Trọng Nghĩa - RFI
Chủ nhật 24 Tháng Ba 2013
Nếu có một sự kiện quốc tế mà chính quyền Bắc Kinh không tài nào ngăn cản được, thì đó là việc Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét đơn của Philippines khiếu nại Trung Quốc về các yêu sách chủ quyền quá đáng tại vùng Biển Đông.
Sau khi Manila chính thức nộp đơn kiện, và bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, tiến trình thành lập ủy ban trọng tài Liên Hiệp Quốc để cứu xét vấn đề này đã bắt đầu chuyển động, với bước gần đây nhất là việc chỉ định một thẩm phán đại diện cho bên bị đơn là Trung Quốc.
Theo trang mạng Rappler.com của Philippines, một quan chức cao cấp trong chính quyền
Manila đã tiết lộ vào hôm nay, 24/03/2013, là thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak vừa được đề cử đại diện cho Trung
Quốc trong tiến trình tài phán về tranh chấp lãnh thổ ở vùng Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Chánh án Toà án Quốc tế về Luật Biển ITLOS, ông Shunji Yanai người Nhật Bản, đã quyết định chọn ông Pawlak trong tuần, sau khi Trung Quốc đã không đề nghị người đại diện cho họ trong thời hạn 60 ngày do Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS quy định.
Theo UNCLOS, các bên trong một vụ khiếu nại có 60 ngày kể từ lúc đơn kiện được đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, để chọn người đại diện cho mình trong ủy ban
trọng tài. Bên nguyên đơn là Philippines đã chính thức khởi động thủ tục hôm 22/01/2013 vừa qua,
và đã chọn ngay thẩm phán người Đức Rudy Wolfrum để đại diện cho mình. Phía Trung Quốc thì đã chính thức bác bỏ vụ kiện, do đó đã từ chối tìm người đại diện cho họ.
Vấn đề là theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thủ tục trọng tài vẫn được tiến hành bất chấp phản đối của bên bị đơn, do đó Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã tiến hành chỉ định thẩm phán đại diện cho bên Trung Quốc. Trong vòng 30 ngày tới đây, chánh án Yanai sẽ phải cử thêm 3 thành viên còn lại trong ủy ban trọng tài, và kể từ lúc đó thủ tục tài phán sẽ có thể bắt đầu.
Sinh năm 1933, thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak
về công tác tại ITLOS từ năm 2005. Ông là tác giả nhiều quyển sách và bài viết về luật quốc tế và về bang
giao quốc tế, trong đó có những công trình về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Nhật Bản và Trung Quốc. Trong lãnh vực luật biển, thẩm phán Pawlak là tác giả của hai bài viết : « Thẩm quyền của Toà án quốc tế về Luật Biển » (bằng tiếng Ba Lan, với bản tóm tắt tiếng Anh), công bố năm 2009, và « Những suy nghĩ về các nhân tố ảnh hưởng đến việc phân định ranh giới trên biển », viết năm 2011.
No comments:
Post a Comment