Thursday 14 March 2013

GIA ĐÌNH CÁC THANH NIÊN YÊU NƯỚC GẶP ĐẠI DIỆN 6 SỨ QUÁN : HÃY GIÚP XÓA BỎ ĐIỀU 79 (Thanh Niên Công Giáo)




BBC
Cập nhật: 10:46 GMT - thứ năm, 14 tháng 3, 2013

Thân nhân của 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành ở Nghệ An bị kết án tù hồi đầu năm đã ra Hà Nội để kêu cứu với ngoại giao đoàn và trình thỉnh nguyện thư đòi thả tự do cho những người này.
Những thanh niên này đã bị kết án từ 3 đến 13 năm tù giam cho tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự trong một phiên tòa kéo dài trong hai ngày 8 và 9/1 vốn đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Ba bị cáo Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa và Lê Văn Sơn lãnh mức án cao nhất là 13 năm tù giam và 5 năm quản chế cho mỗi người.

‘Cuộc gặp bàn tròn’
Anh Hồ Văn Lực, em trai của Hồ Đức Hòa, cho biết trong buổi sáng thứ Năm ngày 14/3, tám người trong gia đình các bị cáo cùng một số bạn bè đã có một ‘cuộc gặp bàn tròn’ với đại diện ngoại giao các nước tại Tòa Đại sứ Canada tại Hà Nội.
Theo anh Lực, cuộc gặp diễn ra trong khoảng hai giờ đồng hồ với sự có mặt của ngài đại sứ Canada và đại diện của các sứ quán Mỹ, Anh, Úc, Thụy Sỹ, Na Uy cùng các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu.
“Mục đích của các gia đình muốn gặp các vị trong tòa đại sứ là muốn các nước gây áp lực lên chính quyền (Việt Nam) để tôn trọng các quyền tự do mà họ đã ký kết trong các công ước quốc tế và tôn trọng công lý sự thật,” anh Lực nói.
Theo anh Lực thì đại diện ngoại giao các nước đã hỏi đoàn về tình hình ‘phiên tòa đã diễn ra như thế nào và bây giờ mình mong muốn điều gì’ cũng như tình hình hiện tại của các bị cáo trong trại giam.
“Họ hứa sẽ cố gắng làm sao có tiếng nói để chính quyền có sự thay đổi để người dân ngày càng có cuộc sống tự do,” anh nói.
Mặc dù đại diện ngoại giao các nước chỉ đưa ra lời hứa hẹn chung chung nhưng anh Lực cho biết thân nhân các bị cáo cảm thấy ‘hài lòng’ vì họ ‘không biết đi kêu ai bây giờ’.
“Đây là niềm an ủi để các gia đình bày tỏ nỗi đau của họ, là chỗ dựa cho các gia đình,” anh nói.
Về thỉnh nguyện thư yêu cầu trả tự do cho 14 thanh niên này, anh Lực nói rằng đã thu thập được ‘gần 30.000 chữ ký’ chỉ sau chưa đầy hai tháng rưỡi.
“Gần 30.000 chữ ký đó đã chứng minh những người này là yêu nước, làm chứng cho sự thật rằng họ là những công dân tốt và vô tội,” anh nói thêm.
Về tình hình của các thanh niên Công giáo này thì anh Lực cho biết là ‘những gia đình không kháng án thì được tiếp xúc gặp gỡ’ trong khi những gia đình nào kháng án thì ‘chỉ cho tiếp tế mà thôi’.

Các bài liên quan :

--------------------------------

14-3-2013

TNCG - 14.3.2013: Sáng ngày 14/3/2013 gia đình 14 Thanh Niên Yêu Nước (TNYN) vừa bị kết án nặng nề tại phiên toà sơ thẩm Vinh liên quan đến điều 79, đã cùng nhau đến Đại Sứ Quán Canada, Hà Nội để gặp gỡ các vị đại diện ngoại giao của các nước Canada, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na-Uy và Liên Hiệp Âu Châu.

Sau phần giới thiệu nhân sự hai bên, anh Hồ Văn Lực đại diện phái đoàn gồm 7 thân nhân, trình bày các dẫn chứng cụ thể để cho thấy mức độ vi phạm nhân quyền và vi phạm chính luật pháp của chế độ trong toàn vụ bắt cóc, giam cầm, và xét xử các TNYN.

Các gia đình cũng gởi đến từng đại diện các nước này danh sách 28,480 chữ ký ủng hộ Bản Lên Tiếng của các gia đình, đòi trả tự do lập tức cho các nạn nhân. Anh Hồ Văn Lực, sau đó, đã đưa ra các đề nghị cụ thể đến đại diện các Toà Đại Sứ như sau:

- Cử đại diện ngoại giao đến tham dự phiên tòa phúc thẩm sắp tới của các TNYN,

- Áp lực nhà cầm quyền phải để cho gia đình thăm viếng những Thanh Niên Yêu Nước và để luật sư tiếp xúc với các TNYN theo đúng luật tố tụng hình sự,

- Ủng hộ người Việt Nam trong nỗ lực xóa bỏ điều 79 luật hình sự (tội âm mưu lật đổ nhà nước) mà nhà cầm quyền đang lạm dụng để chà đạp nhân quyền tại Việt Nam, và

- Lên tiếng trước công luận thế giới về việc công an, an ninh Việt Nam đàn áp thân nhân, bạn bè đến tham dự phiên toà, ủng hộ tinh thần yêu nước, thương dân của các Thanh Niên Yêu Nước. 


Hàng trước, trái qua phải: Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Truyền, Hồ Văn Lực, Đặng Xuân Hà, Nguyên Văn Thu. Hàng sau: Đỗ Văn Phẩm, và Thái Văn Hòa

Đại diện các sứ quán lần lượt bày tỏ niềm cảm thông sâu xa với các gia đình. Các vị này đều cho biết đang theo dõi rất sát sự việc và cảm kích trước con số hơn 28 ngàn chữ ký ủng hộ trong một thời gian rất ngắn. Các đề nghị cũng đã được trân trọng đón nhận và cố gắng đáp ứng vì phù hợp với quan điểm về nhân quyền của các nước này. Một điểm được nhấn mạnh là tính phổ cập của nhân quyền. Đây là giá trị của cả nhân loại, kể cả dân tộc Việt Nam.

Gặp gỡ các đại diện ngoại giao các nước tại Toà Đại Sứ Canada

Được biết đại diện các sứ quán đã chủ động đề nghị tụ tập lại một nơi để tiết giảm công sức của các gia đình mà họ biết đã lặn lội từ Vinh ra Hà Nội. Buổi tiếp kiến, nhận hồ sơ đã diển ra trong vòng 50 phút trong tinh thần cởi mở, thông cảm và gắn bó. Buổi gặp gỡ đã chấm dứt vào lúc 10:30AM ngày 14 tháng 3 năm 2013 trong tinh thần đề cao giá trị con người và nhân quyền không biên giới.

-------------------------


TỔNG SỐ CHỮ KÝ ĐÃ THU THẬP ĐƯỢC  : 28480 chữ ký

TNCG – 27.1.2013) Phiên tòa xét xử 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành tại thành phố Vinh, Nghệ An vào hai ngày 8 và 9 tháng 1 năm 2013, về tội âm mưu lật đổ chế độ (điều 79 Luật hình sự) theo sự dàn dựng phi lý và phi pháp của công an, đã kết án quá nặng với mức án lên đến trên 100 năm bao gồm những năm tù giam và quản chế sau khi mãn tù, tạo ra một sự phẫn nỗ rất lớn trong dư luận Việt Nam và Quốc tế. Đặc biệt rất đông quý Linh Mục và bà con Giáo dân tại hầu hết các giáo xứ thuộc tỉnh Nghệ An đều lên tiếng phản đối và không chấp nhận bản án.

Linh Mục Nguyễn Xuân Tính, Quản Xứ Lập Thạch, Nghi Lộc đã nói rằng: phiên tòa xét xử 14 thanh niên yêu nước tại Vinh là một tòa án ô nhục làm ô mờ đạo đức của dân Việt. Linh Mục Hoàng Xuân Lập, Quản Xứ Vạn Lộc - Nam Lộc - Nam Đàn đã phát biểu rằng: Là người đứng về phía công lý, tôi hoàn toàn phản đối bản án bất công dành cho các thanh niên Công giáo yêu nước. Linh Mục Phạm Ngọc Quang, Quản Xứ Yên Lạc - Nam Lĩnh - Nam Đàn đã lên tiếng : Yêu cầu tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét lại bản án vừa qua để trả tự do cho những anh em yêu nước. Linh Mục Nguyễn Tất Đạt, Quản Xứ Làng Anh, Nghi Phong, Nghi Lộc đã chia xẻ : Là công dân Việt Nam tôi rất đau lòng vì VN chúng nói là hội nhập quốc tế, nhưng còn tồn tại những phiên tòa bất công và chẳng mang tính quốc tế chút gì. Tôi phản đối chính quyền Tỉnh Nghệ An vì những phiên tòa bất công này.

Trong phiên tòa tại Vinh, các thanh niên yêu nước đều chủ trương vô tội. Anh Đặng Xuân Diệu người bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế đã nói rằng: "Tôi không làm bất cứ điều gì trái với lương tâm, dù chế độ này có dùng nhục hình và kết án nặng nề, chính họ đang chà đạp lên đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam và họ sẽ phải chịu trách nhiệm". Gia đình của 14 thanh niên yêu nước đều tin tưởng là con em họ không làm điều gì sai và vô tội. Họ tiếp tục đi tìm công lý cho con em của mình bằng cách kêu gọi bà con khắp nơi tham gia ký tên vào Bản Lên Tiếng để yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả tự do 14 thanh niên yêu nước vô điều kiện.

Để chuẩn bị cho cuộc vận động này, trong thời gian qua, gia đình của 14 thanh niên yêu nước đã tiếp xúc trình bày nguyện vọng này với một số vị Linh Mục tại các giáo xứ ở Nghệ An, các vị lãnh đạo Phật Giáo Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Tin Lành và một số nhà dân chủ để hỗ trợ. Bản Lên Tiếng nhấn mạnh đến việc phản đối và phủ nhận bản án vừa được áp đặt đối với 14 thanh niên yêu nước. Đồng thời yêu cầu nhà nước CSVN trả tự do cho những người yêu nước đang bị bắt giữ về những tội danh gán ghép vô lý dựa trên công cụ là điều luật 79 và 88 của Bộ Luật Hình Sự, hai điều luật mơ hồ này đã đi ngược lại tinh thần của hiến pháp Việt Nam.

Khi Bản Lên Tiếng (đính kèm sau đây) chính thức công bố hôm nay, gia đình 14 thanh niên yêu nước đã nhận được sự ủng hộ đầu tiên của 31 Linh Mục thuộc các giáo xứ tại Nghệ An như các LM Giuse Trần Văn Phúc, LM JB. Nguyễn Đình Thục, LM Phêrô Nguyễn Ngọc Giao, LM Giuse Nguyễn Xuân Phương, LM Fx. Nguyễn Văn Lượng, LM Phêrô Hoàng Biên Cương, LM GB Nguyễn Quyết Chiến, LM Giuse Nguyễn Ngọc Ngữ, LM Pet Lê Đức Bắc, LM JB Đinh Công Đoàn, LM Antôn Nguyễn Văn Đính, LM Antôn Nguyễn Văn Thanh, LM Giuse Nguyễn Công Bình, LM Antôn Nguyễn Duy An, LM Phêrô Nguyễn Văn Sơn, LM Paul Nguyễn Xuân Tính, LM Giuse Phan Sĩ Phương, LM Antôn Trần Văn Niên, LM Antôn Đặng Hữu Nam, LM Giuse Nguyễn Anh Tuấn, LM Luca Nguyễn Ngọc Nam, LM JB Hoàng Xuân Lập, LM Giuse Phạm Ngọc Quang , LM Giuse Nguyễn Đình Linh, LM Phanxico X. Đinh Văn Minh, LM Giuse Nguyễn Đăng Điền, LM Gioan Nguyễn Đức Quyến, LM Phêrô Nguyễn Văn Hà, LM Lu-y Nguyễn Văn Nga , LM Phanxicô X. Nguyễn Tất Đạt, LM Antôn Hoàng Trung Hoa.

Ngoài ra còn có sự ủng hộ của Thượng Tọa Thích Không Tánh (Chùa Liên Trì, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất), Cụ Lê Quang Liêm ( Hội Trưởng Giáo Hội Trung Ương PGHH Thuần Túy), Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng (Quản Nhiệm Hội Thánh Mennonite Bình Tân còn gọi là Hội Thánh Chuồng Bò), Mục Sư Thân Văn Trường (Sài Gòn), Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (Giáo Hội Lutheran Việt Nam), Mục Sư Hồ Hữu Hoàng (Giáo Hội Lutheran, Đồng Nai), Mục sư Nguyễn Trung Tôn (Thanh Hóa), Linh Mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải (Tổng Giáo phận Huế), Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi (Giáo phận Bắc Ninh), Linh Mục Antôn Lê Ngọc Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn).

Đặc biệt còn có một số nhà dân chủ đã ký tên như Cựu tù nhân Cổng Trời Antôn Lê Phiến (Xã Long Sơn, Anh Sơn, Nghệ An, Giáo Phận Vinh), Kỹ sư Đỗ Nam Hải (Ban điều hành Khối 8406, Sài Gòn), Cô Phạm Thanh Nghiên (Hải Phòng), Ông Nguyễn Bắc Truyển (Sài Gòn), Ông Lê Thăng Long (Phong Trào Con Đường Việt Nam, Sài Gòn), Bà Lư Thị Thu Duyên, Ban Điều Hành Khối 8406 (Boston, Hoa Kỳ), Bà Lư Thị Thu Trang, Thành viên Khối 8406 (Sài Gòn), Bà Dương Thị Tân, vợ Blogger Điếu Cày (Saigon), Ông Trần Quốc Hiền, Thành viên Khối 8406 (Bangkok Thái Lan), Ông Phạm Ngọc Thạch (Sài Gòn), Anh Lê Thanh Tùng (Sài Gòn), Anh Đinh Văn Minh (Sài Gòn), Chị Hoàng Thị Ngọc Oanh (Sài Gòn), Anh Nguyễn Vĩnh (Đồng Nai), Anh Trần Văn Túc ( Đồng Nai).

Để cuộc vận động đạt được kết quả tốt đẹp và tạo thành một áp lực lên nhà cầm quyền CSVN, gia đình 14 thanh niên yêu nước rất mong mỏi quý đồng bào, quý đoàn thể, đảng phái và các cơ quan truyền thông góp phần phổ biến rộng rãi Bản Lên Tiếng và vận động mọi người vào ký tên tại địa chỉ :
htmlhttp://thanhnienconggiao.blogspot.com.au/p/banlentieng.html

Đính kèm là Bản Lên Tiếng :




DANH SÁCH CHỮ KÝ BẢN LÊN TIẾNG YÊU CẦU TRẢ TỰ DO CHO 14 THANH NIÊN YÊU NƯỚC : 







---------------------------------

13.3.2013


TNCG - 13.3.2013 :

Lời Cám Ơn Của Các Gia Đình Thanh Niên Yêu Nước Bị Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam Kết Án và Cầm Tù

Kính thưa quý vị lãnh đạo tinh thần các Tôn giáo,
Các tổ chức nhân quyền quốc tế,
Các hãng thống tấn, truyền thông trong nước và nước ngoài,
Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, và
Toàn thể cộng đồng người Việt Nam trong nước và hải ngoại.

Chúng tôi gồm các gia đình có con em đang bị chính quyền cộng sản Việt Nam giam cầm và kết án một cách oan sai.

Trước hết, chúng con xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo đã cầu nguyện, lên tiếng bảo vệ cho con em chúng con trong suốt thời gian qua, kể từ khi con em chúng con bị bắt, bị giam cầm, bị đem ra xét xử và kết án một cách bất công.

Chúng tôi cảm ơn các tổ chức nhân quyền quốc tế, các hãng thống tấn - truyền thông trong nước và nước ngoài, tổ chức phóng viên không biên giới, đã luôn luôn sát cánh cùng chúng lên tiếng, đấu tranh cho con em chúng tôi.

Chúng tôi chân thành cảm ơn quý vị ân nhân và toàn thể cộng đồng người việt trong nước và hải ngoại đã quan tâm giúp đỡ chúng tôi về cả tinh thần và vật chất.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, chúng tôi có “Bản lên tiếng yêu cầu trả tự do cho 14 thanh niên yêu nước” đã được đông đảo những người yêu công lý, hòa bình, sự thật ủng hộ ký tên, trong đó có cả anh chị em sinh viên, học sinh trong và ngoài nước, với gần ba mươi ngàn chữ ký ủng hộ làm tăng tinh thần, sự tự tin cho chúng tôi tiếp tục đấu tranh đòi tự do cho con em. Chúng tôi xin khắc ghi công ơn của quý vị với tất cả lòng thành kính tri ân.

Sau cùng, chúng tôi xin phép được tuyên bố kết thúc việc kêu gọi ký tên vào Bản Lên Tiếng vào ngày 12 tháng 03 năm 2013. Chúng tôi sẽ gửi danh sách chữ ký này đến cấp có thẩm quyền để yêu cầu trả tự do cho con em chúng tôi.

Xin quý vị tiếp tục cầu nguyện, giúp đỡ, lên tiếng đấu tranh cho con em chúng tôi.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Việt Nam, ngày 10 tháng 3 năm 2013

Đại diện các gia đình ký tên:

Hồ Đức Hiền bố của Hồ Đức Hoà

Trần Thị Liệu mẹ của Nguyễn Văn Oai

Nguyễn Văn Thu anh trai của Nguyễn Văn Duyệt

Đỗ Văn Phẩm cậu của Paulus Lê Sơn

Nguyễn Văn Lợi bố của Minh Mẫn

Hồ Thị Truyền chị gái của Hồ Văn Oanh

Thái Văn Hoà anh trai của Thái Văn Dung

Nguyễn Thị Hoá

Đinh Thị Oanh

Đặng Xuân Hà anh trai của Đặng Xuân Diệu

Trần Khắc Hiển 


Chứng từ :













13.03.2013

Tháng 3 năm nay là kỷ niệm lần thứ 60 cái chết của một nhân vật lịch sử Joseph Stalin, người từng cai trị Liên Bang Xô Viết suốt 30 năm (1922-1953) bằng một chế độ độc tài Cộng sản cá nhân sắt máu.

Con người này có nhiều chức tước: Tổng Bí thư đảng CS Liên Xô, Lãnh tụ đệ Tam Quốc tế CS sau khi Lenin mất năm 1924, Tổng Chỉ huy, Tư lệnh tối cao, Đại Nguyên soái Liên bang Xô viết…Ở thời kỳ cực thịnh, Stalin được suy tôn là “Lãnh tụ vĩ đại của các dân tộc” và “Người Cha của các Dân tộc”. Riêng đảng CS Pháp gọi ông một cách thân thiết đặc biệt là “Le Petit Père Aimé de tous les peoples” (Người Cha thân thương của mọi dân tộc).

Năm nay, báo chí châu Âu và thế giới nhắc khá nhiều đến nhân vật lịch sử này với một số phát hiện mới. Cuốn sách được chú ý nhất là tác phẩm tiếng Pháp Le canapé du Diable (Chiếc ghế trường kỷ của Quỷ sứ), hay còn có tiêu đề phụ Les 5 jours d’agonie de J. Staline (5 ngày hấp hối của J. Stalin) của nhà báo Thierry Lentz, do tuần báo Express xuất bản.

Sáng tác này nằm chung trong bộ sách lớn mang tít chung là Les derniers jours des dictateurs (Những ngày cuối cùng của những tên độc tài), viết về những cái chết của Mussolini, Mao Trạch Đông, Francisco Franco, Tito, Nicolae Ceaucescu, Mobutu Sese Seko, Saddam Hussein và Muammar Gaddafi.

Phát hiện mới khẳng định Stalin chết là chính do tính nghi kỵ bệnh hoạn ở cuối đời, vì đã gây án oan không biết cơ man nào mà kể trong các đợt thanh trừng lớn diễn ra suốt thời kỳ cầm quyền. của ông ta.

Trước Thế chiến thứ II, Stalin mở cuộc Đại thanh trừng năm 1937, bắn bỏ 70.000 sỹ quan trung, cao cấp quân đội cũ và bỏ tù 20.000 người khác chỉ vì bệnh đa nghi dai dẳng, sợ họ làm phản khi chiến tranh xảy ra. Thời gian sau, ông đã đặt bút ký tên duyệt án xử bắn thêm 44.000 người nữa. Tháng 3/940 ông ký duyệt xử bắn hơn 20 ngàn sỹ quan Ba Lan trong rừng Katyn, gần Smolensk.

Do Stalin chủ quan, tin tưởng phát xít Đức sẽ không tiến công Liên Xô trước vì bị ràng buộc bởi hiệp ước Xô - Đức tháng 8/1939, nên khi chiến tranh nổ ra tháng 6/1941, quân đội Liên Xô bị bất ngờ, ngay trong những tháng đầu đã tổn thất hơn 1 triệu quân, mất gần 1 triệu km vuông lãnh thổ. Đầu tháng 12/1941 quân Đức chỉ còn cách thủ đô Moscow có 22 km.

Chưa kể hàng chục triệu người chết do thanh trừng, đói kém, di dân cưỡng bức thời Lenin (1917 - 1924), riêng thời Stalin (1924 - 1953), số người chết do nhiều đợt thanh trừng, khủng bố, chết đói do tập thể hóa nông nghiệp và di dân Do Thái đến Uzbekistan và Kazakhstan, tổng số lên đến hơn 20 triệu sinh mạng.

“Năm ngày hấp hối của Stalin” được kể lại như sau: Tối thứ Bảy 28/2/1953, cả Bộ Chính trị khoảng 20 người như thường lệ họp tại nhà nghỉ riêng của Stalin ở Kountsévo, cách điện Kremlin chừng nửa giờ xe ô tô. Sau một bữa ăn, uống rượu mạnh, xem phim, mọi người ra về.

Stalin ở lại một mình trong ngôi nhà, thường mệt mỏi, mặc luôn bộ cánh y phục nằm trên ghế sofa để chợp mắt, không vào phòng ngủ. Hôm ấy buổi họp khá căng. Mọi người cảm thấy Béria sắp bị sa thải đến nơi, tiếp theo là Molotov, mà bà vợ vừa bị Stalin giao cho mật vụ tra hỏi một số vấn đề. Sau 2 tay này sẽ có thể đến Khrushchev. Vụ án “áo choàng trắng” - các bác sỹ bị nghi có âm mưu ám sát Stalin, đang gay gắt.

Mấy tháng nay nghiêm lệnh của Stalin là không được đánh thức ông trong giấc ngủ, khi có chuông gọi mới được vào phòng ông. Cả ngày Chủ nhật 1/3 không ai biết có gì đã xảy ra, vì không nghe chuông gọi. Dạo này ông hay lên cơn đau khớp, nhức đầu, cáu gắt, mọi ngưòi càng sợ. Đến tận 22 giờ, chuyến công văn mật và khẩn từ điện Kremlin xuống, Đội trưởng cảnh vệ và người quản gia được mời đến, mở cửa ra, thấy Stalin nằm trên sàn nhà, bất tỉnh, vẫn thở nhẹ nhưng không nói được.

Họ điện khắp nơi để tin cho Béria nhưng ông này đi vắng, một giờ sau lệnh của Béria mới tới: “Để nguyên, không được làm gì, chờ!”. Khoảng 3 giờ sáng thứ Hai 2/3, Béria cùng Malenkov đến, nhìn qua, Béria chỉ thị: “Không được tiết lộ gì ra ngoài, để ông ấy yên ngủ”. Một giờ sau Béria chỉ thị cho Bộ trưởng Y tế Tratiakov, ông này cử ngay toán chuyên gia do Giáo sư Bác sỹ Loukomski dẫn đầu đến khám nghiệm, với sự có mặt của 4 nhà lãnh đạo Molotov, Mikoyan, Kaganovitch và Vorochilov, với nhận xét: huyết áp tụt thấp, liệt bên phải, xuất huyết não trái nặng, phía trái co giật. Như vậy hơn 20 giờ sau khi xảy ra tai biến, bệnh nhân mới được khám, nhưng không có phương án chữa trị nào ngoài chỉ thị: để bệnh nhân nằm nghỉ nơi thoáng, yên tĩnh.

Suốt cả ngày thứ Ba 3/3 Bộ Chính trị họp để bàn về sự kế thừa Staline bởi bộ ba tập thể Malenkov, Kaganovitch và Bulganin, do Malenkov làm Tổng Bí thư. Ngày thứ Tư 4/3 ra thông báo về bệnh tình đáng lo ngaị của Stalin, ngày thứ Năm 5/3, bệnh nhân nôn ra máu, khó thở, trụy tim và tắt thở vào lúc 9 giờ 50 phút ,thọ 75 tuổi.

Ngày 9/3 ở Moscow làm lễ an táng trọng thể Stalin với 5 triệu người đi viếng, do chen chúc có hằng trăm người bị thương. Thi hài Staline được đặt trong Lăng Lenin và Stalin trên Quảng trường Đỏ. Tháng 2/1956, gần 3 năm sau, tại Đại hội XX đảng CS Liên Xô, tệ sùng bái cá nhân Stalin bị lên án. Tháng 10/1961, thi hài Stalin được chôn ở chân tường điện Kremlin. Nhiều tượng của Staline bị phá đổ, gần đây là cả bức tượng hiếm có còn lại ở quê hương Gruzia của ông đã bị phá sập.

Ở Pháp, nơi vốn có đảng CS mạnh, từng nổi tiếng là “đảng của những người bị bắn” (le parti des fusillés) do đảng viên CS tham gia đông đảo các đội du kích chống phát xít Đức, phối hợp với Hồng quân Liên Xô, ảnh hưởng Stalin rất lớn. “Người Cha thân thương của mọi dân tộc” là danh hiệu phổ biến nhất của ông. Gia đình Cộng sản nào cũng có ảnh Đại Nguyên soái Josseph Stalin ở nơi trang trọng nhất. Có nơi ngày Noel , “Ông già Stalin” thay cho “Ông già Noel” tặng quà cho các em bé.

Nay thì hết, không còn gì nữa. Qua những trang sách, những bức ảnh, những cuốn phim, Stalin hiện nguyên hình là kẻ sát nhân hàng loạt, do động cơ quyền uy, danh vọng cá nhân. Trong cuốn sách nói trên, tác giả gọi ông là “Sa hoàng Đỏ, “chiếc ghế trường kỷ của Quỷ sứ”. Sách cho thiếu nhi Pháp còn vẽ ông như con “Đại Yêu tinh” (le Grand Ogre) ăn thịt người…

Có nhà bình luận cho rằng ác giả ác báo, cuộc hấp hối đau đớn uất hận tột cùng của tên phạm tội diệt chủng chống nhân loại, kéo dài suốt 5 ngày đêm mà không nói được nên lời, là sự cảnh cáo mọi nhà độc tài CS coi nhân dân như cỏ rác, muốn đầy ải, bỏ tù, giết hại ai là tùy tiện thực hiện, do có quyền lực tự cho là tuyệt đối trong tay.

Ai bảo Bộ Chính trị CS Việt Nam hiện nay không mang tinh thần khủng bố và thanh trừng kiểu Stalin, coi bất cứ công dân, đảng viên, sỹ quan, viên chức, nhà báo, sinh viên nào không phục tùng mình là kẻ thù cần tiêu diệt, cho vào tù hay đuổi việc, dù cho đó chỉ là những em sinh viên như Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Hoàng Vi, Đỗ Thị Minh Hạnh, hay như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên mới đây nhất…


* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.









No comments:

Post a Comment

View My Stats