Nguyễn Hồng Hải, Trường Đại Học Queensland
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
Thứ
Hai, 04/02/2013
Sự tồn tại của xã hội dân sự và những hoạt
động đầy mầu sắc của nó đã góp phần vào quá trình phát triển và dân chủ hoá ở
quốc gia này.
Liệu có tồn tại một nền xã hội dân sự ở
Việt Nam? Liệu Việt Nam có phải đang dân chủ hoá? Câu hỏi này cần được trả lời
trong bối cảnh người ta đang nghi ngờ, thậm chí chối bỏ sự tồn tại của một nền
xã hội dân sự đang hoạt động và một tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam.
Xã hội dân sự được định nghĩa một cách rộng
rãi như là một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ, không tính tới các tổ chức
dạng câu lạc bộ thể thao tự phát, các viện nghiên cứu và nhóm chuyên gia (think
tank). Các tổ chức phi chính phủ trong tình huống này thường được gọi là các
hiệp hội hay tổ chức xã hội. Nguyên lý cơ bản của xã hội là nó độc lập với nhà
nước về mọi mặt - nó không chịu sự kiểm soát và ảnh hưởng của nhà nước theo bất
kỳ hình thức nào. Chỉ khi nào nguyên lý này được đảm bảo thì xã hội dân sự mới
có thể đóng vai trò phản biện đối với các chính sách công một cách hiệu quả và
không bị giới hạn.
Sự kiểm soát của nhà nước, và sự hạn chế
đối với các tổ chức xã hội ở Việt Nam khiến nhiều người nghĩ rằng xã hội dân sự
không tồn tại ở đây. Ở Việt Nam, câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Các tổ chức xã
hội ở Việt Nam có thể được chia thành hai nhóm: Nhóm thuộc chính phủ và nhóm phi chính phủ (NGO) giả hiệu.
Nhóm tổ chức xã hội thuộc chính phủ bao gồm
những tổ chức được tài trợ hay điều hành bởi Đảng CSVN, hoặc không được tài trợ
nhưng được điều hành bởi Đảng CSVN. Có 6 tổ chức xã hội thuộc chính phủ hoạt
động chặt chẽ với Đảng CS: Mặt trận Tổ Quốc, Hội Nông Dân, Hội Phụ Nữ, Liên
Đoàn Lao Động, Đoàn Thanh Niên Hồ Chí Minh, và Hội Cựu Chiến Binh. Ngoài ra còn
có thêm hai hiệp hội quốc gia: Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật và Liên Hiệp
các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật (VUSTA), nơi có hàng ngàn thành viên ở khắp mọi
miền đất nước. Và trong số các tổ chức xã hội thuộc chính phủ này còn có các
hiệp hội chuyên môn như Hội Nhà Báo hay Hội Khoa học Kinh Tế Việt Nam (Vietnam
Economic Association).
Nhóm thứ hai, nhóm phi chính phủ giả hiệu,
đại diện bởi các tổ chức buộc phải đăng ký với chính phủ dưới sự bảo trợ của
VUSTA. Những tổ chức này tự phong mình danh hiệu "phi chính phủ",
hoạt động theo những sáng kiến và nguồn tài trợ riêng mà không có sự can thiệp
hay ảnh hưởng của nhà nước.
Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức phi
chính phủ kiểu này nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan an ninh chính
phủ. Do đó họ rất thận trọng khi đưa ra các chỉ trích, nếu có, chống lại chính
phủ. Một dự án lập pháp để phát triển luật cho phép các tổ chức xã hội được tồn
tại mà không chịu sự kiểm soát của chính quyền ở Việt Nam đang bị đình hoãn,
bởi chính phủ lo ngại luật này sẽ trói chân trói tay họ khi họ không cho các tổ
chức độc lập hoạt động.
Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của
các mạng xã hội như Twitter, Facebook và blogs, các công dân Việt Nam đã được
cập nhật thông tin và tham gia vào các công việc chung nhiều hơn, và họ sẵn sàng
thách thức tính chính danh của chính quyền, và hơn hết là sự độc tài quyền lực
của Đảng CSVN. Các công dân mạng đã ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt
động như kêu gọi biểu tình hay tố cáo tham nhũng, khiến nhiều người tin rằng xã
hội dân sự đã tồn tại và dân chủ hoá đang xảy ra ở đất nước này. Tuy nhiên, các
lý thuyết gia dân chủ tự do sẽ không lạc quan như thế. Có một số các điều kiện
là cần thiết, mặc dầu có thể chưa đủ, để xã hội dân sự hoạt động và tiến trình
dân chủ hoá xảy ra, như tự do lập hội, tự do ngôn luận, và báo chí độc lập.
Thật không may, đa phần các lý thuyết gia về xã hội dân sự và dân chú hoá đều
đồng ý rằng những điều kiện này còn thiếu ở Việt Nam. Trên thực tế, sự tồn tại
của mạng lưới các tổ chức xã hội và sự hoạt động tích cực của các công dân mạng
có thể được coi như là vốn xã hội, điều thực sự cần thiết cho dân chủ hoá khi
các điều kiện nói trên tồn tại.
Người ta không thể quá lạc quan về sự tồn
tại của xã hội dân sự và tiến trình dân chủ hoá đang diễn ra ở Việt Nam. Nhưng
rõ ràng có một nền tảng để thay đổi. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian.
Nguyễn Hồng Hải đang nghiên cứu lấy bằng
tiến sĩ tại Trường Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội và Quốc Tế, Đại học Queensland.
No comments:
Post a Comment