Thanh Phương – RFI
Thứ
hai 18 Tháng Ba 2013
Trong phong trào góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, bên cạnh các nhân sĩ trí thức và nhiều thành phần dân chúng khác, lãnh đạo một số tổ chức tôn giáo cũng đã tích cực tham gia, hoà chung tiếng nói đòi dân chủ nhân quyền cho đất nước.
Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Hoà thượng Thích Quảng Độ ngày 05/03 vừa qua đã ra tuyên bố ủng hộ bản kiến nghị của 72 vị nhân sĩ trí thức, đưa ra ngày 19/01 và Tuyên bố của các Công dân tự do, công bố ngày 28/02 gợì ý từ bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.
Trong tuyên bố này, Hòa thượng Thích Quảng Độ nhắc lại Sách lược 8 điểm cứu nguy đất nước mà Ngài đã đề xuất trong Lời kêu gọi cho dân chủ Việt Nam công bố ngày 21/02/2001. Một trong 8 điểm đó là « Bầu lại Quốc hội thật sự đại diện cho dân, thiết lập một
Nhà nước pháp quyền ». Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam
thống nhất nhân dịp này kêu gọi chính quyền tôn trọng quyền tự do phát biểu của người dân, mà không bị quy kết tội vi phạm an ninh quốc gia.
Trong khi đó, cụ Lê Quang Liêm, Hội trưởng Giáo hội Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy cũng đưa ra lời kêu gọi về sửa đổi Hiến pháp, tán đồng các ý kiến của Hòa thượng Thích Quảng Độ, của Hội đồng Giám mục Việt Nam và của các nhân sĩ trí thức, của nhóm Các Công dân tự do, của các sinh viên và của khối 8406. Ông Lê Quang Liêm kêu gọi mọi người liên kết đấu tranh đòi đảng Cộng sản chấp nhận một cuộc trưng cầu dân ý có sự giám sát của quốc tế để Việt Nam có được một Hiến pháp dân chủ.
Ngay cả các lãnh đạo Giáo hội Công giáo, vốn vẫn ngại động chạm đến chính quyền nay cũng đã mạnh mẽ lên tiếng. Ngày 01/03/2013, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã trao thư nhận định và góp ý về Hiến pháp cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Trong bản góp ý này, « với tư cách công dân », Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam trước hết yêu cầu là Hiến pháp mới phải nêu rõ hơn về các quyền của con người, chẳng hạn như về quyền tự do ngôn luận, phải ghi rõ thêm là « mọi người đều có quyền tự do tư
tưởng, tư do trình bày quan điểm và niềm tin của mình ».
Về quyền tự do tôn giáo, Hội đồng Giám mục yêu cầu là Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo và không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo, như đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển,v.v.
. .
Đặc biệt trong phần nói về quyền làm chủ của nhân dân, các giám mục mạnh dạn đặt lại vấn đề về Điều 4 Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam. Bài nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục viết : « Để tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì chủ thể của
quyền bính chính trị chính là nhân dân ».
Các giám mục Việt Nam còn cho rằng cần phải có sự độc lập giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, để tránh tình trạng lạm quyền và lộng quyền. Hội đồng Giám mục yêu cầu « xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn
mạnh vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất,
do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào ».
Như vậy, có thể nói là bản góp ý của Hội đồng Giám mục không khác xa gì mấy so với kiến nghị của 72 vị nhân sĩ trí thức, cũng như so với bản Tuyên bố của các Công dân tự do và bản góp ý của các vị lãnh đạo Giáo hội đã được sự ủng hộ rộng rãi của giáo dân và các linh mục, nhất là tại Sài Gòn, nơi mà bản góp ý đã được phổ biến rộng rãi tại nhiều nhà thờ. Giáo sĩ và giáo dân Việt Nam hải ngoại cũng đã kêu gọi ủng hộ bản nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam, cụ thể qua một bức tâm thư của một số giám mục và linh mục người Việt ở nước ngoài, đề ngày 03/03 và được đăng trên trang VietCatholic.
Nói chung, các ý kiến góp ý về sửa đổi Hiến pháp của các vị giám mục tuy
khiêm tốn, nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát, rõ ràng, như nhận định của Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn đài RFI ngày 11/03 vừa qua.
RFI: Kính thưa Cha Vinhsơn
Phạm Trung Thành, với tư cách là một linh mục, trước hết Cha có nhận xét như thế nào về phong trào góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp hiện nay?
Cha Phạm Trung
Thành: Xin kính chào toàn thể quý vị nghe đài RFI. Với tư cách là linh mục và được sống trong cộng đồng người Việt, chúng tôi nghĩ là khi Nhà nước kêu gọi góp ý, số đông dân chúng đã rất nhiệt thành góp ý, đặc biệt là Giáo hội Công giáo Việt Nam, đứng đầu là Hội đồng Giám mục Việt Nam, cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất, với Hòa thượng Thích Quảng Độ và 72 nhân sĩ trong bản kiến nghị.
Nói chung, những nhân sĩ trí thức, những người có trách nhiệm trong xã hội đã bày tỏ những quan điểm, suy
nghĩ của mình. Về phía dân chúng, có thể nói là rất nhiều người miền xâu, miền xa, hoặc một bộ phận dân chúng ở những nơi khác không để ý đến. Nhưng đang có những chuyển biến, trong suy tư, trong nhận định của một số người dân.
RFI: Mặc dù không phải đây là lần đầu tiên Hội đồng Giám mục đưa ra những nhận định về tình hình đất nước, nhưng
trong bản góp ý sửa đổi Hiến pháp, Hội đồng Giám mục đã mạnh dạn nêu vấn đề về điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo Cha, đây có phải là một bước tiến
mới trong nhận thức của các vị giám mục nói riêng và của Giáo hội nói chung về vấn đề thay đổi thể chế ở
Việt Nam?
Cha Phạm Trung
Thành: Theo quan điểm cá nhân của tôi, tôi thấy Giáo hội nói chung và Giáo hội Công giáo Việt Nam, được sự hướng dẫn của các vị chủ chăn, các đấng đã hết sức cẩn thận, suy nghĩ, cầu nguyện và đắn đo trong việc cần phải lên tiếng một cách chính thức và công khai. Tôi cho rằng, không phải đến hôm nay mới có chuyển biến, nhưng những suy nghĩ và những đắn đo của các đấng chủ chăn đã hình thành từ lâu, khi họ nhìn thấy những bất hợp lý, cũng như đòi hỏi của lương tâm con người về nhân quyền. Nhưng vấn đề là chọn thời điểm nào. Các lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Việt Nam thấy rằng đây là thời điểm thích hợp để lên tiếng.
RFI: Theo Cha, bản nhận định của Hội đồng Giám mục Việt Nam có những điểm gì đáng chú ý?
Cha Phạm Trung
Thành: Tôi thấy điểm nổi bật trước hết là các đấng đã nói theo lương tâm của mình, ghi nhận một sự thật trong cơ chế, trong lý thuyết và một sự thật trong thực tế. Với tất cả lương tâm của những người có trách nhiệm với xã hội, với đời sống con người, các vị đã lên tiếng nói về những quyền căn bản của con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng. Tôi cho rằng đây là một tiếng nói hết sức khiêm tốn, nhẹ nhàng, nhưng cũng rất dứt khoát, rõ ràng.
RFI: Bản nhận định của Hội đồng Giám mục có những điểm gì tương đồng với những
kiến nghị khác, chẳng hạn như kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức?
Cha Phạm Trung
Thành: Những đòi hỏi đó tương đồng với nhau đến 90%, đó là quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân. Tuy không nói rõ qua chữ nghĩa, nhưng bản kiến nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam không đồng ý cho Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền duy nhất ở đất nước này. Quyền đó phải thuộc về nhân dân. Tôi cho rằng điểm chung
nhất của tất cả các bản kiến nghị cho tới nay là đòi hỏi quyền đó phải thuộc về nhân dân.
RFI: Theo Cha thấy, bản nhận định của Hội đồng Giám mục đã được các tu sĩ nam nữ và giáo dân hưởng ứng như
thế nào?
Cha Phạm Trung
Thành: Anh em linh mục chúng tôi rất là vui mừng, bởi vì những bản trước chỉ là nhận định, còn bây giờ có cả góp ý. Những bản trước chỉ là ở cấp Uỷ ban Công lý và Hòa bình, còn bản này thuộc tầm mức Hội đồng Giám mục Việt Nam. Những bản trước chỉ là góp ý kín đáo giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam với Nhà nước. Lần này là góp ý công khai. Anh em linh mục chúng tôi cảm thấy rất vững tâm vì bây giờ đã được các vị chủ chăn định hướng.
Về phần giáo dân, những người nào chưa gặp được bản nhận định này,
thì có lẽ họ không biết, nhưng hầu như tất cả những giáo dân mà chúng tôi được gặp, sau khi đã đọc được bản nhận định này, đều rất là vui mừng.
Trong một hai tuần lễ gần đây tôi có dịp đi đó đi đây và có dịp gặp gỡ trong các thánh lễ, lễ an táng một vị linh mục lớn tuổi, hay một lễ tạ ơn, thì anh em linh mục đều chia sẽ với nhau niềm vui mừng đó.
RFI: Về phía chính quyền họ đã có phản ứng gì sau bản nhận định của Hội đồng Giám mục?
Cha Phạm Trung
Thành: Tôi không rõ là chính quyền có phản ứng như thế nào với các đấng giám mục. Tại thành phố Sài Gòn này, khi một số nhà thờ, như nhà thờ Kỳ Đồng, nơi tôi đang sống, hoặc các nhà thờ Công Lý, Mẫu Tâm, không chỉ dán bản nhận định ở bản thông báo, mà còn in ra và phát cho giáo dân, cũng như khi cha sở giải thích cho giáo dân về bản nhận định này, thì chúng tôi không thấy chính quyền có phản ứng gì.
Nhưng chúng tôi có nghe một thông tin, không biết có chính xác hay không, vào sáng Chủ nhật 10/03, tại một nhà thờ, sau khi cha sở phổ biến và phát bản nhận định cho
giáo dân, thì buổi chiều hôm đó, công an và Mặt trận có vào làm việc.
Nhưng, như chúng tôi đã thưa ở trên, anh em chúng tôi rất vững tâm, vì những vị chủ chăn của chúng tôi đã lên tiếng, vạch ra đường lối. Chúng tôi cảm thấy lương tâm chúng tôi rất nhẹ nhàng, khi những gì chúng tôi thấy, những gì chúng tôi mong ước, những gì chúng tôi muốn nói, thì những người cha của chúng tôi đã nói.
RFI: Trong thời gian qua, trước phong trào góp ý kiến Hiến pháp, chính quyền đã phản ứng khá mạnh, thậm chí gọi những người
đòi đa nguyên đa đảng, đòi phi chính trị hóa quân đội là những người “suy thoái đạo đức”. Báo chí chính thức thì liên tiếp đăng nhiều bài phản bán những lập luận
trong các kiến nghị. Cha có nhận xét gì về phản ứng này của chính quyền?
Cha Phạm Trung
Thành: Tôi nghĩ họ phản ứng là chuyện đương nhiên, bởi vì họ cái mà họ bảo vệ đó là độc quyền lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, những lập luận đó có được chấp nhận hay không, thì đấy lại là chuyện khác.
Càng ngày tôi càng thấy có những người, đặc biệt là những bạn trẻ như Nguyễn Đắc Kiên chẳng hạn. Có lẽ trước đó, những người thế hệ lớn tuổi không nghĩ là những người trẻ có ý thức và lên tiếng mạnh như vậy. Nhưng nay tôi thấy là các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã can đảm và sáng suốt nhận ra vấn đề.
Trên mạng thông tin Nhà nước thì họ tiếp tục nói như thế, nhưng trên cái mà lâu nay người ta gọi là báo “lề trái”, tôi thấy anh em lên tiếng rất mạnh và công khai. Ví dụ khi ký vào các kiến nghị, họ ghi rõ tên họ, địa chỉ đàng hoàng, chứ không còn giấu diếm gì. Nhất là số người ký vào kiến nghị của 72 nhân sĩ đã lên tới gần 10 ngàn hay Bản tuyên bố của các công dân tự do cũng đã được gần 7 ngàn chữ ký. Mà tôi được biết là họ không đủ người để đưa kịp lên hết số người đã ký trên giấy hoặc ký qua mạng. Tôi thấy là càng ngày người dân Việt Nam càng thấy rõ vấn đề.
RFI: Họ đã nhìn thấy vấn đề và bây giờ thì họ không còn còn sợ lên tiếng nữa?
Cha Phạm Trung
Thành: Chỉ có một bộ phận thôi, còn một số thì vẫn còn sợ và chờ xem tình hình diễn tiến tới đâu. Khi chính quyền của thành phố Sài Gòn phát giấy, yêu cầu từng gia đình trả lời đồng ý hay không đồng ý, thì đúng là người dân có biết gì đâu, thôi thì đồng ý cho khỏi bị rắc rối.
RFI: Xin cám ơn Cha Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt
Nam.
No comments:
Post a Comment