Tuesday, 19 March 2013

PHÂN TÍCH & NHẬN XÉT DỰ THẢO HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (Vũ Ngọc Yên - Bauxite VN)




Vũ Ngọc Yên
20-3-2013

Tính chính danh dân chủ và ý nghĩa pháp quyền của Hiến pháp
Hiến pháp (HP) là văn kiện chính trị – pháp lý quan trọng quy định cách tổ chức và điều hành những định chế cơ bản của quốc gia, bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội và chủ quyền quốc gia.
Một bản Hiến pháp có chính danh dân chủ sẽ tùy thuộc:
- Mức độ tham gia và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân vào việc làm và ban hành hiến pháp.
- Nội dung HP phải có các điều khoản rõ ràng quy định đảm bảo các quyền tự do và nhân quyền của công dân cũng như xác định tính độc lập và thẩm quyền của các định chế dân chủ và pháp quyền của quốc gia.
Cơ cấu pháp quyền rất cần thiết cho xã hội dân chủ và một nhà nước hoạt động hiệu quả.

Nhà nước pháp quyền dân chủ có nghĩa là:
- Tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp, tư pháp).
- Tôn trọng nhân quyền và dân quyền.
- Công dân được đối xử bình đẳng trước pháp luật.
- Tòa án độc lập.
- Giới hạn và giám sát quyền lực công quyền.
- Đa nguyên chính trị.
- Bầu cử tự do.
- Tự do báo chí, truyền thông và tự do tôn giáo.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) đã công bố bản dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Bản dự thảo gồm Lời mở đầu và 124 điều, khoản được phân chia ra 11 chương. Chương 1: Chế độ chính trị; Chương 2: Quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chương 3: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Chương 4: Bảo vệ tổ quốc; Chương 5: Quốc hội; Chương 6: Chủ tịch nước; Chương 7: Chính phủ; Chương 8: Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân; Chương 9: Chính quyền địa phương; Chương 10: Hội đồng hiến pháp, hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước; Chương 11: Hiệu lực của hiến pháp và việc sửa đổi hiến pháp.

Đặc điểm dự thảo Hiến pháp nước CHXHCNVN

- Nhà nước CHXHCN do đảng CSVN thành lập:
Điều 2 HP ghi: ‘‘Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…‘‘. Nhưng đảng lại khẳng định công khai quốc: ‘‘…Đảng Cộng sản Việt Nam …. đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam),…‘‘ (Điều lệ Đảng). Như vậy trên thực tế, nhà nước CHXHCNVN là của đảng, do đảng, vì đảng.

- Đảng độc quyền lãnh đạo đất nước và ý thức hệ:
Trong sinh hoạt chính trị, đảng CSVN là chính đảng duy nhất hoạt động hợp pháp. Và mọi nhận định, mọi chủ trương về triết lý đều phải căn cứ trên thuyết Mác-Lê. Quan điểm này được thể hiện qua điều 4 HP: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội‘‘.

- Không tam quyền phân lập:
Tam quyền phân lập là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của một quốc gia lập hiến. Hiến pháp CHXHCNVN không theo nguyên tắc phân quyền. Đảng nhìn nhận sự phân biệt chức năng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng phải duy trì nguyên tắc thống nhất quyền lực nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng. Điều 2 HP qui định: ‘‘…Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp…“, và thêm điều 8 HP: ‘‘Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ“. Theo điều 9 của điều lệ, Đảng CSVN tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là: Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Hậu quả của nguyên tắc tập trung dân chủ là không phân quyền bằng những thể thức pháp lý và minh bạch.

- Quốc hội thiếu thực quyền:
Điều 74 HP ghi: ‘‘Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“. Nhưng điều 4 HP lại khẳng định đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo, nên theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Quốc hội phải phục tùng đảng. Trên thực tế, quốc hội với 90% dân biểu đảng viên cộng sản, chỉ là cơ quan thi hành nhiệm vụ thể chế hóa các quyết định của đảng về mọi lãnh vực. Cơ quan quyền lực thực sự là Bộ chính trị đảng CSVN. Tổng bí thư đảng và Thủ tướng là hai chức vụ có quyền thế hơn Chủ tịch nước và Quốc hội. Một Quốc hội có thực quyền phải có quyền truy tố hành pháp (Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Bộ trưởng, các thẩm phán và các công nhân viên) đã vi phạm Hiến pháp và luật lệ.

- Biến quân đội, công an, hệ thống hành chánh nhà nước thành công cụ của đảng:
Điều 10 trong điều lệ đảng xác định: “Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước, và tổ chức cơ sở đảng được lập tại đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh tế hoặc công tác, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh…”, và điều 25 điều lệ đảng nêu rõ: “Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư…“. Nội dung điểm này được chính thức chép lại vào điều 70 HP: “…Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng…“.

- Hiến định hóa Mặt trận tổ quốc:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức quần chúng ngoại vi của đảng CSVN, được hiến định hóa thành bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Điều 9 HP ghi: „Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức. Đảng áp đặt đưa các tổ chức ngoại vi vào Hiến pháp là nhằm củng cố và hiến tính hóa liên minh ba thành phần „đảng – tổ chức quần chúng – lực lượng vũ trang“ trong chủ trương ngăn chặn mọi tiếng nói, hành động đối kháng, đối lập và sự thành hình các tổ chức công dân độc lập.

- Thiếu cơ chế đảm bảo nhân quyền và dân quyền:
Quyền con người là những quyền gắn liền với nhân phẩm, là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Dự thảo HP thừa nhận quyền con người và quyền công dân, nhưng không quy định nghĩa vụ, trách nhiệm thi hành của Nhà nước trong việc bảo vệ các quyền cơ bản đó. Thậm chí, còn tìm cách giới hạn bằng các luật lệ và quy định một cách tùy tiện. Điều 16 HP: „không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác„.
Về quyền tự do tôn giáo, dự thảo HP vừa ban phát vừa nhắc nhở: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật…“ (điều 25 HP).
Dân quyền được ghi vào điều 26 HP: „Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật…“.
Nói chung, các quyền con người, và quyền công dân chỉ được liệt kê trong dự thảo HP cho có lệ, chứ không có chủ đích đặt ra những cơ chế đảm bảo thực thi.

Kết luận
Tổng quát, nội dung dự thảo HP không đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu trên phương diện dân chủ và pháp quyền. Ngày nào đảng còn duy trì độc quyền lãnh đạo, độc tôn ý hệ và không chấp nhận tam quyền phân lập thì Việt Nam còn lâu mới trở thành một quốc gia lập hiến.

Như vậy việc sửa đổi HP chỉ nhằm các mục đích:
- Tái lập chính danh lãnh đạo đất nước vốn đã mất trong hàng thập niên qua.
- Trấn an khuynh hướng bảo thủ là đảng trước sau vẫn kiên trì khẳng định chính sách ba không: Không chấp nhận đa nguyên ý hệ; không chấp nhận đối lập chính trị; không chấp nhận chính đảng ngoài đảng CSVN.
- Dùng Hiến pháp để thể chế hóa liên minh ba thành phần „Đảng – Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Lực lượng vũ trang„.

Vũ Ngọc Yên






No comments:

Post a Comment

View My Stats