Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa,
RFA
2013-02-20
2013-02-20
Vì
địa dư hình thể lẫn lịch sử, Miến Điện nằm giữa ảnh hưởng của hai nước láng
giềng cực lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về sự xoay trở
của dân Miến để tự dân chủ hóa ở bên trong và đồng thời ứng xử với hai nước
láng giềng ở bên ngoài. Chúng ta cùng theo dõi hồ sơ này qua cuộc trao đổi do
Vũ Hoàng thực hiện sau đây với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
So sánh giữa Miến với VN
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông
Nghĩa. Thưa ông, kỳ này chúng ta thử phân tích yếu tố ý thức hệ trong quan hệ
kinh tế giữa các quốc gia và chú ý đến trường hợp Miến Điện, một nước đang tự
chuyển hóa sang chế độ dân chủ ở bên trong, mà với bên ngoài thì phải xoay trở
giữa hai nước láng giềng có nhiều ảnh hưởng là Trung Quốc và Ấn Độ. Như mọi
khi, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh là từ kinh nghiệm đó của Miến Điện mà suy
ngẫm ra cách xử thế của Việt Nam dưới một chế độ độc tài ở bên cạnh Trung Quốc.
Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là
ta có thể rút tỉa được nhiều điều bổ ích cho Việt Nam nhất là nếu thấy ra khó
khăn muôn mặt của Miến Điện nếu so với hoàn cảnh của Việt Nam. Như thông lệ,
chúng ta sẽ nói về bối cảnh trước để thấy ra từng bài toán cụ thể của Miến Điện
và lối tính toán của các nước láng giềng.
Về
Miến Điện thì từ xa xưa, xứ này từng là cường quốc giàu mạnh của Đông Nam Á hơn
hẳn nước Đại Việt của ta, nhưng rồi họ bị Đế quốc Anh cai trị từ năm 1886 đến
1948 – cũng tựa Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp. Di sản của Đế quốc Anh có
nhiều mặt tiêu cực mà cũng có điều tích cực nhưng bài toán lớn nhất là sắc tộc
đa số là dân Miến chỉ đảm nhiệm vai trò hành chính và chính trị, mà không được
tham gia vào quân đội, vốn được người Anh trao cho các sắc dân thiểu số.
Sau
khi giành lại độc lập từ năm 1948, Miến Điện trở thành thịnh vượng nhất nhì
Đông Nam Á và từng có công dân làm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là ông U Thant,
từ 1961 đến 1971. Nhưng họ gặp nhiều vấn đề an ninh bên trong để thống nhất
lãnh thổ và hội nhập các sắc tộc vào một quốc gia. Thật ra, Việt Nam không gặp
bài toán an ninh ấy, nhưng lại tự gây cho mình trong tiến trình đấu tranh giành
lại độc lập và tụt hậu vào quỹ đạo Trung Quốc.
Từ
năm 1962, Miến Điện bị ách độc tài quân phiệt một phần cũng vì bản năng bảo vệ
sự thống nhất lãnh thổ của dân Miến. Đã vậy, họ còn bị tai họa thứ nhì là chế
độ độc tài ngả theo xã hội chủ nghĩa làm xứ sở bần cùng và rơi vào vòng tay
Trung Quốc. Vì nạn độc tài, Miến Điện càng bị thế giới cô lập từ năm 1988 lại
càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Ngày
nay, cùng tiến trình dân chủ hóa, xứ này đang tìm lại một quan hệ đa diện và
cân bằng hơn với các nước trong khi vẫn phải giải quyết bài toán an ninh vì gần
phân nửa lãnh thổ tại miền Bắc và miền Đông hiện do các sắc tộc thiểu số chi
phối trên vùng núi rừng hiểm trở tiếp giáp với Ấn Độ và Trung Quốc. Nói vắn
tắt, hoàn cảnh của họ còn khó khăn gấp bội nếu so với Việt Nam.
Vũ Hoàng: Ông thường lấy địa
dư hình thể làm cơ sở phân tích các bài toán cơ bản và lâu dài của từng cộng
đồng quốc gia. Trường hợp của Miến Điện là thế nào nếu so sánh với Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Về địa dư lẫn văn
hóa, Miến Điện mới thật là một nước Ấn-Hoa "Indochina" vì nằm giữa
hai đại cường Á Châu là Ấn Độ và Trung Hoa, trên Vịnh Bengale nối liền Ấn Độ
dương với Thái Bình dương qua eo biển Malacca là dòng hải lưu sinh tử cho cả
Đông Nam Á. Trong lịch sử, Trung Hoa đời nhà Nguyên đã bành trướng vào xứ này
khi vượt qua rặng núi Hoành Đoạn. Thời cận đại, Đế quốc Anh đẩy mạnh việc
"Ấn hóa" xứ này để bảo vệ quyền lợi của họ tại Ấn Độ nên thương nhân
người Ấn đã giữ vị trí trọng yếu trong kinh tế Miến Điện.
Nhìn
vào hiện tại, lãnh thổ Miến rộng gấp đôi mà với dân số chỉ bằng hai phần ba
Việt Nam, ngày nay là 60 triệu người. Miến Điện là kho tài nguyên khoáng sản
chưa khai thác hết gồm có dầu, khí, than, thiếc, đồng, uranium lẫn ngọc và gỗ
quý cùng tiềm năng lớn về thủy điện nhờ địa dư đầy núi rừng và thác nước. Thời
loạn mà ta có ngọc trong nhà thì rất dễ bị đạo tặc nhòm ngó!
Cho
nên địa dư hình thể ấy cũng bị nhiều tai ách. Thứ nhất, ngoài kho tài nguyên
đáng chú ý, lãnh thổ Miến còn là ngả thông thương từ các tỉnh bị khóa trong lục
địa Trung Quốc với Vịnh Bengale mà khỏi qua eo biển Malacca. Thứ hai, lãnh thổ
Miến cũng giải quyết bài toán sinh tử cho Ấn Độ là khai thông và phát triển tám
tiểu bang trên vùng Đông Bắc mà khỏi bị nghẽn ở hiểm lộ Siliguri rộng có 50 cây
số giữa bang Tây Bengale của Ấn với xứ Bangladesh. Thứ ba, cả một khu vực rộng
lớn ở miền Đông và miền Bắc của Miến còn là nơi sinh hoạt và hùng cứ của nhiều sắc
tộc thiểu số được các lân bang yểm trợ để gây sức ép với chính quyền.
Trở ngại của Trung Quốc
Vũ Hoàng: Nói về sức ép đó,
thưa ông trước hết là từ Trung Quốc, Bắc Kinh muốn những gì và làm những gì tại
Miến Điện?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lãnh đạo Trung Quốc
là những người thực dụng và cái gọi là ý thức hệ cộng sản chỉ là chiêu bài mà
thôi, những ai hiểu lầm tại Hà Nội thì ráng mà chịu!
Về
động lực, Bắc Kinh nhìn ra hai mối lợi kinh tế từ Miến Điện là tài nguyên thiên
nhiên có thể bổ sung cho sự khan hiếm của họ và là đường giao thông qua Ấn Độ
dương sang đến Trung Đông và Đông hải. Về tính thực dụng thì Bắc Kinh đã từng
cắt hẳn viện trợ cho các nhóm phiến quân Miến Điện theo hu xướng Mao Trạch Đông
hay "Mao-ít", để bình thường hóa quan hệ với chế độ quân phiệt Miến,
nhất là khi chế độ này bị thế giới tẩy chay.
Ban
đầu, khi bành trướng ảnh hưởng, Bắc Kinh tiến vào Miến Điện qua ba ngả. Đó là
củng cố quan hệ với chế độ quân phiệt ở trung ương mà vẫn giao kết với các lực
lượng thiểu số vốn đã có liên hệ lâu đời về văn hóa, sắc tộc và cả kinh tế với
nhiều tỉnh của Trung Quốc. Và thứ ba là tiếp tục đối thoại với các tổ chức đối
lập, kể cả Liên đoàn Dân chủ. Nhưng, từ hai chục năm nay, khi chế độ quân phiệt
bị cô lập hóa thì họ hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc nên Bắc Kinh có thể đảm
bảo quyền lợi của mình với một đối tác duy nhất là chính quyền độc tài ở thủ đô
Naypyidaw. Đã đành rằng Bắc Kinh khỏi nói chuyện với xu hướng dân chủ tại Miến,
họ cũng khỏi cần yểm trợ các nhóm võ trang thiểu số để gây khó cho chế độ quân
phiệt.
Vũ Hoàng: Thế rồi khi Miến
Điện chuyển hóa từ hai năm nay thì tình hình thay đổi ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi Miến Điện tiến
vào một thể chế đa nguyên hơn với nhiều trung tâm có ảnh hưởng về chính trị thì
Bắc Kinh lâm thế kẹt và họ cũng đang phải chuyển hướng.
Người
ta có thể thấy ra nỗi khó của Trung Quốc khi hai dự án lớn của họ tại Miến Điện
đã bị phản đối từ bên trong. Trước hết, dự án xây đập Myitsone tại bang Kachin
ở vùng Đông Bắc bị chính quyền Miến đình chỉ từ Tháng Chín năm 2011 sau khi bị
dân thiểu số Kachin, các nhóm bảo vệ môi sinh lẫn đối lập chính trị vận động
phản bác, mỗi lực lượng vì một lý do riêng. Thứ hai là dự án liên doanh Hoa-Ấn
cùng khai thác mỏ đồng Latpadaungtaung bị chống đối và bà Aung San Suu Kyi hiện
đang là chủ tịch một ủy ban do Quốc hội lập ra để điều tra về dự án này.
Xưa
nay, Bắc Kinh nắm gọn chế độ quân phiệt nên dễ thao túng. Từ khi Miến Điện
chuyển dần qua chế độ dân chủ thì Trung Quốc gặp trở ngại. Đây là ta chưa nói
đến ảnh hưởng của quốc tế, của truyền thông hay các nước Anh, Mỹ, Nhật và Ấn
Độ. Ra khỏi nạn độc tài, Miến Điện hết bị cô lập thì có nhiều cách ứng phó hơn
trước để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ảnh hưởng từ Ấn Độ
Vũ Hoàng: Bước qua hoàn cảnh
của Ấn Độ, thưa ông, chính quyền Ấn đã tác động như thế nào vào kinh tế Miến
Điện?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên là Ấn
Độ có ảnh hưởng văn hóa và tôn giáo từ đã lâu tại Miến Điện. Thời thuộc địa,
ảnh hưởng đó được củng cố thêm về kinh tế với ba triệu dân Ấn đang làm ăn phát
đạt ở nơi đây. Sau thời độc lập, Ấn Độ duy trì chế độ dân chủ đa nguyên trong
một xã hội đa văn hoá và đa chủng tộc dù có bị khủng bố phá hoại. Chế độ ấy
khiến Ấn Độ tôn trọng luật lệ và quan tâm đến dư luận chứ không ngang ngược như
Trung Quốc. Nhưng hoàn cảnh ấy khiến họ bị trở ngại khi bành trướng ảnh hưởng,
mà cũng có nhiều lợi thế khác ta rất cần chú ý.
Sau
khi từ bỏ chế độ tập trung quản lý để ngả theo kinh tế thị trường từ 20 năm
nay, Ấn Độ phát triển khá nhanh và cũng cần tài nguyên và vị trí địa dư của
Miến. Từ năm 2006 đến nay, họ xúc tiến rất nhiều dự án thủy điện, dầu thô, khí
đốt và xây dựng hạ tầng vận chuyển tại đây, điển hình là dự án đa năng Kaladan,
gọi tắt là KMMT, nối liền cảng Kolkata của Ấn với cảng Sittwee của Miến qua
cảng Chittagong của xứ Bangladesh.
Khởi
công từ năm 2011, dự án quy mô này nhắm vào mục tiêu năng lượng lẫn vận tải, cả
hàng hải lẫn lộ vận, nhưng qua nhiều giai đoạn khá phức tạp như vét bùn và tân
trang hải cảng Sittwee của Miến, khai thông sông Kalamantan cho các giang
thuyền và xây xa lộ, v.v... Dọc đường họ bị Trung Quốc cạnh tranh và lấy mất
nhiều công đoạn, kể cả trúng thầu dự án khí đốt tại trung tâm dầu khí lớn nhất
của Miến để đưa khí đốt về Vân Nam thay vì qua Bangladesh về Ấn Độ....
Vũ Hoàng: Thưa ông, nếu có
một tấm bản đồ thì ta thấy rằng Miến Điện tiếp giáp với hai nước đông dân nhất
và có ảnh hưởng văn hóa sâu đậm nhất là Ấn Độ ở hướng Tây-Bắc và Trung Quốc ở
hướng Đông-Bắc. Ngày nay, hai cường quốc này đang ráo riết cạnh tranh với nhau
để bảo vệ quyền lợi kinh tế lẫn an ninh chiến lược của họ tại Miến Điện. Nếu
Trung Quốc có thể chi phối và mua chuộc lãnh đạo Miến thì Ấn Độ lại bị bất lợi
khi phải tôn trọng luật chơi quốc tế. Như vậy, đâu là lợi thế của Ấn Độ và nhất
là của Miến Điện?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ấn Độ có lợi thế
quốc tế khi các nước khác cũng tìm vào Miến Điện theo nhịp độ dân chủ hóa của
xứ này, như Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu. Lợi thế của Ấn mạnh
hay yếu còn tùy vào khả năng cải thiện hạ tầng vận chuyển và kinh doanh của Ấn
Độ và nhất là mối lo của nhiều quốc gia về sự bành trướng của Trung Quốc.
Phần
mình, lợi thế của Miến Điện chính là khả năng can thiệp và lên tiếng của người
dân về những gì có lợi cho họ mà các nước khác không thể gạt qua một bên để chỉ
ăn chia với thiểu số cầm quyền ở trên. Chuyện này gợi nhớ đến ngụ ngôn của
Trang Tử trong bộ Nam Hoa Kinh.
Một
ông phú hộ đó nhét hết của cải vào trong cái rương và đóng đai cho chặt ở bên
ngoài. Khi kẻ trộm lẻn vào thì chỉ ôm lấy cái rương là được hết và còn thầm
mừng là cái đai ấy không bị bung! Ý nghĩa của ngụ ngôn là chế độ độc tài đóng
đai cả nước và trao trọn gói cho phường đạo tặc mà người dân chẳng thể phản đối
gì được. Nếu người Việt được biết rõ về từng dự án của Trung Quốc tại Việt Nam
thì may ra xứ này sẽ khá hơn Miến Điện. Chúng ta còn nhiều cơ hội tìm hiểu thêm
về sự chuyển hóa của Miến Điện vì sẽ học được nhiều kinh nghiệm lắm....
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông
Nghĩa về phần phân tích và thí dụ rất thấm thía này.
No comments:
Post a Comment