao lên rất nhiều so với
thời gian trước, qua sự mở rộng bang giao với hàng chục quốc gia và trở thành
thành viên của các tổ chức quốc tế thay chỗ cho vị trí của Việt Nam Cộng Hoà
trước năm 1975. Thế nhưng, để có được những chiến thắng quân sự mà cho đến nay đảng
CSVN vẫn coi như là tiền đề cho sự nắm quyền tất yếu của họ, thì những chi viện
khổng lồ của Trung Quốc cho Hà Nội trong cả hai cuộc chiến trước đó lại là yếu
tố vô cùng quan trọng. Nếu không được sự chi viện này thì có phần chắc là CSVN
sẽ chẳng đạt được một chiến thắng nào mà họ vẫn thường khoe.
Trong
nghiên cứu về lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến 1975, ở phần đề cập đến sự chia
việc của Trung Quốc, giáo sư Lê Xuân Khoa đã nhận định rằng: (Trong cuộc chiến
chống Pháp) “Trung Quốc đã
nhận lấy phần công lao lớn nhất. Dù có duy trì được thanh danh về vai trò chủ
động trong cuộc chiến, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải mang một món nợ lớn đối
với đảng Cộng sản Trung Quốc, do đó vô hình trung đã tự đặt mình và cả dân tộc
vào quĩ đạo của Bắc Kinh. Món nợ đối với Trung Quốc còn to lớn hơn nữa trong
cuộc chiến 1955-1975. Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trở nên phức tạp và khó
khăn khi đảng Cộng sản Việt Nam bị mắc kẹt giữa cuộc tranh chấp Liên Xô-Trung
Quốc vào những năm cuối 1960 và đầu 1970”….. “Nhưng đến năm 1971 thì Bắc Kinh
lại xoay chiều đi đêm với Mỹ. Khi Mao Trạch Đông chính thức đón chào Tổng thống
Mỹ Nixon năm 1972 thì quan hệ Việt-Trung bắt đầu rạn nứt trầm trọng và tan vỡ
năm 1975.”
Cùng
với món nợ TQ kể trên, sau năm 1975 tình hình thế giới, kể cả hai phía tự do và
cộng sản, cũng có nhiều thay đổi khác. Với tâm lý kiêu ngạo sau chiến thắng,
CSVN lúc đó đã không bắt kịp được những thay đổi trong các nhận thức mang tính
cách chiến lược của những cường quốc có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam, dù rằng
họ nhận biết được sự phức tạp trong bối cảnh đó. Kế hoạch “Liên Bang Đông
Dương” thách đố tham vọng của TQ trong vùng, vụ “nạn kiều” (sự phân biệt đối xử
đối với Hoa Kiều ở VN) được coi là những nguyên nhân gián tiếp của cuộc chiến
năm 1979. Trong khi đó, việc Việt Nam ký “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn
diện” với Liên Xô vào cuối tháng 11 năm1978 được Bắc Kinh xem như là một hành
vi thù nghịch của Việt Nam nằm trong mưu toan bao vây Trung Quốc của Liên Bang
Sô Viết. Bắc Kinh đã gán nhãn hiệu cho Việt Nam là “tiểu bá quyền” và Liên Xô
là “đại bá quyền”. Rồi sau đó, khi TQ đang ủng hộ và khuyến khích các cuộc tấn
công VN của “người anh em xã hội chủ nghĩa” Kampuchia dọc biên giới tây nam của
Việt Nam, thì tháng 12 năm 1978, VN tràn quân sang Cam Bốt đuổi lực lượng Polpot
ra khỏi Nam Vang, khiến TQ bị mất mặt. Hai điều này được coi là nguyên nhân
trực tiếp khiến CSTQ động binh để “dạy VN một bài học” về sự “vô ơn bạc nghĩa”
của CSVN.
Các hướng tiến công của Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới
2. Những dấu hiệu và chuẩn bị chiến tranh
Những
sự kiện liên quan đến cuộc chiến biên giới phía bắc được Huy Đức ghi lại trong
“Bên Thắng Cuộc” cho thấy phía Việt Nam đã hoàn toàn bị bất ngờ về trận tấn
công này. Trong bài viết mới đây, một blogger đã thuật lại chuyện ngày
16/2/1979 (trước hôm cuộc chiến mở màn 1 ngày) một đại tá Quân đội NDVN đã nói
chuyện với một đơn vị quân đội ở Lạng Sơn rằng “có cho kẹo TQ cũng không dám đánh VN”.
Việc đưa quân sang Kampuchia cũng như cho một thành phần quân đội giải ngũ về
làm kinh tế quả thực đã khiến VN bị bất ngờ trước cuộc tấn công của TQ. Sự bất
ngờ cũng có thể là về mức độ tham chiến quá to lớn của TQ. Tuy bất ngờ, nhưng
trong năm trước đó cả TQ lẫn VN đều đã có một số phối trí lực lượng và hoạt
động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến chiến dịch biên giới.
Về
ngoại giao, sau năm 1975 thái độ thù nghịch của Bắc Kinh đối với Hà Nội ngày
càng gia tăng. Tháng 6 năm 1978, Bắc Kinh thông báo việc đóng cửa các tòa lãnh
sự Việt Nam tại Quảng Châu, Nam Ninh và Côn Minh. Đến tháng 11/1978 thì TQ cắt
đứt các tuyến đường xe hỏa giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Về
quân sự, theo các tài liệu của Hoa Kỳ thì vào tháng 7/1978, sư đoàn 3 của Việt
Nam đã được điều động đến Lạng Sơn. Một tháng sau, sư đoàn vận tải 571 cũng bắt
đầu chuyển vận tiếp liệu, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng v.v.. cho
quân khu I và II. Những hoạt động tiếp liệu này liên tục trong suốt những tháng
còn lại của năm 1978. Nhiều cứ điểm phòng không của VN được thành lập ở những
nơi quan trọng dọc biên giới. Thanh niên trong vùng biên giới được huấn luyện
cơ bản quân sự.
Ở
Cao Bằng, đầu tháng 2/1979, Sư Đoàn 346 và 311 được điều động đến khu vực này
để kết hợp phòng thủ với với các Trung Đoàn 567 và 852 đã có sẵn tại chỗ. Vào
cuối năm 1978 (hoặc mấy tuần lễ đầu năm 1979) Sư Đoàn 316A và Trung Đoàn 254
được đưa đến khu vực Lào Cai để kết hợp với Sư Đoàn 345.
Về
phía Trung Quốc, từ tháng 10/1978 đến đầu tháng 2/1979, nhiều đại đơn vị quân
đội TQ thuộc các quân khu Côn Minh, Quảng Châu, Thành Đô đã được điều động đến
biên giới Việt Nam. Thậm chí quân đoàn 20 của quân khu Vũ Hán, cách biên giới
1200 km, cũng được điều về mặt trận biên giới VN.
Phía
TQ đã cố gắng che giấu những cuộc chuyển quân này. Các cuộc chuyển quân đều
được thực hiện vào ban đêm. Ban ngày binh sĩ được nghỉ ngơi ở những khu vực đã
được ngụy trang kỹ lưỡng. Lệnh giới nghiêm cũng được áp dụng tại các điạ phương
dọc đường chuyển quân.
Song
song với các cuộc điều quân vừa kể, từ tháng 10/1978 cho đến ngày 15/2/1979, TQ
liên tục tung ra hàng loạt những hoạt động dò thám các đơn vị quân đội VN, vừa
để thu lượm tin tức tình báo, vừa để đánh lạc hướng sự chú ý trong các hoạt
động quân sự của TQ.
Ngược
lại, đơn Vị 352 của Trung Quốc cũng ghi nhận nhiều hoạt động xâm nhập của phía
Việt Nam. Theo những ghi nhận này thì Việt Nam đã thực hiện các cuộc đột kích
bằng các nhóm binh sĩ nhỏ, trà trộn vào dân chúng địa phương, tìm cách thu thập
tin tức hay quấy rối các hoạt động của quân Trung Quốc. Đôi khi cũng phá hoại
các đồn chỉ huy và các căn cứ tiếp liệu. Nhưng với các hoạt động này, phía lãnh
đạo VN vẫn không tin TQ sẽ mở cuộc đánh lớn.
Mặt trận Lạng Sơn
tháng 2/1979
3. Tương quan lực lượng
Vào
sáng ngày 17 tháng 2, 1979, khi cuộc tấn công của TQ bắt đầu, phía Việt Nam có
khoảng 15 trung đoàn chiến đấu thuộc 5 sư đoàn quân chính quy, trải rộng trên
các mặt trận Lào Cai, Cao Bằng, và Lạng Sơn. Hỗ trợ cho lực lượng vừa kể là dân
quân và một số đơn vị biên phòng. Tổng số các lực lượng phòng thủ của VN ước
lượng khoảng 50,000 người.
Để
tấn công lực lượng vừa kể của VN, phía TQ có hơn 100 trung đoàn chiến đấu với
tổng cộng khoảng 450,000 quân. Tương quan lực lượng giữa hai bên ít nhất là sáu
trên một. Một số nơi tỷ lệ này cao hơn nhiều. Tại khu vực quanh Lạng Sơn, cán
cân lực lượng ít nhất là mười trên một, nghiêng về phía Trung Quốc.
Ba
ngày trước khi TQ tuyên bố rút quân, ngày 2/3 phía VN thành lập Quân Đoàn 5
trong Quân Khu I, gồm các Sư Đoàn 337, 338, 327, và 347 và các đơn vị yểm trợ
có sẵn hoặc ở gần Lạng Sơn cho tuyến phòng thủ Sông Cầu. Một tuyến phòng thủ
tương tự như tuyến sông Như Nguyệt thời nhà Lý thế kỷ 11. Cho đến tháng 7/1979,
VN đã tiếp tục tái cấu trúc quân đội, thiết lập hay di chuyển 7 quân đoàn đến
chiến trường biên giới.
Về
không quân, để chuẩn bị cho chiến dịch biên giới, không quân TQ đã nâng cấp,
tái phối trí các đơn vị không quân và phòng không ở quân khu Côn Minh và Quảng
Châu. Có khoảng từ 800 đến 1000 máy bay và 20 ngàn binh sĩ không quân đã được
điều động đến hai quân khu này. Lực lượng không quân TQ đáng kể là 80 chiến đấu
cơ Mig 21, số còn lại là loại chiến đấu cơ Mig 17, Mig 19 cũ kỹ và các loại phi
cơ khác. Trong khi đó phía VN có khoảng 70 Mig 21. Tuy có số lượng áp đảo nhưng
không quân TQ không đóng vai trò nào đáng kể trong trận chiến ngoài việc tiếp
liệu và chuyển vận. Có lẽ TQ cũng tự nhận biết về khả năng kém cỏi của các phi
công TQ so với phi công VN. Bài học không chiến trong trận eo biển Kim Môn, Mã
Tổ với Đài Loan vào đầu thập niên 60 đáng để họ ghi nhớ. Cứ một chiến đấu cơ
Đài Loan đổi lấy 3 phi cơ TQ cùng thế hệ. Ngoài ra, trong thập niên 70, cả thế
giới đều biết lực lượng phòng không dày đặc ở bắc Việt, đây hẳn là điều khiến
TQ không dám dùng đến không quân tấn công trong trận chiến.
Cũng
như không quân, hải quân TQ chuẩn bị tinh thần bằng những đợt học tập chính trị
và một số cuộc diễn tập. Tuy nhiên, hải đội 217 gặp nhiều trở ngại kỹ thuật từ
trên cơ xưởng xuống đến các chiến hạm, thậm chí thuỷ thủ còn bị say sóng…. Với
kết quả yếu kém trong diễn tập, chẳng hạn như chỉ có 20 phần trăm các đạn hải
pháo của tàu mang số hiệu 48 bắn trúng mục tiêu; cũng như khả năng thông tin
liên lạc tồi tệ trên biển (khiến đội hình bị rối loạn); cuối cùng, thay vì là
lực lượng tấn công, hải quân TQ quay về phòng thủ trên bờ. Một yếu tố khác có
thể ảnh hưởng đến hoạt động của hải quân TQ là họ lo ngại đụng độ với hạm đội
Liên Xô. Ngày 21/2/1979, Hạm Đội Thái Bình Dương của Sô Viết, đặt căn cứ tại
Vladivostok, đã đưa một tuần dương hạm và một khu trục hạm trang bị hỏa tiễn
xuống biển Đông của VN.
Nếu
lực lượng hải quân của TQ vượt trội về hoả lực lẫn kỹ thuật, có lẽ TQ đã tính
đến chuyện đổ bộ ở Thanh Hoá để chiếm lĩnh và chia cắt VN, ngăn chặn VN chuyển
quân từ miền nam ra, đồng thời tạo gọng kìm từ phía sau xiết chặt và tiêu diệt
lực lượng VN ở miền bắc chỉ bằng khoảng 1/10 lực lượng quân TQ.
MẶT TRẬN Cao Bằng
tháng 2/1979
4. Tổng quát về ý đồ và chiến trận
Như
đã đề cập trong phần tương quan lực lượng ở trên, trong cuộc chiến tranh biên
giới năm 1979 TQ đã dùng đến một lực lượng khổng lồ gộp lại của từ 9 đến 10 quân
đoàn để đè bẹp một lực lượng khoảng 5 sư đoàn của VN trong một chiến dịch “tốc
chiến tốc thắng”, nhưng trận chiến đã diễn ra khác xa với ý định của Trung
Quốc.
Sáng
ngày 17/2/1979, mặc dù các cuộc tấn công của TQ diễn ra trên cả biên giới 6
tỉnh phía bắc của VN, nhưng chủ yếu là ở 3 mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào
Cai. Ngoài 3 mặt trận này, TQ đã tấn công ít nhất là 39 địa điểm trên dọc biên
giới dài 1281 cây số. Tuy nhiên thường chỉ là những cuộc tấn công ở cấp đại
đội; ngoại trừ ở mặt trận Quảng Ninh, có lẽ trong chiến thuật nghi binh để phân
tán lực lượng VN, TQ đã dùng đến cấp trung đoàn liên tục tấn công bằng chiến
thuật “tiền pháo hậu xung” (pháo kích phủ đầu gây thiệt hại nặng cho đối thủ
rồi xung phong chiếm lĩnh mục tiêu) nhưng tất cả đều bị thất bại vì bị trúng
mìn bẫy và sự kháng cự mãnh liệt của các đơn vị VN nhỏ bé hơn nhiều. Trong
những loan báo “thắng trận” của TQ sau đó, một số địa danh chiến trận được
Trung Quốc đề cập đến, nhưng không hề có một địa danh nào ở Quảng Ninh.
Ở
3 mặt trận chính là Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai, TQ đã dùng đến những lực
lượng lớn hơn VN từ 7 đến 10 lần để tấn công. Hiển nhiên là TQ muốn “tốc chiến
tốc thắng” để đúng với mục tiêu “dạy VN một bài học”. Tuy nhiên ý định này còn
mang những ý nghĩa quan trọng khác.
Ở
mặt trận Lạng Sơn, TQ đã dùng 9
sư đoàn bộ binh thuộc 3 quân đoàn 43, 54, 55 để tấn công 1 sư đoàn duy nhất,
là sư đoàn 3 của VN, đã đào hào chiến đấu xung quanh Lạng Sơn. Với lực lượng
này sư đoàn 3 VN đã cầm chân lực lượng TQ cho đến ngày 5/3, TQ chiếm được đồi
413 ở hướng tây nam thành phố thì trận đánh Lạng Sơn mới kết thúc. Đó cũng là
ngày TQ loan báo việc rút quân.
Chỉ
riêng ở chiến trường Lạng Sơn là có các đơn vị mới được điều động đến để cứu
ứng. Các Sư Đoàn 377, 337, và 338 của phòng tuyến Sông Cầu sau cùng đã được
tung ra để chiến đấu từ ngày 2/3. Tuy đã hơi trễ nhưng cũng góp phần trong việc
truy kích quân TQ rút lui.
Tại
mặt trận Cao Bằng, quân số tham dự của TQ lên đến 200 ngàn người, thành phần
chính thuộc các quân đoàn 41, 42 (quân khu Quảng Châu), quân đoàn 12 và 20
(quân khu Nam Kinh), và quân đoàn 50 (quân khu Thành Đô). Về phía Việt Nam có
các trung đoàn 677, 246, 852 của sư đoàn 436. Thêm vào đó là trung đoàn 481 (có
lẽ là lực lượng trừ bị của sư đoàn 436).
Cao
Bằng bị mất ngày 25 tháng 2. Trung Quốc tuyên bố đã tiêu diệt các Trung Đoàn
677 và 681 (có lẽ là 481) thuộc Sư Đoàn 346 của Việt Nam, và ngày hôm sau cũng
tuyên bố đã hủy diệt tàn quân của Trung Đoàn 246. Trong một tuần chiến đấu, lực
lượng một sư đoàn VN (kể cả các đơn vị hỗ trợ, tổng cộng chỉ khoảng từ 10 đến
15 ngàn người) đã cầm chân 200 ngàn quân tấn công TQ. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó
và cho đến những ngày đầu tháng 3, các lực lượng VN vẫn liên tục tấn công giành
giựt phi trường Thất Khê, phản công tại Quảng Uyên và Trà Lĩnh. Nếu sư đoàn 346
đã bị tiêu diệt như TQ tuyên bố thì lực lượng nào đã tấn công phía sau TQ như
vừa kể?
Ở
Mặt Trận Lào Cai, lực lượng của TQ gồm 3 quân đoàn, là quân đoàn 11 và 13 (quân
khu Côn Minh), quân đoàn 14 (quân khu Thành Đô). Tổng cộng quân số khoảng 125
ngàn người. Về phía VN có 6 trung đoàn thuộc sư đoàn 316 và 345 với quân số
khoảng 20 ngàn người. Sư đoàn 316 của VN cầm cự với quân đoàn 13 của TQ, phải
hai ngày sau TQ mới chiếm được Lào Cai nhưng vẫn phải đương đầu với các cuộc
chạm súng lẻ tẻ xung quanh thị trấn. Còn sư đoàn 345 VN phải cầm cự với hai
quân đoàn 11 và 14 của TQ. Tuy vậy, sau 5 ngày giao tranh phía TQ chỉ tiến thêm
được khoảng 2 cây số trong lãnh thổ VN. Cuộc chiến giữa sư đoàn 316 VN và quân
đoàn 13 của TQ tiếp diễn cho đến ngày 5/3.
5. Kết quả
Như
đã đề cập ở trên về ý định “tốc chiến tốc thắng” của TQ không chỉ mang tính
cách dùng quân sự “dạy cho VN một bài học”, mà còn mang một ý nghĩa quan trọng
khác. Vị trí của của Lạng Sơn và Lào Cai nói lên ý nghĩa này. Lạng Sơn cách Hà
Nội khoảng 150 cây số, có đường hoả xa, có quốc lộ 1A là xa lộ tốt nhất của VN
nối Lạng Sơn với Hà Nội. Tương tự, Lào Cai cách Hà Nội 295 cây số và là một đầu
mối giao thông đến Hà Nội bằng đường hỏa xa, đường bộ và đường sông. Do đó
chiếm được hoặc là Lạng Sơn, hoặc là Lào Cai cũng đều là chiếm được cửa ngõ đi
đến Hà Nội và khống chế vùng châu thổ sông Hồng. Việc TQ tập trung lực lượng
lớn gấp nhiều lần để dự định tấn công dứt điểm cho thấy ý nghĩa hệ trọng này.
Hẳn nhiên là phía VN cũng nhận ra như vậy nên đã lập phòng tuyến Sông Cầu như
đã đề cập ở trên.
Tuy
về lý thuyết thì cuộc chiến biên giới phía bắc đã chấm dứt vào tháng 3/1979,
nhưng trên thực tế thì những trận đánh lẻ tẻ, giằng dai ở biên giới vẫn xẩy ra
trong suốt một thập niên sau đó. Đặc biệt là trận chiến giành giật Núi Đất (Lão
Sơn) vào năm 1984, một điểm cao chiến lược và được coi là vùng có nhiều tài
nguyên khoáng sản. Con số thương vong về phía VN lên đến gần 4 ngàn người. Cuối
cùng cao điểm này bị TQ chiếm. Biên giới tại đó được dời về phía nam khoảng 5
cây số. Ngoài ra, trong quyển “Sự thực về quan hệ VN-TQ trong 30 năm qua” được
CSVN phát hành vào tháng 10/1979 có phần đề cập đến 15 địa điểm của VN gần biên
giới bị TQ lấn chiếm. Tuy nhiên, từ khi CSVN khẩn nài TQ cho trở lại vai trò
đàn em vào đầu thập niên 1990 thì các vùng đất đai bị lấn chiếm này không còn được
nhắc đến nữa.
6. Những hệ luỵ
Sau
cuộc chiến, hiến pháp năm 1980 của VN có thêm điều khẳng định “Trung Quốc là kẻ
thù”. Nhưng chỉ 8 năm sau, khi TQ trở thành cái phao mà CSVN mong được bám vào
trong lúc gần chết đuối, thì Hà Nội bắt đầu tìm cách tẩy xoá điều này trong
hiến pháp và hầu hết các chứng tích dữ kiện lịch sử. Cũng năm đó, các chiến sĩ
trong trận Trường Sa đã bị Bộ Chính Trị đảng CSVN để mặc nhiên trở thành những
“bia tập bắn” cho lính TQ thẳng tay tàn sát. Bắc Kinh tiếp tục tung ra đoạn phim
tàn sát này trên mạng Internet cho cả thế giới xem. Kể từ đầu thập niên 1990,
đặc biệt sau hội nghị Thành Đô mà lãnh đạo CSVN xin thần phục Bắc Kinh trở lại,
cuộc chiến năm 1979 đã trở thành một chủ đề cấm kị mà đảng và nhà nước CSVN
không chỉ cấm người dân nhắc đến mà còn xóa luôn trong sách giáo khoa và quân
sử. Những từ ngữ “nước lạ”, “tàu lạ”, “quân nước ngoài”,… cũng bắt đầu xuất
hiện.
Cuốn
sách “Những sự kiện lịch sử Việt Nam (từ
1945-2010) do hai tác giả Minh An và Bình An biên soạn, NXB Thanh Niên ấn
hành quí 4-2010, trong phần tháng 2, 3/1979 không có có một chữ nào nhắc đến
cuộc chiến bảo vệ tổ quốc tháng 2/1979.
Với
việc giới lãnh đạo CSVN tiếp tục giấu bặt các tấm bản đồ đi kèm với Hiệp Định
Biên Giới Việt Trung suốt từ năm 1999 đến nay, phần lớn công luận tin rằng họ
đã chính thức nhượng hẳn các vùng bị lấn chiếm suốt thập niên 1979-1989 cho Bắc
Kinh.
Sang
thế kỷ 21, với 4 tốt, 16 chữ vàng được TQ ban cho, thì ngành ngoại giao CSVN
bỗng nhiên có nhiều quan chức không mệt mỏi bênh vực cho quan điểm bành trướng
và xâm lăng của TQ. Nhiều vùng đất, vùng biển của VN đã hàng ngàn năm bỗng dưng
trở thành “vùng tranh chấp” với TQ để được thương thảo phân chia lại. Phần nào
thuộc TQ thì TQ giữ, phần nào của VN thì cả 2 nước “khai thác chung”. Thứ
trưởng ngoại giao CSVN khẳng định Ải Nam Quan chưa bao giờ là đất Việt Nam.
Và
không chỉ cuộc chiến 1979 biến mất trong sử sách, Bộ Giáo Dục Đào Tạo còn sửa
các sách giáo khoa để học sinh không còn biết tổ tiên Việt Nam đã chống lại
quân xâm lược nào suốt 5000 năm trước.
Luật
pháp VN có thêm luật bất thành văn nhưng ngày càng được nghiêm túc áp dụng. Đó
là bất cứ người Việt nào mở miệng phản đối TQ xâm lược hoặc lên tiếng đòi bảo
vệ chủ quyền VN đều là những kẻ đang “phạm tội”, và phải bị trấn áp, trừng
phạt.
Nhưng
nhẫn tâm hơn cả, tại các tỉnh phía Bắc, nơi xảy ra cuộc chiến, các nghĩa trang
tử sĩ hy sinh bảo vệ tổ quốc đều đìu hiu hoang vắng. Những nấm mồ tử sĩ đều
hương tàn khói lạnh, không ai chăm sóc. Những tấm bia ghi lại lý do của sự hy
sinh cao cả của họ đều bị đập phá, đặc biệt những tấm có ghi dòng chữ “quân
Trung Quốc xâm lược”. Trong khi đó, các quan chức Việt dọc biên giới được lệnh
kéo từng đoàn sang bên kia biên giới hàng năm với các vòng hoa mang băng chữ
“Đời đời nhớ ơn liệt sĩ TQ”. Và đến tận hôm nay, các khẩu hiệu phải nhớ ơn TQ
tương tự cũng được các cán bộ tuyên giáo nhắc nhở trong những buổi giảng dậy
cho đảng viên các cấp.
Cứ
tạm để qua bên khía cạnh phản bội đất nước và chỉ xét về cách đối xử của lãnh
đạo đảng CSVN đối với quân đội, người ta đã đủ kinh ngạc về những kẻ cho đập
phá cả mồ mả và đang xóa tên những chiến sĩ đã hy sinh khỏi sử sách, lại nhất
định bắt hiến pháp mới phải tiếp tục ghi rõ “quân đội phải tuyệt đối trung
thành với đảng CSVN”!
Lê Vĩnh
----------------------------------------
Nhìn
lại cuộc chiến Việt-Trung 1979 (Trương Nhân Tuấn) 17/2/2013
Nhìn
lại cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 (VOA)
2/10/2012
Chiến tranh biên giới Việt-Trung : Trận Núi Lão Sơn 1509 đẫm máu (1984) (Tài liệu Trung Quốc, nói tiếng
Hoa)
No comments:
Post a Comment