Posted on March 7, 2013
Quan khách và đại diện cộng đồng người Việt chuẩn bị mở khăn khai trương
bảng chỉ đường
Chiều Chủ Nhật 3-3 cả nghìn người Việt lại tụ họp về Unify Center trên đường Story Road. Lần này là để mừng thắng lợi cuối cùng của cuộc tranh đấu
kéo dài năm năm cho danh xưng
Little Saigon tại San Jose, thủ phủ của thung lũng điện tử mà nhiều người Việt còn gọi bằng một cái tên thân thương là “Thung lũng hoa vàng”.
Vài ngày trước đó, hôm thứ Năm 28-2 Nha Lộ vận Tiểu bang (California Department of
Transportation) đã cho dựng bảng chỉ đường
dẫn vào Little Saigon từ các hướng bắc nam của xa lộ 101.
Với những bảng chỉ đường vươn lên bên lề xa lộ, cuộc tranh đấu cho Little Saigon đã hoàn tất theo như ý nguyện của nhiều người Việt trong vùng sau mấy năm tranh đấu, vận động với các dân cử và đầy sóng
gió nơi nghị trường thành
phố San Jose.
Năm năm về trước, sau khi thành phố quyết định không chọn tên Little Saigon theo như yêu cầu của đại đa số người Việt đã đến dự một phiên họp sôi nổi của hội đồng thành phố kéo dài đến quá nửa
đêm, thì ít ngày sau hơn một nghìn người Việt đã tụ họp về Unify
Center để phác thảo kế hoạch hành động. Hôm đó cả hội trường đồng thanh quyết định
sẽ tranh đấu bằng mọi phương cách để đạt mục tiêu là phải có khu phố mang tên Little Saigon cho San Jose.
Từ đầu
năm 2008, hàng tuần có xuống đường biểu tình mỗi thứ Ba trước toà thị chính, lúc đông với dăm nghìn người. Cùng lúc đã có kiến nghị gửi đến thành phố, có tuyệt thực, đã có bầu cử bãi nhiệm, có những vận động hành lang cho mục đích
nêu ra.
Cuộc tranh đấu cho tên Little Saigon của người Việt ở San Jose làm xôn xao dư luận trong
vùng và gây chú ý trên toàn nước Mỹ.
Hôm Chủ Nhật vừa qua là một liên hoan để chính thức khai trương
các bảng chỉ đường dẫn vào Little Saigon. Đến
chung vui với cộng đồng người Mỹ gốc Việt có nhiều đại diện dân cử các cấp.
Khi được hỏi cảm tưởng, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Mike Honda nói:
“Có ý kiến bất đồng là điều nói lên mọi thứ về đất nước
này. Cuối cùng
Little Saigon đã thắng. Lúc đầu thua, nhưng thua không phải
là điều dở ở
Hoa Kỳ nếu bạn tin tưởng vào đất nước
này. Với tôi đó là điều vui được quan sát những diễn biến đã xảy ra. Hôm nay chúng ta đến đây để chia
vui với thành quả đạt được, không phải để phân biệt ai đúng, ai sai. Thật là điều hãnh diện được thấy bảng chỉ Little Saigon trên xa lộ. Cộng đồng đã lên tiếng
và đó là điều tốt”.
Cuộc đấu
tranh cho danh xưng Little Saigon đã có sự phối hợp của nhiều tổ chức, hội đoàn trong vùng nhưng chủ lực là ông Nguyễn Ngọc Tiên,
Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Bắc California và Tiến sĩ Đỗ Hùng, Chủ tịch của Little Saigon Foundation.
Bảng chỉ đường vào Little Saigon đánh dấu sự thành công trong tranh đấu cho
danh xưng này
Hơn 30 năm qua, ông Đỗ Hùng được xem như một trí
thức có nhiều hiểu biết về chính trị dòng chính Hoa Kỳ và sinh hoạt của cộng đồng Việt. Hoạt động
từ những ngày còn là sinh viên, ông đã tham gia cũng như đứng ra tổ chức nhiều
cuộc biểu tình tranh đấu, có khi cho nhân quyền, tự do ở Việt
Nam, có khi để phản đối những người đã nhục mạ chế độ Việt Nam Cộng hoà hay người Việt tị nạn. Có thời gian ông đã giữ chức chủ tịch của Ban Đại diện Cộng đồng Việt Nam Bắc
California.
Trong cuộc tranh đấu cho Little Saigon ông Đỗ Hùng kiên trì, nhưng cương quyết. Có lúc ông
lo tổ chức biểu tình, khi phải ra điều
trần, khi đến gõ cửa đại diện dân trong thành phố cũng như ở cấp tiểu
bang, liên bang.
Sự hiện diện của nhiều đại diện dân cử các cấp từ liên bang, tiểu bang xuống
đến địa phương trong liên hoan mừng Little Saigon đã chứng tỏ sự phối hợp vận động thành công của ban tổ chức.
Ngoài Dân biểu Mike Honda còn có nữ dân biểu đồng viện Zoe
Lofgren; các dân biểu tiểu bang
Nora Campos và Paul Fong; Giám sát viên quận hạt và cũng là đồng trưởng ban tổ chức Dave Cortese; có thị trưởng
Milpitas Jose Esteves. Phía thành phố San Jose có các Nghị viên Kansen Chu, Ash
Kalra, Xavier Campos, Sam Liccardo; các ủy
viên giáo dục Vân Lê, Magdalena
Carrasco; cựu nghị viên Cindy Chavez, cựu chỉ huy trưởng cảnh sát Chris Moore.
Nhiều nhân sĩ và đại diện đoàn thể người Việt cũng đã có mặt như các cựu tướng lãnh Trần Văn Chơn và Nguyễn Khắc Bình, Bác sĩ Phạm Đức Vượng, Kỹ sư Đỗ
Thành Công, Luật sư Đỗ Văn Quang Minh, quý ông Nguyễn Mộng Hùng, Mai Khuyên, Thái Văn Hoà, Lý Tống…
Đặc biệt có sự tham dự của cựu dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn đến từ Nam California là nơi ông đã vận động để có danh xưng Little
Saigon đầu tiên trên đất Mỹ cách đây 30 năm.
Chương trình diễn ra trong không
khí tưng bừng. Vang vang trên loa những lời ca về một thành phố thân yêu qua bài “Sài Gòn” của Y Vân, qua điệp khúc “Xuân ca” của
Phạm Duy hoà với những hồi trống, những màn múa lân, hoạt cảnh để nhớ về Sài Gòn đã bị đổi tên.
Dân biểu Mike Honda và Chỉ huy phó Cảnh sát Phan Ngô
Đại úy
Phan Ngô, Chỉ huy phó cảnh sát San Jose, cho biết cảm nhận của ông về ngày hội như sau:
“Tôi rất hãnh diện nhìn thấy đông người của cộng đồng Việt
Nam đến dự lễ mừng sự thành công. Ủy ban Little Saigon Foundation đã bỏ nhiều mồ hôi, nước
mắt để cộng đồng hôm nay có được những
bảng chỉ đường vào Little
Saigon”.
Khi hỏi ông về quá trình tranh đấu có lâu quá
không cho một cái tên biểu trưng của cộng đồng, Đại úy Ngô nói: “Tôi nghĩ là quá lâu. Nhưng sự việc này rất là quan trọng đối với cộng
đồng Việt Nam, vì thế dù là 5 năm hay 10 năm, miễn sao mình đạt được thành công thì đó là điều quan
trọng nhất”.
Nhắc đến
lịch sử cộng đồng người Việt ở Mỹ, phim Green Dragon của đạo diễn Timothy Linh Bùi đã ghi lại biến cố di tản khỏi Việt Nam vào ngày 30-4-1975 với nhiều
người Việt được đưa đến các trại tị nạn, trong
đó có Camp Pendleton ở miền Nam California. Những
ngày tạm sống trong trại, nhiều người bàn luận với nhau về tương lai nơi đất mới. Một thanh niên có mơ ước sẽ xây dựng những Little Saigon trên đất Mỹ.
Đó cũng là mong ước của Dân biểu Trần Thái Văn, của Tiến sĩ Đỗ Hùng và nay đã thành hiện thực đối với người Việt ở
nhiều nơi trên nước Mỹ, từ Quận Cam lên San Jose, San Francisco; từ bang California lên Washington, qua Colorado, Texas, Georgia, Virginia.
Mấy năm
trước, Viện Văn hoá Nghệ thuật
Smithsonian ở Thủ đô Washington đã thực hiện cuộc triển
lãm lưu động mang tên “Exit Saigon, Enter Little Saigon” để giới thiệu những đóng góp của cộng đồng người Việt cho xã hội Hoa Kỳ kể từ năm 1975.
(ảnh trong bài của tác giả)
© 2013 Buivanphu
No comments:
Post a Comment