22/03/2013
Trong hàng triệu người Việt ở Mỹ, Báo Nhân
Dân cũng kiếm được một người tên là Tuyên Trần để
đăng bài viết của anh ta trên tờ báo này với tựa đề “Quay đầu lại là
bờ” . Dù rằng với cái địa chỉ là Nước Mỹ, thì đến bố thằng CIA
hoặc một cơ quan tình báo tài giỏi đến đâu cũng bó tay. Chỉ riêng Hà Tĩnh, một
tỉnh chỉ có 6.000 km2 và 1,3 triệu dân thôi, thì báo Đại Đoàn Kết còn hô lên
rằng có thể bịa ra hàng triệu chữ ký khống trên mạng internet. Cả ngàn người
dân Hà Tĩnh đã ký tên hưởng ứng bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp của nhân sĩ trí
thức, nhưng Đài truyền hình Việt Nam và các tờ báo nhà nước lặn lội bao công
lao cũng không tìm được ra. Thậm chí có trang mạng đưa cả danh sách, hình ảnh
cả trăm chữ ký, cả đoàn người ký bản Kiến Nghị, mà cả hệ thống báo chí, Mặt
trận còn điều tra không ra họ ở đâu(?). Thế thì việc tìm một người có cái tên
ất ơ là Tuyên Trần ở nước Mỹ với diện tích gần 10 triệu km2 và hơn 300 triệu
dân, thì sự mập mờ còn tăng gấp bội phần.nh
Nhưng tôi cứ giả sử là có một người như
vậy, để bàn vài điều với tờ báo và tác giả này.
Trần Trường, một người đã “quay đầu là bờ”
để rồi “Đến bờ lại quay đầu”.
Bài viết nêu một số người và kết luận “rút
ra một kinh nghiệm là, hễ thấy trang Việt ngữ của BBC, VOA, RFA,… biến người
nào ở trong nước thành “người hùng” rồi liên tục phỏng vấn, kêu gọi ủng hộ, là
y như rằng những người đó có vấn đề đáng ngờ”. Kể ra thì kết luận này cũng
không sai lắm. Ở trong một đất nước được bao cấp tư tưởng, “chỉ có đi lên CNXH
là con đường duy nhất đúng, nên Yêu nước phải yêu Chủ nghĩa xã hội. Một đất
nước mà “chỉ có Đảng lãnh đạo mới được làm người”, việc một bộ phận lãnh thổ
đang dưới gót giày quân xâm lược là chuyện của Đảng và Nhà nước lo với anh bạn
16 chữ vàng và 4 tốt… Những ai dám nêu quan điểm khác, động chạm đến sự lãnh
đạo của Đảng, được ưu ái mời vào nghỉ mát trong nhà tù như Cù Huy Hà Vũ bằng
cái cớ “hai bao cao su đã qua sử dụng”. Hoặc những người kêu lên Hoàng Sa –
Trường Sa là của Việt Nam, phản đối Trung Quốc xâm lược” thì được vào tù như
Điếu Cày bằng cái tội “trốn thuế”… Vậy thì việc có những người dám phát biểu ý
kiến công khai những quan điểm của mình là điều rất lạ thì không có gì phải
bàn.
Cái cần bàn, là ở một nhà nước của dân, do
dân, vì dân, nhưng cái gì sai lầm, là lỗi thuộc về nhân dân, là khách quan, còn
cái gì là thành tích, là thắng lợi thì đều thuộc về đảng, nhà nước. Một nhà
nước mà mỗi khi người dân cất tiếng nói khác thì được bộ máy công an chăm sóc
tử tế, dù là những tiếng nói khách quan nặng lòng vì đất nước như Dự án Bôxit Tây
Nguyên. Có lẽ trên đời ít có ai đào cả của cải trong nhà ra để bán chịu lỗ. Và
câu trả lời thì đã rõ: Mỗi năm, nhân dân phải bỏ ra 74,5 triệu đôla bù lỗ cho
Bôxit. Nhưng, những người đã chân thành góp ý dừng dự án này ngay từ đầu vẫn
được coi là thế lực thù địch vì đã dám nói trái với “Chủ trương lớn của Đảng”.
Bài viết nêu câu nói được cho là của nhà
báo Nguyễn Đắc Kiên “bất cứ ai là người Việt, còn có lương tri, còn nghĩ đến
bổn phận làm con người trên thế gian này thì nên ký tên vào kiến nghị này”
. Để rồi đưa ra một bình luận hết sức ngây ngô, hài hước và xúc phạm rằng: “Chẳng
hóa ra nếu người thân của anh ta không tham gia ký tên sẽ là người hết lương
tri, không biết nghĩ tới “bổn phận làm người” hay sao?”
Cứ theo tư duy này trên báo Đảng mang tên
“Nhân Dân” liên hệ với câu nói “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa xã hội”. Vậy thì “chẳng
hóa ra ông bà, tổ tiên nước Việt từ 18 đời Vua Hùng dựng nước, Trần Hưng Đạo,
Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã lập nên những chiến ông oanh liệt gìn giữ non song không
hề biết cái gọi là “Chủ nghĩa xã hội” thì đều là không yêu nước, đều là thế lực
thù địch cả hay sao?”.
Một “việt kiều tại Mỹ” bằng bài viết trên
tờ Nhân Dân và kết luận rằng Nguyễn Đắc Kiên lạc hướng. Vậy đó là hướng nào?
Anh ta khoe rằng “sang Mỹ lúc 17 tuổi theo bố mẹ. Sau nhiều năm làm việc,
học hành và khấm khá”. Điều này chắc không ai chối cãi. Nhưng, nếu như,
những người bất đồng chính kiến ở trong nước nói được câu tương tự rằng: Tôi
sinh ra ngay trên quê hương tôi, sau nhiều năm học hành và làm việc kinh doanh,
nhưng sống đúng với lương tâm mình, nói tiếng nói của mình mà vẫn được khấm
khá, thành công thì mới là chuyện lạ. Bởi vì nếu anh dám cất tiếng nói không
đúng chủ trương đường lối của Đảng thì anh không mang tội trốn thuế cũng vấp
“hai bao cao su đã qua sử dụng” để vào tù, đừng nói chuyện to mồm là lạc hướng
hay đúng hướng.
Cái láu cá vặt của người viết ở đây, là vẫn
cố tình đánh đồng câu chữ, đánh tráo khái niệm rằng Đảng là Tổ Quốc. Xin thưa,
người dân Việt Nam bây giờ không còn ngu ngơ, không còn bị ngộ độc trong câu
chữ như vậy nữa. Chưa có một người có tâm huyết nào chống lại Tổ Quốc, đất nước
hay nhân dân. Có chăng, họ nói lên thái độ của họ đối với Đảng và nhà nước Cộng
sản. Nếu điều đó tác giả và báo Nhân Dân vẫn không thể định nghĩa được, hoặc cố
tình đánh lận con đen, thì làm sao có thể tranh luận? Tất cả chỉ là sự lập lờ
nước hến nhằm ngụy biện nói lấy được mà thôi.
Thật buồn cười khi đọc câu này:“Quay đầu
lại là bờ”, dù có người sẽ bảo câu nói này đã nhàm chán, tôi vẫn muốn nhắc lại
ở đây, vì thấy phù hợp với Nguyễn Ðắc Kiên”. Vậy thì “chẳng hóa ra ngay
cả bố mẹ anh ta, người đẻ anh ta ra và đưa anh ta đến nước Mỹ để anh ta thành
đạt đã không biết quay đầu lại là bờ?” .
Bài viết trên còn mượn lời của
Kami mà báo này coi là “một blogger chưa bao giờ có thiện
chí với Nhà nước Việt Nam” để nói về các nhân sĩ trí thức. Kami
là ai? Một blogger chưa bao giờ xuất hiện rõ ràng. Thậm chí
cộng đồng mạng còn đặt nghi ngờ đây là một nhóm người ẩn mặt, giấu tên của Công
an Việt Nam nhằm đánh lạc hướng dư luận bằng những mảnh sáng, tối lẫn lộn? Bởi
đơn giản rằng lời giải thích của Kami là vì sợ hãi nên phải giấu mặt là thiếu
logic. Bao nhiêu người từng phản ứng mạnh mẽ trực diện chứ Kami thì đã là gì mà
sao phải sợ lộ sáng đến thế? Sao bỗng nhiên được lấy để trích dẫn? Tại sao
không trích dẫn Huỳnh Ngọc Chênh, Hoàng Xuân Phú, Phan Đình Diệu, Quang A…
những người có tên, tuổi, địa chỉ chính danh mà lại là Kami? Người đọc có quyền
nghi ngờ rằng, đây là một cách nhằm đánh bóng cho con cò mồi thì sao? Hay là
“Nhân Dân” đang muốn đổ thêm dầu vào lửa cho mối nghi ngờ đó? Dù sao thì đây
cũng là một miếng võ bẩn đã được sử dụng và quá lố. Thà rằng “Nhân Dân” cứ để
Kami ẩn mình sáng tối vậy còn có tác dụng hơn đi rửa mặt kiểu này.
Bài viết trên tờ Nhân Dân của một “Việt
kiều tại Mỹ” viết về một số người bất đồng chính kiến rằng “Hôm nay họ ca
ngợi nhau, ngày mai họ đã coi nhau như kẻ thù”. Thật lạ, đích thị người
“Việt kiều” này không nằm tại Mỹ và không sống tại Mỹ. Bởi nếu ở đó, một đứa
trẻ con cũng hiểu rằng việc bất đồng ý kiến là chuyện bình thường và được chấp
nhận như cả xã hội chấp nhận. Bởi ngay trong Đảng Cộng sản, một tổ chức được
coi là “đạo đức, lương tâm thời đại” được Hồ Chí Minh căn dặn là “phải
giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” thì
người ta vẫn chứng kiến có những “Đồng chí X”, những “bầy sâu”… Và ngay trước
Quốc Hội, ông Thủ tướng còn chỉ thẳng vào Đảng mà nói “Tôi làm theo sự phân
công của Đảng” khi bị đề nghị từ chức, đã làm ông Tổng Bí thư ngồi đó mà phải
ngậm tăm, sượng mặt không nói được lời nào.
Đấy, một tổ chức là đạo đức, là văn minh
chỉ được “nói và làm theo Nghị quyết” mà còn như vậy, thì ba cái chuyện tranh
cãi, không thống nhất giữa những người bất đồng chính kiến là chuyện lặt vặt.
Có chăng, nên đọc lại câu nói của cha ông đã để lại: “Chân mình cứt lấm bê
bê. Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.
Đọc bài viết này, với những câu sáo rỗng
kêu như chuông đồng của “việt kiều Tuyên Trần” người ta đặt câu hỏi: Theo ông
ta, bố mẹ ông ta đã dốt nát, ngu dại khi băng vời vượt biển bất chấp sống chết
để ra đi tìm nơi sống mới là đất Mỹ. Vậy khi ông ta đã nhận thức ra mọi điều
tốt đẹp, sao ông không trở về xây dựng quê hương để trả lời câu hỏi của ông ta
là “Đã làm được gì cho Tổ Quốc và đất nước chưa”? . Tại sao ông ta vẫn cứ “Đến
bờ lại quay đầu” chỉ bằng vài chuyến về thăm quê một năm mà thôi?
Nhớ đến chuyện Việt kiều ở Mỹ kêu gọi “Quay
đầu lại là bờ” người ta nhớ đến câu chuyện Trần Trường. Trần Trường đã
gây nên một cơn biến động tại Nam California bằng những cuộc biểu tình rầm rộ
và dai dẳng 55 ngày đêm bởi “khúc ruột ngàn dặm” của Đảng ta. Thế rồi sau sự
kiện đó, ông ta nghĩ rằng nếu về nước, chắc chắn phải được nhà nước và Đảng ưu
ái sau khi lập công. Ông ta bán nhà cửa để “quay đầu lại là bờ”. Thế nhưng, chỉ
tám năm sau, ông ta lại chạy sang Mỹ mếu
máo xin tiền để về Việt Nam đi kiện đòi lại tài sản của
mình. Chỉ vì sau khi đưa vốn liếng về Việt Nam, ông ta mất sạch và trở thành
dân oan trở thành Trần Truồng.
Sở dĩ phải đặt trong ngoặc kép cái tên
“Việt kiều Tuyên Trần” vì đến khi viết những chữ này, tôi vẫn không tin có một
việt kiều như vậy. Họa chăng chỉ có một Trần Trường làm bài học mà thôi. Còn
bài viết trên báo nhà nước, chuyện mạo danh, bịa tên đã là “nghề riêng”. Nhớ
câu chuyện cách đây 5 năm, cũng báo chí nhà nước đăng bài viết tự xưng là một “giáo dân Hà Nội” viết những lời xằng
bậy về vụ cướp đất tại 40 Nhà Chung của Tòa TGM Hà Nội. Lập tức, tôi trả lời
bằng “Thư ngỏ gửi giáo gian Phùng Nhân Quốc”.
Đến khi cộng đồng mạng tiết lộ sự thật thì mới ngã ngửa rằng: Giáo dân Hà Nội
Phùng Nhân Quốc chính là Hồng Vinh, Phó Trưởng ban văn hóa Tư tưởng Trung ương
Đảng Cộng sản.
Những cách làm này của báo chí Việt Nam là
không hiếm gặp, do vậy việc tạo ra những “việt kiều Tuyên Trần” là điều không
mấy khó khăn.
Nhưng, dù có hay không, thì ở đây người ta
vẫn thấy hành động của “Việt kiều Tuyên Trần” là “Đến bờ lại quay đầu”.
Hà Nội, ngày 22/3/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Đọc thêm: Thư ngỏ gửi giáo gian Phùng Nhân Quốc
No comments:
Post a Comment