12:15:am
14/03/13
“Đọc
Nước Mắt Của Rừng, người đọc mới xót xa, hoài cảm vì giữa cuộc sống hiện đại đã
mọc lên những hàng quán café, quán nhậu, cửa hàng điện thoại và các dịch vụ
khác, người đọc không còn tìm thấy nhiều dấu vết hiền hòa, êm ả của buôn làng,
không còn bếp lửa nhà sàn ấm áp, không còn tiếng chầy giã gạo ngoài sân, không
còn tiếng mõ trâu, không cả những lũy tre làng vươn lên xanh ngát, có những
chiếc lá tre rơi trong hiu hiu gió về.”
Phan Ni Tấn
Phan Ni Tấn
*
Amai
B’Lan là bút hiệu của một cô giáo từng dạy học thiện nguyện ở miền cao. Cô còn
rất trẻ và dù chỉ dạy một quãng thời gian ngắn tại một buôn làng heo hút của
miền Thượng du nhưng cũng đủ để cô thực hiện được ước mơ nhỏ bé của mình là
viết ra tập bút ký mang một cái tên hết sức “miền Thượng”: Nước Mắt Của
Rừng(*).
Đọc
Nước Mắt Của Rừng, người đọc dễ nhận thấy ngay Amai B’lan viết về Tây nguyên
với biết bao thiện chí chân thành như viết về cuộc đời mình: “Tôi mê cao nguyên không đơn thuần
chỉ vì vẻ đẹp trinh khôi của nó, mà còn vì trong chuyến đi mạo hiểm đầu đời,
tôi được những con người tốt bụng của cao nguyên đùm bọc khi sa cơ lỡ bước. Giờ
đây, tôi muốn làm một cái gì đó cho vùng đất đáng yêu này.”
Tuổi
18 là lứa tuổi đẹp như bông hoa vươn lên quãng trời xanh bát ngát mà cũng là
một lứa tuổi đầy lý tưởng, tuổi của phiêu lưu mạo hiểm từ trong máu. Đoạn cô tả
cảnh thân gái dặm trường, một mình đạp xe đi từ Di Linh lên tận Kontum ròng rã
suốt một tháng trời với biết bao may rủi dọc đường mưa nắng, đói khát, mệt mỏi…
đủ thấy cô có duyên có nợ từ kiếp nào với cao nguyên đến trời đất cũng phải
kinh động.
Ảnh:
Trần Thị Trung Thu
Với
Amai B’Lan, Tây nguyên nói chung hay Cheo Reo, Phú Bổn, Ayunpa, Krông Pa nói
riêng là quê hương đất nước, là buôn làng, mà cũng là chỗ dựa tinh thần của cô.
Chỉ cần một không gian nhỏ bé là vùng đất hẻo lánh của Ayunpa và một quãng thời
gian ngắn ngủi thôi cũng đủ sinh ra Amai B’Lan, đủ để tạo nên số phận cô, duyên
nợ cô, con người và cuộc đời cô. Chính cuộc sống nội tâm đã thúc đẩy cô hướng
về phía núi, nên qua một hoạt động mục vụ của nhà thờ cô tìm thấy niềm vui
trong công việc dạy học để giúp cho các em người Jrai học tốt hơn, dạy cho các
em biết phân biệt tốt xấu để tránh bị người đời lừa đảo.
Amai
B’Lan đến với người Jrai hoàn toàn không mang theo hoài bão của con người thời
đại, như cô nhỏ nhẹ phân trần“Không
dám có ước muốn tìm
hiểu một dân tộc thẳm sâu và lạ lùng trong quãng thời gian ngắn như thế”.
Nhưng
sâu trong một tâm hồn hiền hòa, chất phác như nương rẫy, Amai B’Lan đến với Tây
nguyên bằng tinh thần thiện chí, bằng hơi thở, bằng nhớ thương, bằng nỗi ám ảnh
trước cảnh đời không như cô mơ ước, người đọc mới cảm nhận tự đáy lòng cô dâng
lên những gợn sóng u hoài. Chúng ta hãy nghe Amai B’Lan diễn tả tâm trạng này: “Tôi đã tới nơi cần tới sau nhiều
ngày mơ tưởng về thủ phủ của người Jrai, về vùng đất của Pơtao Apui, về những
căn nhà sàn đêm đêm bập bùng ánh lửa kể akhan, về một dân tộc có đời sống tâm
linh vô cùng sâu sắc, nhưng sao cảm giác trong tôi thật lạ, có gì đó như là tan
vỡ.”
Đọc
Amai B’Lan, ta thường gặp những lời trần tình biểu hiện lòng biết ơn vô lượng
những con người miền cao, cũng như cô bộc lô nhận thức một loại triết lý trăn
trở, cảm thông về cuộc đời con người đã mất đất, mất cả chủ quyền. Chia sẽ nỗi
trầm luân của người bản địa, Amai B’Lan thổ lộ: “Người Jrai đã từng là chủ vùng đất này (tên Gia Lai
đọc từ chữ “Jrai” mà ra). Tổ tiên họ đã sống và đã chết ở đây. Họ có cách sống
và văn hóa của riêng họ… Trên đầu họ là bầu trời tự do. Dưới chân họ là đất
rừng linh thiêng. Họ sống như thế biết bao thế hệ. Mọi chuyện cứ diễn ra như
thuở ban đầu cho tới khi người Kinh tới.”
Chính
vì thế mà xuyên qua Nước Mắt Của Rừng, ta thấy cuộc sống của đồng bào miền núi
đã bị đồng hóa vào đời sống thành thị đầy hỗn tạp, tục lụy, méo mó, chao đảo,
ngụy tạo. Sau cơn bão thời thế, những cái đẹp, những cái bình dị, mộc mạc của
con người thuần lương, cái hoang dại nên thơ, cái hào hùng cao cả… đã bị thay
thế bằng những cái bi thương, những cái thấp hèn dung tục, cái ác tâm, ác tính.
Rõ ràng là bầu không khí thiêng liêng và bí ẩn nằm sâu trong bản chất cuộc sống
như biểu tượng tâm hồn dân tộc của đồng bào thiểu số đã hoàn toàn đảo lộn từ
gốc rễ.
Tôi
xa quê lâu rồi, có hơn nửa đời người chưa từng trở lại nên thầm tiếc cho cái
khố thân yêu của người đàn ông Thượng và cái xà-gạc trên vai, hay cái eng
truyền thống của người đàn bà Thượng với cái gùi trên lưng có còn theo họ lên
rừng lên rẫy, ra chợ búa hay không. Còn những biểu tượng muôn thuở của đại ngàn
như cái ná, cái tên, cái tù và có còn treo trên vách nứa? Còn nữa, con chim ông
lão, con chim kơ-tia hay con chim ka-lơi có còn… tức tiếng hót của con chim
hoàng anh mà hót vang trên rừng trên núi, và cả cái nai, cái hoẵng dễ gì tồn
tại trên nương rẫy thân thương?
Đọc
Nước Mắt Của Rừng, người đọc mới xót xa, hoài cảm vì giữa cuộc sống hiện đại đã
mọc lên những hàng quán café, quán nhậu, cửa hàng điện thoại và các dịch vụ
khác, người đọc không còn tìm thấy nhiều dấu vết hiền hòa, êm ả của buôn làng,
không còn bếp lửa nhà sàn ấm áp, không còn tiếng chầy giã gạo ngoài sân, không
còn tiếng mõ trâu, không cả những lũy tre làng vươn lên xanh ngát, có những
chiếc lá tre rơi trong hiu hiu gió về. Amai B’Lan hết sức chua chát: “Người ta đã thay nhà sàn bằng nhà
xây, vật dụng trong nhà cũng là của người Kinh. Giới trẻ thay cái váy truyền
thống bằng quần jeans bó sát. Ở một góc của buôn, đàn ông tụ tập gầy sòng bạc,
uống rượu và chửi tục. Người trong buôn nói: “Người Jrai bây giờ đã biết học
theo người Kinh rồi. Con gái Jrai đã biết làm đĩ còn con trai đã biết ăn cắp
rồi.” Chính những ấn tượng nặng nề đó đã ám ảnh Amai B’Lan, làm tâm
hồn cô nghiêng xuống nỗi đau trước những nền tảng đạo đức lâu đời đã làm con
người băng hoại.
Amai
B’Lan, với tâm hồn hoài cổ luôn luôn nuối tiếc quá khứ, thiết tha với con người
cũ, yêu mến mảnh đất thiên nhiên màu mỡ của núi của rừng. Chính vì lẽ đó, mang
tâm trạng của nghệ sĩ với tất cả rung cảm chân thành, cô đã hết lòng làm cho
rừng núi và những con người hoang dã này sống lại trong văn chương miền cao.
Nhìn
họ qua những trang giấy trắng, mực đen, người đọc còn có thể “chạm” vào quá khứ
để gặp lại một vị thừa sai người Pháp đáng kính trọng là cha Jacques Dournes,
người đã hy sinh một đời của mình để mang tình thương Thiên Chúa đến cho những
người Thượng hoang sơ, điêu đứng khổ cực, áo quần lam lũ, ánh mắt thì xa xăm.
Cũng xuyên qua những trang văn này, ta cũng có thể chuyện trò thân thiết với
những con người thông tục như Mơai, Ama H’siu, Ami H’siu, Ơi H’hiam, chị
H’nhao, bé H’mái… hoặc người già làng đại diện cho ý chí và quyền lực của cộng
đồng sắc tộc, ngay cả những nhân vật tâm linh Pơtao nước (Thủy Xá), Pơtao lửa
(Hỏa Xá)… là những con người sinh ra từ cuộc sống sơn lâm huyền bí.
Nhưng
mà con người Amai B’Lan cũng lạ lắm. Lạ ở cái chỗ, bằng cái giọng cảm khái thâm
trầm, cô đang rưng rưng kể cho chúng ta nghe về những nỗi buồn mênh mông trước
cái thế thái nhân tình, rồi đột ngột như một thứ lịch sử sang trang, ta lại
gặp, lại nghe cái giọng cà tửng như đùa cợt của cô, khi cô săng sái lên giọng
kể về cách sống hòa mình với người bản địa. Hãy lật lại những trang đầu mà coi.
Amai B’Lan đã để cho ngòi bút của mình hồn nhiên, thơ thới vẽ nên những con
người một thời thuộc về hoang sơ rừng rú làm cho người đọc cảm giác rằng mọi
vấn đề của đời sống miền núi vẫn cứ như xưa, sinh sống trong yên bình, tự tại.
Nhà
văn trẻ tuổi của chúng ta sầu đời, giận đời, thương đời nhưng không căm hận
cuộc đời. Là vì cái vẻ đẹp nhân bản của Amai B’Lan trong Nước Mắt Của Rừng chứa
đựng một triết lý thuần khiết mà nồng nàn, thấm đượm một tinh thần lạc quan của
phương Đông. Mặc dù cuộc sống hiện nay đã khiến cho mọi vẻ đẹp về tình người
của người Jrai bị hao mòn, nhưng chính cái thiện mỹ của cô, dựa trên nền tảng
lấy niềm tin hăm hở soi vào vùng hiu hắt nhất, tăm tối nhất để tạo cho sức sống
con người một bộ mặt tươi sáng hơn, đáng yêu hơn.
Nước
Mắt Của Rừng là tập bút ký đầu tay của Amai B’lan, qua đó, cô đã vẽ lại một bức
tranh phong phú, vừa hoang dại nên thơ vừa khơi dậy một sức sống tiềm tàng của
những người con của núi rừng đại ngàn mà tổ tiên của họ đã từng dũng cảm tranh
đấu với thiên nhiên và thú dữ, bón vào lòng đất xương máu của mình để hình thành
một Tây nguyên mênh mông, hùng vĩ như ngày nay. Chính vì thế, Amai B’Lan sống
giữa nền văn minh cơ khí hiện đại, giữa ánh sáng phù phiếm của đô thị đầy vật
chất cám dỗ vẫn không chi phối tâm hồn cô.
Ở
Amai B’Lan, suốt một dẫy cao nguyên hùng vĩ đã được ngòi bút của cô khoanh lại
thành một vùng đất hiu quạnh, nhỏ bé mang tên Ayunpa. Ở đó, đất pha cát mọc lên
những chóp núi, những cụm rừng, những mái nhà cũ kỹ và những con người Jrai
thật thà, chất phác bên cạnh những truyền thuyết, huyền thoại, sử thi, chuyện
cổ tích dân gian vô cùng phong phú từ hình thể tới màu sắc.
Tập
bút ký được chia ra nhiều tiểu đoạn, nhưng mỗi tiểu đoạn lại là một chuỗi tiếp
nối như một bức phác họa bằng tư tưởng nghệ thuật đầy màu sắc và âm điệu, thể
hiện niềm đam mê sáng tạo của tác giả mô tả nhiệt tình về cuộc đời, về tình
thương, về con người du canh du cư vì thời thế mà trôi theo dòng đời phù vân,
tụ tán, dở dang , luôn luôn mất mát, thua thiệt trước những “Yuăn”, những âm
mưu toan tính của những loại người ác tính ác tâm.
Đọc
Nước Mắt Của Rừng quả là có nhiều niềm vui, nỗi buồn như chính dòng đời trôi
nổi những buồn vui, nhưng sáng tác của Amai B’Lan có tâm huyết tự sự bằng chữ
nghĩa, đã thả trên trang giấy một thứ tình yêu da diết dành riêng cho những con
người từng đến rồi đi, sống và chết trong niềm tự hào được làm người với ý
nghĩa đích thực của nó.
©
P.N.T
(*)
Nước Mắt Của Rừng.
Bút Ký của Amai
B’Lan.
Tựa:
Phan Ni Tấn.
Nhân
Ảnh Xuất Bản.
Bìa
và tranh: Khánh Trường.
Trình
Bày: Lê Hân & Tạ Quốc Quang.
Copyright
@ 2013 by Trung Thu.
ISBN:
978-0-9811982-9-3.
Ấn phí và bưu phí
15 M.K.
Sách
có thể đặt mua theo địa chỉ sau:
Mr. Lê Hân
375 Destino Circle,San Jose, CA 95133
U.S.A
375 Destino Circle,San Jose, CA 95133
U.S.A
No comments:
Post a Comment