Nguyễn Văn Thạnh
Chủ Nhật, 17/02/2013
1. Bình đẳng trong các nghề:
Hồi học phổ thông, thầy giáo ra một câu hỏi
cho cả lớp: “Theo các em, nghề nào quan trọng nhất? Vì sao?” Chúng tôi sôi nổi
bàn luận và xung phong phát biểu: bạn thì bảo nghề nông là quan trọng nhất vì
làm ra lúa gạo nuôi sống xã hội, không có thì mọi người sẽ chết đói; bạn thì
bảo nghề xây nhà là quan trọng nhất vì nếu không thì không có nhà ở, con người
sẽ bị lạnh và đau yếu; bạn thì bảo bác sĩ quan trọng nhất vì nếu không có bác
sĩ thì khi bị bệnh sẽ chết; người thì bảo nghề công an vì bắt bọn cướp của giết
người, bảo vệ bình yên cho mọi người làm ăn sinh sống. Chúng tôi tranh cãi bất
tận để bảo vệ ý kiến ngành nghề mình đưa ra là quan trọng nhất. Cuối cùng chúng
tôi đều cảm thấy hài lòng với câu trả lời của thầy giáo là có một nhóm nghành
nghề thiết yếu giữ vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người, trong đó
ngành nghề nào cũng có một vai trò đặc biệt không thể thay thế và đều cần thiết
như nhau vì nó đều phục vụ cho cuộc sống con người, giữ cho cuộc sống được tồn
tại trong một hệ thống cân bằng, nếu thiếu một nghành nghề thì cuộc sống sẽ bị
mất cân bằng, cuộc sống con người sẽ gặp nhiều rối loạn và khó khăn.
2. Bình đẳng giữa công dân và nhà nước:
Ngày xưa, ta thấy rằng người cầm quyền-Vua,
quan-là những bậc bề trên của dân. Họ như cha mẹ dân và có đặc quyền là không
bao giờ sai và không phải bồi thường nếu có gây hại cho dân (nhà nước là cha mẹ
dân, con cái không ai đi kiện cha mẹ). Trách nhiệm của người cầm quyền chỉ được
gắn với họ theo thuyết “quan phụ mẫu” hay ‘quân tử”, có nghĩa là tùy vào đạo
đức, lòng tốt của họ đối với con dân, dân hoàn toàn trông chờ vào ơn mưa móc
của họ chứ không có quyền gì đối với họ.
Ngày nay chúng ta biết rằng nhân dân là chủ
thể của đất nước, họ ủy quyền để xây dựng nên bộ máy nhà nước, đóng thuế để
nuôi bộ máy này, thuê nhân viên nhà nước để thực hiện các công việc chung như:
bảo đảm an ninh, chống tội phạm, chống lừa đảo, điều tra, xét xử,... Nhà nước
như thế được gọi là nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền là nhà nước bảo
đảm sự ngự trị của pháp luật, tổ chức và hoạt động của nhà nước phải tuân thủ
pháp luật.
Trong nhà nước pháp quyền, mối quan hệ giữa
nhà nước và công dân là “bình đẳng”, cả hai bên đều có quyền và nghĩa vụ đối
với nhau, được ghi nhận và đảm bảo thực hiện bằng Hiến pháp và pháp luật. Như
vậy, không có lý do gì mà hành vi vi phạm pháp luật của công dân thì bị xét xử
mà hành vi xâm phạm, lạm quyền từ phía nhà nước lại được miễn trừ. Công chức
suy cho cùng cũng là một nghề nghiệp trong xã hội. Trong mỗi nghề nghiệp đều có
trách nhiệm của nó.
3. Thực tế cuộc sống còn đầy bất công
Chúng ta thấy một bất công lớn là nhân viên
nhà nước thường hay nhân danh nhà nước để bắt công dân phối hợp với họ trong
công việc. Họ chỉ chú ý đến được việc cho họ mà quên đi công việc của công dân:
công an giao thông nhân danh bảo đảm an toàn giao thông ra lệnh dừng xe để kiểm
tra thoải mái mà không đếm xỉa đến thời gian vận chuyển của chủ xe (chính điều
này là nguyên nhân gây ra nạn mãi lộ); cán bộ thuế có quyền yêu cầu doanh
nghiệp phối hợp kiểm tra thuế mà không đếm xỉa đến thời gian, sự rối loạn hoạt
động trong công ty (gây ra nạn chạy chọt, đút lót), thậm chí mới chỉ nghi ngờ
là đã cho người đến trụ sở công ty lục tung đồ đạt để khám xét, bắt giam giám
đốc như trường hợp gia đình LS Lê Quốc Quân; cơ quan an ninh nếu có sự nghi ngờ
thì mời công dân lên làm việc bao nhiêu tùy thích, có người bị mời lên trụ sở
làm việc cả tháng trời, mà không đếm xỉa gì đến công ăn việc làm của họ; cơ
quan điều tra thì có quyền tạm giam công dân hay có quyền giữ phương tiện tài
sản công dân như trường hợp này
(sau đó chẳng thấy xin lỗi hay bồi thường gì cho người ta); rồi có nơi còn nhân
danh bảo vệ an ninh để bắt cóc công dân, sau một thời gian rất lâu mới công bố
như vụ bắt cóc cô sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên, bà Bùi Hằng.
Khi quyền bình đẳng của công dân đối với
nhà nước không được bảo đảm là nguyên nhân sinh ra nhiều vấn nạn như chúng ta
thấy: đội ngũ công chức làm việc đầy quan liêu, tắt trách, cửa quyền, hiệu quả
công việc rất thấp, nạn mãi lộ, ăn của đút lót. Một số lớn trong số viên chức
là ăn bám “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Nhiều nơi còn gây oan sai rất lớn
cho công dân, xâm phạm quyền con người nghiêm trọng. Công dân là chủ thể của
đất nước nhưng rất sợ sệt khi gặp công quyền, không dám nói lên suy nghĩ thật
của mình. Để khỏi bị tai bay vạ gió, nhiều công dân từ chối quyền bày tỏ chính
kiến, tham gia xây dựng thể chế nhà nước. Điều này để lại cái họa rất lớn cho
tương lai đất nước vì chính sự rườm rà thì dân chúng khốn khổ.
4. Giải pháp
Chúng ta - những người lên tiếng cho một xã
hội tốt đẹp hơn - cần phải cho công chức thấy rõ trách nhiệm của họ. Họ không
thể nhân danh nhà nước mà quan liêu, gây phiền hà cho dân. Phải cho họ thấy,
việc họ làm cũng như bao ngành nghề khác. Họ phải có tinh thần như một người
làm thuê, họ phải là người phục vụ chứ không phải là người ngồi chễnh chệ trên
chiếc ghế mà dân bỏ tiền ra thuê mướn họ rồi lại phải phục vụ họ. Công dân khi
được mời đi làm việc hãy dũng cảm sử dụng quyền từ chối của mình. Chúng ta yêu
cầu Quốc Hội ra luật qui định “khi công dân được mời đi làm việc để phối hợp
với nhà nước tìm hiểu vụ việc thì công dân phải được bồi thường ngày công theo
thỏa thuận và hành vi khám xét, thanh tra phải được sự chấp nhận của viện kiểm sát.
Trong trường hợp khám xét, thanh tra không thấy lỗi như lệnh khám xét thì phải
bồi thường thỏa đáng cho thiệt hại vật chất và uy tín”
Chúng ta cần khởi xướng một phong trào đòi
quyền bình đẳng cho công dân trước nhà nước. Chúng ta thường nghe từ “bình đẳng”:
“mọi công dân bình đẳng trước pháp luật”, “nam nữ bình đẳng”,... nhưng ít người
để ý đến sự bình đẳng giữa công dân và nhà nước. Trong các loại nô lệ, không có
nô lệ nào nguy hiểm bằng nô lệ với nhà nước. Chúng ta cần kiến nghị Quốc Hội ra
luật một cách rõ ràng, qui định chế độ trách nhiệm cụ thể đối với công chức.
(Dù hiện nay Quốc hội đã ban hành luật “trách nhiệm bồi thường của nhà
nước” nhưng nhiều điều khoản rất khó khăn và bất cập (trong đó có điều khoản
công dân phải chứng minh thiệt hại) làm cho công dân không dễ gì được bồi
thường).
Chúng ta cần tranh đấu để công chức phải bỏ
tiền túi ra bồi thường khi họ sai sót, chấm dứt tình trạng lấy công quỹ (tiền
thuế của dân) ra bồi thường, có như vậy chúng ta mới làm cho công chức trở nên
mẫn cán và diệt được thói vô trách nhiệm, quan liêu của đội ngũ công chức lâu
nay (trong cuộc sống khi bạn được chủ thuê mướn mà làm hỏng việc, gây thiệt hại
thì bạn phải bỏ tiền túi ra bồi thường).
Khi chúng ta bảo đảm quyền bình đẳng giữa
công dân với nhà nước là chúng ta góp phần làm cho cán bộ, nhân viên nhà nước
phải có trách nhiệm với công việc của mình hơn, loại thải những cán bộ công
chức không đáp ứng được công việc, cố chạy chọt để ngồi vào chiếc ghế chỉ nhằm
hưởng lương.
Khi quyền bình đẳng của công dân trước nhà
nước được bảo đảm thì nhà nước pháp quyền được củng cố. Có pháp quyền là có dân
chủ, có dân chủ thì có tự do.
Chúng ta thấy ở các nước văn minh như Đan
Mạch, người dân hoàn toàn thoải mái khi tiếp xúc với nhân viên nhà nước như
cảnh sát, thẩm phán,… thậm chí chuyện gặp Thủ tướng đi làm trên tàu điện ngầm,
dân giơ tay chào là chuyện bình thường. Họ biết rằng công việc của thủ tướng
cũng như bao việc khác. Người dân họ tự tin như vậy là vì họ biết được quyền
bình đẳng giữa công dân và nhà nước. Đấu tranh cho quyền bình đẳng trên cũng là
đấu tranh cho quyền con người.
------------------------------------------
Đọc những bài viết
của KS NGUYỄN VĂN THẠNH TẠI ĐÂY :
No comments:
Post a Comment