Hồ Đức Yên
27-3-2013
”Hội nghị sôi nổi trong suốt bốn
tiếng đồng hồ…. chỉ có hai ý kiến đồng ý Điều 4, chín ý kiến đề nghị bỏ Điều 4
…“
Hồ Đức Yên
(Tường thuật
góp ý Hiến pháp của CLB Truyền thống kháng chiến – Khối Thanh niên, TP HCM)
Ngày 6.3,
tại Bảo tàng cách mạng TP.HCM, Khối Thanh niên thuộc Câu lạc bộ Truyền thống
kháng chiến đã tổ chức góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Trong phần
chương trình, hội nghị đã nghe ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội giới thiệu tóm tắt Kiến
nghị 7 điểm của Nhóm 72 trí thức:
Quyền lập hiến
phải thuộc về toàn dân, không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào;
Lời nói đầu
không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào;
sửa Dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948 và các
công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia;
Sở hữu tư
nhân, tập thể, cộng đồng về đất đai cùng tồn tại với sở hữu nhà nước; các cơ
quan nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp và luật;
Thành lập
Tòa án Hiến pháp với chức năng phán quyết;
Lực lượng vũ
trang trung thành với Tổ quốc và nhân dân, không trung thành với bất kỳ tổ chức
nào (yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản
Việt Nam);
Phải có
trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến pháp;
Và cuối cùng
là gia hạn thời gian lấy ý kiến của nhân dân đến hết năm 2013.
Đường lối
của Đảng phải minh bạch
Nếu mở đầu
cho chương trình là bản góp ý của ông
Nguyễn Văn Thuyền, nguyên Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm CLB Kháng chiến
TP.HCM, (do tuổi cao không tham dự, được đọc lại tại hội nghị) với tinh thần
chủ yếu là sự cần thiết của điều 4 trong Hiến pháp, cùng câu hỏi gay gắt “ai
là kẻ mưu toan dẹp bỏ điều 4”, thì ngay sau đó là các ý kiến đầy tâm huyết
thể hiện xu hướng ngược lại.
Đặt vấn đề
nên hay không nên có điều 4, luật sư
Nguyễn Đăng Liêm, nguyên Hiệu trưởng Đại học Gia Định cho rằng: Hiến pháp
không thể tự định trước cái quyền Đảng Cộng sản “là lực lượng lãnh đạo Nhà
nước và xã hội” được. Hiến pháp “khẳng định ý chí của nhân dân” thì
trước hết Đảng phải được nhân dân trao quyền lãnh đạo. Nhưng vấn đề là nhân dân
có trao quyền đó hay không? Trong khí hoạt động của Đảng thời gian qua không
đảm bảo công khai, minh bạch; nhiều đường lối, chính sách và thực hiện chính
sách không của dân, vì dân đã dẫn đến sai lầm, yếu kém, tiêu cực và đặc biệt là
tham nhũng trầm trọng.
Tình trạng
đó có nguyên nhân là người dân không được thực sự làm chủ, hoặc hơn thế là
quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm. Vì vậy, Điều 6 viết: “Nhân dân thực
hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện
thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà
nước” là không thể. Bởi Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng chỉ là “cánh
tay nối dài của Đảng”. Đó là chưa kể nhiều những văn bản dưới luật được
thực thi đã vi phạm Hiến pháp. Với tổ chức để người dân “thực hiện quyền dân
chủ trực tiếp đại diện” như thế thì làm sao “giám sát” được Đảng và lấy gì
để “buộc” Đảng phải “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của
mình”? (Điều 4, Khoản 2).
Tán thành
với quan điểm của ông Nguyễn Đăng Liêm, ông
Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, đã đưa ra một lập luận
đầy tính nhân văn. Theo ông, những tổ chức là “cánh tay nối dài của Đảng” thì
không thể phản biện được Đảng. Trước đây, Bác Hồ đã đề ra hai Đảng Xã hội và
Dân chủ; tất nhiên là hai đảng này không cạnh tranh nổi với Đảng Cộng sản,
nhưng ít nhất cũng là tổ chức phản biện trong Quốc hội đối với đường lối của
Đảng Cộng sản. Hiện về danh nghĩa chúng ta có hệ thống kiểm soát quyền lực,
nhưng trên thực tế hệ thống kiểm soát này không thể kiểm soát được. Có thể ví
đây là một cái thắng (phanh) lúc ăn lúc không, thậm chí có lúc chạy tuột luôn.
Thử hỏi, các đồng chí ngồi trên xe máy không có thắng, liệu có dám chạy không?
Vậy mà hiện nay con tàu Việt
Namvới tám
mươi sáu triệu dân phải ngồi trên một hệ thống thắng không ăn, đang tuột dốc
với tốc độ cao, cực kỳ nguy hiểm. Thắng không ăn đồng nghĩa với hệ thống kiểm
soát quyền lực bị vô hiệu, đã dẫn đến hư hỏng không thể sửa được. Hãy thử nhìn ra các nước, chỉ
với 30 năm họ đã là một nước công nghiệp hóa, dân chủ, tự do. Còn Việt Nam ta
kể từ khi có Đảng đã hơn 80 năm, có chính quyền gần 70 năm và giải phóng cũng
gần 40 năm mà vẫn lạc hậu. Điều đó có nghĩa là đường lối của Đảng không còn phù
hợp nữa, phải thay đổi.
“Nói Đảng
nhưng thực chất là các vị trong Bộ Chính trị và một trăm bảy mươi mấy vị ủy
viên Trung ương lãnh đạo đất nước và quyết định thể chế chính trị. Vậy bây giờ
mấy vị này phải đề ra giải pháp đường lối đưa đất nước đi lên. Nếu không được
là có tội với dân tộc. Nếu không được thì phải chấp nhận đa đảng”. Ông Lê Công Giàu nói.
“Phải dứt
khoát bỏ tất cả các cụm từ xã hội chủ nghĩa”
Đó là một
trong hai quan điểm khẳng định “dứt khoát” của ông Hồ Hiếu, nguyên cựu tù Côn Đảo, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân
vận Mặt trận, TP.HCM. Thứ nhất, tên nước không thể kèm theo ý thích của một số
người theo chủ nghĩa này, không theo chủ nghĩa kia; hay là theo cái đạo này, bỏ
cái đạo khác. Đó là chưa kể xã hội chủ nghĩa là chưa có thật, rất xa với và
không biết bao giờ sẽ có. Đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa là người
cộng sản đã lạm quyền. Đề nghị lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cái
tên do CT Hồ Chí Minh khai sinh.
Tên gọi “xã
hội chủ nghĩa” như cái vòng kim cô. Vì cái vòng kim cô xã hội chủ nghĩa duy ý
chí này nên nhà đất sai không sửa, giáo dục kém không sửa; rồi kéo theo hàng
loạt chính sách không hoàn chỉnh mang tên xã hội chủ nghĩa: pháp chế xã hội chủ
nghĩa, Nhà nước xã hội chủ nghĩa, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, y tế xã hội
chủ nghĩa, kinh tế… đã thị trường lại còn định hướng xã hội chủ nghĩa… Cái chữ
“xã hội chủ nghĩa” đó chia rẽ dân tộc trong nước và nước ngoài, chia rẽ cộng
đồng thế giới. Thứ hai, theo, ông Hồ Hiếu là “dứt khoát phải xóa hẳn đất đai
thuộc sở hữu toàn dân. Toàn dân là ai? Ai tên là “toàn dân”. Nhà nước quản
lý mà trên là Đảng lãnh đạo thì đất đai là của Đảng, của Nhà nước mất rồi. Nhà
nước quản lý nghĩa là muốn thu hồi là thu hồi, muốn cưỡng đoạt, định giá là
cưỡng đoạt, định giá. Và như vậy thì vẫn xảy ra tình trạng như thời gian vừa
qua, chính sách về ruộng đất và thực thi chính sách này không minh bạch, dẫn
đến khiếu kiện đất đai kéo dài không dứt…
Đảng nên
bình tĩnh và xem lại mình
Ông Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài
Gòn Giải phóng phản ánh một thực trạng bức xúc, đó là tình hình đất nước đang
rất khó khăn với bao âu lo, nhưng Đảng và dân mỗi người lo một cách khác nhau.
Đảng lo giữ gìn thể chế, sự tồn vong của chế độ; dân lo đời sống khó khăn, kinh
tế sa sút, tham nhũng trầm trọng… Dân và Đảng không gặp nhau, không còn đâu là
ý Đảng, lòng dân. Ông Ngãi đề xuất: “Hiện, đang có góp ý Hiến pháp của 72
trí thức (gọi tắt là Kiến nghị 72 – đã có hơn 9.000 người ký tên) với Kiến nghị
7 điểm đúng đắn. Vì vậy, Đảng nên gặp gỡ để bàn bạc trao đổi, sửa Hiến pháp
theo tinh thần của các kiến nghị nêu trên nhằm phát huy dân chủ và hoà hợp dân
tộc là những đòi hỏi hết sức bức xúc của nhân dân trong giai đoạn trước mắt,
cũng như cho sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước”.
Từ ý nghĩa
này, ông Võ Văn Thôn, nguyên Chủ
tịch UBND Q3, Giám đốc Sở Tư pháp đề xuất, góp ý Hiến pháp là việc hệ trọng,
Đảng nên hết sự bình tĩnh, lắng nghe. Đã có chủ trương đúng đắn “góp ý không có
vùng cấm”, vậy đề nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, cũng như báo chí, đài
truyền hình của Đảng không nên lên án, đả kích những góp ý trái chiều.
Hội nghị
cũng thu được nhiều ý kiến sắc bén qua các nội dung: Công chức nhà nước ở các
cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp… đều ăn lương do dân đóng góp. Bộ máy Nhà
nước của dân phải phục vụ nhân dân, đương nhiên phải phi chính trị hóa, kể cả
công an, quân đội. Phải có tòa án bảo vệ Hiến pháp, ngay đến Hiến pháp 92 cũng
có những cái hay, cái đúng nhưng thường bị các nghị định, nghị quyết sai vô
hiệu hoặc đi ngược lại với Hiến pháp. Lập hiến (xây dựng, ban hành hay sửa đổi
hiến pháp) là quyền của nhân dân, nhưng với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 này
thì vẫn là do Đảng lập, Đảng soạn. Vì vậy phải viết lại Hiến pháp…
Hội nghị sôi
nổi trong suốt bốn tiếng đồng hồ. Ngay cả bên lề, cũng có những ý kiến xác
đáng, ấy là: Góp ý hiến pháp không được báo đài phản ánh trung thực. Một buổi
như hôm nay chẳng hạn, chỉ có hai ý kiến đồng ý Điều 4, chín ý kiến đề nghị bỏ
Điều 4, nhưng lại sẽ tường thuật “Hầu hết ý kiến khẳng định cần có Điều 4 trong
Hiến pháp”!
Thứ tư, ngày
27 tháng ba năm 2013
H.Đ.Y.
No comments:
Post a Comment