Saturday, 16 March 2013

DU LỊCH HỦY DIỆT CẢNH QUAN (Thanh Niên Online)




N.T.Tâm - G.Bình - B.Ngọc  (Thanh Nien)
13/03/2013 3:00

Nhiều thắng cảnh bị xóa sổ trên bản đồ du lịch nước nhà, trong khi không ít thắng cảnh khác đang có nguy cơ biến mất bởi sự can thiệp thô bạo của con người.

Những dòng thác chết
Mũi Né, một doi đất ăn ra biển ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận), nổi tiếng từ năm 1995 khi nhiều du khách TP.HCM đổ xô ra ngắm nhật thực. Đến nay, Mũi Né trở thành điểm đến ưa chuộng của du khách cả trong và ngoài nước. Chưa có nơi nào ở VN, du lịch phát triển nhanh như Mũi Né. Một dải resort mọc lên dọc bãi cát, che luôn tầm nhìn ra biển. Doi đất hoang sơ của 20 năm trước giờ không thể nhận ra. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt, nhớ lại ngày đầu ra Mũi Né khách phải đi bằng xe 2 cầu từ Phan Thiết vào, chạy dọc bãi biển hoang sơ chứ không có đường nhựa như bây giờ. Còn nay, rừng dừa tuyệt đẹp nghiêng mình soi bóng bên bờ cát đã bị chặt bỏ để các dự án nghỉ dưỡng chen chúc mọc lên.
Cùng làn sóng đầu tư ồ ạt, việc khai thác du lịch triệt để cũng góp phần làm nhiều điểm tham quan ở Mũi Né biến mất. Trong đó, đáng tiếc nhất là Suối Hồng, một phong cảnh thiên nhiên có từ nhiều đời trước do dòng suối chạy qua trảng cát màu hồng, tạo thành những mô cát nhấp nhô như núi. Du khách ví Suối Hồng đẹp như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, nhưng rực rỡ sắc màu. Nhưng rồi du khách đến đây cứ vô tư trèo qua Suối Hồng chụp ảnh, những “ngọn núi” theo đó từng ngày đổ sụp. Cộng với dòng suối cạn kiệt, không có nước chảy qua kể cả mùa mưa, nên Suối Hồng biến mất vĩnh viễn. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Suối Hồng chết chủ yếu do quanh nó nhiều khu nhà nghỉ, resort mọc lên chặn dòng nước ngầm trong đồi cát, khiến suối không còn nguồn nước…


Sự biến mất của thác Gougah (xã Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng) - một thắng cảnh cấp quốc gia - cũng khiến nhiều người nuối tiếc khôn nguôi. Từ độ cao gần 20 m, thác ầm ào tung bọt trắng xóa vang động cả núi rừng. Thế nhưng, những hình ảnh đó chỉ có ở khoảng 5 năm trước... Cũng ở huyện Đức Trọng, một danh thắng cấp quốc gia khác là thác Liên Khương (ngã ba Liên Khương, Đức Trọng), hay còn gọi là “thác đàn trời” bởi gắn với truyền thuyết huyền bí, cũng đang rất thê thảm khi cảnh quan, môi trường bị phá hủy. Chung cảnh ngộ, thác Pongour (xã Tân Hội, Đức Trọng), được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất thác”, nổi tiếng bởi vẻ đẹp mơ màng và hùng vĩ nhất Nam Tây nguyên, đang sống thoi thóp. Đơn vị chủ quản thác này phải đầu tư tiền tỉ xây đập tích nước để cứu thác trong mùa khô, nhưng cũng chỉ dám cho thác chảy ban ngày, còn ban đêm… “thác chết”.
Theo một lãnh đạo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, hai thắng cảnh thác Gougah và thác Liên Khương đã được địa phương đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét rút bằng công nhận thắng cảnh quốc gia, nhưng hiện Bộ chưa xem xét. Nguyên nhân khiến hàng loạt thác đẹp ở Lâm Đồng biến mất, ngoài tình trạng phá rừng bừa bãi, thủy điện ngăn đập tích nước làm cho mùa khô nước kiệt thì việc đầu tư không hợp lý cũng khiến cho những dòng thác chết đi. Thác được cải tạo liên tục và xây dựng nhiều công trình phục vụ du lịch xung quanh. Dĩ nhiên, để xây dựng công trình, cây cối sẽ bị chặt phá khiến thác mất đi cảnh quan hoang sơ ban đầu và dòng chảy bị biến đổi. Ví dụ, thác Dambri ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, người ta xây dựng thang máy khổng lồ bên cạnh để khách lên xuống, ngoài ra còn có nhà hàng ở dưới thác nước…

Đốn cây để hái quả !


Lịch sử du lịch VN chứng kiến nhiều sự kiện thắng cảnh sụp đổ hoặc mất tích gây chấn động. Vào tháng 8.2006, hòn Phụ Tử, biểu tượng của vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang), đổ sập. UBND tỉnh Kiên Giang lúc bấy giờ có đề xuất việc khôi phục lại hình ảnh đầy ắp tính nhân văn đã gắn liền với đời sống này, nhưng mọi chuyện dần rơi vào quên lãng. Ở miền Tây, chợ nổi Ngã Bảy không còn. Vậy nên mới có chuyện nhiều du khách nghe tiếng chợ nổi Ngã Bảy, đòi công ty du lịch đưa đến nhưng các công ty đều phải từ chối. Chợ nổi Cái Răng cũng đang nằm trong vòng xoáy thương mại và mất dần nét đẹp văn hóa sông nước thuở nào. Trước đó, tượng đá nàng Tô Thị ở tỉnh Lạng Sơn cũng đột nhiên biến mất, sau đó được xây dựng lại nhưng cũng chỉ đủ để khiến du khách tiếc nuối. Du khách ngày nay ngang qua Lạng Sơn chỉ có thể hình dung về tượng đá qua trí tưởng tượng của hướng dẫn viên.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, vừa có chuyến khảo sát cùng đoàn khách nước ngoài ở các tỉnh phía bắc về, cảnh báo nếu không có những động thái tích cực, thiên đường du lịch Sapa sẽ nhanh chóng đi vào vết xe đổ của Đà Lạt. Cảnh quan thiên nhiên ở đây đang nhanh chóng mất vẻ nguyên sơ. Một số đập thủy điện đang xây dựng gần Sapa biến những cung đường đẹp như tranh trở nên bụi bặm và bị cày nát bởi xe tải chở đất đá. Những dòng suối không bao lâu nữa chắc chắn sẽ biến mất. “Người ta đang khai thác Sapa giống như hái trái chín trên cành nhưng phải chặt cả cây”, ông Huê than thở.
Ở vịnh Hạ Long, động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ là hai điểm đến nổi tiếng đang được trang trí đèn màu ở bên trong. Ông Suzuki, 62 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, cùng vợ sau khi trầm trồ trước vẻ đẹp mà các vách đá, thạch nhũ tạo thành trong động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ, đã thoáng vẻ trầm ngâm: “Việc trang trí đèn màu nên được bố trí và sắp xếp lại hợp lý hơn để có thể tôn thêm điểm nhấn đặc sắc của hang động. Có những hình khối mà một cách ngẫu nhiên quần thể nhũ đá trong hang tạo ra, nhưng đèn lại không tập trung vào vị trí đó. Du khách sẽ chỉ được nhìn và hình dung ra hình khối khi hướng dẫn viên giới thiệu. Như vậy sẽ tạo cảm giác thụ động cho du khách trong việc khám phá. Ở Nhật Bản có rất nhiều hang động đẹp và hầu hết là chúng tôi cũng không trang trí đèn. Vì chúng tôi muốn tôn trọng tuyệt đối vẻ đẹp thiên tạo”.
Cũng theo ông Suzuki, việc trang trí đèn chiếu sáng, xây đường vào hang ít nhiều sẽ tác động đến cảnh quan thiên tạo của hang động. “Chưa cần nói đến việc có đẹp hay không, mà hãy nói đến vấn đề bảo tồn hang động. Nếu có nhiều ánh đèn và hoạt động xây dựng vào hang động, dù nhỏ thôi, cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của môi trường bên trong hang”.
(Còn tiếp)
N.T.Tâm - G.Bình - B.Ngọc
N.T.Tâm - G.Sơn - G.Bình - Q.Hà  (Thanh Nien)
14/03/2013 3:10

Nhiều điểm đến đẹp ở Việt Nam đã bị hủy hoại bởi tình trạng bê tông hóa khiến những người làm du lịch lâu năm cũng không thể nào nhận ra vẻ đẹp hoang sơ của nhiều điểm tham quan nổi tiếng.

Băm nát Phú Quốc
Bãi biển Dinh Cậu nổi tiếng với bãi cát vàng ánh, đẹp tinh khiết, chạy dài theo bãi biển trong lành, mát mẻ. Nhưng đó là chuyện của 10 năm trước. Vài năm trở lại đây, tuyến đường Trần Hưng Đạo mọc lên dày đặc những dãy khách sạn và một số công trình cao trên 10 tầng. Du khách đứng ngay trên đất đảo nhưng chẳng thể thấy được biển ở nơi nào.


Ngoài ra, không chỉ những khu du lịch, khách sạn lớn mà một số nhà hàng, quán ăn cũng lấn biển. Nhiều quán ăn nhỏ hơn và công trình dân dụng của các hộ dân cũng thi nhau lấn ra. Tình trạng tự phát trong xây dựng này đã sản sinh những bãi bê tông kệch cỡm, quái đản... “giết chết” biển Phú Quốc. Trong đó, cảnh quan của bãi biển dài gần 5 km từ Trạm khí tượng thủy văn ở thị trấn Dương Đông đến Cửa Lấp (xã Dương Tơ) cũng bị phá nát. Trước mặt biển, khu resort, khách sạn nào cũng có những bờ kè đá cao gần 2 m, dài từ vài chục đến vài trăm, thậm chí hàng nghìn mét, uốn lượn, trồi sụt chẳng giống ai.
Từ khách sạn Sài Gòn - Phú Quốc đổ xuống khu du lịch Thái Bình Dương, Eden đều dựng lên công trình bê tông án ngữ hết cảnh quan bờ biển, ngăn chặn những con suối chảy quanh các khu du lịch này. Quy hoạch xây dựng ở đây chẳng theo một hình mẫu nào, mạnh ai nấy làm. Có khu nhà nghỉ nằm xen kẽ với những… khu mộ, nhiều nhà nghỉ kéo dài tới sát biển. Kiến trúc bị sao chép một cách tùy tiện, không phù hợp với cảnh quan, gây rối mắt, kệch cỡm...
Phú Quốc hiện có 13 bãi biển lớn, nhưng theo quy hoạch 1/2.000 và 1/500 thì có rất ít đường công cộng để người dân địa phương và du khách xuống biển. Chạy dọc theo khu vực Bãi Trường, các dự án đang xây dựng hiện nay cũng quy hoạch đường công cộng đi xuống biển. Thậm chí, nhiều dự án treo bảng “cấm vào”, triệt mất đường ra biển của người dân.

Bê tông hóa khốc liệt
Nhiều bãi biển khác ở trong nước cũng chịu chung số phận với Phú Quốc, chẳng hạn như Mũi Né. Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, trước đây quy định của UBND tỉnh Bình Thuận áp dụng cho các resort được xây dựng không quá 30% diện tích đất. Nay thì quy định này được siết lại còn 25%. Tức là diện tích xây dựng trong resort sẽ ít đi, tăng diện tích trồng cây xanh và không gian trống. Riêng con đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.Phan Thiết, nơi có nhiều resort nhất) thì chỉ giới xây dựng tính từ tim đường là 15 m. Ở phía bờ biển, tính từ ranh giới được cấp đất phải lùi vào trong 50 m mới được xây dựng. Về chiều cao, chỉ được xây một trệt, một lầu, cao không quá 10,5 m.
Thế nhưng, trong thực tế, các quy định này không được các chủ đầu tư tuân thủ. Nhiều resort xây dựng hồ tắm hoặc các công trình bê tông kiên cố sát ven biển, có nơi chỉ cách mép nước biển 5 m. Về độ cao, rất nhiều chủ resort cũng không chấp hành. Một số resort xây dựng cao hơn 20 m, cao hơn cả ngọn dừa ngoài 40 tuổi. Một đặc điểm khác ở Mũi Né là nhiều resort “tí hon”, có những resort rộng chưa đầy 2.000 m2. Do thiếu đất, nhưng lại muốn có nhiều phòng, nên các chủ đầu tư đã triệt hạ bớt cây dừa, vốn có từ mấy chục năm trước của người dân bản địa, để xây thêm phòng. Thậm chí, có những resort hiện nay diện tích bê tông chiếm đến 70%.
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận Trần Văn Bình nhận định tình hình bê tông hóa Mũi Né đúng là đang diễn ra khốc liệt. Nhưng tốc độ ấy không thể đổ thừa cho các resort. Các resort càng có thương hiệu thì càng tuân thủ chặt chẽ các quy định về xây dựng cũng như môi trường. Góp phần bê tông hóa và kinh doanh theo kiểu bát nháo hiện nay là các nhà trọ nhỏ nằm xen kẽ với các resort.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở TP.Đà Lạt, nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một rừng thông mênh mông cùng với hồ nước trong xanh, khu du lịch (KDL) Thung lũng Tình yêu. Thế nhưng, những năm trở lại đây, nét tự nhiên của thắng cảnh quốc gia này đã không còn nguyên vẹn bởi cách làm du lịch không bền vững. Đồi thông phía trước đã mọc lên nhiều công trình nhân tạo khiến khu vực này trông thô cứng do những mảng xi măng và đá.
Ông Phan Khắc Cử, Phó giám đốc Công ty CP du lịch Thung lũng Tình yêu, lý giải: “Do hằng năm, KDL đón lượng khách rất đông, hơn nữa đặc thù Đà Lạt trời mưa nhiều, khách giẫm đạp nát hết cỏ và tạo ra những vũng sình lầy nên chúng tôi đầu tư những con đường cho khách đi. Bên cạnh đó là đầu tư bãi giữ xe và công trình để tạo ra những sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Sắp đến, chúng tôi sẽ tháo dỡ một số công trình”.
Bên cạnh Thung lũng Tình yêu, KDL Đồi Mộng Mơ cũng bị bê tông hóa. Ngoài ra, tại thác Cam Ly, Sân khấu nhạc nước Cam Ly (Đà Lạt) có khán đài hơn 2.000 chỗ ngồi, cùng nhà hàng 300 thực khách với tổng vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng đã được Công ty công nghệ giải trí Tết đưa vào sử dụng từ đầu tháng 2.2010. Sân khấu này đã khiến phần lớn thắng cảnh thác Cam Ly bị bê tông hóa, xấu trầm trọng. Hoạt động chưa được bao lâu thì sân khấu này “chết yểu” để lại đống bê tông, sắt thép. Bây giờ thì KDL Cam Ly phải “è cổ” ra để xử lý, trồng cây, trồng hoa để che phủ.
N.T.Tâm - G.Sơn - G.Bình - Q.Hà

N.T.Tâm - Q.Hà - B.Ngọc - G.Bình   (Thanh Nien)
15/03/2013 3:30

Thắng cảnh nào cũng quảng cáo là thiên đường nghỉ dưỡng, tham quan, thư giãn cho du khách nhưng hầu hết đều có chung một vấn đề, đó là ô nhiễm trầm trọng.

Ô nhiễm triền miên
Nằm ngay trong TP.Đà Lạt, thắng cảnh quốc gia thác Cam Ly bị ô nhiễm triền miên và ngày càng trầm trọng. Ông Tạ Hoàng Giang, Giám đốc Công ty CP dịch vụ du lịch Đà Lạt (đơn vị chủ quản Khu du lịch thác Cam Ly), than thở: “Thượng nguồn dòng suối này chảy qua nhiều khu dân cư ở trung tâm thành phố và rất nhiều người vẫn thản nhiên vứt rác, chất thải ra suối, tạo thành một con suối đen gây ô nhiễm. Hằng ngày, khu du lịch phải cho đội ngũ nhân viên vớt dọn rác ở khu vực thác, nạo vét bùn, sử dụng ống nhựa làm phao chắn rác nhưng chỉ mang tính tạm thời, còn thì bất lực. Công ty cũng đầu tư rất nhiều tiền để xử lý ô nhiễm nhưng vẫn không xong, bởi nguồn nước đổ về đây quá ô nhiễm...”. Chưa kể mỗi khi thắng cảnh hồ Xuân Hương “ngộ độc” tảo lam (năm nào cũng có) bốc mùi hôi thối thì nước từ hồ này chảy về cũng khiến thác Cam Ly “lâm bệnh” theo.
Tương tự, hồ Than Thở cũng đang “ngáp ngắn, ngáp dài” vì tình trạng bồi lắng, ô nhiễm và mất dần cảnh quan. Cả chục năm qua, thắng cảnh thơ mộng đã đi vào thi ca này bị mất dần giá trị. Hồ nước giờ trông như một ao nuôi cá, xung quanh hồ cỏ dại mọc um tùm, bèo, rác bao phủ. Đứng phía đồi thông Hai mộ nhìn qua, cảnh quan trông nhếch nhác thậm tệ, bởi nguyên một quả đồi phía trên là những luống rau, nhà kính, nhà lưới bạt ngàn cao thấp, nhấp nhô. Vùng canh tác nông nghiệp này cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hồ Than Thở bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những phế phẩm nông nghiệp, cùng với thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất hoặc trôi theo nước mưa rồi cứ thế đổ hết xuống hồ.


Tại Mũi Né, ô nhiễm môi trường ven biển vẫn luôn là vấn đề. Rất nhiều resort mini, đặc biệt là hệ thống các nhà nghỉ “ăn theo” còn xem nhẹ yếu tố xử lý nước thải trong khi việc kiểm tra, xử lý vi phạm hoàn toàn buông lỏng.
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Bình Thuận: Có những resort chỉ làm hệ thống xử lý nước thải rất nhỏ so với quy mô khu du lịch. Có những nơi làm để đối phó với cơ quan chức năng mà không vận hành. Khi không có kiểm tra, resort xả nước thải chảy tự do vào môi trường. Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, bức xúc: “Vào mùa gió nam, mỗi ngày chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra thu gom hàng tấn rác từ ven biển dạt vào bờ. Vì thương hiệu của Mũi Né, không thể đứng nhìn bãi biển “thiên đường” ngập tràn rác”.

Hàng ngàn tấn nước thải xả xuống biển mỗi ngày
Theo báo cáo của ngành du lịch Quảng Ninh, năm 2012, cứ 100 du khách châu Âu đến Việt Nam thì có 40 người đến thăm vịnh Hạ Long. 80% khách lưu trú qua đêm tại tàu du lịch trên vịnh là khách châu Âu và một số nước phương Tây khác. Vì trên bờ không có sản phẩm du lịch đặc sắc nên áp lực về lượng người, thời gian tham quan dồn cả lên mặt vịnh và các hang động đá vôi trên biển. Ngoài ra, còn có hàng loạt tàu than chạy cắt ngang từ vịnh Cửa Lục ra các khu chuyển tải để bốc xếp lên tàu to. Nhiều nhà máy xi măng cũng tỏa khói, bụi ngay bên bờ vịnh. Đứng từ cầu Bãi Cháy, du khách không khỏi xót xa khi thấy băng chuyền rót xi măng hàng cây số vươn dài như con rắn khổng lồ cắt trên vịnh Cửa Lục xanh ngọc. Khi tàu vào nhận xi măng, bụi bay mù mịt làm mất đi vẻ đẹp tuyệt tác của bức tranh thủy mặc Hạ Long.
Đến thời điểm này, ở Hạ Long có 1.200 phòng nghỉ trên các tàu lưu trú nhưng theo bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, nhu cầu nghỉ đêm trên vịnh của du khách ngày một tăng. Mặt vịnh sẽ chịu tác động của nhiều nhân tố, đặc biệt là vấn đề về chất xả thải từ các tàu thăm và nghỉ đêm trên vịnh.
Ông Hà Thế Tiến, 55 tuổi, một kỹ sư có thâm niên nhiều năm trong lĩnh vực hàng hải không giấu nổi bức xúc: “Hàng chục năm trên vịnh tôi nhận ra, không hề có một đơn vị nào thu gom và xử lý nước thải cả. Trừ số ít các tàu hiện đại đóng mới hiện nay là có két chứa và thiết bị xử lý nước thải tiên tiến, 90% các phương tiện vận tải thủy trên vịnh đều xả thải trực tiếp xuống biển. Với tàu khách, mặc dù chỉ chiếm số ít trong tổng số phương tiện, nhưng lại chuyên chở một lượng đông khách du lịch thì lượng nước xả thải ra biển sẽ rất lớn, trung bình khoảng 2 - 3 m3 tàu/ngày. Nếu đem nhân lên với con số 500 tàu du lịch thì trung bình một ngày sẽ có đến 1.000 - 1.500 m3 nước thải chưa qua xử lý xả thẳng xuống vịnh. Trong khi đó, két chứa nước thải của các tàu chỉ có dung tích từ 100 - 200 lít, gọi là để cho... có khi đăng kiểm”.
Cũng theo ông Tiến, trong nước thải xả ra còn có lẫn cả dầu máy và dầu thải chưa được qua xử lý dẫn đến hiện tượng ô nhiễm dầu nghiêm trọng trên vịnh; làm tổn thương hệ sinh thái biển và là nguyên nhân dẫn đến việc biến mất hoàn toàn hệ san hô dưới đáy biển.
N.T.Tâm - Q.Hà - B.Ngọc - G.Bình


N.Trần Tâm    (Thanh Nien)
16/03/2013 3:00

Chính ngành du lịch sẽ gặp khó, đầu tiên về tình trạng phát triển du lịch coi nhẹ tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên và cảnh quan.

Sẽ chẳng còn gì để xem
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, kể: Một vị khách Pháp của ông, sau khi lên đảo và nhìn quanh một vòng cơ ngơi của một khách sạn ở vịnh Nha Trang, đã tuyên bố không quay lại nữa. “Làm du lịch là đưa khách về với thiên nhiên, vậy mà người ta nỡ lòng phá nát chúng”, người khách này nói. Những gì đang diễn ra tại Việt Nam trái hẳn với xu hướng tìm về thiên nhiên, với phong cảnh hoang sơ, mà thế giới đang theo đuổi.
Hủy hoại cảnh quan thiên nhiên là tình trạng xảy ra ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng như Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc, Sapa… Theo ông Huê, khi phát triển sản phẩm du lịch mới, các doanh nghiệp (DN) du lịch lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều không tính tới các tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên. DN nghĩ ra tuyến điểm mới, tổ chức khảo sát, thiết kế và đem ra bán cho du khách. Nhà nước theo sau quảng bá mà không có một định hướng để phát triển sản phẩm bền vững.
Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), thừa nhận các đánh giá về tác động môi trường của các dự án du lịch thường chỉ mang tính thủ tục. DN quan tâm nhiều đến việc làm sao để sản phẩm du lịch hấp dẫn, bán càng nhiều càng tốt. Các tác động về môi trường không phải là trách nhiệm của họ. Việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm tràn lan ở các danh lam thắng cảnh hay danh thắng, dĩ nhiên, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.
Làm du lịch ở VN là khai thác ba “món”: Trời, đất và nước. Đối với trời, du khách đến VN phải thấy được bầu trời xanh, nắng, gió không bị che khuất bởi các kiểu kiến trúc khác nhau. Nhưng không gian như thế ở ta đang bị mất đi. Mũi Né, Phú Quốc hay Nha Trang đều đang như vậy. Thắng cảnh ở ta nhiều nơi ngập đầy rác, nhà vệ sinh kém dơ bẩn… Cứ như thế, chẳng còn lý do gì để du khách tìm đến. Ông Huê trầm ngâm: “Rồi đây du khách đến VN sẽ chiêm ngưỡng những gì khi ở khắp nơi, thắng cảnh đang bị khai thác một cách tan hoang”.

Trả giá đắt
Theo TS Phạm Trung Lương, cảnh quan du lịch xuống cấp là vấn đề được nêu ra trong rất nhiều cuộc hội thảo trước đây. Tuy nhiên, thực tế không có gì biến chuyển, nếu không muốn nói là ngày càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân là do ý thức của người tham gia du lịch ở VN không cao (cả DN và du khách), quản lý nhà nước cấp địa phương không hiệu quả, các chế tài không đi vào thực tiễn. Thực ra, các chế tài về bảo vệ môi trường, danh thắng… trong hoạt động du lịch đã có từ năm 2002 (quy chế bảo vệ môi trường du lịch), bên cạnh đó là luật Môi trường; luật Văn hóa, Di sản… Và chính ngành du lịch lại gánh chịu hậu quả này bởi du khách, nhất là du khách nước ngoài, rất “nhạy cảm” với môi trường điểm đến. Dễ thấy nhất là du khách không quay lại. Một du khách không quay lại thì có thể du lịch VN còn mất nhiều người khách khác do truyền miệng, khi cải thiện được cũng khó thuyết phục du khách. Nhiều DN du lịch thừa nhận nếu không bảo vệ môi trường thiên nhiên ở các điểm đến một cách triệt để, du lịch VN khó trở thành một điểm đến uy tín trên thế giới.
Theo một số nhà chuyên môn, trong khi chờ đợi cơ quan quản lý nhà nước tìm giải pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan, có thể trích một phần lợi nhuận từ du lịch để tái tạo môi trường, cảnh quan. Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh đánh giá đó là ý tưởng tốt. “Nhưng để làm được việc này phải có chỉ đạo vĩ mô. Chúng tôi thì chỉ có thể làm từ những việc nhỏ như vận động DN, nhân viên tham gia bảo vệ môi trường. Còn những việc lớn cần có chính sách tầm quốc gia”, ông Khánh nói.
Theo Tổng cục Du lịch, tổng doanh thu của ngành này lên tới 160.000 tỉ đồng trong năm 2012. Nếu có chủ trương trích một phần lợi nhuận thu được từ du lịch để đầu tư thực hiện các chương trình vận động, tuyên truyền bảo vệ môi trường, đầu tư tái tạo cảnh quan, xử lý môi trường… thì sẽ rất hữu ích. TS Phạm Trung Lương cho hay ông từng nhiều lần đề xuất giải pháp này nhưng không được quan tâm. Nhiều nước trên thế giới đã làm việc này khi cho phép đấu thầu quản lý điểm tham quan, như Campuchia áp dụng cho cụm đền Angkor Wat rất hiệu quả. Ở VN, có thời gian, chính quyền địa phương cũng từng dự định cho đấu thầu vịnh Hạ Long, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy kết quả.
N.Trần Tâm


XEM THÊM :




No comments:

Post a Comment

View My Stats