Thứ Sáu, 08/03/2013
Tôi chỉ là một họa sĩ, lại thêm nữa, là một
họa sĩ Việt Kiều. Tôi không dám nghĩ đến những điều lớn lao cho nước Việt Nam,
vì chỉ có những người trong nước mới làm được những việc đó. Tôi chỉ dám nghĩ
đến những điều nhỏ, như tự do làm nghệ thuật.
Gần ba mươi năm trước, khi tôi lần đầu về
nước (khi đó tôi là một kĩ sư về máy tạo nhịp tim mà một số quý vị lãnh đạo
đang sử dụng), tôi có dịp gặp họa sĩ Đỗ
Quang Em. Tôi hỏi, là một hoa sĩ anh ước gì. Tôi nghĩ anh sẽ trả lời, anh
ước đóng góp cho ngành mỹ thuật thế giới, là người sáng lập ra môn phái này nọ.
Nhưng không, câu trả lời của anh thật đơn giản. “Xin cho tôi được bình yên
làm một họa sĩ.”
Từ đó đến nay, tất nhiên ta không thể phủ
nhận là vườn mỹ thuật đã dễ thở hơn, và đơm nhiều hoa hơn.
Nhưng đó chỉ là ngoài mặt. Năm ngoái khi
tôi xin triển lãm lần đầu trong nước thì tôi mới biết vẫn còn những bức tường
kiên cố giam cầm không khí nghệ thuật, trói chặt bông hoa sáng tạo.
Lần đầu là tại TPHCM. Khi gallery đại diện
cho tôi nạp đơn xin triển lãm, “họ” trả lời một cách vỏn vẹn, “Không được.” Họ
chỉ gọi điện thoại, không nêu lý do. Họ chẳng thèm ra văn bản hay họ ngại ra
văn bản. Ai là người quyết định cũng không tài nào biết được, không khác gì
trong truyện của Kafka.
Lần sau đó, do một số anh em khuyến khích,
tôi lại mang tranh ra Hà Nội. Qua thư, họ quay tôi khá kỹ, hỏi tôi từng bức
tranh có ngụ ý gì. Tôi thẳng thắn trả lời. Kể cả về hai bức tranh mang tên Trận
Cuồn Phong và Nỗi Tủi Nhục. Tôi nói các bức tranh đó diễn tả sức
mạnh của đồng tiền. Sau đó họ phán quyết loại bỏ 4 bức tranh, trong đó có Trận
Cuồn Phong và Nỗi Tủi Nhục, và cho phép 11 bức. Họ còn tự tiện sửa
đề tựa của một bức tranh của tôi - bức nói về Từ Hải bị giết khi về hàng triều
đình nên tựa đề là Sa Cơ. Họ sửa lại thành Kiều Thương Từ Hải. Vì
tôi không đối thoại trực tiếp với họ nên chỉ nghe nói lại là họ bảo “anh hùng
thì sao lại sa cơ?” Cuối cùng tôi đồng ý triển lãm tại Viện Bảo Tàng Việt Nam
tại Hà Nội vì tôi nghĩ thà đến từ từ với công chúng Việt Nam còn hơn không đến.
Và như thế xem ra Hà Nội cũng tiến bộ hơn TPHCM.
Hôm khai mạc, theo lời bạn bè, có vài người thuộc an ninh văn hóa đến, nhưng họ ra đi sớm. Thật tiếc vì nếu tôi biết, tôi đã ra tiếp đón họ thân tình, Chẳng qua họ làm theo mệnh lệnh, chứ chắc không biết gì nhiều về nghệ thuật đương đại. Điều đáng buồn là vào thời buổi này, còn mấy nước có cái gọi là “an ninh văn hóa”. Bắc Hàn ư? Trung Quốc ư? Nghe giống như Gestapo của Đức quốc xã, KGB của Stalin hay Vệ binh đỏ của Mao.
Đêm đó, tôi vô cùng xúc động khi được các
em thanh niên thiếu nữ đến xem tranh và bình phẩm, “ tranh chú làm chúng cháu
suy nghĩ.” Tôi cũng được khích lệ khi thấy một số văn nghệ sĩ đầu đàn và một số
nhà vận động dân chủ đến dự.
Sau buổi khai mạc, ít lâu sau, tôi được gặp
họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ Tịch
Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Ông ấy tự giới thiệu khá lâu về nghệ thuật của mình, và
tôi đồng ý ông có những đóng góp nhất định. Đặc biệt ông khoe về một thành tích
mà tôi nhớ mãi. Đó là đề tựa một bức tranh của một họa sĩ nữ trong nước, Cô
Gái Chờ Chồng. Vừa cười ông vừa ra phán đoán trông chừng vô cùng nghiêm
túc: “Ai chờ chồng mà lại nằm hớ hênh thế.” Ông cho là không “đúng” và tự tiện
sửa thành một tựa khác, bất chấp có sự đồng ý hay không của tác giả. Trên thế
giới này không biết còn nơi nào mà có một chủ tịch một hội mỹ thuật lại đi sửa
tựa của một bức tranh? Tôi lại nhớ đến bức Sa Cơ của tôi.
Ông nói nhiều nhưng tôi không nhớ hết. Bất
chợt tôi thoáng nghe ông chêm vào một câu khuyên nhũ, “nếu làm chính trị thì
cũng nên đi học, chẳng khác gì làm mỹ thuật vậy.” Tôi nghe lạ tai quá, khi ra
về vẫn chưa tin là thật. À thì ra những bức tranh của tôi mà Cục Mỹ Thuật,
Nhiếp Ảnh & Triển Lãm của Bộ Văn Hóa, Thể Thao & Du Lịch từ chối không
cho triển lãm, bị dính vào tội “làm chính trị”?
Thế nào là “làm chính trị”? Nếu tôi giai
nhập một đảng chính trị hay ký vào một tuyên ngôn chính trị thì theo tôi đó mới
là làm chính trị. Chứ còn trong Nỗi Tủi Nhục tôi chỉ vẽ lên những anh
hùng nữ nhi của đất Việt đang bị trận cuồng phong phong bì cuốn đi thì sao lại
được xem là “làm chính trị”? Phải chăng tranh chỉ phản ảnh thực trạng xã hội,
cái mà từ người dân thường cho đến lảnh đạo quốc gia đều biết? Có phải bao
nhiêu lảnh đạo của đảng cộng sãn từng nhận định đảng đang vật lộn với “không
phải vài con sâu mà cả một bầy sâu,” và hô hào phải mạnh dạn làm gì cho “khỏi
tủi hổ với tiền nhân?” Theo tôi hiểu các vị lảnh đạo đang nói đến vấn nạn phong
bì. Đó là nhận thức chính xác về một hiện trạng xã hội. Tại sao họ nói được một
cách công khai nhưng tôi không được đề cập? Còn làm gì để chửa căn bệnh hiểm đó
mới gọi là “chính trị” hay trị cho đúng. Việc đó thuộc về những kẻ có quyền
lực, còn tôi chỉ có cây cọ và ống màu.
Các bức tranh của tôi không chỉ nói đến vấn
nạn phong bì đang lộng hành trên đất nước Việt Nam. Nó còn vẽ lên nạn phong bì
đang lộng hành trên các nước tiên tiến. Nhà nước không nên lo lắng quá mức. Bọn
họa sĩ chúng tôi lên án sự thối nát dù nó là tư bản hay cộng sản, dù nó là của
người hay của của chính ta. Bức tranh Trận Cuồn Phong vẽ các nữ thần tự
do Pháp, Mỹ và nữ thần cứu rỗi Ấn Độ đang cùng với Hai Bà Trưng bị ngã nghiêng
vì trận cuồn phong phong bì. Trong bức Obasyphus, tôi vẽ tổng thống
Obama đang như vị thần Hi Lạp Sisyphus, bị đày triền miên lăn đá lên núi rồi
đánh mất nó và phải lăn nó lên trở lại. Tôi nêu đích danh những lực cản là lòng
tham, sự thù hằn, những thủ đoạn mờ ám của các nhóm vận động hành lang Super
PAC. Khắp nơi chúng đào hố sâu giữa giàu nghèo, nâng cao sự bất công, dẫn đến
độc tài, chiến tranh. Bức này cũng bị cấm.
Ý thức xã hội là một trong những động lực
lớn thúc đẩy sự sáng tạo nghệ thuật. Điển hình là những họa sĩ lớn của châu Mỹ
La Tin như Riviera, Orozco hay Siqueiros. Họ là những họa sĩ dấn thân, vẽ lên
hiện trạng của châu Mỹ La Tin dưới hai ách bóc lột trong và ngoài suốt chiều
dài lịch sử của họ. Picasso có bức Guernica để phản đối sự tàn ác của
phát xít Tây Ban Nha của xứ ông. Thêm nữa, trong Chiến Tranh lạnh, nước Mỹ đã
khai phóng nghệ thuật trong khi Liên Xô kiềm chế nghệ thuật mọi bề, và kết quả
đã hiển nhiên: New York trở thành thủ đô của nghệ thuật, qui tụ nhân tài thế
giới. Nghệ thuật Mỹ trở thành trung tâm không phải vì nó chối bỏ ý thức xã hội,
nhưng ngược lại vì nó đề cao ý thức đó, vì nó phản đối sự thao túng của đồng
tiền trong một xã hội tiêu thụ, vật chất, sản xuất giây chuyền, bóp chết tự do.
Khác với Liên xô, nó dám nói lên ý thức đó. Cái văn minh của một xã hội là ở
chỗ nó dám tự vấn mình. Trong khi đó, bên Liên xô, những kẻ tiên phong về nghệ
thuật đương đại như nhóm Trừu Tượng, nhóm Cấu Trúc dần dần bị vùi dập, bắt vẽ
theo chỉ thị, rơi vào quên lãng. So sánh Tây Đức với Đông Đức cũng thế: Trong
khi Tây Đức đẻ sinh ra các nghệ sĩ tiên phong của trào lưu hậu hiện đại như
Baselitz, Beuys thì Đông Đức ảm đạm khi chạy theo đuôi của chủ nghĩa xã hội
hiện thực sô viết. Ta không cần nhắc đến Trung Quốc vì những gì giả dối, tàn
nhẫn trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa đã bị các văn nghệ sĩ Trung Quốc chân chính
bộc trần.
Nhưng tôi không đơn độc trong hành trình
này.
Ở trong nước, có nhiều họa sĩ mà tôi rất
ngưỡng mộ đã nói lên hiện thực ấy. Họ chính là những người dám tiên phong, đứng
mũi chịu sào. Trong số đó có một Trần
Lương, một Lê Quảng Hà, một Nguyễn Thái Tuấn. Một lần tôi hỏi Hà
thế Hà có thông điệp nào qua tranh vẽ? Thì Hà trả lời, không có thông điệp gì
hết mà chỉ có cảm xúc chân thật nhất. Nguyễn Thái Tuấn cũng thế, qua loạt Tranh
Đen, anh, không có ý đồ “làm chính trị” gì cả mà chỉ dùng các công cụ mỹ thuật
để phơi bày một cách sâu sắc nhất cái hiện thực ngoài đường phố. Quý vị chưa
biết họ thì nên vào trang mạng của họ hay google họ. Quả đúng thế, người nghệ sĩ
chân chính – dù vận động trong môi trường mỹ thuật, văn chương, âm nhạc, kịch,
múa, sắp đặt, điêu khắc, v.v… họ đều phải nói lên cảm xúc hay ý tưởng chân thật
nhất của mình. Vì thế họ thường hay gặp rắc rối với chính quyền. Nhưng ngược
lại, nếu tính các cuộc triển lãm hay số tranh trong viện bảo tàng tại nước
ngoài, họ lại được quốc tế rất nể trọng. Vì sao người dân Việt Nam lại không
được quyền thưởng thức tác phẩm của họ? Tại vì dân trí ta chưa cao ư? Nếu đúng
thì vì sao dân trí ta chưa cao sau hơn 30 năm đảng cầm quyền?
Tôi chỉ mong có ngày thật gần nước Việt Nam không còn an
ninh văn hóa, và trăm hoa thật sự đua nỡ để nghệ thuật Việt sánh vai cùng các
bậc đàn anh, không những ở các nước lân cận đang lên như Indo, Thái, Miến Điện
mà cả những nước châu Âu tiên tiến. Tôi tin nước ta đủ nhân tài để làm điều đó.
Vài họa phẩm :
Lê Quảng Hà – Sự Tiến Hóa Ngược (2006)
Nguyễn Thái Tuấn – Tranh Đen số 102
Trần Đán - Trận Cuồn Phong (2009)
Trần Đán – Nỗi Tủi Nhục (2009)
Trần Đán – Obasyphus (2009)
No comments:
Post a Comment