Ngọc Lan/Người Việt
Sunday,
March 24, 2013 5:20:27 PM
Họp mặt Du Ca 2013
WESTMINSTER
(NV) - Bao giờ cũng vậy, những đêm hát Du Ca không bao giờ vắng người xem và
luôn có rất đông người hát.
Ðêm
Họp Mặt Du Ca 2013 tổ chức tại hội trường nhật báo Người Việt vào tối Thứ Bảy,
23 Tháng Ba, cũng là một đêm đầy ắp tiếng hát, tiếng đàn, nụ cười của những
người từng hát Du Ca từ thuở phong trào mới ra đời, của những người từng nghe
Du Ca từ lúc mới chập chững bước đi đầu tiên, và cả của những người chỉ mới đắm
chìm trong không khí đẫm chất Du Ca từ khi sang tới vùng đất này.
Bao
giờ cũng vậy, những đêm hát Du Ca không bao giờ vắng người xem và luôn có rất
đông người hát. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
***
Du
Ca, theo cách hiểu xưa nay, là một đoàn thể hoạt động về văn hóa và văn nghệ
phục vụ cộng đồng, xuất hiện cùng lúc với phong trào làm công tác xã hội của
sinh viên, học sinh, do hai nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang và Ðinh Gia Lập thành lập
vào năm 1966 tại Miền Nam Việt Nam. Chính từ đặc điểm này mà những đêm Du Ca
không bao giờ rầm rộ diễn ra với ban nhạc, với trống kèn, với sân khấu lấp lánh
ánh đèn, mà Du Ca, nghĩa là chỉ có đàn guitar và tiếng hát. Hát một mình, hát
một nhóm, và hát cả một tập thể, một đám đông.
“Từ Nam Quan Cà
Mau/Từ non cao rừng sâu/Gặp nhau do non nước xây cầu...
Cùng đi xoay Hoành
Sơn/Cùng đi lay Trường Sơn/Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm...”
Những
lời ca, điệu nhạc như trong bài “Về Với Mẹ Cha” trên đây của dòng nhạc Du Ca ra
đời đúng lúc mọi người đang đòi hỏi một nền văn nghệ sống động, thức tỉnh và
mới lạ. Những tưởng đó chỉ là một phong trào ra đời trong một giai đoạn lịch sử
nhất định, nhưng Du Ca lại vượt không gian và thời gian, tồn tại đến nay, cũng
gần nửa thế kỷ.
“Từ ngày Du Ca lên
đường, đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Dân tộc Việt Nam đã trải qua một
chặng đường dài đầy gian khổ và thử thách. Du Ca vẫn theo vận nước nổi trôi.” Dược sĩ Hoàng Ngọc
Tuệ, cựu chủ tịch phong trào Du Ca, nói như tâm tình trong lời mở đầu cho đêm
Họp Mặt Du Ca 2013.
“Tối nay, khi cùng
nhau hợp lại để cùng hát những ca khúc cũ cũng như mới, tôi hy vọng chúng ta sẽ
tìm lại được sự ấm áp trong tâm hồn, tìm lại được niềm hy vọng một tương lai
tương sáng cho tổ quốc, cho dân tộc, tìm lại được sự hăng hái tâm hồn, trí óc
để lo toàn công việc mỗi ngày của chúng ta.”
Tiếng
hát của những Du Ca từ nhiều nơi tụ về vùng Little Saigon, lại cùng cất lên,
lúc sôi nổi hùng tráng, lúc diệu vợi, u hoài, lúc hừng hực khí thế hào sảng của
một thế hệ thanh niên đã qua.
Ðoàn
Ta Ra Ði, Ðường Việt Nam, Tiếng Chim Gọi Ðàn, Anh Sẽ Về, Viễn Du, Triệu Con
Tim, Ngày Ấy Ðất Nước Hồi Sinh, Im Lặng Là Ðồng Lõa, Ðoàn Người Hôm Nay, Tình
Hoài Hương, Về Với Mẹ Cha, Người Anh Du Ca, Lữ Hành... những bài Du Ca ngày nào
giờ lại được say sưa hát trong đêm.
Phía
trên sân khấu có người ôm đàn, có người đứng hát. Phía dưới hội trường có những
chiếc đầu lắc lư, có những cánh tay vung nhịp, có những tiếng hát tự động ngân
lên theo từng giai điệu. Du Ca là như thế. Dù rằng, trên đầu những ai từng trải
qua một thời Du Ca, đều ít nhiều lấm tấm những sợi tóc pha sương.
***
Bác
Sĩ Phạm Ðỗ Thiên Hương, thuộc “Hội Ca Cẩm Nam Cali,” chia sẻ trước giờ chương
trình bắt đầu, “Tôi rất thích Du Ca, vì
ngay từ khi còn bé tí đã được nghe loại nhạc này. Ý nghĩa những bài hát này quá
hay. Tuy nhiên, bình thường người ta không có hát, hằng ngày mình không có
nghe, thành ra khi có dịp được ôn lại, nghe lại, hát lại tôi rất thích.”
Cả
trăm người, ngồi quây quần bên nhau, và tiếp tục hát Du Ca, trong tiếng đàn
guitar thùng, bằng tất cả nhiệt tình và đam mê của một thời tuổi trẻ. (Hình:
Ngọc Lan/Người Việt)
Thêm
một điều nữa khiến chị Thiên Hương “luôn cảm thấy nô nức” chờ đợi những đêm Hát
Du Ca như thế này là vì “khi hát nhạc này là mình hát cùng với những người có
cùng tư tưởng, cùng suy nghĩ, cùng ý thích giống như mình thành ra mỗi lần hát
rất là vui”.
Người
nhỏ tuổi nhất có mặt trong Ðêm Họp Mặt Du Ca 2013 có lẽ là cô Trangđài Glassey-Trầnguyễn.
Cô không đến nghe Du Ca một mình, mà cùng đi với chồng, một người Thụy Sĩ, và
hai đứa con hãy còn rất nhỏ. Với người phụ nữ trẻ này, “phong trào Du Ca như
một huyền thoại”.
Cô
nêu suy nghĩ, “Tôi sinh hoạt trong cộng
đồng gần 20 năm rồi. Tôi sinh sau 1975 nên phong trào Du Ca đối với tôi như một
huyền thoại. Âm nhạc Du Ca đẹp và vượt thế hệ, vượt thời gian.”
“Tôi nghĩ những
người sanh sau 1975 như tôi bị thiệt thòi khi không được nghe, không được tận
hưởng những cái đẹp, cái mạnh mẽ của lòng yêu nước của phong trào Du Ca. Thế
nên tôi luôn nhìn về phong trào Du Ca như một biểu hiện của tình yêu quê hương,
tình yêu dân tộc.”
Cô nói thêm.
Ông
Thanh Nguyễn, cư dân Anaheim, trong lúc chờ châm thêm ly cà phê để tiếp tục hòa
vào không khí của Du Ca, nói với người viết mà ngỡ như đang nói với chính mình,
“Tôi biết Du Ca từ thời còn đi học, hôm
nay nghe quảng cáo có chương trình này nên đến tham dự để nhớ lại thời đi học,
nhớ bạn bè, nhớ lại tuổi trẻ, nhớ lại Việt Nam.”
Bác Sĩ Nguyễn Văn
Hưng, ở tuổi 70, nói một cách hóm hỉnh, “Tôi không có trong Du Ca nhưng bạn bè
Du Ca của tôi thì đông lắm. Thế nên tôi đến đây vừa gặp lại bao nhiêu là bạn bè
vừa nghe Du Ca để nhớ lại cả một thời tuổi trẻ.”
Biết
Du Ca từ lúc còn ở quê nhà nhưng tham gia hát Du Ca từ những năm 1980, khi còn
đang là sinh viên đại học Fullerton là ông Khiêm Hà, hiện đang sinh hoạt trong
liên đoàn hướng đạo Trường Sơn.
“Biết đến Du Ca từ
hồi ở Việt Nam nhưng tham gia hát Du Ca từ 1980, tại Mỹ, thích lắm. Hồi đó nhóm
Du Ca trên Fullerton chỉ có 7, 8 người thôi nhưng ca hát sinh hoạt mê lắm.” Ông Khiêm nói bằng
vẻ mặt yêu đời rạng rỡ.
Và
chính vì “mê lắm” như thế nên “giờ mỗi lần có chương trình như vậy thì không
thể nào vắng mặt được hết” vì, như như ông Khiêm thừa nhận, “lâu lâu mới có dịp
được ngồi nghe, ngồi hát lại những bài hát cộng đồng nên rất thích”.
Từ
sau 9 giờ đêm trở đi, hội trường nhật báo Người Việt không còn khoảng cách của
sân khấu và người biểu diễn nữa. Chỉ còn lại hơn cả trăm người, ngồi quây quần
bên nhau, và tiếp tục hát, trong tiếng đàn guitar thùng, bằng tất cả nhiệt tình
và đam mê của một thời tuổi trẻ, trở về trong thời khắc đêm nay.
––
Liên
lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment