BBC phỏng vấn BS Phạm Hồng Sơn [Phần I]
Cập nhật: 11:47 GMT - thứ bảy, 2 tháng 3, 2013
Đợt góp ý cho
sửa đổi Hiến pháp hiện hành ở Việt Nam đang tiến gần tới thời hạn chót mà Quốc
hội và chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo đặt ra, nhân dịp này, bác sỹ Phạm
Hồng Sơn, nhà vận động cho dân chủ và nhân quyền trong nước, dành cho BBC Việt
ngữ một cuộc trao đổi.
Mở đầu cuộc
phỏng vấn bằng bút đàm gồm hai phần, ông Phạm Hồng Sơn bình luận
về lưu ý gì cần tính tới liên quan trước hết quy trình của cuộc sửa đổi Hiến
pháp lần này, trong đó đặc biệt cần lấy gì để đảm bảo người dân có thực quyền
và chủ quyền để định đoạt việc lập hiến:
BS. Phạm Hồng
Sơn: Trước tiên tôi xin nêu ra hai vấn đề
có thể đang bị ngộ nhận, nhầm lẫn lớn trong dư luận về việc sửa đổi hiến pháp.
Những bàn luận, thông tin hiện nay gây ra một cảm giác rằng hiến pháp có ý
nghĩa quan trọng nhất trong việc xây dựng chế độ dân chủ hay thực hiện, bảo vệ
quyền tự do, nhân quyền cho nhân dân và hiến pháp khởi thủy là nhằm xây dựng
nhà nước hay là khế ước giữa người dân và kẻ cầm quyền. Nhưng thực sự không
hoàn toàn như thế.
Thứ nhất, hiến
pháp chỉ là một thiết chế trong nhiều thiết chế của chế độ dân chủ và không có
hiến pháp thì không hẳn xã hội sẽ không có (hay thiếu hơn) tự do, dân chủ. Anh
Quốc hay Israel không có hiến pháp (đúng hơn là không có bản văn hiến pháp)
nhưng đều là những xã hội rất tự do, dân chủ. Hoặc đơn giản hơn nữa, nhìn vào
Việt Nam trước năm 1945 dưới thời thuộc địa (cũng không có hiến pháp) thì rõ
ràng lúc đó người dân Việt Nam có nhiều quyền tự do cơ bản hơn hiện nay.
Thứ hai, nguồn
cội của tư tưởng hiến pháp (constitutionalism) không phải là việc xây dựng nhà
nước hay là khế ước giữa người dân và kẻ cầm quyền – đó chỉ là sự tiến triển và
là hệ quả cụ thể sau này như chúng ta đang thấy - mà nguồn cội của hiến pháp
chính là tinh thần thượng tôn pháp luật (rule of law) – tư tưởng có nguồn gốc
từ phương Tây từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại và được củng cố mạnh mẽ trong thời
Trung cổ châu Âu và tiếp tục trong những thời kỳ sau này- bất kể ai, từ vua tới
dân, giáo hoàng cho tới con chiên, đều phải tuân thủ pháp luật - những qui ước
chung.
Ngay trong đêm
trường Trung cổ, những điển cố về tuyên hứa tuân thủ và thực thi nghiêm ngặt
pháp luật của các ông vua bạo chúa như Pepin (714-768), Charlemagne (742-814),
Charles the Bold (1433-1477) vẫn còn được sử sách ghi rõ. Hay đơn giản là nhìn
vào vụ án Tống Văn Sơ tại Hong Kong năm 1931 ta cũng thấy nguyên tắc 'rule of
law' được tuân thủ nghiêm ngặt. Dẫu cho pháp luật những thời đó còn nhiều bất
công và man rợ nhưng tập quán giữ lời và tôn trọng pháp luật là một di sản vô
cùng lớn đã làm nền cho văn minh nhân loại hôm nay.
Chính trên thiết
chế 'rule of law' đó của phương Tây, hiến pháp với ý nghĩa là một bộ luật chung
cho một cộng đồng-quốc gia-dân tộc mới được phát triển. Nhìn lại những bản văn
có tính hiến pháp quan trọng của nhân loại như Magna Carta 1215, Fundamental
Orders of Connecticut 1638, Hiến pháp Mỹ 1787 hay Hiến pháp Meiji Nhật Bản
1889, dù khác nhau về không gian và thời gian và còn nhiều khiếm khuyết nhưng
tất cả đều có chung một đặc tính: những người chủ xướng thảo ra và hạ bút ký
đều tuân thủ rule of law và, do đó, tất cả cùng làm thành nền tảng văn minh, tự
do cho các thế hệ kế tiếp ở những nơi đó. Nghĩa là về nguồn gốc chỉ khi một
nhóm người đã cùng có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt những cam kết, nguyên tắc
chung (luật) thì mới có hiến pháp và chỉ khi đó hiến pháp mới có ý nghĩa.
'Vô ích, ảo tưởng'
Nhìn lại cái gốc
của hiến pháp Việt Nam hiện nay là gì? Đó là vụ “Ôn Như Hầu”, là bà Nguyễn Thị
Năm-Cát Thành Long (ân nhân của Hồ Chí Minh) bị bắn chết tươi, là mấy chục năm
trên Cổng Trời của Nguyễn Hữu Đang (người dựng lễ đài khai sinh ra Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa), là “rút phép thông công” của Nguyễn Mạnh Tường (tư vấn pháp luật
cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), là chín năm tù không án của Vũ Thư Hiên - con
trai ân nhân và thư ký riêng của Hồ Chí Minh - lãnh tụ, tác giả chính của Hiến
pháp 1946, là bảo người ta đi học tập vài tuần, vài tháng nhưng rồi đưa người
ta đi tù mút mùa hàng chục năm hoặc mãi mãi, vân vân và vân vân, vô vàn những
đau thương, tủi hờn khác còn ghê gớm, xót xa hơn nữa. Và nếu chỉ tính trong vài
tháng trở lại đây, trong đợt “cải cách hiến pháp”, có ai đếm được hết những vụ
bất chấp luật pháp, bách hại, sỉ nhục con người tại Việt Nam do chính người cầm
quyền thực hiện(?).
Với cái nền
“rule of law”, cả từ đáy cho tới hiện tại, như thế thì sao có thể nói đến hiến
pháp hay sửa hiến pháp được? Do đó, theo tôi, một cách thẳng thắn, nếu bàn đến
xây dựng hay ủng hộ việc cải cách hiến pháp với chính quyền Việt Nam hiện tại
là một việc làm kỳ cục, gần như vô ích hoặc hết sức ảo tưởng.
Nhưng bình tĩnh
lại, chúng ta cũng cần thấy thế này: chính sự phát triển lâu dài hàng thế kỷ
sau đó của hiến pháp trên thế giới và đặc biệt là việc các lãnh đạo độc tài
thường xuyên lấy hiến pháp làm mặt tiền (façade) cho cách cầm quyền độc đoán,
bất chấp pháp luật (phi thượng tôn pháp luật – rule by law) của họ đã làm cho
chúng ta lãng quên mất cái gốc quan trọng của hiến pháp (thực sự) – là rule of
law - và làm cho chúng ta rối mù trong cái vòng xoắn luẩn quẩn: Độc tài thời
dân chủ - Hiến pháp mặt tiền - Dân chủ giả hiệu - Dân chúng bối rối, mất tự do
- Độc tài thời dân chủ.
Dân chúng bối
rối vì phản đối thì sẽ bị qui ngay là chống lại pháp luật, chống lại văn minh
còn đồng ý, tán thành thì hậu quả như chúng ta đã thấy: một nhà nước vẫn hoàn
toàn độc tài còn nhân dân thì bị kìm kẹp, hắt hủi tệ hơn với những hệ thống
pháp luật đồ sộ, luôn được cải cách và cũng không kém đẹp đẽ.
Trong khi đó, cả
thực tế như ở Việt Nam và các kết luận của giới học giả chính trị, như Hayek
hay Dicey, đã chứng minh rõ là 'rule of law' phụ thuộc chủ yếu vào thái độ,
thiên hướng đạo đức và các hành động chính trị hơn là phụ thuộc vào ngôn từ của
các văn bản luật.
Hơn nữa chúng ta
cũng không nên kỳ vọng hiến pháp sẽ giải quyết được mọi thứ vì không thể có một
văn bản nào dù thành thực, chi tiết đến mấy có thể qui định và đưa ra được các
giải pháp luôn đúng cho mọi vấn đề cá nhân và xã hội. Ví dụ, tôi tin rằng ngay
cả bây giờ nếu không có hiến pháp nhưng một nhà cầm quyền lương thiện sẽ không
bao giờ cấm cản, sách nhiễu, sỉ nhục, vu cho những người xuống đường phản đối
quân xâm lược Trung Quốc là gây rối hay không thể nào lại hắt hủi vị tướng già
gần 100 tuổi muốn đặt vòng hoa tưởng niệm các binh sĩ đã bỏ mình vì quân Trung
Quốc.
'Không nên khẩn cầu'
BBC: Vậy theo ông nhóm 72 người (đầu
tiên) mới đây kiến nghị về cải cách hiến pháp do ĐCSVN đề ra có những ý nghĩa
gì?
BS. Phạm Hồng
Sơn: Đó là việc có thể tăng cường hiểu
biết, nhận thức về pháp luật và tập dượt trong việc tập hợp dân chúng. Nhưng
nếu chỉ nhằm hai mục đích đó thôi thì những nhân sĩ có uy tín lớn vào hạng nhất
như thế lẽ ra không nên khẩn cầu hay kiến nghị cho Quốc hội – cơ quan đã tỏ rõ
là vô trách nhiệm với tất cả các vấn đề hệ trọng nhất của đất nước, đã bị thế
giới dân chủ gọi là con dấu cao su của ĐCSVN. Nếu các vị đó không cần phải đề
đạt, khẩn cầu ai, ngoài dân chúng, tôi tin rằng các vị đó vẫn khởi động được
một phong trào nâng cao nhận thức của xã hội về hiến pháp, pháp luật, vừa tập
được tính chủ động cho người dân và vừa tránh được mọi sự lợi dụng (chắc chắn
đã hoặc sẽ có) của chính quyền và loại hoàn toàn được hiệu ứng (vô tình hay cố
ý) tạo thêm tính chính đáng cho một thủ đoạn chính trị lừa dối. Và còn tránh
được nhiều hệ quả có thể xấu hơn nữa.
Nhưng nói đến
hiến pháp, pháp luật mà không nhấn mạnh, đòi hỏi rule of law, không tố cáo,
phản bác sự chà đạp 'rule of law', bất chấp hiến pháp thì cũng chả khác mấy với
các tuyên truyền của ĐCSVN từ xưa tới nay. Hơn nữa, chúng ta cần hết sức lưu ý
rằng ĐCSVN đã luôn chứng tỏ là ông “trùm” trong việc thao túng, lèo lái dư
luận, lôi kéo, thao túng quần chúng, kể cả những khi họ chưa nắm chắc quyền
hoặc lâm khủng hoảng. Chính đợt “cải cách hiến pháp” này cũng là một ví dụ
chứng tỏ ĐCSVN vẫn thừa khả năng áp đặt “lối chơi”. Vấn đề hệ trọng này tôi xin
đề cập thêm vào một dịp khác.
BBC:Thế còn ý kiến cho rằng “Kiến nghị
72” có tác dụng 'hỗ trợ một phe đang muốn đa nguyên trong Đảng', thì ông nghĩ
sao?
BS. Phạm Hồng
Sơn: Vâng, cũng có thể có manh nha của
một sự biến chuyển thành đa đảng. Các phe phái trong ĐCSVN gần như đang hình
thành ngày càng rõ và họ còn đã chuẩn bị xong những bước đầu tiên cho sự truyền
ngôi cho thế hệ con cháu của họ. Và chính cái nguy hiểm nằm ở chỗ đó vì nếu như
thế thì rất có thể Việt Nam sẽ lặp lại tình trạng nước Nga thời hậu Yeltsin như
hiện nay và chắc chắn sẽ tệ hơn nước Nga vì Việt Nam là bạn vàng của Anh cả Đỏ
phương Bắc. Lúc đó các phe phái độc tài sẽ thay nhau nắm quyền sắt đá, sẽ có
truyền thông tư nhân hốt bạc là cánh hẩu của giới chính trị nói tiếng Anh làu
làu, lái Rolls-Royce điệu nghệ, còn tự do của nhân dân và chủ quyền quốc gia
chắc sẽ được đếm xỉa nhiều ít là phụ thuộc vào sự lên xuống cao thấp của những
ly rượu Mao Đài.
Một đất nước
thiếu hay yếu về xã hội dân sự và người dân chưa có nhiều thao luyện chính trị
luôn là mảnh đất màu mỡ cho độc tài độc đảng hay vài đảng lũng đoạn.
BBC: Ông nghĩ sao về con số được cho là
'đã có gần bảy nghìn người', tính tới thời điểm này, ký tên vào “Kiến nghị 72”?
BS. Phạm Hồng
Sơn: Tôi nghĩ đó là một kết quả rất đáng
khích lệ không chỉ cho những người chủ xướng mà còn cho cả những người muốn dân
Việt Nam tích cực hơn với các vấn đề chung của xã hội. Nhưng số lượng không
phải là yếu tố duy nhất hay yếu tố quyết định cho chất lượng hay xác định tính
đúng/sai của một xu hướng/phong trào chính trị nhất là khi quyền lực độc đoán
vẫn giữ thế thượng phong, bao trùm trong xã hội. Còn về phân tích thống kê thì
những đặc điểm như phân bổ vùng miền, giới, nghề nghiệp, tôn giáo và nhất là
trình độ chính trị của người ký và cách thức tập hợp, lấy chữ ký như thế nào
cũng là yếu tố không thể bỏ qua khi xem xét tính chất của sự ủng hộ. Đó là
những điều tôi chưa biết rõ.
Nhưng chúng ta
rất cần lưu ý các cuộc bầu cử do ĐCSVN tổ chức từ năm 1945 đến nay và các cuộc
bầu cử ở nước Nga thời hậu cộng sản vẫn là những bài học sâu sắc về số lượng
cho chúng ta – những người muốn có dân chủ, tự do đích thực.
Mời quý vị đón
theo dõi tiếp tại đây phần II của cuộc trao đổi gồm
có hai phần với Bác sỹ Phạm Hồng Sơn, người được tổ chức theo dõi nhân quyền
Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman-Hammett về quyền con người năm
2008.
BBC phỏng vấn BS Phạm Hồng Sơn [Phần II)
Cập nhật: 13:38 GMT - thứ bảy, 2 tháng
3, 2013
Nhà vận động cho
dân chủ, nhân quyền và cải tổ chính trị ở trong nước, Bác sỹ Phạm Hồng Sơn,
cho rằng sửa hiến pháp là một thủ thuật mà ông gọi là "phương thức kinh
điển" của các thể chế và các nhà độc tài khi họ muốn "duy trì,"
"cố thủ" quyền lực.
Ông cũng cho
rằng người dân, kể cả giới trí thức, giới bất đồng chính kiến trong nước, muốn
đấu tranh để đạt được dân chủ, nhân quyền thực sự, cũng như giành lại quyền lực
đích thực của nhân dân, cần có sự thay đổi 'chủ động' và 'căn bản' từ tư duy
tới chiến lược, chiến thuật trước đảng cộng sản.
Mở đầu phần II
cuộc phỏng vấn bằng bút đàm với BBC, bác sỹ
Sơn bình luận về một luồng ý kiến cho rằng có thể "có ai đó đang lèo lái
và thi triển ý đồ" phía sau lần đưa ra sửa đổi Hiến pháp hiện tại, theo
hướng có thể "dùng" lần tu chỉnh như một dịp để "kéo dài thời
gian, tạo lợi thế chính trị cho mình" hay thậm chí "đánh lạc hướng xã
hội và dư luận."
BS. Phạm Hồng
Sơn: Đặt vấn đề như vậy đã chính là câu
trả lời nếu bỏ đi các dấu hỏi, bớt đi dăm chữ và thêm vào chữ “Đảng cộng sản Việt
Nam” (ĐCSVN). “Sửa hiến pháp” luôn là một phương thuốc kinh điển của mọi kẻ độc
tài trong thời dân chủ mỗi khi chúng muốn tiếm quyền, củng cố lại quyền lực hay
vượt thoát khủng hoảng. Chỉ cần xem qua dư luận vài tháng nay thì thấy phương
thuốc đó còn khá hiệu nghiệm, gần như tất cả các vấn đề nghiêm trọng khác của
đất nước đã bị mờ hoặc biến hẳn trên truyền thông, cả của Đảng lẫn của dân,
trước các núi thông tin về hiến pháp – một bản văn chưa bao giờ được ĐCSVN tôn
trọng.
Tuy nhiên, nếu
chỉ nói như thế thì dễ gây hiểu lầm hoặc làm tổn thương những người thật lòng
muốn tận dụng cơ hội này để thúc đẩy tiến bộ thực sự. Nhưng cá nhân tôi rất lo
lắng cho những người có thiện ý tiến bộ thực sự đó vì đảng hoàn toàn chủ động
trong việc này và đảng có rất nhiều cách thức, nguồn lực để tận dụng ngược trở
lại như lèo lái, thậm chí mua chuộc. Những thủ đoạn nhằm tận dụng trở lại đó
của ĐCSVN thì chính bản thân tôi và nhiều thân hữu của tôi đã phải trải nghiệm.
'Góp ý nào ấn tượng?'
BBC: Trong số các ý kiến đóng góp về đợt
sửa Hiến pháp lần này, ông thấy có ý kiến nào, của ai, đáng chú ý vì tính thực
tế, thực chất của nó?
BS. Phạm Hồng
Sơn: Ngoài giới đấu tranh ly khai khỏi ĐCSVN, tôi thấy ấn
tượng với ý kiến của hai người là ông Nguyễn Trung, đảng viên cộng sản, cựu đại
sứ Việt Nam tại Thái Lan và ông Nguyễn Huy Canh một đảng viên cộng sản. Ý kiến
ấn tượng của ông Nguyễn Trung đối với tôi là ông đã đi đến nhận định rằng ĐCSVN
đang “quyết cố thủ” tính “độc quyền toàn trị đối với quốc gia” và ông nêu quan
điểm rõ rằng nếu hiến pháp chỉ sửa đổi sơ sơ như dự thảo thì nên dừng việc cải
cách hiến pháp lại. Còn ý kiến gây ấn tượng cho tôi từ ông Nguyễn Huy Canh là
ông khẳng định các hoạt động chính trị “không thể lý giải theo cách của các
khoa học tự nhiên được.” Nhưng đáng tiếc tôi lại không đồng ý với các giải pháp
đề nghị của hai người này. Ông Nguyễn Trung rất trông chờ vào chữ “tâm” của các
lãnh đạo đảng, còn ông Nguyễn Huy Canh thì kỳ vọng vào việc luật hóa Điều 4. Sự
vô ích của luật hóa Điều 4 (nếu có thể được luật hóa) đã được tôi chứng minh ở
phần trên. Còn việc trông chờ vào thiện ý hay tâm nguyện của lãnh đạo lại là
một tinh thần thụ động, ảo tưởng hết sức vô lý ở một người đã tự thừa nhận đảng
của mình đang “cố thủ” sự độc tài.
Còn về tổng thể,
tôi thấy đa phần ý kiến trong dư luận hiện nay vẫn là mang tính khuyến dụ đảng
bỏ Điều 4 hay luật hóa Điều 4 với lý lẽ là nhằm để ĐCSVN trường tồn hay chính
là giúp để đảng trong sạch hơn, có uy tín hay lấy lại uy tín với nhân dân hoặc
bỏ Điều 4 là theo đúng tư tưởng tiến bộ của Hồ Chí Minh. Theo tôi kiểu khuyến
dụ đó là không đúng, nhầm lẫn (hoặc thiếu thành thật) về bản chất hiện tượng và
không chân thật nhìn từ vị thế của ĐCSVN. Vì nếu bỏ Điều 4 không thôi thì không
hẳn đã tương đương với xã hội có đa đảng, có dân chủ, tự do hay ĐCSVN chấp nhận
những điều đó. Chúng ta nên nhớ lại trước khi có Điều 4 Hiến pháp năm 1980 thì
đảng vẫn hoàn toàn “lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”. Còn về Hồ Chí Minh, tôi
xin khẳng định lại một lần nữa rằng chính thực tế cầm quyền và những phát biểu
của Hồ Chí Minh, đã được ghi lại trên các văn bản của ĐCSVN, đã minh chứng rõ
rằng Hồ Chí Minh là con người mang tư tưởng độc tài quyết liệt nhưng khéo léo,
xảo quyệt.
Còn việc đảng sẽ
thấy người khuyến dụ kiểu đó không chân thật là vì ngay một chính trị gia thiếu
kinh nghiệm nhất cũng phải hiểu rằng khi bắt đầu phải cạnh tranh với người khác
cũng là bắt đầu phải từ bỏ việc kiểm soát tuyệt đối quyền lực. Mà đảng thì lại
không phải là một tổ chức chính trị thiếu kinh nghiệm và chính đảng đã nhiều
lần tuyên bố dứt khoát rằng không chấp nhận đối lập chứ chưa nói đến việc cạnh
tranh. Vì vậy kiểu khuyến dụ đó chỉ có thể mang lại sự an toàn, tính ít đối đầu
cho người nói chứ hoàn toàn không có tác dụng để đảng tin cậy vào người nói, sẽ
không làm đảng tự từ bỏ độc quyền quyền lực. Mà khi ĐCSVN đã nghi ngờ, vì thấy
vô lý, thì đảng sẽ càng phòng thủ và càng tìm ra nhiều cách để đối phó, chống chế,
trấn áp cái nguy cơ mà thâm tâm đảng cảm thấy có thể bị giăng bẫy (vô tình hay
cố ý) bởi chính những người thân cận với mình. Như vậy, lối khuyến dụ kể trên
còn gây tổn hại cho lòng tin, vốn đã yếu, giữa người Việt với nhau.
'Sự chủ động của dân'
BBC: Theo ông, cả chính quyền, người dân
và các giới cần nỗ lực theo hướng nào, nguyên tắc nào và cách thức ra sao để
đảm bảo sớm có nhân quyền, tự do, dân chủ thực sự ở Việt Nam, không chỉ giới
hạn ở việc sửa Hiến pháp lần này?
BS. Phạm Hồng
Sơn: Về chính quyền, thú thật tôi không có
kỳ vọng gì vào việc góp ý để họ thay đổi hay lắng nghe. Và nếu họ trở nên biết
lắng nghe thì những gì mọi người đã nói trong khoảng 5 năm qua thôi cũng đã quá
đủ để họ biết cần phải làm gì để đất nước thoát khỏi tình trạng lâm nguy hiện
nay. Vì vậy, ở đây tôi sẽ chỉ đề cập đến sự chủ động của nhân dân – những người
đang bị kìm kẹp.
Theo tôi trước
hết nhân dân cần nhận thức rằng việc xây dựng dân chủ, giành và thực hiện các
quyền tự do hay nhân quyền là một công việc phải luôn chủ động và là một quá trình
lâu dài, liên tục, phải trải qua nhiều giai đoạn. Đó là công việc của chính mỗi
người dân – những người đang bị trị - chứ không phải của bất cứ ai hay bất cứ
quốc gia, tổ chức quốc tế nào, dù họ là người tài giỏi hay giàu mạnh, tốt bụng
đến mấy. Với tư cách là công dân, ta không nên trông mong ở chính quyền, kể cả
chính quyền dân chủ. Trong công cuộc tranh đấu đó, mỗi quốc gia gần như đều có
những cách thức riêng để tiến tới tự do nhưng, theo tôi, có những nguyên tắc và
những vấn đề chung không thể né tránh.
BBC: Ông có thể cho biết rõ thêm những
điểm chung đó?
BS. Phạm Hồng
Sơn: Chẳng hạn như, nguyên tắc trả giá, hy
sinh. Mọi tiến bộ của cá nhân hay xã hội đều buộc phải đi kèm với một cái giá
nào đó. Dĩ nhiên hiện nay không ai lại đi cổ vũ và ủng hộ cho đấu tranh vũ
trang, bạo động nhưng điều đó không có nghĩa là những cuộc đấu tranh bất bạo
động không phải hy sinh, mất mát. Nhưng cái giá đó đắt hay rẻ, lớn hay nhỏ lại
tùy thuộc quan niệm trong sự so sánh giữa các cặp giá trị như nhân phẩm-thân
thể, tự do-nô lệ, lợi ích gia đình – tiến bộ xã hội hay quyền lợi đảng phái-chủ
quyền dân tộc...
Hoặc một đặc
điểm chung khác là chúng ta cần phải học và thực hành những đặc tính văn hóa
dân chủ. Ví như nếu chúng ta muốn có tam quyền phân lập, muốn có đối trọng về
quyền lực thì chúng ta không thể không thấy lợi ích từ sự hiện diện của những
tổ chức, ý kiến khác biệt với mình. Nếu nhân dân muốn có một chính quyền biết
đối thoại, lắng nghe dân chúng thì chúng ta không thể giữ thái độ im lặng, bất
chấp hoặc xúc xiểm, trấn áp những phê bình, cảnh báo của người khác. Hay các đảng
phái chính trị là cần thiết trong chế độ dân chủ nhằm vận động, tập hợp dân
chúng trong việc cạnh tranh tìm ra lãnh đạo tối ưu và phòng chống độc tài nhưng
chúng ta không nên nhầm cạnh tranh chính trị với đầu óc bè phái, cục bộ, quên
mất cái mục đích tối thượng của cạnh tranh chính trị là giúp cho chân lý, điều
hay lẽ phải không bị kẻ cầm quyền vùi dập chứ không phải là việc trung thành
mãi mãi hay cứ cố bảo vệ cho người cùng nhóm, cùng đảng với mình bất chấp phải,
trái. Nếu những nét văn hóa dân chủ cơ bản như thế chưa được thấm nhuần và trở
thành phổ biến thì rất khó có thể đạt được một xã hội dân chủ, văn minh.
'Cần thẳng thắn hơn'
Một điểm quan
trọng nữa là nhân dân cần thay đổi cách tiếp cận trong vận động, đấu tranh.
Chúng ta cần thẳng thắn hơn với ĐCSVN và thành thật hơn với bản thân mình.
Chúng ta sẽ không thể thuyết phục được người khác chấp nhận chân lý nếu chính
chúng ta lại né tránh hay nói ngược với những sự thật hiển nhiên hoặc lại đặt
chân lý xuống dưới an toàn. Nhân dân sẽ không thể đòi hỏi người khác phải dũng
cảm rũ bỏ sự khống chế, mua chuộc của Trung Quốc khi chúng ta lại luôn cần một
bình phong để che chắn cho chính kiến của mình. Làm sao có thể khiến độc tài
đương quyền thức tỉnh “trở về với nhân dân” khi chúng ta cứ thản nhiên dùng
hình ảnh, trước tác của cố lãnh tụ độc tài, cựu tướng lĩnh phi dân chủ vẫn một
lòng theo Chủ nghĩa Marx-Lenin làm phông cho những kêu gọi, vận động dân chủ.
Chúng ta sẽ
không thể có một xã hội tôn trọng pháp luật (rule of law) nếu chúng ta vẫn giữ
lối thuyết khách “làm như thế là có lợi cho Đảng, là giúp Đảng tránh sụp đổ chứ
không phải lật đổ hay chống Đảng” thay cho việc minh định đơn giản rằng “cần
phải làm thế vì pháp luật, vì công bằng”. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi người
khác phải khí phách trước kẻ xâm lược khi chúng ta lại thế thủ trước họ bằng sự
thừa nhận rất mù mờ “có thể có những kẻ lợi dụng để xuyên tạc nhưng không phải
ai có ý kiến khác cũng đều là xuyên tạc, phản động.” Hoặc làm sao chúng ta có
thể đòi hỏi lãnh đạo ĐCSVN phải biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền
lợi của họ khi của cải của chúng ta đã đủ sống cho mấy đời con cháu mà chúng ta
vẫn lo bị đảng cắt mất sổ hưu.
Còn về cụ thể,
tôi nghĩ, vì mọi nguồn lực và thời gian của chúng ta đều có hạn, chúng ta nên
gắng tập trung vào những điều vừa thiết thực lại vừa có tính nền tảng (cả về
hàn lâm lẫn thực tiễn) cho một xã hội dân chủ tự do trong tương lai như: quyền
ra báo tư nhân, xuất bản tư nhân: Đòi hỏi phải cấp phép hay chính thức thừa
nhận (hợp pháp hóa) các trang mạng như Anh Ba Sàm, Bauxite VN, Quê Choa,… các
tờ báo “chui” như Tự do Ngôn luận, Tổ Quốc,… nhà xuất bản Giấy vụn,…; quyền tự
do đi lại: Không được đưa người đến chặn ở nhà hay lần mò, theo rõi, đe dọa nhằm
ngăn chặn sự di chuyển của người dân…; quyền được xuất nhập cảnh tự do: Không
được lén lút đưa ra những đòi hỏi, áp lực hay cam kết này nọ rồi mới cấp hộ
chiếu hay cho thông quan xuất nhập đối với mọi công dân; quyền tham dự các
phiên tòa công khai: Đã là công khai thì mọi người dân phải được bình đẳng vào
dự, nhất là người thân của bị cáo, báo chí; quyền gặp gỡ, nhóm họp hay xuống
đường tuần hành một cách ôn hòa mà không cần phải xin phép…
Hoặc các vận
động rất thiết thực như “Tuyên bố kêu gọi thực thi quyền con người và bãi bỏ
Điều 88”, theo tôi, đang đi khá chủ động và đúng hướng nhưng đáng tiếc đến nay
lại bị “cải cách hiến pháp” làm chìm đi mất. Những quyền như thế, phần lớn đều
đã được qui định trong bản hiến pháp hiện hành, nếu được cải thiện dù ít hay
nhiều cũng sẽ là cái thực, cái tốt ngay cho chúng ta hơn là nếu đạt được một
bản hiến pháp tuyệt vời đến mấy thì nó vẫn mới chỉ là giấy.
Và có một cách thức nữa tôi muốn nêu
ra ở đây vì nếu thực hiện được thì sẽ tạo ra một uy lực chuyển đổi về phía tiến
bộ vô cùng lớn mà lại rất ôn hòa, nhẹ nhàng. Đó là quyền từ giã những chiếc thẻ màu đỏ một cách công
khai của vài triệu người. Nhưng cho tới nay, ngoài vài người rất đáng kính đã thực
hiện, rất tiếc chưa có nhiều người đáng kính khác tỏ ra có dấu hiệu sẽ thực hiện,
kể cả những người đã đi tới nhận định cái tổ chức phát ra những chiếc thẻ đỏ đó
đã “hư hỏng, suy đồi” hay nó đang “cố thủ độc quyền toàn trị đối với quốc gia.”
Điều cuối cùng,
theo tôi, khi xem lại lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến nay với bao mất mát thương
đau mà người Việt Nam chỉ được hưởng một chế độ chính trị tàn bạo, ngoan cố thì
giới tinh hoa hôm nay cần phải mạnh dạn hơn trong việc khẳng định tư cách độc
lập. Giới tinh hoa độc lập thì dân mới
độc lập. Dân độc lập thì nước mới độc lập, tự do.
Mời quý vị đón
theo dõi Bấm tại đây
phần I cuộc trao đổi gồm hai phần với Bác sỹ Phạm Hồng Sơn, nhà vận động cho
dân chủ, cải cách chính trị, ''tù nhân lương tâm" ở Việt Nam được tổ chức
theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman-Hammett về
quyền con người năm 2008.
No comments:
Post a Comment