Sunday, 17 March 2013

TÔI CHẾT GIỮA HỒNG HÀ SÓNG ĐỎ (Minh Diện)




Minh Diện  
Chủ nhật, ngày 17 tháng ba năm 2013

Nhân dịp ra Hội An dự đêm thơ Nguyên Tiêu, tôi và mấy người bạn rủ nhau ra Huế thăm mộ nhà văn Phùng Quán. Ông mất ở Hà Nội ngày 22-1-1995, sau đó được người thân và bạn bè đưa về an táng tại quê nhà (xã Thủy Dương, Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế). Hơn 170 người, gom góp được 223.731.000 đồng, xây mộ hết 127.000.000 đồng, còn lại tặng những học sinh hiếu học quê hương nhà văn.

Tôi bước trên những doi cát trắng mịn mà lòng ngập tràn những suy tư về Phùng Quán. Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Về quá trình viết tác phẩm này, trong di cảo hồi ký "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" do NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những oan khuất phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm bằng hai bài thơ "Lời mẹ dặn" và "Chống tham ô lãng phí" (1957). Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi.

Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống. Vì thế, bạn bè văn nghệ thường gói gọn cuộc đời ông thời kỳ này bằng sáu chữ: "cá trộm, rượu chịu, văn chui".

Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và hai năm sau đó ông được nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam . Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe...


Mộ Phùng Quán trên đồi cát, dưới bóng cây xanh, nhìn xuống mặt hồ nước cùng một màu xanh êm ả, bên cạnh mộ bà Vũ Thị Bội Trâm, vợ ông. Ông đã đi qua một tuổi thơ dữ dội, một cuộc đời sóng gió, oan khiên, nghèo túng đến xác xơ, giờ thanh thản nằm đây, vẫn chốn quê nghèo. Đất cát thật thà, cây xanh và hồ nước, cũng đều giản dị và chân thật như chính cuộc đời ông ! Tấm bia mộ làm bằng phiến đá đen hình chóp, không mài gọt cầu kỳ, lô nhô góc cạnh, khắc bài thơ “Lời mẹ dặn” nổi tiếng của ông.

Buổi chiều đầu Xuân. Huế còn lạnh. Chúng tôi bày đĩa trái cây, chiếc bánh chưng, và đĩa đậu phộng rang, là thứ lúc sinh thời nhà văn Phùng Quán thích nhất lên mộ ông và rót rượu đế Bàu Đá ra mấy chiếc chén sành. Gió từ mặt hồ len lỏi qua từng mô đất, bụi cây, mang theo mủi thơm thoảng của bông sen bông súng, hòa với khói hương trầm.

Anh Nguyễn Duy Quang, đại tá quân đội nghỉ hưu, cao tuổi nhất trong nhóm, cầm ba ném nhang khấn trước mộ vợ chồng nhà văn Phùng Quán:

- Hôm nay giữa tiết tháng Giêng, chúng tôi tới thăm anh chị. Là những người lính, từng là đồng đội với anh, thương anh , khâm phục anh và mãi mãi nhớ anh, cũng như những văn nghệ sỹ giàu tâm thức đã cất lên tiếng nói chân thực làm rung động lòng người!

Trong không khí trang nghiêm, đại tá Nguyễn Duy Quang đọc bài thơ“Lời mẹ dặn” khắc trên bia mộ:

Con ơi một người chân thật!
Thấy vui muốn cười cứ cười!
Thấy buồn muốn khóc là khóc!
Yêu ai cứ bảo là yêu,
Ghét ai cứ bảo là ghét!
Dù ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng không nói yêu thành ghét!
Dù ai cầm dao dọa giết,
Cũng không nói gét thành yêu!

Những ly rượu trong vắt thơm men gạo rải lên nấm mộ người quá cố. Hình ảnh nhà thơ Phùng Quán gầy ốm, khuôn mặt khắc khổ, hai má lõm, chòm râu thưa hiện lên trong khói nhang nghi ngút.


Như đã ăn sâu vào tiềm thức, hay như một hiện tượng tâm linh, cứ nhắc đến người này trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm lại liên tưởng đến người kia, cứ hình dung ra một khuôn mặt là những khuôn mặt khác bỗng hiện lên. Giữa chiều Xuân lành lạnh, lất phất mưa bay, bên tấm bia mộ nhà văn Phùng Quán, chúng tôi như thấy như có bóng dáng Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng, rồi Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang... Những con người một thời oanh liệt, một thời oan ức, vật lộn trong nghèo túng, những cái tên đã khắc vào trí nhớ của nhiều người.

Đại tá Nguyễn Duy Quang nhập ngũ năm 1948, khi mới 16 tuổi, từng trải qua 3 cuộc chiến tranh, đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh Tàu, về hưu năm 1988, gần bốn chục tuổi quân. Từ một người lính tuyên văn, ông lên đến phó chính ủy sư đoàn. Ông có giọng ngâm thơ đầy chất lính, rất giản dị chân thành, ông nhớ rất nhiểu thơ tiền chiến và đặc biệt quen biết nhiều người trong nhóm Nhân Văn Giai phẩm.

Năm 1982, khi Hoàng Cầm chuyển tập thơ “Về Kinh Bắc” ra nước ngoài in, bị bắt giam 18 tháng, đại tá Nguyễn Duy Quang đã đi thăm, và nói với nhà thơ: “Thế nào cũng có ngày tập thơ của anh cũng sẽ được in công khai trong nước!”. Quả nhiên mười hai năm sau, điều đó thành hiện thực.

Hôm ấy, theo đề nghị cùa chúng tôi, bên mộ phần nhà văn Phùng Quán, đại tá Nguyễn Duy Quang kể lại câu chuyện Nhân văn Giai phẩm Tôi ghi lại theo lời ông và sau đó có đối chiếu với tư liệu của nhà văn Lê Hoài Nguyên, đại tá công an, từng công tác ở A25.

Ngày ấy, cách đây hơn nửa thế kỷ, Đảng công khai thừa nhận sai lầm về đường lối, và căn bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong bộ máy chính quyền. Đề sửa sai , tháng 9-1956, Hội nghị trung ương lần thứ 10, nhiệm kỳ II, đã ra Nghị quyết khắc phục hậu quả sai lầm , mở rộng quyền tự do dân chủ, phát huy tiềm năng kiến thức của mọi tần lớp nhân dân. Quốc hội và Chình phủ đã ban hành các đạo luật có tính cởi mở như: Luật tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do hội họp, tự do lập hội.
Phát xuất từ sự cởi mở đó, phong trào Nhân văn Giai phẩm ra đời. Các nhà văn, nhà báo, trí thức, nghệ sỹ tiêu biểu đã từng có nhiều công lao trong kháng chiến nhập cuộc, làm nghĩa vụ công dân, muốn cùng đảng hướng tới mục tiêu đàng đề ra xây dựng một xã hội dân chủ công bằng, kiến thiết miền Bắc giàu mạnh làm cơ sở đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ông Nguyễn Hữu Đang hồ hởi viết mục đích ra đời tờ báo Nhân văn: “Vào lúc Đảng và Chính phủ đang có kế hoạch phát triển văn hóa, cải thiện sinh hoạt, chúng tôi cho ra tờ báo Nhân Văn, để góp một phần nhỏ mọn vào công việc đó!”.


Nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức, văn nghệ sỹ đã viết bài đăng trên tờ Nhân văn. Ngoài ra họ còn mạnh dạn cất tiếng nói trong các cuộc tọa đàm.

Bằng tâm huyết, trí tuệ cùa mình, các văn nghệ sỹ, trí thức thẳng thắn góp ý và phản biện những chủ trương, đường lối chính sách của đảng, chính phủ, đồng thời nêu lên khát vọng sống của tầng lớp trí thức cũng như nhân dân lao động.

Bàn về việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, Nguyễn Hữu Đang viết bài : “Cần phải chính quy hơn” đăng trong Nhân văn số 4:

“Do pháp trị thiếu sót mà cải cách ruộng đất hỏng to đến thế!
“Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm trăng ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh đoanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung, hoặc ép buộc người ở nhà rộng phải nhường một phần cho cán bộ hoặc cơ quan ở.
“Do pháp trị thiếu sót mà nhiểu cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng đòi thông qua những bài báo nói đến mình.
“Do pháp trị thiếu sót người ta đã làm những việc vu cáo đe dọa chính trị trắng trơn!”…

Ông Nguyễn Hữu Đang đề nghị thi hành Hiến pháp năm 1946, hoặc nếu sửa thì cũng phài bảo đảm quyền tự do dân chủ .

Ông viết: “Dù Hiến pháp sẽ được ban bố có nội dung thế nào đi nữa, cái phần bảo đảm tự do dân chủ của nó về căn bản vẫn không thể thay đổi so với Hiếp pháp năm 1946. Vì đó là một điều kiện “Không có không được” của một chính thể dân chủ”. Ông Nguyễn Hữu Đang cảnh tỉnh: “Chuyên chính với địch bao nhiêu cũng chưa đủ! Còn chuyên chính với dân thì cần xét kỹ, nếu không hậu quả sẽ tai hại lớn!”.

Bàn về tự do và đấu tranh chống tệ quan liêu, mệnh lệnh, sùng bái cá nhân, nhà triết học Trần Đức Thảo viết trên báo Văn nghệ số 3: “Phát triển tự do là nhu cầu bức thiết, đồng thời cũng là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như toàn dân!” .

Trong bài “Nội dung xã hội và hình thức tự do” đăng trong tạp chí“Giai phẩm mùa Đông” ông viết nói cụ thể: “Những ý kiến phê bình của nhân dân hay của cấp dưới, thì lại hoàn toàn đề cho cấp trên quyết định có nên xét đến và thảo luận hay không? Cho nên những bệnh quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân trong tổ chức lãnh đạo có điều kiện khách quan để phát triển, đẩy mạnh tác phong dàn áp tư tưởng, bỏ qua quy tắc dân chủ, biến những ý kiến chủ quan, giáo điều thành lập trường bất di bất dịch. Dựa vào đó những phần tử lạc hậu, bào thủ, ngăn cản ý kiến quần chúng, cản trở việc sửa chữa sai lầm!”.

Giáo sưcNguyễn Mạnh Tường kiến nghị: “Một chế độ dân chù thực sự, trong đó người dân được làm chủ đất nước không những trong Hiến pháp, mà cả trong thực tế!”.

Bằng sự hiểu biết của một trí thức từng trải, ông kịch liệt phê phán khẩu hiệu trong cải cách ruộng đất: “Thà chết oan 10 người hơn đề sót một kẻ địch”. Ông khẳng định: “Lịch sử phong trào cách mạng chưa bao giờ, chưa có ai ngăn cản được một phong trào đòi tự do dân chủ!”.

Giáo sư Trương Tửu kêu gọi : “ Đã đền lúc phải sa thải những ngưởi lãnh đạo thiếu tư cách mà quần chúng tuyệt đối không tin tưởng nữa!”.

Cùng với Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, các giáo sư Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, các họa sỹ Nguyễn Sáng, Sỹ Ngọc, các nhân sỹ trí thức như Dương Đức Hiền, Đỗ Đức Dục, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Tấn Ghi Trọng, các nhà văn , nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Phan Khôi, Phùng Quán, Hoàng Cầm , Hữu Loan, các nhạc sỹ như Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Tử Phác, Đặng Đình Hưng ... hăng hái góp phần phàn biện.

Nhiều tác phẩm văn, thơ, nhạc , họa ra mắt như “Trăm hoa đua nở” trong một bầu không khí tự do dân chủ.

“Trong những ngày khó khăn chồng chất
Kẻ thủ của chúng ta xuất hiện
Như những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẫn trong hàng ngũ”
(Văn Cao)
“Nhưng đem bục công an máy móc đặt giữa tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo đúng luật đi dường Nhà nước
Có thể gây rất nhiểu chua xót ngoài đời”
(Lê Đạt)

Phong trào Nhân văn Giai phẩm vừa nhú lên đã bị bóp chết.

Âý là khi Trung Quốc phát động phong trào: “Đả Hồ Phong” và tư tưởng Maois tràn sang Việt Nam .

Ngày 6-1-1956 , Đảng lao động Việt Nam ra Nghị quyết 30, về “Chấn chỉnh công tác văn nghệ”, nội dung gần như ngược lại Nghi quyết 10.

Lực lượng bảo thủ tấn công như bão táp vào nhóm Nhân văn Giai phẩm. Ông Trường Chinh bị thất thế vì sai lầm trong cải cách ruộng đất, nắm thời cơ giành lại quyền lực trong đảng. Tố Hữu mượn gió bẻ măng, trả thù những người không sùng bái mình , điển hình là những người phê bình tập thơ Việt Bắc . Tố Hữu gọi nhóm Nhân văn Giai phẩm là bọn phá họai, phản động . Ông ta viết: “Những phần tử phản động mà đại biểu là bọn cầm đầu nhóm Nhân văn Giai phẩm!”.

Các phương tiện thông tin đại chúng như báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Đài tiếng nói Việt Nam tập trung phê phán Nhân văn Giai phẩm. Phê phán một chiều, kết tội, không cho thanh minh. Những nhà văn, nhà thơ xu nịnh và cơ hội như Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Huy Cận, lôi kéo đàn em “ném đá” vào những người từng là bạn. Các cơ quan quản lý tiến hành tồ chức kiểm điểm, kiểm thảo , đấu tố, khai trừ, đuổi khỏi biến chế những người trong nhóm Nhân văn Giai phẩm, thậm chí cà những người tàng trữ một vài bài thơ văn cũng bị liên lụy. Lực lượng quần chúng được huy động mít tinh biểu tình, phản đối, bôi nhọ.

Chiến địch bài trừ Nhân văn Giai phẩm quyết liệt, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, biến những người tham gia phong trào dân chủ đơn thuần thành “bọn gián điệp phản cách mạng” .

Ngày 10-12-1959, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội , mở phiên tòa xét sử Nguyễn Hữu Đang, người 14 năm trước, làm Trưởng ban tổ Quốc khánh 2-9, người dựng lễ đài ra mắt chính phủ Việt Nam dân chủ công hòa, nơi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Bản án tuyên: “Chúng là những tên phản cách mạng, phá hoại hiện hành, hoạt động có tổ chức, thực hiện âm mưu của địch, tiến hành những hoạt động chiến tranh tâm lý đê hèn nhất , những hoạt động phá hoại thâm độc nhất, để cuối cùng lật đổ chế độ ta ở miền Bắc!”.

Ông Nguyễn Hữu Đang và bà Thụy An bị kết án 15 năm tù, 5 năm quản thúc.
Cùng với Nguyễn Hữu Đang, 170 nhân sỹ, trí thức, trong đó có 100 đảng viên, 23 nhà văn, 4 nghệ sỹ sân khấu, 6 nghệ sỹ điện ảnh, 12 nghệ sỹ mỹ thuật, 4 nhạc sỹ bị xử lý từ khai trừ đến cải tạo lao động.

Cùng với họ là vợ con, cha mẹ, những ngưởi thân bị đối xử tàn nhẫn, bị chà đạp nhân phẩm, không cho ngóc đầu lên làm người!

Trước khi nhắm mắt cụ Phan Khôi trăn trở ví cái mà cụ quý nhất là phẩm giá bị bôi nhọ.

Ông Trần Dần, người đã từng lấy dao lam tự cứa vào cổ mình, mà cũng đến lúc phải nhũn ra, cất tiếng kêu ai oán trong một lá thư giừi cho một người lãnh đạo: “Tôi hy vọng vấn đề cuộc đời tôi lại đặt ra, ít nhất cũng với tôi, vợ con tôi...Tôi hy vọng ! Tôi còn nhiều năm tháng. Còn một phần đời! Một phần đời, một ngày cũng đáng sống! Dù một buổi chiều! Tôi hy vọng! Tôi còn một phần đời! Đề sống ! Đề làm việc! Con cái! Tôi xin sự giúp đỡ! Sự rộng lượng! Ở các anh! Ở tổ chức!”.

Ba mươi năm sau những người như cụ Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trấn Đức Thảo, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt v.v...mới được minh oan.

Phùng Quán nức nở:
Tôi chết giữa Hồng Hà sóng đỏ!
Ba mươi năm sau
Tôi hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn Giang!

Tôi viết bài báo này khi nhiều nhà văn nhà báo và các nhân sỹ trí thức đang nhiệt tình đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến Pháp theo lời kêu gọi của đảng. Tôi hy vọng lịch sử không lặp lại những trang đen tối cách đây hơn nửa thế kỷ.

M.D
------------------
+ Bài liên quan:


LỜI MẸ DẶN
* PHÙNG QUÁN
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc:
- Con ơi! trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?

Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vờị
In lên vết son đỏ chóị

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ

Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
(1957)
P.Q

Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 21:2


Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Mặc Lâm, biên tập viên RFA    2011-01-22





----------------------------------



*

Download bàn điện tử 13-01 thực hiện tháng 3/2013, đã được bổ sung:

pdf:   Cx    Mediafire

epub:  Cx   Mediafire




No comments:

Post a Comment

View My Stats