BBC
Cập nhật: 16:38 GMT - thứ ba, 19 tháng 3, 2013
Cây bút Chris
Horton ngày 19/3 đã có bài viết nói về ảnh hưởng của sự mở rộng quan hệ giữa
Miến Điện với Phương Tây đối với Trung Quốc.
Bài viết được
đăng trên trang Thealantic.com, với tựa đề "Điều Trung Quốc không lường
trước" (China didn't see this coming).
BBC Vietnamese
xin được giới thiệu với bạn đọc những ý chính của bài này.
'Đồng minh thân cận'
Bài viết mở đầu
bằng việc nhìn lại mối quan hệ Miến Điện - Trung Quốc.
Chỉ trong thời
điểm từ 2010 đến 2011, đầu tư từ Trung Quốc vào Miến Điện đã vượt mức 12 tỷ
đôla, gấp 8 lần tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này trong thời điểm từ
1988 tới 2009, theo thống kê của báo JETRO của Nhật.
Phần lớn số tiền
đầu tư này tập trung vào năng lượng và khai thác khoáng sản.
Những điểm chung
trong cách đàn áp người dân để bảo vệ giới cầm quyền, theo Chris Horton đã đẩy
hai nước lại với nhau gần hơn.
Đó là một mối
quan hệ giữa một Miến Điện - nước từng là điểm sáng kinh tế của Châu Á, nay bị
cấm vận bởi sự đàn áp bạo lực của quân đội với các cuộc biểu tình năm 1988 và
Trung Quốc - nước bị xa lánh bởi cuộc thảm sát Thiên An môn chỉ 1 năm sau đó.
Hội đồng Khôi
phục Trật tự và Luật pháp Liên bang của Miến Điện lúc đó đã cử phái đoàn đứng
đầu bởi Phó Chủ tịch Than Shwe sang Trung Quốc nhằm tìm kiếm viện trợ quân sự
và kinh tế từ nước này.
Trong suốt thập
niên 90, Trung Quốc cử kỹ sư sang Miến Điện để giúp xây dựng cảng dân sự và căn
cứ hải quân. Ngoài ra, nước này còn là ô dù cho Miến Điện ở Hội đồng Bảo an
Liên Hiệp quốc.
Đổi lại, Miến
Điện cung cấp cho Trung Quốc tài nguyên, năng lượng và đường ra Ấn Độ Dương
thông qua những dự án lớn.
Vào tháng 5 năm
2011, khi Hiệp ước hợp tác chiến lược được Chủ tịch Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào
ký với Tổng thống Miến Điện, ông U Thein Sein, người ta tưởng rằng quan hệ giữa
hai nước đã 'chắc như đá'.
Tiếng nói của người dân
Vào tháng Chín
năm 2011, Thein Sein làm Trung Quốc bất ngờ khi đình chỉ dự án đập Myitsone trị
giá 3,6 tỷ đôla của Trung Quốc. Điều này được nhiều người cho rằng sự phụ thuộc
của Miến Điện vào Trung Quốc đang có dấu hiệu rạn vỡ.
Thein Sein nói
lý do cho quyết định này, là vì ý muốn của người Miến Điện phải được tôn trọng.
Hay nói cách khác, người dân Miến Điện không phải chứng kiến cảnh tài nguyên
của nước mình bị đưa hết sang Trung Quốc nữa.
"Có một tâm
lý chống Trung Quốc ở Miến Điện bởi nhiều người cho rằng nước này quá gần với
Trung Quốc, và bản chất Trung Quốc thì quá hiển nhiên," David Steinberg,
một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Miến Điện nói.
"Trung Quốc
có hàng chục dự án đập thủy điện ở Miến Điện. Tuy nhiên với dự án Myitsone, 90%
điện sẽ được chuyển về Trung Quốc, và đó là vấn đề."
Cũng từ khi kiểm
duyệt báo chí ở Miến Điện bị bãi bỏ tháng Tám năm 2011, truyền thông Miến Điện
đã tận dụng tối đa quyền tự do của mình nhằm nói lên tiếng nói của người dân.
Tất nhiên, sự
cải cách vẫn còn mong manh khi không phải ai trong chính phủ Miến Điện cũng có
cái nhìn tích cực về nó. Dự thảo của Bộ Thông tin gửi lên Quốc hội hồi đầu
tháng Ba đòi đảo ngược lại nhiều thay đổi gần đây là một ví dụ.
Mở đầu quan hệ với Mỹ
Tự do báo chí
đang cho thấy một nền dân chủ thực sự ở Miến Điện là hoàn toàn có thể.
Bãi bỏ kiểm
duyệt báo chí chỉ là một phần trong hàng loạt cải cách khác như việc trả tự do
cho lãnh đạo đảng đối lập bà Aung San Suu Kyi cũng như các tù chính trị khác và
việc phi tội phạm hóa các công đoàn.
Tất cả các điều
kiện đang dẫn đến một điều mà hàng thập kỷ qua không ai dám nghĩ tới: Sự tái
thiết lập quan hệ Mỹ - Miến Điện.
Chuyến thăm của
Ngoại trưởng Mỹ Clinton vào năm 2011 và Tổng thống Obama vào năm 2012 có lẽ
không chỉ khiến Trung Quốc phải bất ngờ.
"Chính phủ
Thein Sein cũng chưa bao giờ lường trước được đối thoại ở cấp độ này với
Mỹ," một quan chức cấp cao giấu tên tại Bộ Ngoại giao Miến Điện bình luận.
Người này cũng
cho rằng giới lãnh đạo Miến Điện đã rút kinh nghiệm từ Mùa xuân Ả rập và tiến
hành các cải cách để tránh phải đối mặt với một cuộc nổi dậy tương tự.
"Họ muốn an
toàn, nhất là Than Shwe", ông này nói.
"Thein Sein
là người đã cứu mạng Than Shwe và luôn là một trong những người được ông này
tin cậy. Các lãnh đạo quân đội muốn một chiến lược rút lui tốt, nếu không muốn
bị lãnh hậu quả khi cải cách chính trị thức sự xảy ra."
Quan ngại của Trung Quốc
Tất cả các phát ngôn chính thức của Trung
Quốc đều ủng hộ sự cải cách tại Miến Điện, tuy nhiên có một điều ai cũng biết
là Bắc Kinh lo lắng về các dự án đầu tư của mình sẽ bị tinh thần người Miến
Điện làm ảnh hưởng.
Dự án khai thác mỏ Wanbao - dự án hợp tác
giữa hai tập đoàn Nhà nước khổng lồ, Norinco của Trung Quốc và Tập đoàn Kinh tế
Miến Điện là một ví dụ.
Ngay sau tuyên
bố của Norinco nói dự án sẽ giúp "tăng cường nguồn dự trữ đồng ở nước
chúng ta, cũng cũng như tăng cường ảnh hưởng của chúng ta lên Miến Điện,"
3 tháng sau, dự án này đã gây sự nên sự giận dữ đối với người Miến Điện vì
nhiều lý do:
Ép buộc giải
tỏa, phá hoại đến chùa cổ, ô nhiễm nguồn nước và tâm lý bất mãn trước tài
nguyên Miến Điện bị Trung Quốc lấy đi.
Nhiều cuộc biểu tình
đã bùng nổ từ tháng Sáu năm ngoái khi các nhà sư, nông dân và những nhà hoạt
động bảo vệ môi trường cùng diễu hành yêu cầu hủy bỏ dự án hàng tỷ đôla này.
Miến Điện đã
luôn trấn an Bắc Kinh rằng đầu tư của nước này là an toàn, tuy nhiên Trung Quốc
vẫn giữ thái độ thận trọng.
Lá bài dân tộc thiểu số
Xung đột giữa
các dân tộc thiểu số cũng là một điều có thể gây phức tạp thêm cho mối quan hệ
giữa hai nước.
Hậu quả từ xung
đột của của Quân đội Độc lập Kachin (KIA), Tổ chức Độc lập Kachin (KIO) và quân
đội Miến Điện đang lan dần đến Trung Quốc. 90 nghìn dân di cư hay bốn quả tên
lửa rơi trung lãnh thổ Trung Quốc ở khu vực biên giới hồi tháng 12 là một ví
dụ.
Với hơn 1 triệu
người Kachin sống ở phía Miến Điện của biên giới, và 130 nghìn người Jinpo
(người Kachin sống ở gần Ruili), đây chỉ là một trong số những nhóm dân tộc
thiểu số có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Giới chức trách
ở Côn Minh ( thành phố chính tỉnh Vân Nam) và ở Bắc Kinh đã tỏ ý kiến muốn ủng
hộ chiến lược với các nhóm phiến quân phía Bắc Miến Điện, vốn có quan hệ với
Trung Quốc.
Hồi tháng Một,
Trung Quốc bác bỏ báo cáo của Jane's Intelligence Review rằng nước này đã cung
cấp hai xe chống tăng cho Quân đội bang Wa thống nhất.
Dù điều này có
thật hay không, thì nỗi ám ảnh về một biên giới ổn định sẽ sớm đẩy Trung Quốc
lún quá sâu vào phía Bắc Miến Điện.
Mỹ: Cơ hội và rủi ro
Quan hệ gần gũi
với Miến Điện giúp Washington có một cơ hội vàng để đạt các mục tiêu kinh tế và
chiến lược ở Châu Á.
Tuy nhiên, nước
này cũng cần phải cẩn thận không làm gia tăng quan ngại của Bắc Kinh rằng
Washington đang thực hiện chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc mà kết quả là
sự thay đổi chế độ như Chiến Tranh lạnh đã làm đối với Liên Xô.
"Trung Quốc
coi Đông Nam Á là sân sau của mình, và họ muốn duy trì tầm ảnh hưởng lớn,"
ông Steinberg nói.
"Họ sẽ cảm
thấy lo ngại nếu Miến Điện tiến quá gần về phía Mỹ. Tôi nghĩ họ sợ rằng đây sẽ
là chiến lược ngăn chặn Trung Quốc lần hai của Mỹ."
Tuy nhiên ông
này cũng cho rằng Miến Điện sẽ muốn đi theo một con đường cân bằng giữa
Washington và Bắc Kinh.
"Họ không
muốn trở thành nước lệ thuộc vào Mỹ cũng giống như họ không muốn lệ thuộc vào
Trung Quốc."
Một cựu quan
chức ngoại giao Miến Điện cho rằng, dù sự đổ vỡ hoàn toàn quan hệ Miến Điện -
Trung Quốc là khó có, sự quay lại của mối quan hệ 'anh em' ngày xưa là không
thể.
"Miến Điện
sẽ cố giữ cho Trung Quốc hài lòng, trong lúc mở cửa để phương Tây hiện diện
nhiều hơn," ông nói.
"Về mặt
kinh tế, Trung Quốc không mất nhiều từ vụ Myitsone. Tuy nhiên nước này đã mất
rất nhiều, cả về chính trị và chiến lược."
"Trung Quốc
hoàn toàn không thấy trước được điều này."
No comments:
Post a Comment