Friday 8 March 2013

NHỮNG CON CHÁU TRƯNG TRIỆU THẾ KỶ 21 (Nguyễn Thanh Văn)




Nguyễn Thanh Văn
Cập nhật: 7/03/2013

Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước, giữ nước, và phát triển của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam đã đóng góp không ngừng nghỉ từ mồ hôi, nước mắt đến cả sinh mạng trong cả thời chiến lẫn thời bình, qua mọi giai đoạn thăng trầm của đất nước.

Khi đất nước bị ngoại xâm, truyền thống dân tộc Việt đã quyết: "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh“. Khí phách và tài năng của phụ nữ Việt trong một số giai đoạn lịch sử không chỉ ngang bằng mà còn vượt trên cả nam giới. Lịch sử còn ghi lại khí phách của Hai bà Trưng cùng các nữ tướng như Thánh Thiên Công Chúa, bà Lê Chân, Phật Nguyệt công chúa,… trong cuộc chiến hào hùng đánh đuổi Thái thú Tô Định và quân xâm lược nhà Hán cách đây gần 2.000 năm với lời thề xuất quân: "Một xin rửa sạch thù nước. Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng, Ba kẻo oan ức lòng chồng, Bốn xin vẹn sở công lênh này".

Như bà Triệu trong cuộc chiến chống quân xâm lược Đông Ngô cách đây 1.765 năm với câu nói để đời: "Ta chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kìnhbiển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!".

Truyền thống đó kéo dài đến nữ tướng Bùi Thị Xuân, đến các bà vợ kiêm nữ tướng của anh hùng Hoàng Hoa Thám, đến những cô Bắc, cô Giang sát vai cùng anh hùng Nguyễn Thái Học.

Và nay, ở đầu thế kỷ 21, khí phách Trưng Triệu đó vẫn tiếp tục luân lưu trong huyết quản của thế hệ hôm nay.

Chính lòng thương nước, thương dân, thương nhà lại thôi thúc các mẹ, các chị đứng lên bảo bọc những người thế cô, chống cảnh bất công cường hào, vừa chống xâm lược ngoại bang và sớt chia các oan khiên đau khổ của đồng bào ruột thịt.

Nhưng nghiệt ngã thay, những tâm hồn và bàn tay nhân bản đó lại bị chính những kẻ cầm quyền hôm nay thẳng tay trù dập.

Sau đây là một số gương mặt tiêu biểu:

Tạ Phong Tần, một Blogger, nguyên đảng viên đảng CSVN và từng là đại úy công an. Nhưng trước những hành động phi nhân và bất công xảy ra trước mắt, chị đã quyết định giã từ cái nghề được xem là "béo bở" này.
Năm 2004, chị trở thành một nhà báo tự do và là một thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và mở blog "Công Lý & Sự Thật" nơi chuyên tố cáo những hành vi tham nhũng và đàn áp người dân, đặc biệt trong ngành công an. Chị cũng viết nhiều về nhu cầu dân chủ, nhân quyền của đất nước. Chị thường xuyên bị công an bắt bớ, sách nhiễu, trù dập và gây rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Chị Tạ Phong Tần từng phát biểu: "Ngục tù không làm nản lòng, khổ đau không làm chậm chân bước. Sức mạnh của chúng ta là sự thật, là tình thương, là công lý. Chưa bao giờ hoảng sợ khi đối diện với sự gian tà và giả dối…,"
Năm 2011 chị Tạ Phong Tần được Human Rights Watch trao giải Nhân Quyền Hellman/Hammett.


Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, là sinh viên năm thứ ba hệ cao đẳng Trường ĐH Công nghệ thực phẩm tại Sài Gòn. Chị bị bắt vào ngày 14.10.2012 vì đã cùng các bạn dán truyền đơn với hai câu kêu gọi thiết tha:

Vì danh dự dân tộc chống giặc Tàu.
Vì tương lai đất nước chống tham nhũng.

Nhà cầm quyền rất căm giận vì chị dám đụng đến Bắc Kinh và tìm mọi cách làm khổ người sinh viên 21 tuổi này. Mẹ chị lặn lội từ miền Trung vào Sài Gòn cố gặp mặt con nhiều lần mà không được. Xin gởi mấy dòng chữ thương con cũng bị công an lạnh lùng cấm ngặt.


Hồ Thị Bích Khương, nhà tranh đấu trường kỳ cho dân oan. Vì những hoạt động khiếu kiện, phản đối, tố cáo những bất công xã hội, chị đã bị nhà cầm quyền CSVN bắt giữ nhiều lần:
- Lần thứ nhất từ ngày 11/5/2005 đến 11/11/2005 với tội danh: “Gây rối trật tự công cộng”.
- Lần thứ hai từ ngày 26/4/2007 đến 26/4/2009 với tội danh: “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân”.
- Vào ngày 30/5/2012, nhà cầm quyền CSVN lại mở phiên tòa gán cho chị tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" (Điều 88 Bộ luật Hình sự) với bản án 5 năm tù giam, 3 năm quản chế. Hiện đang bị giam giữ tại nhà tù K4, Trại 5, Thanh Hóa.
Năm 2011 chị Hồ Thị Bích Khương được Human Right Watch trao giải Nhân Quyền Hellman/Hammett.


Trần Thị Thúy, nhà đấu tranh cho dân oan suốt gần 20 năm. Chị cũng là một đảng viên Đảng Việt Tân. Trong lúc hướng dẫn cho bà con cách thức khiếu kiện đòi lại nhà đất, chị bị bắt vào ngày 10/8/2010.
Trước phiên tòa ngày 30/05/2011, chị Trần Thị Thúy khẳng định những hoạt động giúp đỡ tha nhân của chị chẳng phạm tội gì cả. Tuy chẳng đưa ra được bằng chứng gì nhưng tòa án CSVN vẫn tuyên án chị 8 năm tù giam và 5 năm quản chế với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ luật hình sự.
Vào đến trại tù, công an vẫn tìm mọi cách đày đọa, chỉ thị cho các tù nhân khác đánh đập và hăm dọa chị Thúy để buộc chị phải nhận tội. Ác độc nhất là bắt chị bóc vỏ hạt điều để bị ghẻ lở khắp người nhưng không cho chị ngay cả hơn 2 bộ quần áo để thay giặt trong mùa mưa. Chị Thúy hiện trong tình trạng sức khỏe kém với chứng nhức đầu liên tục.


Lô Thanh Thảo, 36 tuổi, là một sinh viên đấu tranh cho dân chủ. Chị bị bắt vào ngày 26/3/2012 khi đang chụp hình một cuộc biểu tình của bà con dân oan tại Sài Gòn.
Sau khi bị bắt, công an áp giải chị Lô Thanh Thảo về nhà riêng tại Đồng Nai để khám xét, rồi tiếp tục đưa về giam giữ tại số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn, với tội danh gán ghép: “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, điều 88 của Bộ luật Hình sự.
Chị Lô Thanh Thảo bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam và 2 năm quản chế.


Đỗ Thị Minh Hạnh, 28 tuổi, sinh viên trường Cao Đẳng Kinh tế và là nhà đấu tranh cho quyền lợi của công nhân và nông dân.
Năm 18 tuổi chị Minh Hạnh đã bắt đầu giúp đỡ cho những người dân oan Lâm Đồng làm đơn khiếu kiện đất đai. Năm 2005 chị đến Hà Nội giúp đỡ dân oan khiếu kiện đất đai và bị án 3 tháng tù giam.
Khi biết tin nhà cầm quyền CSVN cho Trung quốc khai thác Bauxite tại Tây nguyên, chị đã cùng anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đến tận nơi chụp ảnh các công trường của TQ và báo động với toàn dân qua mạng Internet.
Năm 2007 chị Minh Hạnh đã tổ chức cho công nhân tại một số công ty biểu tình và đình công để đòi tăng lương và an toàn lao động.
Tháng 2/2010 chị bị bắt vì bị cáo buộc tội "xúi giục" công nhân của một công ty giày da thuộc tỉnh Trà Vinh tổ chức đình công. Ngày 27/10/2010 chị bị xử 7 năm tù giam với tội danh "phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân" theo điều 89 Bộ luật Hình sự.
Ngày 12/12/2011 chị được chọn nhận giải Nhân Quyền Việt Nam.


Lê Thị Ngọc Đa, một thương binh Quân Đội Nhân Dân nhưng vẫn bị chính chế độ CSVN chiếm đoạt gần 10 hécta đất tại tỉnh Long An. Trong suốt 10 năm liền, chị đã đi kêu oan cho chính mình và giúp những người cùng cảnh ngộ khiếu kiện đòi lại nhà đất.
Trong rất nhiều cuộc biểu tình đòi công lý và tố cáo các quan chức tham nhũng tại Sài Gòn và Hà Nội, chị luôn là người đi đầu. Chị được nhiều dân oan từ các tỉnh thành khắp 3 miền suy cử làm người đại diện.
Vì vậy trong nhiều năm liền chị bị công an đủ loại thuộc nhiều thành phố theo dõi, gây sự và xách nhiễu. Nhưng tất cả những thủ thuật đó không làm chị sợ hãi hay dừng lại.
Chiều ngày 27/04/2011, chị bị bắt và bị kết tội "gây rối trật tự công cộng". Tòa án CSVN kết án chị 3 năm tù giam. Chị hiện bị cầm tù tại Long An.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn, 27 tuổi, là một nhà hoạt động trẻ yêu nước, một giáo dân Công giáo từ Trà Vinh.
Gia đình chị Minh Mẫn thuộc diện bị cưỡng bức hồi hương từ trại tỵ nạn Sikieu, Thái Lan vào năm 1996. Khi về lại Việt Nam sống ở Trà Vinh, gia đình chị bị phân biệt đối xử vì tội vượt biên tìm tự do.
Không chấp nhận tình trạng nhà cầm quyền CSVN mặc nhiên im lặng trước sự xâm chiếm của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa, chị Đặng Thị Minh Mẫn đã vận động người thân trong gia đình cùng viết chữ HS.TS.VN tại nhiều nơi.
Chị bị bắt giữ ngày 02/08/2011 cùng với mẹ là bà Đặng Ngọc Minh và anh trai là anh Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc. Chị Minh Mẫn bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ nhà nước theo Điều 79, và bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.


Trần Thị Hài, người dân oan yêu nước thuộc thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Bà Hài, 62 tuổi, và gia đình bị các quan chức địa phương cướp đất mưu sinh để bán lại cho tư bản nước ngoài. Suốt 10 năm trời, vợ chồng ông bà gõ mọi cửa để đòi lại đất sở hữu hợp pháp của mình, nhưng bọn cường hào của đảng CS không những không trả, lại còn dọa bỏ tù về tội "gây mất trật tự trị an xã hội".
Nhưng không chỉ lo đòi lại mảnh đất của mình, bà Hài thường để mối lo riêng sang một bên để nhập dòng các đoàn biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược và báo động toàn dân về mảnh đất chung do xương máu cha ông để lại.
Sau nhiều thủ đoạn đàn áp, doạ nạt không kết quả, công an đã quyết định ra tay bắt bà Trần Thị Hài. Ngày 27/12/2012 tòa án Thủ Dầu Một đưa bà ra để gán cho tội gây "mất trật tự xã hội, gây tụ tập đông người". Trong phiên tòa không có luật sư, không có thân nhân, không có nhân dân, hầu như chỉ có chánh án và 2 vợ chồng ông bà Trần Thị Hài và Đỗ Thành Huấn.
Ngay sau khi tòa tuyên án 9 tháng tù giam, bà Trần Thị Hài đã khảng khái nói với bà con ở ngay cổng tòa án: "Chín tháng tù như giấc ngủ trưa, ra tù tôi sẽ chiến đấu tiếp!". Bà hiện bị giam tại trại Bến Lớn.


Ngoài những con cháu Hai Bà đang hy sinh cuộc sống của mình trong tù ngục cho tương lai của cả dân tộc, nhiều trái tim nhân bản khác đang tiếp tục tranh đấu dù đã đi qua cánh cửa tù hay đang bị công an bám sát, hăm dọa, xách nhiễu hàng ngày hàng giờ.

Đó là những:


Bùi Thị Minh Hằng, người phụ nữ yêu nước và kiên cường, có mặt trong nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.
Chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 2011, chị bị công an bạo hành và bắt bớ tổng cộng 5 lần. Ngày 27/11/2011, chị bị bắt trong khi biểu tình bên hông Nhà Thờ Ðức Bà, Sài Gòn, để ủng hộ những người biểu tình ở Hà Nội. Sau đó chị bị những kẻ đang dâng nhượng chủ quyền đất nước cho Trung Quốc đưa đến trại phục hồi nhân phẩm Thanh Hà giam giữ không cần tòa án, để gọi là "giáo dục về lòng yêu nước".
Kể từ ngày ra tù đợt chót, 29/4/2012, chị Bùi Thị Minh Hằng bị bao vây liên tục quanh nhà và bị xách nhiễu liên tục. Nhưng mọi thủ đoạn của công an vẫn không giam được quyết tâm bảo vệ đất nước của chị. Cửa nhà chị trở thành địa điểm biểu tình của MỘT người với những băng rôn lớn. Và chị vẫn tìm được cách để có mặt ở nhiều nơi và trên mạng Internet để hỗ trợ các nhà yêu nước khác và tiếp tục nói lên tiếng lương tâm của mình.


Lê Hiền Đức, cụ bà 82 tuổi, luôn có mặt cùng bà con dân oan và dẫn đầu các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược.
Từ khi về hưu năm 1984, cụ bắt đầu tham gia vạch trần các vụ tham nhũng, cướp bóc của dân. Tổ chức Transparency International trao Giải Thưởng Liêm Chính cho cụ năm 2008.
Trong những năm gần đây, khi nạn các quan quyền cướp đất sinh sống của dân để bán cho đầu tư nước ngoài, cụ bà Lê Hiền Đức, dù đi đứng đã khó khăn, vẫn tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ quyền lợi những dân oan, ngay cả trong những lúc căng thẳng nhất khi lực lượng công an dày đặc kéo đến bạo hành nhân dân.
Hình ảnh chiếc xe lăn của cụ dẫn đầu các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược đã và đang làm xúc động hàng triệu trái tim yêu nước Việt khắp nơi.


Lê Thị Kim Thu, nữ phóng viên độc lập, dân oan, và là thành viên khối 8406.
Chị Lê Thị Kim Thu là một trong những người đầu tiên dẫn đầu dân oan đi giữa lòng Hà Nội để chống bất công, đòi công lý. Năm 2008, chị bị kết án 15 tháng tù.
Nhưng tù tội không còn làm chị khiếp sợ. Chị Kim Thu tiếp tục cùng bà con dân oan và các nhà yêu nước đấu tranh, không chỉ cho đất đai của mình mà còn cho cả đất nước cha ông để lại.
Ngày 27/12/212 chị Lê Thị Kim Thu lại bị tòa án huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai kết án 2 năm tù. Những người thân trong gia đình chị cũng bị tuyên án từ 8 đến 14 tháng tù. Các tội trạng của chị bao gồm:
1. Đã cùng dân oan tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng biểu tình.
2. Đã gởi hàng trăm bức ảnh, phỏng vấn và video clips là "bằng chứng không thể chối cãi" về sự độc tài, áp bức, bất công của chế độ.


Lê Thị Công Nhân, luật sư, thành viên của Khối 8406, đồng thời là phát ngôn viên của Đảng Thăng Tiến Việt Nam.
LS. Lê Thị Công Nhân tham gia phong trào đòi đa nguyên, đa đảng; và đã từng viết nhiều bài tham luận, nội dung tố cáo Tổng Công đoàn Việt Nam không bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam, tố cáo đảng CSVN vi phạm nhân quyền và kêu gọi thế giới hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất để lập ra những công đoàn độc lập cho công nhân Việt Nam.
Ngày 6/3/2007, chị Lê Thị Công Nhân bị cáo buộc hoạt động "tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam" và bị loại khỏi danh sách Đoàn Luật Sư Hà Nội. Ngày 11/5/2007, chị bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Luật sư Lê Thị Công Nhân được tổ chức Human Rights Watch trao tặng giải thưởng Hellman/Hammett năm 2008, và Đức Quốc trao tặng giải Nhân Quyền Stephanus năm 2010.


Lư Thị Thu Trang, nhà tranh đấu cho dân oan và vận động dân chủ. Đất hương hỏa và là nơi yên nghỉ của ông bà tổ tiên dòng họ Lư bị ngang nhiên chiếm đoạt, đã biến chị thành một người dân oan đi đòi công lý nhiều năm trời không kết quả. Nhưng không chỉ lo cho mình, chị đã giúp đỡ rất nhiều bà con dân oan khác mưu tìm công lý.
Chị cũng biết chế độ hiện tại phải được thay đổi thì mới mong có công lý, công bằng cho mọi người dân. Vì thế chị đã gia nhập làm thành viên Khối 8406 năm 2007.
Kể từ đó, nhiều loại công an theo dõi chị ngày đêm và tìm đủ cách làm khổ gia đình chị, kể cả việc san bằng mọi mồ mả tổ tiên dòng họ Lư trên khu đất họ đã cướp.
Chị Lư Thị Thu Trang vẫn miệt mài tranh đấu cho một tương lai công bằng và nhân bản cho dân tộc, đặc biệt cho khối bà con nông dân đói nghèo.



Phạm Thanh Nghiên, tiếng nói yêu nước cho Hoàng Sa, Trường Sa và các gia đình ngư dân bị hải quân Trung Quốc giết hại.
Trong nhiều năm, chị âm thầm lặn lội đến thăm hỏi, giúp đỡ những gia đình ngư dân đau khổ có chồng, cha, anh chết trên biển Đông dưới các lằn đạn và đòn đánh của lính Tàu. Chị công khai lên tiếng về mối quốc nhục này trong khi nhà cầm quyền cố tình ém nhẹm loại tin tức này.
Năm 2008, chị Phạm Thanh Nghiên lên tiếng qua bài "Uất ức biển ta ơi" và tọa kháng tại nhà cùng với biểu ngữ “Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam”. Chị viết:
"Vì một phần thân thể của đất mẹ vẫn còn bị cắt đứt. Chúng ta không thể cúi đầu. Vì danh dự và tự hào dân tộc vẫn là một vết nhục chưa được xóa nhòa. Chúng ta không thể im lặng. Vì im lặng là đồng ý với hành động bán nước. Chúng ta không thể buông xuôi. Vì mọi sự thờ ơ và buông xuôi sẽ dẫn đến những hành động bán nước tiếp diễn trong tương lai. Chúng ta, không những phải nỗ lực lấy lại những gì đã mất, mà còn phải ngăn chận những gì sẽ mất trong tương lai. Một người, chúng ta sẽ không thành công. Một ngày, một tháng, một năm là quá ngắn để đạt được mục đích. Nhưng với nhiều công dân Việt Nam, bằng trách nhiệm, lương tâm và lòng yêu nước, bằng chiều dài cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ thành công trong việc tiếp nối sự nghiệp cứu nước và giữ nước của tiền nhân."
Công an liền xông vào nhà bắt chị Phạm Thanh Nghiên đi và kết án chị 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Khi ra tù năm 2012, chị tâm sự:
"trong khoảng thời gian 4 năm tù đày thử thách như thế, tôi đã giữ vững tinh thần. Bây giờ thì tôi càng thấy rằng không có lý do gì để mình không đấu tranh tiếp cả. Thậm chí, nhà tù đã cho tôi một bài học rằng mình càng phải vững bước để tranh đấu và những người vì dân tộc mình mà tranh đấu, những người vì tự do và công bằng mà tranh đấu sẽ không bao giờ thất bại."
Và kêu gọi:
"Tôi nghĩ mình là một thanh niên Việt Nam thì sự quan tâm của mình không nên bó hẹp trong cái gia đình hay trong khoảng trời bạn bè xung quanh hay bà con lối xóm, mà chúng ta nên quan tâm đến những gì phạm vi lớn hơn chút nữa, đó là những vấn đề của xã hội."
Chị Phạm Thanh Nghiên được tổ chức Human Rights Watch trao tặng giải thưởng Hellman/Hammett năm 2009 khi chị đang ở trong tù.


Huỳnh Thục Vy, cây bút yêu nước cứng cỏi và sâu sắc.
Chị mồ côi mẹ từ năm lên 6 và cha bị vào tù vì tội viết văn “tuyên truyền chống nhà nước” khi chị lên 7 tuổi.
Chị Huỳnh Thục Vy bắt đầu viết bài từ năm 2008, vạch trần và đào sâu vào những lý do đằng sau thực trạng của đất nước và xã hội Việt Nam. Bài của chị được đón đọc và quảng bá rộng rãi trên các diễn đàn Internet.
Quan điểm của chị được nhiều người đồng tình và ngưỡng phục: "Thể hiện sự phẫn nộ trước sự tồn tại bất công, sự tồn tại vô lý của Đảng Cộng sản. Cái việc ngồi chễm chệ của họ trên đất nước này là sự tồn tại quá vô lý và tôi là người không chấp nhận được sự vô lý."
Chị cũng không chỉ ngồi viết nhưng cùng chồng xuống đường tham gia biểu tình tại Sài Gòn chống Trung quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam.
Cả gia đình họ Huỳnh và lan ra tới họ hàng đã và đang bị công an xách nhiễu, cướp bóc tài sản cá nhân, đòi nộp phạt, và hăm dọa tù tội rất nhiều lần.
Chị Huỳnh Thục Vy được tổ chức Human Rights Watch trao tặng giải thưởng Hellman/Hammett năm 2012.


Trịnh Kim Tiến, người thiếu nữ đòi công lý cho cha và chủ quyền cho nước.
Bố chị, ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an đánh gãy cổ ngay trên đường phố Hà Nội và qua đời năm 2011. Gia đình chị, gồm 3 mẹ con, đi tìm công lý nhiều lần nhưng chỉ gặp cảnh cường quyền bao che cho nhau và coi mạng dân rẻ mạt.
Nhưng cũng với dòng máu Trưng Triệu, chị Trịnh Kim Tiến không chỉ nghĩ đến thù nhà mà còn thao thức với nợ nước. Chị viết: "Tôi biết được đất nước tôi, quê hương tôi đang phải đối diện, trải qua những khó khăn, sự đe dọa, rình rập, xâm lược của tên hàng xóm xấu bụng mà báo chí vẫn gọi là ’láng giềng tốt’. Tôi đã quyết định tham gia vào cuộc biểu tình khẳng định chủ quyền của dân tộc mình, khẳng định quyền của một công dân trong một đất nước độc lập với truyền thống yêu nước với bốn ngàn năm lịch sử."
Thế là khuôn mặt khả ái của Trịnh Kim Tiến hòa cùng những trái tim yêu nước khác trong nhiều cuộc xuống đường tại Hà Nội để phản đối Trung Quốc xâm lược.
Lòng yêu nước thiết tha của chị và đoàn người còn đọng lại trên những dòng chữ: "Những đoàn người khác nhau, nhưng những giọt mồ hôi trên khuôn mặt của những người tham gia biểu tình như hoà cùng máu và nước mắt của cha ông đã đổ xuống vì quê hương thân yêu. Những tiếng hát, lời ca như bùng lên dữ dội trong sự kìm nén. Tôi nhìn họ bằng ánh mắt thèm thuồng, bằng sự ham muốn tột bậc, sự ham muốn được “YÊU NƯỚC”, chẳng có gì hơn, họ đã truyền cho tôi nghị lực và sức mạnh của lòng dũng cảm. Và tôi quyết định, một quyết định gan dạ và táo bạo, có thể nói như vậy với lúc bấy giờ, vào khoảng thời gian đó của tôi, tôi bước xuống đường, bước ra khỏi những lý thuyết của sự sợ hãi, ngày 12/06 tôi đã xuống đường. Đó là sự kỳ diệu đối với tôi, đúng vậy, nhận thức là cả một quá trình. Vượt qua nỗi sợ hãi là cả một bài học.“
Và còn hàng trăm những tâm hồn khả ái, nhân hậu, và can đảm khác nữa đang đi đầu trong nhiều mặt hoạt động để giảm bớt những nỗi đau của người chung quanh, để chận đứng những bàn tay cướp bóc dân lành, để bàn tính những bước tháo gỡ gông xiềng độc tài đang làm nghẹt thở dân tộc, và để bảo vệ giang sơn gấm vóc đang bị chặt nhỏ từng phần dâng nhượng cho ngoại bang.

* * *

Điều rất đáng mừng và có thể khẳng định ngay tại thời điểm hôm nay: đất nước Việt Nam dân chủ ngày mai sẽ có những nữ nguyên thủ quốc gia đầy tài năng và nhân hậu. Họ chính là những nhà tranh đấu đang đi qua giai đoạn trui rèn hôm nay.
Đã mấy ngàn năm con cháu Hai Bà

Quắc mắt chống Tàu cứu nhà giữ nước
Nhân hậu, can trường, mưu lược, yêu thương
Ôi những tâm hồn ngát hương – cô gái Việt!


Các bài liên hệ

Cùng tác giả:





No comments:

Post a Comment

View My Stats