Friday 8 March 2013

KIẾN NGHỊ 72, TÍN HIỆU VUI & DẤU HIỆU BUỒN (Ba Sàm)




Nguồn : Ba Sàm- Blog BS
8-3-2013

DANH SÁCH NGƯỜI KÝ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992 (TỪ ĐỢT 1 ĐẾN ĐỢT 23) (BoxitVN). Đã có 8.959 người ký. Lại có một kỷ lục mới, hơn 1.000 chữ ký chỉ trong một ngày. Lần này, tại “quê hương cách mạng”, lại đã có ngót 800 chữ ký.

Như vậy là sau bức Thư của Hội đồng Giám mục VN, đại diện cho một tôn giáo có tới 7 triệu tín đồ trên cả nước, tiếp đến là Tuyên bố của Đức tăng thống Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất Thích Quảng Độ, người có ảnh hưởng rất lớn tới hàng triệu Phật tử không chấp nhận một giáo hội Phật giáo “quốc doanh”, những đòi hỏi phải có một bản Hiến pháp thực sự của dân đã trở nên hết sức mạnh mẽ. Đáng chú ý khi trong tuyên bố của mình, Đức tăng thống đã chính thức ủng hộ, đề cao hai văn kiện là bản Kiến nghị 72 do các nhân sĩ trí thức khởi xướng (được cả Tổng giáo mục Ngô Quang Kiệt ký tên) và Lời tuyên bố của các Công dân tự do dấy lên sau sự kiện Nguyễn Đắc Kiên.

Đó là cả một khối đoàn kết rộng rãi, nhiều thành phần khác nhau, được dẫn dắt bởi những nhân vật có ảnh hưởng lớn cả trong lẫn ngoài nước, lại nhắm trúng thời cơ, vừa phù hợp với pháp luật nhưng vẫn không trái với những thứ quy định “ngoài luật” của nhà cầm quyền, nhắm trực diện vào lô-cốt cố thủ cuối cùng của những thế lực bảo thủ muốn cố níu giữ quyền lực độc tôn, áp đặt lên trên quyền lợi của toàn dân và tương lai đất nước.

Nỗi sợ hãi trong hàng chục triệu người dân yếu hèn sẽ nhanh chóng bớt dần, đi liền đó sẽ tiếp tục có ngàn vạn chữ ký ủng hộ những tuyên bố, kiến nghị nêu trên. Ngược lại, nỗi sợ hãi trong một nhúm chính giới nắm quyền sinh sát lại dâng cao, được đo bằng hàng loạt những biện pháp đối phó lúng túng, vội vã, bộc lộ những sơ hở chết người.

Sơ hở rõ nhất là những lời “chỉ thị” của TBT Trọng tại Vĩnh Phúc mà sự vắng mặt dài ngày ngay sau đó của ông, rồi sắp tới sẽ cho chúng ta hiểu thêm. Lúng túng rõ nhất cũng liền đó là vụ kỷ luật vội vã Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.

Và mới đây nhất, một biểu hiện chưa biết nên liệt vào loại gì (có lẽ phải gọi là “hèn hạ”!?) khi trong phần điểm báo của VTV1 5h30’ sớm nay có nhắc tới một bài báo mới ra trên Đại đoàn kết, tờ báo mang tiếng là của tổ chức lớn nhất của người dân – Mặt trận Tổ quốc VN, nhưng lại thực hiện một cuộc “truy sát” những người dân ký tên vào bản Kiến nghị 72. Không còn phải che đậy, bài viết cho biết đã dùng “tư liệu thu thập được của cơ quan an ninh” để “điều tra độc lập” tới những nông dân ký tên trong bản Kiến nghị 72 rồi khẳng định là có những sự ngụy tạo mạo danh họ. Quá dễ để biết được rằng nếu như họ thực hiện cuộc gọi là “điều tra” đó, chắc chắn sẽ có rất nhiều người dân bị đặt vào vòng theo dõi, tra khảo, đe dọa của chính quyền, công an địa phương, buộc phải nói dối để yên thân. Thực hiện biện pháp hèn hạ này, tờ báo của Đinh Đức Lập có phải đang minh họa cho chính sách “dân chủ”, qua lời kêu gọi toàn dân góp ý vào sửa đổi Hiến pháp của đảng, nhà nước, không có “vùng cấm nào cả”, nhưng kỳ thực thì âm thầm đi theo sau đó là những chiếc còng số tám được các phóng viên tờ báo “của dân” này mang theo?

Ngay trước đó, ngày hôm qua, độc giả của trang Ba Sàm đã gửi tới những tài liệu đầu tiên được gọi là lấy ý kiến nhân dân tới tận hộ gia đình thông qua tổ dân phố. Liệu họ có sử dụng những biện pháp tinh vi để ép buộc người dân phải có ý kiến, không được “bỏ phiếu trắng”, mà phải ký xác nhận trên “giấy trắng mực đen”, để nếu như không theo ý chính quyền sẽ đồng nghĩa với vô vàn những phiền toái trong cuộc sống sau đó? Vội vã vung ra hàng trăm tỉ đồng cho một “sáng kiến” mà không cần có hướng dẫn, chuẩn bị chu đáo để đảm bảo nó là một phương pháp dân chủ, phải chăng Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang diễn một trò hề “trưng cầu dân ý” có một không hai trên thế giới?

Một dấu hiệu đối phó vội vã nữa là hàng loạt những hành động ngăn chặn người dân tiếp cận thông tin trên Internet. Như chúng ta đều biết, trong thời gian diễn ra cuộc “chỉnh đốn” có một không hai trong Hội nghị TW6, hàng loạt hệ thống blog như WordPress, Blogspot đã bị nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet VN chặn, cho tới sau hội nghị. Thế nhưng, cách đây 2 ngày, mạng VNPT (chưa rõ toàn bộ hay chỉ một số khu vực), vốn ít khi dựng tường lửa với khách hàng, thì nay đã chặn hệ thống Blogspot và cả ít nhất là địa chỉ boxitvn.net.

(Anh Ba Sàm)

=============================================


Sau khi bài này được đăng tải thì chính trang ABS đã bị hacker VC phá hoại đến giờ này còn chưa phục hồi được :

Trang điểm tin Ba Sàm bị phá (Cập nhật)

CTV Danlambao - Trang điểm tin Ba Sàm đã bị tin tặc tấn công và phá hoại vào sáng nay, 8/3/2013. Hiện đường link đến blog anhbasam bị khóa, người phụ trách trang này đã tạm chuyển sang sử dụng blog Việt Sử Ký để cập nhật tin tức và đưa bài vở.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng, đến lượt trang Việt Sử Ký dự phòng cũng bị tin tặc tấn công nốt.


Bản thông báo vào rạng sáng ngày 9/3/2013 trên facebook Ba Sàm:

THÔNG BÁO: Hiện chúng tôi không còn kiểm soát blog Việt Sử Ký, cũng như blog Ba Sàm. Xin thông báo cùng quý độc giả, đừng khai báo gì khi vào 2 blog này. Email: basamvietnam@gmail.com và blog Ba Sàm trên FB hiện chúng tôi vẫn còn kiểm soát. Sẽ thông tin cùng quý độc giả qua 2 kênh liên lạc này.
BTV & Admin blog Ba Sàm



Dưới đây là nội dung thông báo từ trang BaSam khi mới xảy ra vụ việc:

"Hồi 9h20′ sáng nay, 8/3/2013, tin tặc đã đánh phá trang Ba Sàm, độc giả không thể truy cập được. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục. Mong độc giả thông cảm. Kính nhờ các blogger và độc giả loan báo dùm. Xin cám ơn".

Lúc 12 giờ trưa nay, trên Facebook của Biên Tập Viên trang Ba Sam cũng có gửi đi thông báo: "Tất cả các email của BTV ở yahoo và gmail.com đều bị hack. Trong lúc giành giật để lấy lại thì và chúng đã đổi thông tin recover như số phone, alternate email address. Xin tất cả bạn bè đừng liên lạc với BTV qua email, hiện chỉ có thể liên lạc bằng số phone".

Đến 18 giờ, chiều ngày 8/3, đường link dẫn đến trang chủ vẫn bị khóa.

Anhbasam.wordpress.com là một trang điểm tin nổi tiếng tại Việt Nam, trang blog này từng nhiều lần bị tin tặc tấn công dưới nhiều cách thức khác nhau.






No comments:

Post a Comment

View My Stats