Sunday, 17 March 2013

BỘ CÔNG AN TOAN TÍNH THÊM QUYỀN LỰC ĐỂ LẠM QUYỀN HÀ HIẾP DÂN (Nguyễn Dư)




18-3-2013

Hổm rày đọc trên Dân Làm Báo và các báo quốc doanh, thấy một cái nghị định bên bộ công an đang tu chính đưa ra rất ư là kỳ cục: Đề xuất cho phép người thi hành công vụ được “nổ súng” nếu có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ.

Như thế nào mới cho là chống người thi hành công vụ nghiêm trọng? Thực tế mà nói, khó ai mà định nghĩa được cho trọn vẹn, khách quan trong câu hỏi này. Vụ án của ông Trịnh Xuân Tùng, có phải qui vào tội danh là chống người thi hành công vụ nghiêm trọng chưa mà đến nỗi ông phải trả bằng cái giá cho chính mạng sống của mình? Còn biết bao nhiêu vụ án khác nữa, không thể kể ra hết.

Bị cáo là công an, bào chữa, cho rằng đó là một tai nạn nghề nghiệp. Trời đất! Giết người theo cái kiểu côn đồ đó mà là một "tai nạn nghề nghiệp à?!"; thì thật là mỉa mai, khốn nạn cho người dân sống ở trong cái xã hội Việt Nam. Họ không còn coi con người là một con người nữa.

Khi bạn xâm phạm vào thân thể hay hay tinh thần của người khác tùy theo mức độ, là bạn đã vi phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật rồi. Bạn không thể bảo rằng tôi giết nó vì nó phạm tội, có lỗi; có hành vi khủng bố, đe dọa rất là nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của tôi; hay tôi đánh nó vì nó đã chửi bới. Bạn chỉ có quyền đánh nó vì nó đánh bạn, đó là tự vệ, sự phản ứng tự nhiên của mọi động vật. Người đánh trước dĩ nhiên sẽ phạm trọng tội hơn.

Nhưng với con người - nói riêng - có luật pháp thì khác. Bạn không thể, cũng không muốn đánh người, giết người; nếu lỡ chuyện đã xảy ra, thì bị cáo phạm tội đánh người gây thương tích hay giết người ngộ sát, hình phạt cũng không thể giảm vì có công cán, gọi là trong lúc thi hành công vụ được.

Nếu bảo: "căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản..." thì rất cần sự chứng minh, đem bằng chứng ra trước pháp luật chứ không thể nói khơi khơi. Khi đọc câu này, nếu chuyện chưa xảy ra hay không có bằng chứng thực tế thì phải hiểu rằng "hành vi" chưa phải là vật chứng cụ thể để xác định người ta đã làm thiệt hại đến mình.

Trừ những tội phạm nghiêm trọng, có chủ mưu; thường thì người dân trước khi vi phạm luật pháp đều là những người vô tình, tay không. Nếu họ có cố ý chống lại (không phải chỉ một người đang lúc thi hành công vụ, trong tay đang có vật dụng, vũ khí để tự vệ) thì cầm bằng thua là cái chắc. Chỉ có những kẻ cuồng điên mới dám làm càn.

Câu hỏi đặt ra là ông Trịnh Xuân Tùng có đánh công an chưa? Rất cần sự xác minh, thương tật, bằng chứng trước pháp luật. Nêú trường hợp ông Tùng đã đánh công an, thì hình phạt đối với ông cũng không phải là một tội chết. Nhưng công an đã giết ông ở trong đồn, trong lúc tay ông còn đang bị còng, là bằng chứng thực tế nhất. Thế thì đó gọi là cố sát hay ngộ sát? Mà tội giết người từ phía công an phạm tội rất dã man đó, bị cáo chỉ bị có bốn năm tù! Ngược lại, nếu ông Tùng có "lỡ tay (ngộ sát)" theo cái kiểu giết người đó của công an, thì cái giá ông phải trả là bao nhiêu năm? Đó là một vụ án bất công, bao che của chính quyền, đảng phái, phe nhóm trong một xã hội, con người đối xử với con người còn đầy man rợ.

Hay nói trắng ra cái nghị định quái gở bên bộ công an đang đề xuất, xây dựng là một việc làm chỉ biết nghĩ đến họ và chỉ để bảo vệ cho sự sống còn của họ mà thôi. Nên nhớ, người lính khi ra trận, hay người công an khi đang thi hành công vụ, với phản ứng tự nhiên sống còn của một động vật bình thường, thì dĩ nhiên họ không thể dễ dàng để đối phương hãm hại trong khi tay họ đang cầm vũ khí. Nhiều những vụ án, công an đánh người dã man còn chưa đủ sao, bây giờ còn bày ra thêm cái nghị định bất nhân, khuyến khích công an được phép bắn, đánh, giết dân với tội danh mơ hồ: "chống người thi hành công vụ".

Từ thực tế bất công vừa kể trên, thì chuyện gì sẽ xảy ra trong xã hội? Người dân sẽ không còn tin tưởng vào luật pháp; chỉ giải quyết với nhau bằng sức mạnh, vũ lực. Họ sẽ tìm đủ mọi cách lèo lách để đối đầu với công an. Rồi mọi người sẽ vi phạm nhân quyền. Xã hội loạn! Sẽ không còn ai tin tưởng ai và chả ai còn coi luật pháp ra gì nữa.

Thực tế thì xã hội đã loạn chưa?! Xin thưa là đã loạn rồi! Bằng chứng: để bảo vệ khu phố chỉ công an không thôi thì chưa đủ, phải tăng cường thêm dân phòng; đường xá thì sinh ra thêm dũng sĩ bắt cướp. Càng trấn áp thì tội phạm càng tăng. Ý tôi muốn nói: trấn áp không phải là một biện pháp hữu hiệu để điều hành quốc gia tốt hơn.

Vụ án của anh em Đoàn Văn Vươn là một vụ án điển hình trong một xã hội đầy rẫy bất công, mọi người - kể cả chính quyền - đều coi thường pháp luật của nhà nước, đảng cộng sản Việt Nam.








No comments:

Post a Comment

View My Stats