Sunday 24 March 2013

BA TỔ CHỨC NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ LÊN TIẾNG VỀ VỤ SÁCH NHIỄU HUYNH TRƯỞNG LÊ CÔNG CẦU (PTTPGQT)




PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
22.3.2013

THƯ CHUNG

Kính gửi Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch CHXHCNVN, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, và ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng CSVN

Paris – Genève, ngày 22.3.2013

V/v Quan ngại về nguy cơ xử án Lãnh đạo Gia Đình Phật tử Việt Nam và Nhà đấu tranh Bảo vệ Nhân quyền Lê Công Cầu

Thưa qúy Ngài,

Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR, Vietnam Committee on Human Rights), Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH, International Federation for Human Rights) và Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT, World Organisation Against Torture), kêu gọi chấm dứt việc sách nhiễu pháp lý đối với nhà Lãnh đạo Gia Đình Phật tử Việt Nam mà cũng là nhà đấu tranh Bảo vệ Nhân quyền Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), là người điều hợp năng nổ các sinh hoạt của GHPGVNTN, kể cả vấn đề nhân quyền tại Thừa Thiên – Huế.

Ông Lê Công Cầu bị công an hăm dọa xử án vì một loạt bài viết đưa lên Internet phê bình các chính sách của nhà cầm quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo, cùng những xử lý nhu nhược trong cuộc tranh cãi lãnh thổ với Trung quốc. Ông Cầu bị kết án theo điều 87 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam về “phá hoại chính sách đoàn kết”, và điều 88 “tuyên truyền chống Nhà nước”. Những điều có thể đưa tới án tù từ 15 đến 20 năm.

Hôm 12.3.2013, ông Lê Công Cầu nhận được Giấy Mời của công an đến “làm việc” tại Phường Trường An lúc 8 giờ sáng ngày hôm sau. Trong hai ngày rưởi (từ 13 đến 15.3.2013) ông bị thẩm vấn liên tục. Trước khi thả ông về hôm 15.3, công an tuyên bố họ có “đủ tư liệu để qui kết ông phạm vào hai tội theo điều 87 và 88 của Bộ Luật Hình Sự Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.

Việc bất thường là cuộc thẩm vấn không do công an địa phương mà lại do ông Nguyễn Hữu Chung, nhân viên Công an Tỉnh và hai công an thành phố Huế. Họ bắt đầu cho ông Cầu xem các bài rút từ Internet mà họ nói là “có tính chất nói xấu chế độ, tuyên truyền cho tổ chức bất hợp pháp là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất”.

Đặc biệt, công an tố cáo Lê Công Cầu phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam và kêu gọi cải tổ chính trị; bênh vực cho GHPGVNTN; và chỉ trích Giáo hội Phật giáo Việt Nam là công cụ chính trị của chế độ. Sau khi ông Cầu khẳng định các bài viết đưa ra là do ông viết, ông tuyên bố rằng ông chỉ chính đáng nói lên quyền phát biểu ý kiến được quy định trong Hiến pháp và trong các luật nhân quyền quốc tế. Vì vậy ông chẳng phạm bất cứ tội gì.

Hôm 15.3, ngày thẩm vấn cuối cùng, ông Chung ra lệnh cho ông Cầu viết bản tường trình ghi lại những lời khai công nhận đã viết những bài tố cáo Đảng Cộng sản Việt Nam bán đất bán biển; khuất phục Trung quốc nhưng lại đàn áp nhân dân Việt Nam; đàn áp tôn giáo và đàn áp các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền; kêu gọi cho dân chủ đa nguyên; dự báo sự sụp đổ sắp sửa của chế độ Cộng sản; và tố cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam là công cụ chính trị của Đảng Cộng sản.

Ông Lê Công Cầu viết bản tường trình, nhưng từ chối các hành xử của ông có tính chất phạm tội. Ông viết vào cuối bản tường trình : “Lý tưởng của tôi, tôi vẫn giữ, việc làm của tôi, tôi vẫn làm, vì những điều tôi làm đã được Hiến Pháp qui định. Những ai ngăn cấm tôi mới là vi phạm Hiến Pháp, tôi không đồng lõa với những ai chà đạp lên Hiến Pháp”. Tuy nhiên công an đã bắt ông Cầu gạch bỏ hai câu này.

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam lên tiếng đòi lại quyền tự do phát biểu các ý kiến ôn hòa cho ông Lê Công Cầu, là quyền được bảo đảm tại điều 69 trong Hiến pháp Việt Nam, cũng như tại điều 19 trong Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982, vốn quy định cho mọi người quyền được “bảo đảm hoàn toàn cho việc tìm kiếm, thu nhận và phổ biến những thông tin và những ý nghĩ bằng bất cứ phương tiện diễn đạt nào, vượt trên mọi biên giới”.

Do đó, chúng tôi yêu cầu chấm dứt tức khắc và vô điều kiện cuộc xét xử và mọi hành động sách nhiễu khác đối với ông Lê Công Cầu, cũng như bảo đảm sự toàn vẹn thân thể và tâm lý ông trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Hy vọng được qúy Ngài lưu tâm.
Trân trọng.

Souhayr Belhassen
Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH)

Gerard Staberock
Tổng Thư ký Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT)

Võ Văn Ái
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR)






No comments:

Post a Comment

View My Stats