Nguyễn Thành
04/02/2013
Làng báo Việt Nam, kể ra cũng có nhiều thông lệ, mà nếu
thoáng thì có thể gọi là “truyền thống”. Đó là truyền thống “mừng Đảng, mừng
xuân” mỗi khi Tết đến, truyền thống họp giao ban với cơ quan tuyên giáo mỗi thứ
ba hàng tuần, hay truyền thống im lặng trước các cuộc biểu tình của dân chúng.
Vài năm trở lại đây, với sự phát triển của báo điện tử,
một “truyền thống” mới đã manh nha xuất hiện, đó là đăng tin ảnh cảnh xả rác và
bức tử ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Dĩ nhiên, không phải đến khi có báo điện
tử thì khung cảnh nhếch nhác này mới xuất hiện trong dịp Tết đến xuân về, mà
thói vô trách nhiệm với cộng đồng cũng đã là một “truyền thống” từ rất lâu của
một bộ phận không thể nói là nhỏ người Việt Nam.
Bất kỳ người Việt Nam nào cũng có thể từng chứng kiến
cảnh người dân bên đường hắt cả chậu nước bẩn ra đường, thậm chí nhiều người
từng hứng phải cả chậu nước đó cùng với sự bực bội. Dọc đường đi, xác suất bắt
gặp một vài con chuột thối là không hề nhỏ, và rác rưởi thì có ở bất cứ góc phố
nào. Không phải chỉ riêng dịp tiễn ông Táo lên chầu trời người ta mới thấy
những dòng sông, mặt hồ ngập rác, mà sau những đêm Giáng sinh, giao thừa hay lễ
hội, thứ dễ thấy nhất ở các địa điểm tổ chức là… rác. Rất nhiều rác.
Trên thực tế, hình ảnh đó còn mang tính biểu tượng cho
đời sống văn hóa mà người Việt Nam hiện nay, rằng chúng ta đang thực sự ngụp
lặn trong một bãi rác về tinh thần, mà thói vô trách nhiệm với cộng đồng là
phần quan trọng của bãi rác đó.
Ngay khi ném một con chuột chết ra đường, chúng ta đã mặc
nhiên gạt sự sạch sẽ của cộng đồng ra khỏi khái niệm về sự sạch sẽ của mình.
Đối với họ, không gian của sự sạch sẽ chỉ tính từ cửa trở vào. Và dường như đối
với phần lớn người Việt Nam, không gian trách nhiệm cũng không đi xa hơn chiếc
then cửa một chút nào.
Có thể nói phong trào biểu tình năm 2011 là một phép thử
làm bộc lộ một cách rõ ràng những khuyết tật cả về tâm lý lẫn tư duy của người
Việt Nam, và giúp cho chúng ta khẳng định một cách rõ nét về không gian trách
nhiệm của họ. Các cuộc tranh luận trên mạng đều đi đến một sự xung đột và bế
tắc, khi thường thấy một bên đưa ra lý lẽ cho rằng: bọn biểu tình là bọn điên,
việc không phải của mình cũng vơ vào. Đồng ý rằng quyết định có đi biểu tình
hay không thuộc về quyền tự do lựa chọn của mỗi người, nhưng sự tấn công người
biểu tình bằng những lý lẽ như vậy không cho phép bất kỳ ai lạc quan về tính có
trách nhiệm của một công dân trước hiện thực của đất nước. Bằng lý lẽ đó, họ
cho rằng chủ quyền quốc gia không phải là việc của họ và không ảnh hưởng gì đến
họ cả. Các cuộc biểu tình năm đó không bao giờ vượt quá vài ngàn người và cuối
cùng bị dập tắt khi chỉ còn một nhúm nhỏ, trong một buổi sáng tháng Tám xấu
trời.
Các vấn đề liên quan đến chính trị cũng là một phép thử
tốt. Thứ lớn nhất mà những cá nhân đứng lên đấu tranh chống tiêu cực trong hệ
thống cơ quan nhà nước là sự cô lập gần như tuyệt đối từ đồng nghiệp, sự lên án
của hầu hết mọi người. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa có thể được vài người tôn vinh,
dăm ba chương trình truyền hình phỏng vấn, nhưng nỗi cay đắng đằng sau sự tôn
vinh đôi khi là giả tạo đó, không phải ai cũng hiểu được và chia sẻ được với
ông.
Đâu đó đằng sau cánh cửa gia đình, người ta nghe thấy các
ông bố bà mẹ răn dạy con cái không được để ý để những chuyện chính trị, và nhất
là không được ho he bất kỳ điều gì trái đường lối, trái “thông lệ”.
Lý lẽ duy nhất của những người đó là: “chính trị không
phải việc của mày, đừng xía vào”; hoặc là: “tất cả những gì mày cần lo là sự
yên ổn của cái nhà này, đừng bao đồng chuyện thiên hạ”,… Sự ích kỷ của con
người đã được nâng lên thành lẽ sống, thành nguyên tắc và thành một chuẩn mực
đạo đức trong không gian đằng sau cảnh cửa đó.
Vượt qua cánh cửa gia đình, tính ích kỷ tiếp tục phát
triển ở quy mô xã hội của nó, trở thành sự ích kỷ của tổ chức, thành chuẩn mực
đạo đức của tổ chức. Lấy đảng cộng sản Việt Nam làm ví dụ. Tổ chức này thâu tóm
vào tay mình tất cả quyền lực nhà nước, tất cả đất đai của người dân, và tước
đoạt không gian tự do của xã hội cho riêng mình.
Công lao rõ ràng của đảng cộng sản trong việc giành được
độc lập dân tộc, trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ không thể làm mờ đi sự ích kỷ
có tính chất băng đảng của họ. Họ biến tổ chức của mình thành một ngôi đền
thiêng bất khả xâm phạm, nơi cũng có một cánh cửa và đằng sau cánh cửa đó người
ta dạy nhau cách đạp lên trên tất cả để giữ vững quyền lợi của mình. Để đạt
được điều đó, họ sẵn sàng đấu tố các văn sĩ Nhân văn – Giai phẩm, bắt bớ hàng
trăm người trong vụ án xét lại hồi cuối những năm 1960, trù dập Bí thư Kim Ngọc
và phương thức làm ăn cá thể ở Vĩnh Phú, bức tử toàn bộ nền kinh tế thị trường
của miền Nam sau năm 1975, cho đến khi cảm thấy như chết đuối đến nơi thì họ
mới chịu nhường dần lại cho người dân cái quyền tự do kinh doanh kể từ Đổi Mới
năm 1986.
Suốt gần 30 năm “Đổi Mới”, dù biết rõ mười mươi rằng
doanh nghiệp nhà nước sẽ chết thảm, họ vẫn cố duy trì để bảo toàn lợi ích của
mình. Họ thậm chí còn phát triển sự ích kỷ lên đến đỉnh cao bằng các tập đoàn
kinh tế nhà nước từ năm 2006, bất chấp mọi nguyên lý kinh tế và mọi lời can
ngăn. Họ không cần biết những tập đoàn này mang lại những gì cho xã hội, chỉ
biết rằng đó là nơi mang lại cho họ cơ hội chưa bao giờ lớn hơn để bòn rút tiền
chùa. Cán bộ nhỏ thì mua được xe, xây được nhà ở tỉnh, cán bộ to thì tậu biệt
thự ở thủ đô, còn cán bộ to nhất thì… thật khó tưởng tượng được.
Chúng ta đang có một bộ máy hành chính mà ở đó, các cán
bộ, công chức, viên chức, hầu như chỉ lo vun vén cho riêng mình, thay vì trở
thành “công bộc” của dân như họ tự nhận. Điều này không có gì hơn là tính ích
kỷ và thói vô trách nhiệm với cộng đồng, vốn có cùng bản chất với hành vi xả
rác, xét ở một khía cạnh nào đấy.
Tính ích kỷ và vô trách nhiệm, nếu chỉ có ở một nhóm nhỏ
thì chưa phải là vấn đề, nhưng khi đã trở nên phổ biến đến mức có thể gọi là
những “chuẩn mực đạo đức” mới, nguyên tắc hành xử mới, thành một phần của văn
hóa, thì sẽ là một thảm họa cho đất nước. Trong tác phẩm “Tổ quốc ăn năn”, ông
Nguyễn Gia Kiểng cho rằng vấn đề phát triển của một dân tộc không phụ thuộc vào
tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý hay cái gì khác, ngoài văn hóa. Tính ích
kỷ và thói vô trách nhiệm với cộng đồng đang cấu thành văn hóa của chúng ta, làm
cho văn hóa của chúng ta tồi đi và cản trở sự phát triển của dân tộc. Nếu chừng
nào người Việt Nam còn coi việc vứt chuột chết ra đường là chuyện bình thường,
thì việc bụi bẩn từ xác con chuột bay trở lại vào nhà cũng vẫn là chuyện bình
thường. Xã hội sẽ suy vong đến tận căn cốt của gia đình và không ai còn nói đến
tổ quốc nữa.
Ngày 23 tháng Chạp, ông Táo đã bị bức tử ở các dòng sông
và không còn ai báo cáo với Ngọc Hoàng về những thói hư tật xấu của xã hội nữa.
Sự suy thoái về văn hóa trở thành sự bế tắc của dân tộc.
Nguyễn Thành
No comments:
Post a Comment