08-03-2013
Trước
sự phẫn nộ của người dân ngày càng dâng cao vì tính “hèn với giặc ác với dân”
của nhà cầm quyền CSVN, Bộ Chính trị bèn bật đèn xanh cho Quốc hội bù nhìn của
mình ban hành nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi hiến pháp. Mục
đích để xoa dịu sự căm phẫn của người dân. Nhiều người dân trong nước – nhất là
các trí thức, các cựu đảng viên cộng sản, các blogger, các nhà đấu tranh dân
chủ, và cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – đã mạnh mẽ lên tiếng đề nghị hủy bỏ
điều 4 hiến pháp, điều 17&18 về luật đất đai, thậm chí đòi lập một hiến
pháp hoàn toàn mới mang tính dân chủ đa đảng, và đòi thực hiện một cuộc Trưng
Cầu Dân Ý có quốc tế giám sát.
Sự kiện này đã làm dấy lên trong dân chúng một cuộc đấu tranh rất sôi động và mạnh mẽ, khơi dậy ý thức của toàn dân về tính phi lý trong việc đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước suốt gần 70 năm, biến đất nước thành một nước nghèo đói và tụt hậu, lại còn tham quyền cố vị muốn tiếp tục lãnh đạo nữa.
Bộ Chính trị và Quốc hội CSVN có lẽ không ngờ bị “gậy ông đập lưng ông” khi người dân lại hưởng ứng nghị quyết của Quốc hội một cách rất bất lợi cho chế độ như vậy. Điều vô cùng bất lợi cho uy tín của đảng và Bộ Chính trị là phản ứng bằng những lời tuyên bố hết sức ngu xuẩn và đểu cáng của Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng, hai nhân vật đứng đầu đảng và quốc hội CSVN. Người dân vừa mừng vừa tức giận vì những phát biểu điên dại ấy. Mừng vì những phát biểu ấy đã làm cho cả thế giới thấy được rõ ràng bộ mặt thật đầy giả dối và trâng tráo của đảng CSVN mà hai nhân vật ấy là tiêu biểu xứng hợp nhất. Mừng vì thấy được cái trí tuệ và tư cách hết sức thấp kém của những người lãnh đạo cao cấp nhất chế độ. Và mừng vì thấy được nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân đúng là một trò hề bịp bợm hết sức vụng về. Tức giận vì không ngờ được đảng CSVN mà hai ông là đại diện lại tỏ ra lật lọng, khinh thường và xúc phạm người dân đến mức độ ấy. Tha thiết mời gọi người dân góp ý, nhưng khi họ góp ý không đúng ý mình thì mạt sát họ, lại còn đe dọa họ!
Điều không ngờ là người dân lại có thể “tương kế tựu kế” một cách tuyệt vời là biến nghị quyết bịp bợm kia của Quốc hội Cộng sản thành một cuộc đấu tranh chống độc tài đầy ý nghĩa và khá hiệu quả. Chưa bao giờ uy tín của đảng, của Quốc hội, của những lãnh đạo đảng CSVN lại xuống thấp như hiện nay. Chưa bao giờ bộ mặt thực bỉ ổi của đảng và Quốc hội lại được phơi bày rõ ràng trước toàn dân như hiện nay.
Trước sự phẫn nộ và phản ứng mạnh mẽ của người dân, điều may ra có thể xảy đến (mà hầu chắc là không may) là Bộ Chính trị và Quốc hội CSVN sẽ chấp nhận lùi một bước để tồn tại hầu có thể tiến hai ba bước về sau. Có thể Quốc hội đành phải miễn cưỡng chấp nhận bỏ điều 4, điều 17&18 trong hiến pháp, thậm chí chấp nhận một hiến pháp đa nguyên đa đảng để xoa dịu sự phẫn nộ của người dân đang dâng cao. Cuộc cách mạng hiến pháp như thế có thể sẽ đạt được thắng lợi, và nhiều người dân sẽ cảm thấy hả lòng hả dạ.
Với đầu óc vô cùng bảo thủ của Bộ Chính trị hiện nay thì điều may trên rất khó xảy ra. Nhưng cho dẫu có xảy ra thì đừng vội mừng khi mà cơ chế hay nhân sự của chế độ vẫn không có gì thay đổi. Kinh nghiệm quá khứ trong chế độ cộng sản cho thấy: Các bản hiến pháp của CSVN (1946, 1959, 1980 và 1992), bản nào cũng chủ trương tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc và các nhân quyền cơ bản của người dân. Nhưng bộ máy cai trị của chế độ CSVN có coi hiến pháp mà họ soạn thảo ra là gì đâu? Đối với người cộng sản, hiến pháp là mớ giấy lộn chỉ dùng để trang hoàng bên ngoài chế độ cho có vẻ dân chủ nhân quyền, hầu lừa bịp thế giới và che dấu cái thực chất độc tài và chà đạp nhân quyền bên trong.
Có “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Chỉ những ai từng sống dưới chế độ cộng sản mới cảm nhận được sự giả dối tàn ác của chế độ. Người ngoài cuộc nếu chỉ đọc hiến pháp để đánh giá ắt sẽ kết luận Việt Nam có dân chủ và nhân quyền đâu thua kém gì những nước tự do! Cái rất khéo của CSVN là dù bên trong có thối om, có bẩn thỉu đến đâu, thì bên ngoài vẫn có vẻ thơm tho đẹp đẽ. Nhờ vậy họ không chỉ lừa được người dân trong nước, mà từng lừa được cả thế giới!
Sau đợt lấy ý kiến người dân lần này, giả như đảng CSVN ban hành một hiến pháp đầy tinh thần dân chủ, đa nguyên đa đảng, đầy những điều khoản bảo vệ nhân quyền, nhưng… nếu cơ chế nhân sự của chế độ vẫn y như cũ, thì cũng như không. Đảng nắm quyền vẫn có thể ra lệnh cho quốc hội hay chính phủ ban hành hàng chục pháp lệnh, hàng trăm nghị quyết, hàng ngàn điều luật vi hiến để buộc người dân phải chấp nhận ách thống trị độc tài của họ. Họ vẫn có thể ra lệnh cho quân đội, công an mạnh tay đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, cướp đất đai tài sản của người dân, ra lệnh cho tòa án bỏ tù những nhà đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền, v.v… bất chấp hiến pháp.
Tranh đấu buộc chế độ hủy bỏ điều 4 hiến pháp, soạn thảo một hiến pháp hoàn toàn mới đầy tinh thần dân chủ nhân quyền chỉ là một giai đoạn cần thiết của cuộc đấu tranh. Điều cần thiết và quan trọng hơn là hiến pháp đó phải được thi hành trong đời sống thực tế của đất nước và của người dân. Điều quan trọng này không bao giờ có thể thành hiện thực khi những kẻ độc tài hiện nay vẫn còn tiếp tục nắm quyền. Cổ nhân nói: “Chó đen giữ mực”. Vì thế đừng ảo tưởng hay hy vọng cơ chế cộng sản đang nắm quyền có thể sửa đổi bản chất gian manh và độc ác của họ. Đúng như ông Yeltsin nói: “Cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể thay đổi”.
Muốn Việt Nam có tự do dân chủ, hiến pháp cần phải thay đổi là chuyện cần thiết. Nhưng điều cần thiết hơn là những kẻ độc tài gian ác đang nắm quyền phải bị truất phế. Truất phế chứ không chỉ cải thiện hay sửa sai. Đó là điều tất yếu phải hướng tới để Việt Nam có tự do dân chủ. Nhưng trong điều kiện hiện nay, đường tiến tới mục đích quả còn khá dài, chúng ta cần phải chia thành nhiều đoạn nhỏ để thực hiện từng đoạn một. Đòi hỏi một hiến pháp đúng nghĩa là hiến pháp – tức một hiến pháp do dân và vì quyền lợi của dân, chứ không phải do đảng và vì quyền lợi của đảng cầm quyền – là một đoạn đường trước mắt mà chúng ta có thể thực hiện và rõ ràng chúng ta đang cố gắng thực hiện.
Houston,
ngày 8-3-2013
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment