Thứ
năm, ngày 21 tháng ba năm 2013
Kính gửi: quý bạn hữu
Tôi là Nguyễn Văn Thạnh, hiện đang sống tại Tp Đà Nẵng.
Là một người quan tâm đến tình hình
của đất nước, tôi rất buồn cho hiện tình đất nước. Có chút hiểu biết về chính
trị, xã hội, tôi có viết một số bài. Các bài thể hiện sự hiểu biết và chính
kiến của tôi. Trong bài viết, tôi mong muốn mọi người thấy hiện tình đất nước
để thay đổi chứ không nhằm mục đích xuyên tạc hay gây thù hằn.
Là một người Việt Nam, không ai không
muốn đất nước ta thịnh vượng, phát triển; không ai không muốn dân tộc ta văn
minh với những đức tính quí, chứ không phải đầy thói hư tật xấu như báo chí đưa
tin khắp nơi. Những thói hư tật xấu này không chỉ làm tổn thương lòng tự hào
dân tộc của chúng ta mà còn làm cho chúng ta mệt mỏi trong cuộc sống. Chúng ta
dệt nhau trong một tấm vải số phận nên cuộc sống không thể tách rời nhau.
Tôi cũng trăn trở điều trên, luôn suy
nghĩ mong tìm ra giải pháp nhằm cùng mọi người giải quyết. Suy cho cùng giải
quyết vấn đề chung thì cũng là làm cho cuộc sống riêng tốt hơn.
Từ suy nghĩ đó, sau thời gian trăn
trở, tôi viết bài "thói hư tật xấu
người Việt là do lỗi hệ thống?". Bài viết kiến giải và cung cấp một
góc nhìn mới về vấn đề lâu nay ta vẫn tranh luận mà chưa có giải pháp khoa học.
Bài báo được báo mạng vietnamnet
đăng, nhận được sự quan tâm thảo luận của rất nhiều độc giả, phần đông là đồng
tình. Nhận đến 11 trang bình luận với rất nhiều like. Tôi rất phấn khởi và tin
tưởng vào cơ quan ngôn luận của đất nước. Chỉ có cởi mở, bàn luận chúng ta mới
có thể tìm ra giải pháp khoa học, hợp lý để giải quyết vấn đề.
Thật đáng tiếc, sau ba ngày đưa tin,
bài báo đã bị rút xuống, không một lý do giải thích. Tim tôi như bóp nghẹt, tôi
cảm thấy như đất nước này có một thế lực nào đó muốn dân tộc ta mãi sống với
những thói hư thật xấu, không muốn giải quyết nó.
Để có thể tiếp tục cuộc tranh luận
vấn đề trên, tôi mở blog này, đăng lại bài viết để rộng đường dư luận. Tôi biết
việc này là rất nguy hiểm và rủi ro, tôi có thể bị sách nhiễu, bắt bớ, bỏ tù,
nhưng tôi cố vượt qua nỗi sợ. Tôi lên tiếng vì muốn đất nước thay đổi tốt đẹp
hơn. Thay đổi trong trật tự, hòa bình, thương yêu nhau.
Nguyễn Văn Thạnh
ĐT: 0984.973.376
Email: thanhipi@gmail.com
----------------------------------
Thứ
bảy, ngày 23 tháng ba năm 2013
Bây giờ, câu chuyện là người Việt Nam
chúng ta có một số thói hư tật xấu như: dựa dẫm, lười biếng, dựa uy, sính
ngoại, ham nhậu, khoe khoang, dối trá, xả rác, ý thức công cộng kém, “ăn to,
nói lớn”,… là chuyện gần như ai cũng thừa nhận. Thậm chí một góc trời cao quí
như ngành giáo dục cũng bị một vị GS nổi tiếng cảnh báo là bị tha hóa.
Dù nghe rất đau đớn như cái tát vào
mặt mình nhưng chúng ta không thể bao biện hay chối bỏ. Là những người mong
muốn dân tộc ta văn minh, chúng ta cần đối diện sự thật này để tìm cách giải
quyết.
Thử đi tìm nguyên nhân
Án Anh là một nhân vật lịch sử Trung
Quốc cổ đại, sống và làm quan hai triều vua Tề Trang công và Tề Cảnh công thời
Xuân Thu. Ông có dáng thấp nhỏ nhưng có trí tuệ thông minh và là một vị quan
tài ba của nước Tề. Ông có tài xử thế và ngoại giao rất tốt.
Khi Án Anh đi sứ nước Sở, Sở vương
muốn làm mất mặt nước Tề nên đã bày nhiều trò để hạ nhục.
Sở vương đang tiếp Án Anh thì có mấy
tên lính dắt một tù binh đi ngang qua, Sở vương liền kêu lại hỏi người kia là
người nước nào, bị tội gì, thì một tên lính cho biết người này nguyên là người
nước Tề, bị bắt vì phạm tội ăn trộm ngựa. Sở vương cho lui rồi quay sang hỏi Án
Anh: Người nước Tề hay trộm cắp vậy sao?
Án Anh đáp: "Cây quít trồng ở
phương bắc thường cho quả ngọt, trái sai, nhưng khi đem trồng ở phương Nam thì
quả đã chua, lại còn ít nữa. Tại sao thế? Đó là do phong thổ vậy. Người nước Tề
giữ đạo luân thường, xưa nay vốn không trộm cắp, nhưng khi sang làm dân nước Sở
lại sanh tật xấu. Tại sao thế? Âu cũng là do phong thổ vậy".
Đây là một điển tích về một con người
thông minh, ứng đáp nhanh nhẹn trong xử thế. Tuy nhiên không chỉ ứng đáp nhanh
mà cái lý ông đưa ra cũng rất logic.
Tìm hiểu lịch sử các đất nước văn
minh như Mỹ, Nhật, Đức, Singapore,… không phải tự nhiên sinh ra là dân tộc họ
văn minh lịch sự. Người Mỹ cũng có tính xấu chà đạp người khác để hưởng lợi, cố
giữ quyền lợi đến mức phải đánh nhau to trong cuộc nội chiến mới giải quyết
được, rồi nạn phân biệt chủng tộc, người da trắng phân biệt đối xử với người da
đen. Không có chuyện tự nguyện nhường nhịn nhau, tôn trọng nhau mà phải làm một
cuộc cách mạng dân quyền, biểu tình rầm rộ, bạo động chết người, quốc hội phải
ra luật thì vấn đề mới được giải quyết.
Người Nhật cũng có tính tự tôn dân
tộc quá mức đi đè đầu cưỡi cổ dân tộc khác, bị thất bại ê chề rồi mới tỉnh ngộ,
nhã nhặn, lịch sự. Người Singapore trước, phần lớn người gốc Hoa với thói quen
khạc nhổ, “phun nước miếng như mưa”.
Không có một dân tộc nào tự nhiên
mang trong mình thuộc tính xấu, hay sinh ra đã là dân tộc lịch sự văn minh.
Thiết chế xã hội ảnh hưởng lên con
người rất lớn. Một đất nước mà liên tục cải cách thiết chế xã hội để phát triển
thì dân tộc đó tiến đến văn minh, lịch sự.
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
Con người vừa là chủ thể xã hội, vừa
chịu tác động của xã hội. Mác đã đúc kết “con người là tổng hòa các mối quan hệ
xã hội”. Xã hội là một hệ thống to lớn mà mỗi cá nhân là một chi tiết nhỏ. Dù
muốn, dù không anh cũng phải phù hợp với hệ thống mới tồn tại được. Ở bầu thì
tròn, ở ống thì dài là vì vậy.
Giải pháp từ luật pháp
Tôi đồng ý với tác giả Bùi Chung là ở
các nước văn minh họ không chỉ nêu gương hay kêu gọi con người tự giác mà phải
dùng luật pháp để chế tài. Luật rất nghiêm, phạt nặng và nhanh chóng cho bất cứ
ai phạm luật gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Qua Singapore mà vứt kẹo singum bừa
bãi hay hút thuốc không đúng nơi là bị phạt ngay cả tiền lẫn đánh đòn như trẻ
con.
Nhưng nếu chúng ta cứ dùng luật pháp
để siết, coi chừng lại sai. Chúng ta cần quan tâm đến tính hệ thống của xã hội.
Một xã hội vận hành trên hệ thống sai thì nó sinh ra nhiều hệ quả xấu. Từ hệ
quả này lại tác động đến con người làm cho chúng ta phải “xấu” mới thích nghi
được.
Tôi có thể lấy dữ liệu để chứng minh
luận điểm này. Thời bao cấp hẳn nhiều người còn nhớ. Chúng ta phải nuôi lợn
trong chung cư để sống. GS Văn Như Cương để lại câu nói nổi tiếng khi bị buộc
tội nuôi lợn bất hợp pháp là “lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương”. Rồi nạn buôn bán
“lậu”, vận chuyển hành hóa bất hợp pháp, đút lót cán bộ ở các trạm gác, tranh
giành nhau trong xếp hàng mua bán,... Nếu chúng ta cứ nhằm một mục tiêu là dùng
luật để siết để dẹp hết các “thói xấu” nhằm đưa xã hội vào trật tự buôn bán
trong các cửa hàng mậu dịch thì hẳn giờ này chúng ta phải sống ngất ngư.
Nếu chịu khó chiêm nghiệm và suy luận
logic, chúng ta thấy rằng rất nhiều thói hư tật xấu của người Việt là hệ quả
tất yếu của “lỗi hệ thống”. Nhiều tín hiệu bất ổn cho ta thấy rằng chúng ta
đang vận hành xã hội trên một hệ thống sai. Trong hệ thống này buộc con người
phải biến đổi để thích nghi.
Lịch sử kinh tế chúng ta đi từ bao
cấp sang quốc doanh chủ đạo, trong hệ thống kinh tế này sản phẩm làm ra kém
chất lượng. Những cục xà bông chảy nước, những chiếc lốp xe mau bục,… là nỗi
niềm ngao ngán của người tiêu dùng, do vậy họ sính hàng ngoại có chất lượng tốt
hơn là điều dễ hiểu.
Nền kinh tế quốc doanh, nền chính trị
thiếu cạnh tranh làm cho con người tiến thân nhiều khi không phải vì tài năng
mà vì biết cách làm đẹp lòng cấp trên, tạo ấn tượng tốt. Chính điều này lại nảy
sinh tệ nhậu nhẹt, khoe đô cao, khả năng chơi tới bến.
Chính những tấm gương chơi tới bến
này thành công, có doanh nghiệp riêng, có nhà cao cửa rộng lại tạo hiệu ứng bắt
chước của người đi sau. Con đường làm theo người thành công đi trước luôn hiệu
quả hơn là mở lối đi riêng trong chông gai.
Vì không có cạnh tranh dẫn đến nhân
viên công lực yếu kém. Hệ quả chúng ta có một nền luật pháp không nghiêm, lừa
đảo không bị trừng phạt nhanh gọn nên tệ gian dối phát triển.
Chúng ta duy trì một hệ thống ngân
hàng mà ngân hàng quốc doanh chiếm chủ đạo, động lực cho vay nhiều khi không
phải vì lợi nhuận, vì hiệu quả dự án kinh doanh mà nhiều lúc đến từ mối quan hệ
cấp trên giới thiệu hoặc đến từ mệnh lệnh hành chính. Hệ thống đánh giá tín
dụng không minh bạch, không khoa học nên người ta cần phải có nhu cầu khoe giàu
để dễ vay mượn, dễ thu hút vốn làm ăn.
Tương tự như vậy chúng ta có thể rút
ra được nhiều logic dẫn đến thói xấu buộc phải có để “tiến lên, giàu sang”.
Giải pháp mang tính hệ thống
Có hai con đường để thay đổi: từng
chi tiết đồng loạt thay đổi dẫn đến hệ thống thay đổi, hoặc hệ thống thay đổi
dẫn đến các chi tiết phải thay đổi. Phương án nào khả thi? Kinh nghiệm và lý
luận cho thấy rằng thay đổi hệ thống, thay đổi luật chơi để từng chi tiết phải
thay đổi cho phù hợp là khả thi hơn. Kinh nghiệm này được rút ra qua thời bao
cấp. Chúng ta không thể yêu cầu mọi người phải nhiệt tình, vui vẻ, lịch sự
trong mua bán để phục vụ xã hội cho tốt được, chúng ta thay đổi hệ thống bao
cấp, cửa hàng mậu dịch quốc doanh sang hệ thống thương mại tự do, cạnh tranh,
xây dựng thương hiệu. Cũng cô nhân viên mậu dịch đó nhưng nay lại rất khác, đon
đả mời khách, chăm sóc khách đến tận tay. Cô phải như vậy mới bán được hàng,
mới giữ được mối.
Lỗi hệ thống là một vấn đề lớn hiện
nay dân tộc ta mắc phải. Sửa được cái này thì mọi cái còn lại theo nhau tốt. Né
tránh điều này đi sửa những chi tiết vụn vặt thì tình hình ngày càng tồi tệ.
Hệ thống đúng là gì? Tôi xin đề xuất:
nền kinh tế cạnh tranh sòng phẳng, nền chính trị liêm chính và một nền luật
pháp nghiêm minh.
Mong nhận được tranh luận từ phía quý
độc giả. Tranh luận đưa chúng ta gần đến giải pháp khoa học hơn. Tất cả vì mục
tiêu duy nhất là dân tộc phú cường, văn minh.
Nguyễn Văn Thạnh
Dimanche
24 Mars 2013
Nhiều người chưa từng sống tại miền
Nam trước 1975 thường hay đề cao nền « dân chủ cộng hòa » ở miền Bắc đồng thời
chỉ trích rằng nền dân chủ ở miền Nam chỉ là một thứ « dân chủ kiểu Mỹ ». Lời
chê bai này, xét trên lý thuyết Mác-Xít, dĩ nhiên phải đúng.
Trên quan điểm của Mác, thực chất của
« dân chủ nhân dân" thì « dân chủ » gấp triệu lần thứ « dân chủ tư sản »
(tức dân chủ kiểu Mỹ). Thua hơn đến một triệu lần thì cái thứ « dân chủ kiểu Mỹ
» này có ra gì !
Nhưng tiếc thay chủ nghĩa Mác đã sụp
đổ. Thế giới bây giờ không còn ai mất thì giờ bàn cãi việc « ai thắng ai », mọi
người đều thấy nền dân chủ Mỹ đã đánh gục « nền dân chủ gấp triệu lần » của
Liên Xô và khối cộng sản. Đến nay ai cũng nhìn nhận rằng món hàng có giá trị
nhứt nước Mỹ, không phải phi thuyền hay vũ khí tối tân, mà là bản « hiến pháp
dân chủ ». Giá trị nhứt vì tất cả các nước áp dụng đều thành công rực rỡ trong
việc phát triển đất nước. Một vài mô hình dân chủ cóp py mô hình hiến pháp dân
chủ kiểu Mỹ : các nước Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật, Đại Hàn… nước nào cũng là
cường quốc.
Vì vậy, khi chê bai nền dân chủ ở
miền Nam trước 1975 là nền dân chủ theo kiểu Mỹ, lại trở thành một lời tán
dương quá trớn. Rõ ràng lãnh đạo miền Nam bất tài, thiếu viễn kiến, trí thức
miền Nam bất lực và thiển cận. « Nền dân chủ kiểu Mỹ » thật không xứng đáng.
Đáng lẽ miền Nam nên áp dụng một chế độ thích ứng cho tình trạng chiến tranh,
tương tự như ở Nam Hàn hay Đài Loan cùng thời kỳ có lẽ thành công hơn. Lãnh đạo
và trí thức miền Nam, bất tài và bất trí, đã phung phí « vốn liếng dân chủ »
sẵn có, làm sụp đổ nền dân chủ non trẻ này. Dầu vậy, nền dân chủ yểu số này cũng sinh sản ra được nhiều sản phẩm có
giá trị, ít ra về các mặt văn hóa, giáo dục, kinh tế, đạo đức xã hội… Trịnh Công
Sơn, cũng như nhiều nghệ sĩ tài hoa khác, trong và ngoài nước không hết lời ca
ngợi, là sản phẩm của nền dân chủ yểu số đó.
Hôm nay mọi người nhìn nhận sự cần
thiết về một nền dân chủ cho VN. Việc này sẽ là công việc dã tràng xe cát nếu
ta không hiểu được thực chất cái « dân chủ » mà mình muốn xây dựng đó là cái gì
? Một thành phần không nhỏ trí thức trong nước (nhứt là một vài trí thức phản
chiến thời trước 75), do quá khứ chống Mỹ, do đó vẫn nghi kỵ với « dân chủ kiểu
Mỹ ».
Thử so sánh « nền dân chủ kiểu Mỹ »
với nền dân chủ gấp triệu lần đang áp dụng tại VN, ta thấy khác nhau chỗ nào và
giống nhau chỗ nào ?
Mô hình dân chủ được áp dụng tại Mỹ và tại hầu hết các
nước trên thế giới, thực ra là nền dân chủ tự do. Đó là loại dân chủ được người dân (ở các nước áp dụng) sử
dụng như là một phương tiện để tuyển chọn, trao quyền lực của người dân cho
(những) người được tuyển chọn để lãnh đạo nhà nước.
Tổng thống (hay thủ tướng ở các nước
dân chủ đại nghị), tức người lãnh đạo tối cao của nhà nước, được tuyển chọn qua
các cuộc đầu phiếu trực tiếp hay gián tiếp, mọi người dân được quyền sử dụng lá
phiếu của mình trong việc tuyển chọn. Đại biểu Quốc hội, nhân sự Hội đồng Hành
tỉnh… cũng được người dân trong khu vực tuyển chọn bằng phương pháp bầu cử.
Phương pháp thể hiện dân chủ ở đây là
thể thức đầu phiếu. Pháp luật các nước theo dân chủ tự do bảo đảm cho mọi người
có quyền và cơ hội như nhau trong vấn đề bầu cử và ứng cử.
Dân chủ này là dân chủ thực chất.
Trong khi loại dân chủ gấp triệu lần ở VN không nhằm để
tuyển chọn người lãnh đạo nhà nước, cũng không nhằm để người dân tham gia vào
công việc nhà nước…
Quan niệm về dân chủ Mác-Lê nin là
dân chủ của giai cấp vô sản, còn gọi là dân chủ nhân dân. Về nhà nước, quan
niệm Mác Lê Nin cho rằng đó là dụng cụ bóc lột của giai cấp tư sản. Vì vậy chủ
nghĩa Mác-Lê chủ trương sử dụng bạo lực để cướp chính quyền (chứ không thông
qua thể thức bầu cử). Khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền, lập thành nhà
nước chuyên chính vô sản, để tiến tới mục tiêu cuối cùng là thủ tiêu nhà nước.
Trong thời kỳ quá độ, nhà nước là một
nhà nước chuyên chính vô sản (chuyên chính có nghĩa là độc tài). Thời kỳ này
giai cấp vô sản lãnh đạo nhà nước, mà đại diện của nó là đảng Cộng sản. Quyền
lực thuộc về nhân dân nhưng nhân dân thuộc giai cấp vô sản.
Hiện nay ta thấy tại VN, đảng đưa
người (đảng viên) ra ứng cử Quốc hội. Dân bỏ phiếu cho người nào thì cũng là
người của đảng (hay của đảng đưa ra). Các đại biểu đắc cử (đa số là đảng viên)
bầu Chủ tịch nước, sau đó các chức vụ Thủ tướng và các bộ trưởng. Tức người dân
có bầu ai, bầu thế nào thì nhân sự đảng CSVN cũng lãnh đạo đất nước. Mà việc
bầu bán này cũng chỉ là « hình thức », vì nhân sự lãnh đạo đều được TW đảng
quyết định trước. Quốc hội chỉ thông qua cho có lệ.
CSVN thường hay khoe khoang rằng nền
dân chủ ở VN xuyên suốt như một sợi chỉ đỏ, đến khắp nơi trong xã hội. Mọi sinh
hoạt của người dân đều áp dụng thể thức « dân chủ ». Trong các buổi họp về
đường lối, hình thức thì dân chủ, nhưng thực chất chỉ nhằm vào việc bàn luận
lãnh đạo sẽ « làm gì và làm thế nào ». « Sợi chỉ đỏ » dân chủ còn là vũ khí lợi
hại kiểm soát tư tưởng của người dân. Vụ góp ý dự thảo Hiến pháp 1992 và Kiến
nghị 72 cho ta thí dụ điển hình.
Ta còn thấy rằng nội dung của các bản hiến pháp, thật ra
chỉ là « cương lĩnh » của đảng CSVN.
Hiện nay đảng CSVN hô hào mọi người góp ý sửa đổi hiến pháp. Việc này thể hiện
tính « hình thức » của dân chủ vì việc bàn luận ở đây chỉ nhằm vào việc xác
định đảng CSVN sẽ làm điều gì và thực hiện điều đó như thế nào, chứ không nhằm
vào việc xác định thể chế chính trị và đặt lại vấn đề đảng lãnh đạo. Một số
đông đảng viên CSVN còn chủ trương quân đội (và dĩ nhiên công an) phải trung
thành trước tiên với đảng, sau đó mới trung thành với nhân dân và tổ quốc.
Nền dân chủ gấp triệu lần này rõ ràng là dân chủ hình
thức.
Vậy hai nền dân chủ đó khác nhau chỉ
ở một điều : dân chủ kiểu Mỹ (dân chủ tự do) nhằm bầu lãnh đạo điều khiển bộ
máy nhà nước trong khi nền dân chủ nhân dân nhằm vào việc bàn thảo đảng lãnh
đạo làm cái gì và làm thế nào. (Mà việc bàn thảo này cũng hình thức vì việc gì
đảng cũng đã định trước. Sợi « chỉ đỏ dân chủ » xuyên suốt trong xã hội chỉ
nhằm vào việc kiểm soát tư tưởng người dân trong lúc phát biểu mà thôi).
Cũng nên nói qua về « dân chủ xã hội
». Cũng như « dân chủ », « dân chủ xã hội » cũng có những nhập nhằng lớn. Các
nước Bắc Âu và một số nước Tây Âu là các nước theo nền dân chủ xã hội. Nhà nước
các nước này còn gọi là « nhà nước phúc lợi – état providence ». Nguồn gốc « xã
hội » ở đây bắt nguồn từ quan niệm về xã hội của Thiên chúa giáo và chủ trương
về xã hội của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Nền tảng dân chủ ở đây là « dân chủ
tự do », tức quyền lực thuộc về người dân và việc lựa chọn người lãnh đạo thể
hiện qua thể thức bầu cử. Trong khi các nước « chủ nghĩa xã hội » Mác-Lê, thể
thức tuyển chọn người lãnh đạo không do bầu cử mà do sắp xếp của đảng CS. Đồng
thời chủ nghĩa xã hội Mác-Lê chủ trương bạo lực cách mạng để cướp chính quyền
cũng như áp dụng chuyên chính vô sản.
(Trường hợp chủ nghĩa xã hội của Hugo
Chavez ở Vénézuela cũng có nhiều nhận định sai lầm. Xã hội ở đây có nhiều điểm
khác biệt với XHCN Mác-Lê. Chavez được người dân bầu lên làm tổng thống qua một
cuộc bầu cử dân chủ tự do. Sau đó Chavez tuyên bố áp dụng đường lối « xã hội »
theo lý tưởng của mình (và lấy hứng từ Simon Bolivar) để thành lập một nhà nước
phúc lợi. Thể thức bầu cử tự do vẫn được duy trì, mặc dầu hiến pháp bị thay đổi
vài điều để Chavez được phép ra ứng cử nhiều lần, nhưng vấn đề chuyên chính vô
sản bị bác bỏ và cách mạng bạo lực bị nghiêm cấm. Nền tảng dân chủ ở Vénézuela
thực chất vẫn là nền tảng dân chủ kiẻu Mỹ, tức dân chủ tự do.)
Ta thấy các nước Tây phương, đảng
Cộng sản vẫn đuọc phép hoạt động chính trị như các đảng phái khác. Điều mà các
đảng CS này phải tuân theo (để được phép sinh hoạt chính trị) là phải từ bỏ bạo
lực cách mạng và chuyên chính vô sản.
Dân chủ đơn giản như vậy nhưng không
phải ai cũng hiểu. Để dễ dàng, không nên chấp nhứt ở cái tên, quan trọng là
thực chất của dân chủ. Nền dân chủ đó gọi tên gì cũng được. Miễn sao dân chủ này
không chấp nhận bạo lực cách mạng và chuyên chính vô sản.
No comments:
Post a Comment