Monday, 4 March 2013

MIẾN ĐIỆN ĐÃ CÓ DÂN CHỦ HAY CHƯA ? (Hồng Nga - BBC)




Hồng Nga
BBCVietnamese.com, Rangoon, Miến Điện
Cập nhật: 16:05 GMT - chủ nhật, 3 tháng 3, 2013

Tối thứ Tư, tại quán rượu có cái tên không lấy gì làm đặc sắc là Sport Bar, khách ngồi chật cứng.
Đám đàn ông, dáng chừng là doanh nghiệp địa phương, sôi nổi bàn tán chuyện làm ăn. Một nhóm người nước ngoài ngồi ngay tại quầy, chăm chú theo dõi trận bóng đá trên truyền hình vệ tinh.
Khung cảnh bình thường như tại bất cứ thành phố lớn nào ở Đông Nam Á.
Thế nhưng đây là ở trung tâm Rangoon (Yangon), Miến Điện.

Chỉ chừng hai năm trước thôi, không ai có thể hình dung ra cảnh tượng kể trên ở một quốc gia vốn nằm trong tình trạng cô lập dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân phiệt suốt gần năm thập niên.
Những thay đổi đang xảy ra ở đất nước Miến Điện ngày nay chỉ có thể được mô tả bằng hai từ: Chóng mặt.

5 năm trước, tôi đã tới Miến Điện ngay sau khi bão Nargis đổ bộ bất ngờ. Thiên tai tồi tệ nhất trong lịch sử nước này làm hàng trăm nghìn người chết và tàn phá cả một khu vực rộng lớn từ Rangoon xuống tới đồng bằng Irrawaddy.

5 năm trước, người Miến Điện sống trong kìm kẹp và sợ hãi. Báo chí bị cấm đoán, truyền thông nước ngoài gần như không thể vào trong nước cho dù nhu cầu cứu trợ nhân đạo vô cùng cấp bách.
Con đường từ thành phố Rangoon xuống miền Nam đi qua các xóm làng tan hoang, ruộng vườn tiêu điều nhưng lại nhiều chốt gác của quân đội.
Gần một tuần ở Miến Điện năm 2008 là quá đủ để thấm thía cảm giác ngột ngạt của chế độ độc tài thuộc loại hà khắc nhất lúc bấy giờ.

Miến Điện của đầu năm 2013 là một thế giới hoàn toàn khác.


Hàng xóm của The Lady
Tại Rangoon tôi tạm trú trên Đại lộ Trường Đại học (University Avenue), cách nhà riêng của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi vài bước chân.
Bà Suu Kyi, người được cả dân địa phương và ngoại quốc gọi là The Lady (Quý bà) một cách đầy kính trọng, được trả tự do khỏi lệnh quản chế tại gia năm 2010 và cách đây đúng một năm đã giành ghế trong Quốc hội Miến Điện.
Những năm trước, quanh nhà bà luôn luôn có an ninh túc trực, không thể tiếp cận một cách bình thường. Còn nhớ một người Mỹ tên là John Yettaw hồi năm 2009 đã bơi qua hồ Inya mà thực dân Anh cho đào hơn một thế kỷ trước để vào nhà bà Suu Kyi, rồi bị bắt.
Bây giờ quanh nhà không có ai canh gác cả. Thỉnh thoảng lại một chiếc xe bus đỗ xịch trước cổng nhà, các du khách nước ngoài quần short áo thun rút máy ảnh đứng tạo dáng chụp hình trước cổng.

Bên cạnh Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, Miến Điện nay có trên 50 chính đảng. Khoảng 35 trong số đó được cho là các đảng độc lập, tham gia tích cực trên chính trường.

Myin Than, một nhà báo người Miến Điện, nói: Miến Điện thực sự đã có đa đảng, nhiều người dân chúng tôi cho rằng bước đầu đã có dân chủ”.
“Người dân nay có thể phát biểu chính kiến của mình một cách công khai và không sợ sệt. Họ muốn đóng góp vào tiến trình dân chủ ở trong nước.”

Gần hai năm trước, cựu tướng Thein Sein nhậm chức tổng thống Miến Điện.
Ông Thein Sein được cho là nhân vật có tư tưởng cải cách, đã đưa vào nhiều thay đổi đáng kể, trong đó nổi bật nhất có việc trả tự do cho hàng trăm tù chính trị, bỏ luật cấm tụ tập, bắt tay hợp tác với bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà, cũng như cởi trói cho báo chí.
Kể từ tháng Tám năm ngoái, Miến Điện đã bãi bỏ việc kiểm duyệt báo chí, và bắt đầu từ tháng Tư này, tư nhân có thể xuất bản nhật báo.
Tổng thống Thein Sein cũng là người thúc đẩy quan hệ với nước ngoài và sang năm 2014, lần đầu tiên Miến Điện sẽ lãnh vị trí Chủ tịch hiệp hội Asean.
“Ông Thein Sein tỏ ra là trung thành với cam kết cải cách chính trị của ông ấy,” nhà báo Myin Than nhận xét.


Thách thức lớn
Tuy nhiên, mọi việc còn phụ thuộc vào quân đội, mà đa số phân tích gia coi là quyền lực lớn nhất đứng đằng sau các quyết định của chính phủ.
Theo Hiến pháp Miến Điện, phe quân sự nghiễm nhiên được dành cho 25% số ghế trong Quốc hội.
Bản thân Tổng thống Thein Sein cũng là tướng lĩnh trước khi rời quân đội để lãnh đạo đảng Liên minh vì đoàn kết và phát triển (USDP) trước cuộc tổng tuyển cử năm 2010.
“Hiện tại tiến trình cải cách dân chủ ở Miến Điện đang có sự ủng hộ của phe quân sự,” Ko Ko Aung, phóng viên BBC ở Rangoon nhận định.
“Nhưng khi họ không ủng hộ nữa, thì không biết tình hình sẽ ra sao.”

Rõ ràng là có một sự thận trọng nhất định trong dư luận trước những thay đổi như vũ bão ở bên trong Miến Điện.
Để chứng tỏ là thực sự muốn thay đổi, chính phủ của ông Thein Sein sẽ phải giải được nhiều bài toán khó, nhất là cải thiện nền kinh tế và thúc đẩy nhân quyền.
Mâu thuẫn giữa các sắc dân Phật giáo và Hồi giáo, đặc biệt là vấn đề người Rohingya, mà chính phủ ở Nay Pi Taw không công nhận là người Miến Điện, là thách thức lớn nhất về nhân quyền hiện nay.
Về kinh tế, tháng 11 năm ngoái, Miến Điện đã thông qua luật đầu tư nước ngoài mới, với hy vọng thu hút thêm nguồn tài chính để phát triển đất nước.
Nhưng tới lúc này, các nhà đầu tư vẫn còn đang chờ các văn bản dưới luật, và đang có kêu gọi chính phủ phải nỗ lực hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh ở bên trong đất nước.


Tự hào dân tộc
Kinh tế Miến Điện dưới thời thực dân Anh thuộc loại nhất nhì Đông Nam Á. Nước này cũng từng là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
50 năm cô lập về kinh tế và chính trị đã đẩy Miến Điện vào cảnh khốn cùng, với mức sống của người dân bị cho là còn dưới những nước thuộc loại chậm tiến nhất trong khu vực như Lào hay Campuchia.
Ra khỏi thành phố Rangoon với các nhà hàng, siêu thị giống như ở các nước châu Á khác, nông thôn Miến Điện vẫn chìm sâu trong cảnh bần hàn, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém.

“Lòng tự hào dân tộc, sự phẫn nộ trước việc đất nước tụt lùi so với các láng giềng là một trong các yếu tố dẫn đến thay đổi ở Miến Điện,” một nhà ngoại giao phương Tây cao cấp ở Rangoon nói với tôi.
Ông cũng cho rằng một yếu tố quan trọng nữa là sự bất an trước ảnh hưởng ngày càng tăng về mọi mặt của Trung Quốc.
Người Trung Quốc đã có mặt ở hầu hết mọi nơi trong đất nước Miến Điện. Ở cố đô Mandalay, thành phố lớn thứ hai đất nước, ước tính 1/3 dân số là người Trung Quốc.
Quan hệ Miến Điện-Trung Quốc lâu nay được ví như một cuộc hôn nhân không có tình yêu, mà chỉ gắn bó với nhau vì quyền lợi của hai chính phủ.
Cho tới trước khi có các động thái cải cách được phương Tây khen ngợi và dẫn đến gỡ bỏ một số chế tài, Trung Quốc vẫn là nước đồng minh chính của chính quyền Miến Điện.
“Thế nhưng, người Miến Điện, kể cả các lãnh đạo và tướng lĩnh, đều hiểu rằng nếu không thay đổi thì tài nguyên của nước họ sẽ rơi hết vào tay người Trung Quốc,” nhà ngoại giao Tây phương nói trên cho hay.
Chính điều này đã dẫn đến việc Tổng thống Thein Sein quyết định đình chỉ dự án thủy điện Myitsone nhiều tỷ đôla hồi năm 2011.
Đúng lúc này, ông Thein Sein đang có chuyến công du châu Âu lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền, động tác xích lại gần hơn với phương Tây.

Con đường cải cách ở Miến Điện mới chỉ bắt đầu, và còn nhiều chông gai phía trước.
Chỉ có thời gian mới có thể trả lời câu hỏi liệu lãnh đạo đất nước này có thực lòng theo đuổi con đường cải cách hay không.
Thế nhưng quyết tâm chính trị bắt nguồn từ lợi ích quốc gia dường như đã mang lại cho đất nước Chùa Vàng những tín hiệu ban đầu tốt đẹp.

-----------------------------------

Con đường tới Irrawaddy (phần 1)  -  Hồng Nga   1/8/2008
Con đường tới Irrawaddy (phần 2)  -  Hồng Nga   3/8/2008

No comments:

Post a Comment

View My Stats