Thursday, 21 March 2013

NẾU HỌ CỨ GIỮ HIẾN PHÁP NHƯ CŨ THÌ LÀM GÌ ? (Phạm Nhật Bình)




Phạm Nhật Bình
Cập nhật: 21/03/2013

1. Sóng nước dâng trào:

Bất kể kiểu hé cửa, rồi đóng, rồi lại mở của lãnh đạo đảng, sự chán, bực, và nóng của người dân quanh vụ sửa đổi hiến pháp đã vượt ngoài sức dự đoán của tất cả.

Bản kiến nghị của 72 nhân sĩ ra đời, xoáy thẳng vào những điểm cốt lõi như: điều 4 quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng CSVN; tệ trạng chính trị hóa các lực lượng vũ trang; nhu cầu công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, v.v.

Sự ra đời của trang blog Cùng Viết Hiến Pháp của các nhân sĩ như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn và Nguyễn Anh Tuấn. Đã có hẳn một bản Dự thảo hiến pháp hoàn toàn mới được viết ra với các hình thức tổ chức nền tảng chính trị tiên tiến của nhân loại.

Bản Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do xuất hiện ngay sau sự trừng phạt của nhà nước đối với nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, cũng xoáy vào điều 4; nhu cầu đa nguyên, đa đảng cho đất nước; tam quyền phân lập; phi chính trị hóa quân đội. Và khẳng định mỗi người Việt Nam, nếu muốn, đều có quyền tuyên bố các điểm trên.

Bản lên tiếng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với ba đề nghị cụ thể: Xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng nào; Tam quyền phân lập; Nhân dân kiểm soát việc thi hành pháp luật.

Bản lên tiếng của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ nhấn mạnh nhu cầu phải thay đổi tận gốc rễ mà đáng lẽ đã phải xảy ra từ lâu.

Lời kêu gọi của Khối 8406: Đấu tranh đòi Nhà cầm quyền cộng sản phải tổ chức tại Việt Nam một cuộc Trưng Cầu Dân Ý có quốc tế giám sát.

Cụ Lê Quang Liêm, đại diện Giáo Hội Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy bày tỏ lòng ủng hộ các quan điểm cần thay đổi hệ thống chính trị hiện tại một cách cơ bản.

Và rất nhiều các lên tiếng cá nhân khác
.
2. Lãnh đạo đảng co chân, sợ nước:

Rõ ràng giới lãnh đạo đảng CSVN đã kinh ngạc trước làn sóng phản ứng của quần chúng. Vì chỉ mới 3 tháng trước, họ còn lo ngại rằng dân chúng đã quá quen thuộc với các tuồng tích cũ nên sẽ không ai nhập cuộc vỗ tay cho vở kịch lần này, nên ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, còn được lệnh ra đứng quảng cáo tiếp thị: "Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp. Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả."

Họ đinh ninh rằng nếu có ai chạm đến điều 4 thì cũng chỉ xin thêm dấu phẩy chỗ này, bớt dấu chấm chỗ nọ, hay đòi gắn thêm vài câu ca ngợi vai trò của đảng mà thôi. Chẳng ai ngờ, các tiếng nói nặng ký và độc lập trong dân lại đồng lòng và đồng loạt đòi vất hẳn điều 4, dẹp toàn bộ chuyên chính vô sản, thì đất nước mới khá lên được.

Thế là trong trạng thái cuống cuồng, ngày 25/2/2013, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vội dùng diễn đàn buổi làm việc với tỉnh ủy Phú Thọ để tung ra đòn phép cổ điển, đó là lên án ngay các góp ý, bất kể lời mời của ông chủ tịch ủy ban soạn thảo hiến pháp chưa đầy 2 tháng trước đó. Ông Trọng cố nhấn da diết nhiều lần: "Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức… Đó là suy thoái chứ là gì nữa!..." Ông Trọng cũng khẳng định dùm cho toàn thể đảng viên và toàn dân luôn rằng chẳng ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; chẳng ai muốn đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập hay phi chính trị hóa quân đội cả.

Một lần nữa, ông Trọng và giới lãnh đạo thượng tầng ngạc nhiên khi đòn phép cổ điển này không đem lại các tác động cổ điển. Thay vì làm cho toàn đảng toàn dân rút vào hầm sợ hãi, bài diễn văn của ông Trọng lại đổ thêm cả chục lít xăng vào sự bực tức của người dân. Họ không còn thấy nhu cầu lý luận với ông Trọng nữa vì đã thấy rõ khả năng tiếp thu dữ kiện và lý lẽ của ông. Nhiều người thú nhận trên các diễn đàn Internet, đây là lần đầu tiên họ thực sự đồng ý với danh hiệu "lú" của ông tổng bí thư, mà trước đó họ cho là "bà con nói quá đáng".

Có lẽ vì vẫn tin vào cẩm nang cổ điển, 5 ngày sau, lãnh đạo đảng lại cho ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ chính trị và Chủ tịch Quốc hội, ra căn dặn đảng ủy Hà Nội và răn đe cả nước: "Phải nắm vững tình hình; đấu tranh, ngăn chặn tuyệt đối việc lợi dụng góp ý Dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền, vận động người dân vào các mục đích cá nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, Nhà nước". Ông còn cho biết sẽ đóng sổ góp ý sớm vào ngày 7/3/2013 tại Hà Nội, nơi có làn sóng góp ý sửa hiến pháp cao và dữ dội nhất.

Nhưng cũng như ông Trọng, lời hăm dọa của ông Hùng chỉ hất thêm vài chục lít xăng vào lửa. Ngọn lửa trong dân chúng nóng đến độ chỉ vài ngày sau, chính ông Nguyễn Sinh Hùng phải công bố quyết định gia hạn góp ý hiến pháp trên toàn quốc, kể cả Hà Nội, đến cuối tháng 9/2013.

Tuy chứng kiến vài bước lùi tạm thời đó của lãnh đạo đảng, nhưng nhìn toàn bộ cách ứng xử của họ chẳng còn mấy ai trong dân chúng tin là những kiến nghị sẽ được cứu xét, chứ chưa nói gì đến áp dụng. Chính vì thế mà đã có những câu hỏi nổi lên giữa vòng những người tâm huyết với tương lai dân tộc:

Nếu giới lãnh đạo đảng cứ chờ cho đến hết thời gian góp ý rồi ném toàn bộ vào thùng rác và giữ tất cả các điểm cơ bản nêu trên trong bản hiến pháp mới như cũ, thì chúng ta làm gì? Có uổng công không?

Có lẽ để trả lời câu hỏi này, trước hết cần nhìn thử tác động của những gì vừa xảy ra trước khi bàn đến tương lai cần làm gì.

3. Cơn sóng thứ nhất đã làm được gì?

Ngay cả trong trường hợp không cần làm gì thêm nữa ngay tại điểm này, thì cơn sóng góp ý sửa đổi hiến pháp hiện nay đã đem lại rất nhiều hữu ích.

Chưa bao giờ người dân Việt được biết rõ ý nhau và đồng thuận cao về bản chất tệ hại của hệ thống chính trị hiện tại đến như vậy. Khi không có phương tiện để trưng cầu dân ý, con số hàng chục ngàn những chữ ký tán đồng Kiến Nghị 72 và Tuyên Bố Công Dân Tự Do đặt nền tảng hệ trọng để vô hiệu hóa mọi trò nham nhở sắp tới của nhà cầm quyền nhằm cố tạo hình ảnh dân chúng ủng hộ bản hiến pháp của họ, từ các trò ép dân ký giấy ủng hộ, đến các buổi hội thảo "trong luồng và trong chuồng" của các hội đoàn dân sự do Mặt Trận Tổ Quốc quản lý. Chỉ cần nhìn các đòn phép công phu trong mấy tuần qua để cố làm sứt mẻ uy tín của số chữ ký ủng hộ 2 văn kiện nêu trên, cũng đủ thấy lãnh đạo đảng e ngại hiện tượng này tới mức nào.

Cơn sóng góp ý hiện nay cũng thu hút giới trí thức trở lại với các vấn nạn của đất nước ở mức chưa từng thấy. Đặc biệt trong giới sinh viên, nhiều bài vở xuất hiện trên mạng cho thấy các anh chị em này không còn chấp nhận những lý lẽ xảo trá và dữ kiện một chiều mà lãnh đạo đảng tuông ra qua miệng thày cô. Những người ở vai thày cô cũng bắt đầu nghe văng vẳng tiếng lương tâm sau nhiều năm tiếp tay đầu độc học sinh của mình một cách đương nhiên.

Và cũng quan trọng không kém, cơn sóng góp ý đã làm trơ ra nhiều sự thật. Sự thật thứ nhất là sự lạc hậu và tham lam của giới lãnh tụ ở chót đỉnh dù biết mình không có khả năng – ngay cả khả năng suy luận chứ chưa nói gì đến khả năng điều hành. Họ không chống đỡ được bất kỳ lý lẽ nào do giới trí thức yêu nước đặt ra qua Kiến Nghị 72, và chỉ biết quay về đường cũ quen thuộc là vung lên vũ khí hăm dọa.

Sự thật thứ hai là tình trạng thê thảm của các bộ óc đảng. Với đầy những hàm tướng, tá và danh hiệu tiến sĩ, giáo sư, họ được đảng trông cậy đẩy ra bảo vệ đảng về mặt lý luận trong mắt quần chúng. Nhưng càng đọc, người ta chỉ càng thấy đây là một bọn "chây mặt ra để kiếm ăn". Các bài viết, bài nói của họ chỉ bao gồm loại lý luận quơ quào tại chỗ, vội vã nói lấy được. Nên càng nói họ càng cứ chân lãnh đạo đảng mà bắn, cứ tát thẳng tay vào các quan điểm tuyên truyền “chính thống” xưa nay của đảng. Hãy xem qua vài thí dụ:

- Khi thiếu tướng công an Nguyễn Xuân Mười viết: “Hiến pháp và pháp luật nước ta chính là sự thể chế hóa cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng", ông vạch ra và nhắc nhở mọi người phải nhớ rằng lãnh đạo đảng gian xảo khi tuyên bố đảng hoạt động bên dưới hiến pháp và pháp luật. Rõ ràng ý định của lãnh đạo đảng có trước rồi hiến pháp và luật pháp chỉ được soạn cho đúng nhu cầu thi hành ý định của đảng mà thôi.

- Khi tiến sĩ Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội phán: “Kinh nghiệm trước đây của nhiều nước trong hệ thống XHCN cũng đã mắc sai lầm khi phi chính trị hoá quân đội, công an dẫn đến không có lực lượng bảo vệ Cách mạng, bảo vệ Đảng trong những tình huống lâm nguy", người nghe không hiểu ông nhất định không đọc tin tức hay cố tình nói dối. Vì chưa hề có đảng cộng sản tại nước XHCN nào phi chính trị hóa quân đội. Tất cả các chế độ XHCN đã xụp đổ đều có đầy đủ quân đội trong tay. Có nơi quân đội còn do 2, 3 phe lãnh đạo cộng sản khác nhau nắm và đánh lẫn nhau như tại Bulgaria, Liên Xô,... Và vì thế ông Ngũ càng nhắc người nghe phải lấy quân đội ra khỏi tay các thế lực chính trị nội địa. Quân đội chỉ lo việc bảo vệ đất nước chống ngoại xâm.

- Khi Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, chuyên viên Viện Chiến lược quốc phòng Việt Nam, bảo: "Nếu phi chính trị hóa, quân đội sẽ thành đội quân robot vũ lực, đội quân đánh thuê", người nghe chỉ bật lên thắc mắc: thế đội quân bị đảng ra lệnh đứng yên nhìn quân Trung Quốc sát hại đồng bào mình, làm nhục quốc gia mình liên tục là loại quân đội gì? Và loại tướng sẵn sàng đi nói điều ngang ngược để kiếm ăn như ông thì có gọi là đội quân đánh thuê, nói thuê không?

- Khi ông Bùi Phan Kỳ nói tiếp rằng: "Lực lượng vũ trang ngày nay không chỉ còn nhiệm vụ trên mặt trận như thời chiến", ông chẳng cần che đậy gì nữa về ý đồ của lãnh đạo đảng, đó là nhiệm vụ của quân đội phải bắn dân cho đảng khi cần thiết.

- Khi hầu như bài nào cũng khẳng định không thể đưa các khái niệm tổ chức chính phủ của các nước khác, của thế giới ngày nay vào hiến pháp Việt Nam, các tác giả chỉ ép người đọc phải phì cười vì Hiến Pháp 1992 là bản dịch gần như nguyên văn bản Hiếp Pháp của Liên Xô thời đó.

- Và khi bài viết nào cũng khẳng định quân đội phải trung thành với Đảng, người đọc, dù là dân hay bộ đội, đều bị nhắc phải hỏi lại: thế đảng có trung thành với quân đội không? Tại sao lãnh đạo đảng bỏ mặc các chiến sĩ Trường Sa cho Trung Quốc bắn năm 1988? Tại sao cả bia mộ của các liệt sĩ trong trận chiến 1979 cũng bị đập phá chỉ vì sợ mất lòng Trung Quốc? Tại sao hàng chục ngàn liệt sĩ chống Trung Quốc theo lệnh đảng nay bị xóa khỏi lịch sử Việt Nam?

Quả thật, nếu không có cơn sóng hiện nay, dân tộc sẽ không thể thấy cả bức tranh về lãnh đạo đảng, guồng máy đảng rõ như vậy.

4. Dân tộc rất cần cơn sóng thứ nhì:

Nhưng rõ ràng tới đó vẫn chưa đủ. Dân tộc Việt Nam vẫn cần một bản hiến pháp đúng nghĩa bất kể những người cầm quyền độc tài hiện tại có đồng ý hay không. Tất cả các góp ý, các bản dự thảo độc lập của mọi thành phần dân tộc cần được giới trí thức Việt Nam tổng hợp và khai triển thêm để trở thành một bản Hiếp Pháp Tương Lai Của Dân Tộc (Hiếp Pháp Dân Tộc).

Tại sao chúng ta cần bản Hiến Pháp Dân Tộc này?

Trong những năm tháng trước mặt, bản Hiến Pháp Dân Tộc sẽ là tấm gương phản chiếu liên tục mức độ lạc hậu và vô ích của bản Hiến Pháp Đảng. Khi mỗi vụ việc lớn (tương tự như Bô-xít, Vinashin,...) xảy ra, khi những tệ nạn lớn (như tham nhũng, cướp đất, công an giết dân,...) lan tràn, người dân có thể thấy nếu đất nước có được loại chính phủ như trong Hiến Pháp Dân Tộc, các sự việc đó đã rất khó hoặc không xảy ra, và nếu có xảy ra thì chính phủ có thể giải quyết hữu hiệu.

Bản Hiến Pháp Dân Tộc sẽ là một nguồn lực tinh thần, một liều thuốc bổ rất lớn cho dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Khi ước mơ về cùng một tương lai, hoạt động cho cùng một mục tiêu trong văn bản này, mọi thành phần dân tộc sẽ đứng gần nhau hơn, thôi thúc nhau đi nhanh tới lằn mức dân chủ, để Việt Nam chóng có ngày cất cánh cùng nhân loại.

Bản Hiến Pháp Dân Tộc là cơ hội phục hồi và nối kết giới trí thức Việt Nam. Đây là những sĩ phu của đất Việt, những con người lại đảm đương vai trò truyền thống, dẫn đầu dân tộc đi qua các giai đoạn lịch sử đen tối.
Và sau hết, kinh nghiệm tại nhiều nước vừa thoát khỏi độc tài gần đây cho thấy, nhiều dân tộc lấy làm tiếc đã không biết chuẩn bị trước nền tảng hiến pháp mới ngay trong giai đoạn tháo gỡ độc tài vì đây là việc đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu và xây dựng sự đồng thuận. Hệ quả của việc chờ đến ngày đổi đời mới ngồi xuống suy nghĩ về hiến pháp dẫn đến sự phí phạm thời gian quí báu để ổn định ngay tình hình, để ngăn chận các thế lực độc tài mới xuất hiện, để có thể dồn sức lực vào việc băng bó các vết thương xã hội, và bắt tay ngay vào việc phát triển đất nước. Dân tộc chúng ta hiện có cơ may chứng kiến các kinh nghiệm đổi đời ở nhiều nước. Chúng ta cần cùng nhau áp dụng những bài học "miễn phí" quí giá này.

Vì vậy, để trả lời câu hỏi “Nếu họ cứ giữ hiến pháp như cũ thì làm gì?", có lẽ đã đến lúc dân tộc chúng ta không cần đi sau, hay trông mong gì vào thiện chí đổi thay của giới lãnh đạo đảng CSVN nữa. Đã đến lúc khối trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là 72 ngọn đuốc soi đường đầu tiên, cùng đồng lòng suy nghĩ, bàn thảo về một bản Hiến pháp hoàn toàn mới, với chi tiết cụ thể cho một đất nước Việt Nam tự do và dân chủ.

Mối đoàn kết dân tộc cần được xây dựng từ bây giờ qua việc cùng soạn thảo Hiến Pháp Tương Lai Của Dân Tộc Việt Nam.




No comments:

Post a Comment

View My Stats