Đoàn Nam
Sinh
21-2-2013
Đọc
trên nhiều trang báo Tết, thấy nói rằng “ý thức dân thủ đô hay
giẫm hoa bẻ cành” trong những lần tổ chức phố hoa, nên đường hoa Xuân quanh Hồ
Gươm tuy rộn ràng đào quất nhưng Hà Nội đã chọn sự bình lặng, êm ả. So với Sài
Gòn xưa nay chẳng ai bẻ hoa, cướp hoa hay giẫm đạp lên hoa trên đường hoa Xuân;
càng khó giải thích hơn với hàng dăm ba cây số toàn trồng hoa hồng trên đường
phố Đà Lạt mà quanh năm chẳng ai xâm phạm.
Báo
Tết cũng nhắc đến việc hái lộc “trụi lủi” cây cối ở đền chùa, ngân hàng, kho
bạc dịp xuân sang. Đây là một tệ nạn nặng mê tín từ thời Bắc thuộc do đồng âm
dị nghĩa, nhưng người dân vẫn tin chồi non/ lộc biếc của cây cối là Lộc, nên ra
sức cưa cành đẵn nhánh vặt trụi chồi non để “rước lộc” về bàn thờ tổ tiên. Từ
năm 1126 nhà Lý đã ra chiếu chỉ cấm chặt cây cối trong mùa xuân, nhưng nay thì
tệ này lan vào Nam đến nỗi các sư phải truyền giảng rằng trên những cây lá
quanh đền chùa đầy những oan hồn uổng tử, rước về chi thêm họa. Viện Nghiên cứu
ứng dụng tiềm năng con người cũng lên tiếng về tệ hái lộc đầu năm là… phải tội.
Đài
truyền hình ANTV dựng một đoạn phim về tệ trang hái hoa trong nhiều công viên
tặng bạn gái của một đôi nam nữ giả trang, đã chỉ nhận được sự tức tối từ một
người khách Phi và những người già từ thế kỷ trước, còn lại là sự vô tâm, thản
nhiên.
Một
bài báo giật tít: Xả rác nơi công cộng – “cha chung không ai khóc”
cho thấy dù có đầu tư hàng ngìn tỉ đồng vẫn không thể xử lý được tệ trạng này
nếu… thiếu thiết chế.
Một
báo lớn khác lại nêu: Lãnh đạo Hà Nội xấu hổ khi dân vất rác ra đường, ngay cả
khi đang di chuyển bằng các phương tiện xe hơi, xe đạp,… Bài báo đưa hình ảnh
những doanh nhân Nhật đi nhặt rác quanh Hồ Gươm, và nhắc tới việc thủ đô đang
vận động người dân không chửi tục, khạc nhổ nơi công cộng.
Một
thứ rác rưởi khác cũng được hàng loạt báo trung ương nêu lên là tệ trang “phở
quát, cháo chửi” hay “nói ngọng, viết sai chính tả”,… đã được “vất” vào môi
trường giáo dục hay các phương tiện truyền thông như báo đài. Chưa kể đến các
loại rác thông tin cướp giết hiếp hay văng tục chửi bẩn trên cả không gian
mạng.
Tình
trạng đua xe gây mất trật tự – do ồn ào và nguy hiểm – cũng như việc lạm dụng
kèn hơi, không hãm thanh lại còn khuếch đại, lạng lách đánh đu trên đường công
cộng đã thải ra loại rác âm thanh, rác khói bụi và cả những thứ rác bẩn của
“luật pháp lỏng lẻo”.
Những
tệ nạn trên đang lan tràn ra khắp nơi, gây nên mối lo lắng cho toàn xã hội, mà
nguyên nhân chỉ được hiểu như sự suy sút về ý thức, sự bất cập về trình độ văn
hóa, ứng xử,… nên chính quyền chưa thể tìm được phương cách xử trí phù hợp. Có
phải thế không, sau bao nhiêu nỗ lực trong hàng chục năm qua mà tệ nạn nào cũng
tỏ ra “lờn thuốc”, ngày càng “bất trị” và “liên tục phát triển”?
Chỉ
xét về văn hóa, Giáo sư Phan Ngọc đã chỉ rõ, khi bị buộc phải đánh mất thân
phận của mình trong mối quan hệ dòng họ, làng xã để trở thành thị dân trong mối
quan hệ mới, tổ dân phố, tổ đảng, tổ hưu,… họ đã đánh mất tạm thời cái bản sắc
văn hóa cố hữu mà chỉ xuất trình sự nanh nọc để tồn tại. Do đó phải mất vài thế
hệ nữa với một thiết chế đô thị văn minh, một cộng đồng văn hóa tiên tiến mới
mong chuyển đổi dần hàng triệu cư dân ngoại thành, mà ta thường gọi là “người
thủ đô có cái sân phơi” hay “người Hà Nội đun rơm” thành thị dân. Nhưng gốc của
vấn đề như vẫn chưa đạt tới là nguyên nhân từ đâu, lúc nào; từ nông thôn hay
thành thị?
Ai
cũng có thể nhận ra rằng chỉ từ khi áp đặt cuộc thực nghiệm xã hội cách mạng,
tập thể hóa tư liệu sản xuất, công hữu hóa tài nguyên quốc gia là mọi sự đã dẫn
đến mất ổn định. Chỉ nêu lên những điểm lớn đáng chú ý là rừng điêu tàn; nguồn
nước cạn kiệt, ô nhiễm; đất đai mất dần sự phì nhiêu; thiết chế đô thị lẫn nông
thôn lộn xộn; văn hóa giáo dục xuống cấp; an ninh trật tự ngày một kém hơn… Tại
sao?
Có
thể nói rằng học thuyết của Mác chính là việc vận dụng những quy luât sinh học
vào xã hội loài người. Khi C. R. Darwin nêu lên cơ chế tiến hóa của sinh giới
là đấu tranh sinh học với các quy luật chọn lọc tự nhiên, thì Mác cho rằng cơ
chế tiến hóa của xã hội loài người là đấu tranh giai cấp và chọn lọc “nhân
tạo”.
Khá
lâu sau đó, sinh học mới tìm ra được một quy luật thực nghiệm về di truyền quần
thể, rằng khi sức ép chọn lọc lên quần thể nhằm loại đi một kiểu gien nào thì
quần thể sẽ có cơ chế đề kháng để bảo vệ nguồn gien đó, vì cần thiết dự trữ
những khả năng thích nghi lâu dài nhằm bảo tồn quần thể. Ví dụ như khi áp lực
môi trường chọn ra kiểu gien ít lông để thích nghi với điều kiện nóng ẩm, thì
tiềm tàng trong hệ gien của quần thể vẫn còn lưu giữ gien nhiều lông. Ngộ nhỡ
môi trường biến đổi đột ngột sang lạnh giá thì loài ấy sẽ còn cơ hội tồn tại.
Nhưng
mãi đến những năm 50 của thế kỷ trước, những người Mác-xít thật sự trí tuệ như
A. Camus đã trình ra tiểu luận Con người phản kháng (L’homme révolté),
chỉ rõ ra quy luật của xã hội của con người là sự phản kháng lại mọi áp lực áp
đặt lên con người đang sống/ hiện sinh. Con người không thể hy sinh đời mình
cho một xã hội tương lai còn chưa xác định. Và người đồng chí cũ của ông, triết
gia J.-P. Sartre đã đưa ra một ví dụ minh họa sự phản kháng tiêu cực, là khi
nền kinh tế chỉ huy ra kế hoạch sản xuất đinh bằng đơn vị trọng lượng thì các
nhà máy sản xuất đinh to; khi tính bằng đơn vị đếm thì các nhà máy sản xuất
đinh nhỏ. Sự bất cập đó lan tràn đến mức các bài toán cân đối liên ngành trong
khối cộng sản trước đây đều không thực tế, dẫn đến bản thân nền kinh tế hàm
chứa sự suy sút và khập khiễng.
Nhằm
chống lại sự phản kháng xã hội, Đảng cầm quyền hô hào chống chủ nghĩa cá nhân
và tăng cường chuyên chính, tức đe dọa và đàn áp. Song le, như ở nước ta người
dân lại nằm lòng câu nói “mất gì của nhà mình”, nghĩa là sẵn sàng thủ đắc cái
phần không phải của mình – phần của tập thể, của Nhà nước sở hữu.
Rõ
ràng là từ khi có pháp lệnh xác định rừng là tài sản toàn dân do nhà nước quản
lý, bảo vệ thì bà con các dân tộc thiểu số vốn gắn mình với rừng từ ngàn đời đã
quay lưng lại với rừng, không ai còn muốn tôn tạo rừng mà chỉ ra sức bòn vét,
tận diệt theo vết xe của “nhà nước”. Nguồn nước và đất đai cũng vậy, do của “ai
đó” không rõ nên người dân không thiết đến bồi bổ mà chỉ bóc lột, mặc dù cha
ông họ bao đời khai thác và gìn giữ nhưng nay họ chẳng còn quyền gì ngoài việc
đi mướn lại và sử dụng tạm thời.
Khi
chung quanh họ, cả đất nước, ánh sáng và không khí cũng của nhà nước – theo
quan niệm của Mác, chẳng có gì của nhà mình thì lòng yêu nước thương nòi cũng
chẳng còn sự vững bền. Mặc nhiên như TBT Nguyễn Phú Trọng đã lo lắng: tuổi trẻ
vô cảm với xã hội. Hay nói khác đi, những gì khơi gợi cho tuổi trẻ gầy dựng tình
cảm sâu nặng với xã hội đương thời đều đã được “nhà nước” độc chiếm từ lâu.
Ai
cũng thấy của công – tiền thuế của nhân dân – bị mất đi hàng nhiều tỉ đô la
nhưng không ai nhận tội thì việc gì họ phải bảo vệ những thứ tiểu tiết. Khi
toàn bộ hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ
thuật,… đều được Đảng tổ chức lãnh đạo toàn diện thì sự xuống cấp hiển nhiên do
cả quá trình lâu dài chọn lọc “nhân tạo” phi khoa học, trái tự nhiên,… là không
tránh khỏi. Điều đau lòng là con em “lãnh đạo”, những kẻ được chọn lọc ưu tiên,
những người có tiền, đều được lo liệu đưa đi “tỵ nạn giáo dục” ở các nước tiên
tiến, bỏ mặc con em nhà thứ dân không mong có được tương lai do nền giáo dục
quốc gia chưa thấy lối thoát.
Bài
viết này, ngoài ý muốn tìm cách lý giải, còn là một cách ghi tên ủng hộ dự thảo
tu chính hiến pháp của những nhà trí thức, vì thiết tha mong muốn có được sự
chỉnh trang toàn diện đất nước trước sự suy sụp về kinh tế và suy đồi văn hóa
đạo đức hiện nay.
Sài
Gòn, ngày 20 tháng 2 năm 2013
Đ. N. S.
Tác
giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment